'Chợ tem' độc nhất vô nhị ở Thủ đô

'Chợ tem' độc nhất vô nhị ở Thủ đô

Thứ 6, 25/01/2013 | 08:19
0
Mỗi tuần chỉ họp một lần, nhưng "chợ" tem ở hè phố Triệu Việt Vương đã trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa của nhiều người ở Thủ đô Hà Nội...

Ít ai có thể nghĩ rằng, ngay ở giữa "phố cà phê" Triệu Việt Vương ồn ào và đông đúc của Hà Nội lại tồn tại một thú vui độc đáo: Đó là thú sưu tầm tem. Hàng tuần, những người yêu tem của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc lại tụ họp ở đây để "chiêm ngưỡng", trao đổi những con tem yêu thích. Nhiều người cả tuần "háo hức" chỉ mong đến "phiên" chợ họp để có cơ hội giao lưu và để "khoe" những con tem "độc" và "lạ" mới sưu tầm được.

"Chợ tem"mỗi tuần một phiên

Ra đời từ cuối năm 2003, đến nay "chợ” tem Triệu Việt Vương vẫn hoạt động đều đặn, không nghỉ một phiên nào. Trong suốt 10 năm qua, cứ từ 9h sáng chủ nhật, những người yêu thích con tem nhỏ bé lại tụ họp về số 160 Triệu Việt Vương để cùng trao đổi trò chuyện quanh… mấy con tem. Gọi là "chợ," nhưng không hẳn là chợ, bởi những người đến đây không chỉ để tìm kiếm, trao đổi mua bán, mà họ đến để nghe và trò chuyện, để ngắm nhìn và chiêm ngưỡng cho thỏa lòng đam mê...

Buổi sáng chủ nhật của những ngày cuối năm, dù có mưa phùn và rét nhưng khi chúng tôi đến, "chợ" tem đã "họp". Các thành viên của chợ tem cho biết, 10 năm nay, bất kể thời tiết nắng mưa, hay ngày lễ tết, họ đều đến đây như một thói quen trong cuộc sống. Có lần, chủ nhật rơi vào đúng ngày mùng 2 tết, họ vẫn "rủ nhau" ra "chợ phiên" để chiêm ngưỡng những con tem độc đáo ở hè  phố. Tham gia chợ tem gồm có người cao tuổi, trẻ em, nam thanh, nữ tú... Họ đều có chung sở thích là yêu và hiểu được giá trị văn hóa trong những con tem ấy.

Anh Trần Vương Việt, phó chủ nhiệm câu lạc bộ Tem Thủ đô cho biết, "chợ" hình thành từ một nhóm người yêu tem trên mạng, sau nhiều lần online đã quyết định gặp gỡ nhau thường xuyên tại quán cà phê 160 Triệu Việt Vương. Từ nhiều năm nay, các thành viên trong chợ đã "góp" tiền vào để mua thêm ghế nhựa, bàn và cả ô bạt để dùng nếu trời mưa và lạnh, "đồ nghề" này được gửi trong số nhà bên cạnh "chợ". Đến chợ tem, những người sưu tập tem được tìm hiểu về nhiều con tem, sự ra đời và quãng đường "lưu lạc" của chúng và sau cùng là được trao đổi giữa tem và tem với nhau. Và sự trao đổi ấy cũng rất văn hóa: Hai bên thích thì đổi tem cho nhau, không có sự mặc cả hay ép buộc. Vì thế, bộ sưu tập tem của mỗi người, theo mỗi chủ đề khác nhau cứ thế mà dày lên theo từng lần đến họp chợ. Và đến đây, sở thích sưu tầm tem của nhiều người được đáp ứng nên họ luôn là "khách hàng" trung thành của khu chợ đặc biệt này.

> Đọc thêm: Những dịch vụ “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam

Lạ & Cười - 'Chợ tem' độc nhất vô nhị ở Thủ đô

Nhộn nhịp “chợ” tem Triệu Việt Vương vào mỗi sáng chủ nhật

Tại "chợ" tem Triệu Việt Vương, có nhiều người có "thâm niên" chơi tem đến 30 - 40 năm, từ ngày "chợ" chưa hình thành. Cái đặc biệt ở “chợ” tem này là sự trầm lắng và hiểu nhau qua từng con tem. Chợ đông nhất có lần lên tới 40 người, toàn là những người có tình yêu tem như đã ngấm vào trong máu. Thú chơi sưu tầm tem có điểm đặc biệt là không phải sưu tầm một cách tràn lan mà mỗi người tự chọn cho mình những chủ đề yêu thích, rồi tập trung những con tem về chủ đề đấy lại. Những người không mê chơi tem không thể biết được giá trị của những con tem quý cũng như cái lý thú của việc sở hữu nó. Đối với người đam mê sưu tập tem thì đó quả là một niềm vui lớn. Những người "chơi" tem sẽ ngồi với nhau theo từng nhóm nhỏ, để trao đổi về nguồn gốc, xuất xứ và có thể đổi tem lấy tem, nếu cả hai đều ưng thuận.

Một tay chơi tem cho biết, tem được đánh giá theo hai tiêu chí: "Tem sống" và "tem chết". "Tem sống" là tem chưa qua sử dụng, còn "tem chết" là tem có đóng dấu của bưu điện. Nhiều người đã mang cả chục quyển sưu tập tem của mình đến để "giao lưu" với những người chơi tem khác. Tem được sưu tập theo chủ đề như động vật, hoa, thời kỳ lịch sử, chiến tranh... Tem để càng lâu, càng có giá trị. Bởi tem chỉ phát hành một lần, không có tái bản nên có nhiều bộ rất quý. Và chỉ "dân" trong nghề mới hiểu được giá trị của những con tem nhỏ bé ấy.

Tem càng lỗi, giá trị càng cao!

Trần Việt Anh, sinh viên trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, “chợ” tem ngày trước chỉ có các bác về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng gần đây, giới trẻ tham gia cũng rất nhiều. Riêng Việt Anh có cách sưu tập rất độc đáo, đó là cậu có bạn trong lớp cấp 3 đi du học. Hàng tháng, cậu "nhờ" các bạn gửi thư về cho  mình, để lấy tem hay các dịp lễ lớn như Tết dương lịch, giáng sinh... cậu đều nhờ bạn gửi tem về thay vì mua quà. Cậu chia sẻ thêm: "Từ ngày ra ngồi ở “chợ” tem Triệu Việt Vương, em mới biết cách chơi tem, vì trước kia, chỉ chơi theo cảm tính thôi. Đến đây, em mới biết sưu tập theo bộ, theo chủ đề tem. Từ ngày chơi tem, em cũng rèn luyện được tính tỉ mỉ, kiên trì hơn...".

Nhiều người Việt Nam chơi tem ở nước ngoài cũng biết đến "chợ" tem, thỉnh thoảng về nước thăm gia đình và tranh thủ ra đây để cùng trao đổi, chiêm ngưỡng những con tem quý. Hay người nước ngoài ở Việt Nam cũng ra đây để trao đổi tem, vì thế tem nước ngoài ở "chợ" cũng rất phong phú. Nhiều con tem "lạ" lại thu hút được mọi người như những con tem in bị "lỗi", những bản "phôi vẽ" chưa chuẩn lại được người chơi tem thích thú, đánh giá cao và giá trị con tem lại được nâng lên. Có bộ sưu tập tem, gồm toàn những con tem được vẽ bằng tay (tem vẽ) hay những con tem, phong bì thư được phát hành trong chiến tranh, có một không hai là có giá trị rất cao. Tem lẻ chỉ 1.000 - 2.000 đồng/chiếc, bộ 6 chiếc tem hội họa (là loại tem được ưa chuộng nhất) cũng chỉ 35.000 đồng. Tem dán trên phong bì đã qua sử dụng giá cao hơn chừng 6.000 - 7.000 đồng/chiếc.

Theo những người chơi tem, con tem có giá trị là những con tem mang dấu ấn lịch sử và văn hóa hay những con tem còn phong bì thư hoàn hảo cả mặt trước, mặt sau cho đến cả răng tem. Ví dụ, con tem đầu tiên do Việt Nam phát hành vào năm 1946 in trên giấy thủ công, thời đó lại chưa có bàn đột răng mà phải dùng máy khâu để tạo răng, in bằng "công nghệ" bàn đá nên hình thức rất xấu, nhưng giờ con tem loại này lại được bán với giá rất cao. Hay như con tem dán trên phong bì có đóng dấu bưu điện thời Mỹ - Ngụy có giá tới 500.000 đồng. Song, đây chưa phải là con tem có giá cao nhất từng được giao dịch tại “chợ” tem này.

Trên nhiều diễn đàn online về tem, và nhiều người chơi tem ở "chợ" Triệu Việt Vương cho biết, nhiều bộ tem có giá trị đang được người chơi "săn lùng". Nhiều gia đình lưu giữ rất nhiều tem, phong bì từ ngày chiến tranh. Nếu không chơi tem sẽ không hiểu được giá trị của những con tem ấy, có khi họ sẵn sàng bỏ đi mà không hề biết giá trị thật của chúng. Vì thế, ngoài việc trao đổi, giao lưu tại "chợ" tem, những người chơi tem tại đây, đều "nhờ" kênh bạn bè, người quen để "liên hệ" xem nhà nào có nhiều tem thư, phong bì thì để lại cho họ.

Ngoài chơi tem, phong bì thì những người ở "chợ" tem còn có thêm sở thích mới, đó là sưu tập cả tiền cổ. Vì thế, nhu cầu giao lưu, gặp gỡ giữa những "tay chơi" ở đây là rất lớn. Có buổi họ chỉ đến gặp nhau để nói chuyện mà không nhất thiết phải trao đổi tem, tiền cổ. Bác Nguyễn Tiến Đạt - một thành viên lâu năm của "chợ” tem hè phố cho biết, mỗi sáng chủ nhật, bác đều ra "chợ" tem như một thói quen để gặp gỡ những người cùng sở thích. Khoảng 10 năm nay, chợ tem này đã là một phần kỷ niệm trong đời bác Đạt. Cũng có người "vô tình" đi trên phố, nhìn thấy "chợ" họp nên ghé vào xem, rồi thành "mê" và sáng chủ nhật nào cũng ra để giao lưu. Không ít thành viên câu lạc bộ bạn yêu tem ở các tỉnh, nhân chuyến công tác hoặc hội họp đã ghé qua gặp mặt những người yêu tem Hà thành và tìm kiếm những con tem cho bộ sưu tập của mình…     

Bộ tem về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi quý hiếm bậc nhất

Hiện nay, trên thị trường bộ tem gồm 4 chiếc về anh hùng Mạc Thị Bưởi là bộ tem đắt nhất. Mạc Thị Bưởi (1927-1951), quê ở Hải Dương, là du kích, lãnh đạo quần chúng chống giặc Pháp xâm lược trong những năm 1949-1951. Để tưởng nhớ người nữ anh hùng, ngày 3/11/1956, ngành bưu điện đã phát hành 4 mẫu tem về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. Hiện, giá của bộ tem này tuỳ vào chất lượng giấy mà dao động từ 4 triệu đến 8 triệu đồng, thậm chí trên một số diễn đàn tem online giá còn lên tới gần 600 USD (12 triệu đồng).   

Lạc Thành

"Dị nhân” 30 năm bán “men say của trời” độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Mỗi ngày, ông trèo đèo lội suối vào rừng già lấy loại rượu độc đáo này rồi cuốc bộ hàng chục km xuống căn chòi lá bán cho người đi đường.

Xẩm tàu điện, nhạc đường phố độc nhất vô nhị

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Đây là một loại hình âm nhạc đường phố được trình diễn trong những chuyến tàu ngược xuôi gần 1 thế kỷ ở Hà Nội.

Những dịch vụ “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Thế giới mạng Việt cực kì rộng lớn và chứa đựng vô số những điều kì lạ. Một phần nhỏ trong số đó là dịch vụ nghe qua tưởng chừng rất bình thường nhưng khi được đem lên internet, nó cũng trở thành lĩnh vực độc đáo.

Người sưu tầm “gió cổ” độc nhất vô nhị Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Ông chủ cửa hàng đã phục chế được hàng trăm chiếc quạt cổ quý có nguồn gốc từ Pháp, Italy, Hà Lan, Nga, Thụy Sỹ... Đến nay bộ sưu tập quạt cổ của ông đã lên đến hàng trăm chiếc.