Sau bài văn

Sau bài văn "dị", nhà trường "né" báo chí?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Trong khi dư luận đang cần một lời giải thích xác đáng thì trường THPT Lomonoxop lại lẩn tránh báo chí một cách khó hiểu.

Mấy ngày qua, nhiều bậc phụ huynh đang "phát sốt" khi biết thông tin học sinh lớp 7A10 trường THPT Lomonoxop (Hà Nội) vô tư viết: "Tiếng chuông Trấn Vũ" là nét đẹp tôn trọng thờ kính tổ tiên, còn "canh gà Thọ Xương" là món canh gà ở hồ Tây nhưng vẫn được điểm cao.

Xã hội - Sau bài văn 'dị', nhà trường 'né' báo chí?

Trường PTTH Lomonoxop, Từ Liêm, Hà Nội

Sai kiến thức vẫn được điểm cao

Trước đó, một phụ huynh có con học tại lớp 7A10 trường THPT Lomonoxop chia sẻ với PV Người đưa tin về thông tin kiến thức mà con em họ đã được cô dạy trên lớp. Theo đó, trong bài kiểm tra, học sinh đã viết sai kiến thức, khi cho rằng, "tiếng chuông Trấn Vũ" là nét đẹp tôn trọng thờ kính tổ tiên, còn "canh gà Thọ Xương" là món canh gà ở hồ Tây. Thế nhưng, cô giáo vẫn cho điểm cao với lời phê: "Có ý thức làm bài. Song cần rèn chữ viết, diễn đạt nhiều hơn".

Thực tế, nội dung con em họ viết sai trong bài không được cô gạch chân, trong khi cô vẫn sửa các chữ viết tắt như "4" thành "bốn", "dc" thành "được" và cuối bài còn phê "Có ý thức làm bài...", và cho điểm 8+. Do đó, trong vở ghi của các em học sinh cũng được ghi kiến thức tương tự và theo phụ huynh này, trong lớp có rất nhiều em học sinh ghi giống nhau, khi được hỏi tại sao lại có dòng kiến thức ấy, thì các em học sinh cho biết: "Do được cô dạy như thế!".

Sau việc sai trầm trọng về kiến thức sư phạm như thế này, rất nhiều phụ huynh hoang mang vì không hiểu tại sao cô giáo lại có thể nhầm lẫn như vậy. Trong bài kiểm tra của học sinh, cô không gạch chân chỗ các em viết sai, mà còn cho 8 điểm và khen làm tốt. Theo nhiều người, kể cả khi cô không dạy, học sinh viết như thế thì cô phải sửa và không được cho điểm cao.

Trong một diễn biến khác, trao đổi với báo chí, bà Ngô Thị Hà, phó Hiệu trưởng trường THPT Lomonoxop cho biết, khi nghe thông tin bà cũng rất sốc. Bà đã yêu cầu giáo viên thu toàn bộ vở của học sinh để kiểm tra. Chính bà cũng bất ngờ khi thấy không chỉ một, mà nhiều em đã viết "canh gà Thọ Xương" là món ăn nổi tiếng của Hà Nội. Bà Hà cho biết thêm, người dạy văn lớp 7A10 hôm đó là cô Hà Thu Thủy. Ban giám hiệu đã yêu cầu cô viết bản tường trình, nói lại sự việc trước tổ Văn của trường.

Trong bản tường trình, cô Thủy cho hay, buổi học có bài tập cảm nhận về bốn câu thơ nêu trên diễn ra sáng 12/9 và chiều cùng ngày cả lớp ôn tập rồi làm bài kiểm tra một tiết. Cô ra hai đề trong đó có đề cảm nhận về bốn câu ca dao: "Gió đưa cành trúc la đà...".

Cô Thủy cho biết: “Tôi yêu cầu các em tự cảm nhận, tôi không gợi ý, sau đó thu vở một số em để chấm. Trong khi chấm, thấy nhiều học sinh hiểu nhầm "canh gà Thọ Xương" là món canh gà, trong khi hiểu đúng phải là "tiếng gà báo sang canh"”. Cô Thủy cho hay, lúc trả bài, cô đã nói lớp có nhiều bạn làm sai, nhưng vì bài tự cảm nhận nên các em tự sửa để cho nhớ.

Cô Thủy cũng giải thích, do lúc ấy cuối giờ, lớp khá ồn và lộn xộn nên học sinh không nhớ để sửa ngay. Cô sơ suất không kiểm tra lại vở các em học sinh và không sửa chu đáo vào ngày hôm sau!?.

Cô giáo dạy văn từng đạt giải quốc gia

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã đến trường THPT Lomonoxop để tìm hiểu thêm thông tin sự việc, tránh gây hoang mang trong dư luận. Trái với thái độ cầu thị của chúng tôi, Ban giám hiệu nhà trường đã tỏ ra bất hợp tác khi tìm cách thoái thác không gặp PV.

PV Người đưa tin đã tìm gặp bà Ngô Thị Hà, là phó hiệu trưởng nhà trường nhưng một giáo viên tên Huyền đã ngăn lại và cho biết cô đang bận vì phải lên lớp dạy (!?) và sau đó sẽ họp giao ban nên không có thời gian tiếp PV.

Theo nguồn tin riêng của PV, cô giáo dạy văn Hà Thu Thủy đã tạm nghỉ dạy và có ý định xin nghỉ. Cô Thủy từng là học sinh của trường chuyên PTTH Hùng Vương - Phú Thọ, trước kia đã từng đạt giải Nhì môn Văn quốc gia. Cô cũng vừa nhận bằng Thạc sĩ tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trao đổi với PV, Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Đây là sự cố đáng tiếc trong ngành giáo dục. Ở đây xảy ra hai trường hợp: Nếu cô giáo không hiểu đúng bài ca dao, dẫn đến việc học sinh tiếp thu sai thì cô giáo đã sai kiến thức. Còn nếu cô giáo hiểu đúng bài ca dao nhưng chưa trình bày rõ cho học sinh hiểu thì cô giáo đã sai về mặt sư phạm.

Hơn nữa, trong bài kiểm tra, các câu sai kiến thức không được cô gạch sai. Điều này chưa hợp lý, vì thông thường, ở một bài kiểm tra, có sự sai lệch kiến thức là phải gạch chân phía dưới. Ở đây, có vài ba em trở lên có sự sai lệch kiến thức là giáo viên phải giải thích thấu đáo để các em hiểu. Trong trường hợp này, cô giáo không những không giảng lại cho học sinh, không gạch chân chỗ sai mà lại cho điểm cao là bất hợp lý".

Giáo sư Văn Như Cương cho biết thêm, việc nhà trường không có thông tin minh bạch với báo chí là chưa thỏa đáng. Vì làm như thế, dư luận lại càng hoang mang. Báo chí chính là cầu nối giữa nhà trường với xã hội, nên việc đưa những thông tin là cần thiết.

Sở GĐ&ĐT Hà Nội đã vào cuộc

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Sở đã nghe thông tin về trường hợp bài văn "canh gà Thọ Xương" trên các phương tiện thông tin đại chúng và đang đợi công văn báo cáo sự việc từ trường THPT Lomoloxop. Chúng tôi sẽ thành lập tổ chuyên môn để xuống trường kiểm tra tận nơi, xem sự việc trên "hổng" ở khâu nào. Nhưng nếu một giáo viên có kiến thức sư phạm sai sót như thế thì cũng phải xem xét lại khâu tuyển dụng của nhà trường đã chặt chẽ chưa, nếu "hổng" khâu này, thì khâu khác cũng có vấn đề…".

Lạc Thành