Sao Việt bị đạo nhạc là tất yếu?

Sao Việt bị đạo nhạc là tất yếu?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Ở Việt Nam, ca sĩ đạo nhạc nước ngoài là chuyện bình thường, sao ngoại chôm nhạc Việt mới là chuyện gây bất ngờ và bức xúc.

Chẳng thế mà mới đây, báo chí và các fan hâm mộ ca sĩ Thủy Tiên ầm ĩ với nghi án ca khúc Chàng trai tháng 12 bị ca sĩ nổi tiếng người Campuchia ăn cắp trắng trợn. Hiện, cộng đồng yêu nhạc Việt đang truyền tay nhau một clip ca nhạc có tên là Chhet SovanPanha - Ngeay Pderm Min Ngeay Banh Chob. Nhiều fan hâm mộ bức xúc vì cho rằng clip này sử dụng 100% giai điệu đến bè phối ca khúc của Thủy Tiên.

Xã hội - Sao Việt bị đạo nhạc là tất yếu?

Món quà tặng vị hôn phu của Thủy Tiên bị ca sĩ nước ngoài ăn cắp?

Tuy nhiên, bản thân ca sĩ Thủy Tiên cũng từng dính nhiều nghi án cóp nhạc của người khác. Trước đó, Chàng trai tháng 12 cũng gặp không ít phiền phức khi bị cho rằng đạo nhạc nền của Sexy Back (Justin Timberlake) và Strong Baby (Seung Ri - Big Bang). Sau đó Thủy Tiên phải lên báo đính chính rằng không đạo nhạc và sự hiểu lầm ở đây chính là việc hai ca khúc gần giống nhau về đoạn beat trống, chứ melody thì hoàn toàn khác nhau. Dù lần này Thủy Tiên ở vai trò người bị hại, nhưng sự thật, ai đạo nhạc của ai thì vẫn chưa có hồi kết.

Bị đạo nhạc cũng vui đấy chứ!

"Hãy nghĩ một cách nhẹ nhàng hơn, Việt Nam sử dụng lại nhạc nước ngoài quá nhiều, nên bây giờ có một ca sĩ nổi tiếng lấy chút ít nhạc Việt Nam đưa vào bài hát của mình thì chúng ta cũng vui vui chứ nhỉ?", nhạc sĩ Đào Trọng Thịnh nói.

Gần đây có nhiều ca khúc của Việt Nam bị ca sĩ nước ngoài đạo được các thành viên trên các diễn đàn âm nhạc phát hiện ra. Điển hình như ca khúc Princess of China của Rihanna và Coldplay trong album Mylo Xyloto có nhiều sự trùng lặp với giai điệu của bài hát Ra ngõ tụng kinh trong album Trần Tiến của Trần Thu Hà. Hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đã có thời gian phải đau đầu vì ca khúc Vầng trăng khóc bị sử dụng một cách bất hợp pháp tại Lào, Thái Lan, Campuchia

Bên cạnh mong muốn đòi lại công bằng cho âm nhạc Việt Nam, có người cho rằng: "Ca sĩ Việt đạo nhạc của người khác thì không sao, nhưng người khác đạo nhạc của mình thì ầm ĩ đòi công bằng". Ngoa hơn, một số ý kiến khẳng định đây là sự quả báo cho nhạc Việt khi trước đây từng có thâm niên "xài chùa" ca khúc ngoại quốc. Chính vì vậy mà nghi vấn của dư luận thường nghiêng về khả năng nhạc Việt đạo nhạc nước ngoài hơn là ngược lại.

Năm ngoái, showbiz Việt được phen muối mặt khi MV "Người ở lại" của ca sĩ Cao Thái Sơn bị báo chí Hàn Quốc tố đạo ý tưởng trắng trợn từ video clip của nam ca sĩ Hàn Quốc Se7en. Từ trường hợp của Cao Thái Sơn, một loạt các ca sĩ, nhóm nhạc trẻ Việt Nam cũng bị điểm mặt chỉ tên vì thường xuyên mượn tạm sáng tạo của nghệ sĩ Hàn Quốc.

Trong thời buổi mà nghệ sĩ trọng tiếng tăm hơn lòng tự trọng, đạo nhạc đã trở thành chiêu trò khá hữu hiệu. Điều đáng nói là nhiều ca sĩ trẻ gây bức xúc vì thái độ vừa ăn cắp, vừa la làng. Những phát ngôn kiểu quanh co, chối tội, đùn đẩy trách nhiệm cho ekip sản xuất hay thản nhiên tuyên bố: "Đó chỉ là sơ suất nhỏ" khiến khán giả bực bội hơn cả việc bị lừa dối bằng những sản phẩm ăn cắp.

Trong khi bản thân ca sĩ Việt còn chưa có ý thức tôn trọng bản quyền, tiếp tục cho ra mắt công chúng những sản phẩm copy dễ dãi và tự tung hô là của mình thì nguy cơ bị người khác đạo lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy trước khi lên tiếng trách móc và đòi kiện cáo, hãy nhìn lại bản thân xem mình có đủ lý lẽ để thuyết phục người khác?

Tác giả phải thật chắc chắn về chứng cứ

Ông Đinh Trung Cẩn, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), khuyến cáo các tác giả phải thật chắc chắn về các chứng cứ của mình trước khi nhờ đến pháp luật. Theo ông Cẩn, để tiến hành khởi kiện, các tác giả trong nước phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh đó là sáng tạo của riêng mình. Đây là điều không dễ dàng đối với lĩnh vực sáng tác, nhất là âm nhạc bởi trong bối cảnh hiện tại, sự ảnh hưởng nhau, học hỏi nhau là đương nhiên và được chấp nhận. Trong khi đó chi phí để theo đuổi vụ kiện không nhỏ.

Hải Đường