Siêu lợi nhuận nhờ nhà đài “đánh bóng” thương hiệu

Siêu lợi nhuận nhờ nhà đài “đánh bóng” thương hiệu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Có loại sản phẩm được bán trên truyền hình gấp 40 lần giá sốc.

Sau khi vụ công ty TNHH một thành viên Hữu Lạc là đơn vị bán hàng qua truyền hình với tên gọi New Shopping bị Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xử phạt vì hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu, dư luận mới bắt đầu quan tâm đến khoản tiền hậu hĩnh mà các doanh nghiệp này trả cho nhà đài để quảng cáo.

Để quảng cáo các sản phẩm, mặt hàng của mình thì những công ty này đã ký kết hợp đồng quảng cáo với các đài truyền hình, chi phí lên tới hàng tỷ đồng. Và với hình thức quảng cáo này, thì giá của các sản phẩm được rao bán đến tay người tiêu dùng sẽ rất cao, trong khi giá thực của các sản phẩm này lại rất bèo.

Xã hội - Siêu lợi nhuận nhờ nhà đài “đánh bóng” thương hiệu

Hình ảnh quảng cáo "mát mắt" thường thấy trên sóng truyền hình

Một nhân viên từng làm việc cho những công ty này cho biết, giá thành của các sản phẩm này thực tế rất rẻ, chỉ bằng 15-20% giá bán, số còn lại là chi phí quảng cáo, vận chuyển và lợi nhuận kinh doanh. Mỹ phẩm Hàn Quốc làm đẹp là mặt hàng được quảng cáo rầm rộ trên nhiều kênh truyền hình trong thời gian qua.

Công ty HL công bố giá bán các loại sản phẩm này có giá từ 4-5 triệu đồng/sản phẩm. Nhà kinh doanh cho biết, mục đính quảng cáo bán hàng giá rẻ, với những tính năng nổi bật như làm trắng da, liền sẹo, chống lão hóa, xóa vết các vết nhăn... để đánh vào yếu tố tâm lý của những phụ nữ thích làm đẹp.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nhận được, đây chỉ là các loại mỹ phẩn bình thường, không có tác dụng như được quảng cáo, giá thành của các sản phẩm này cũng rất “bèo”.

Theo tờ khai hải quan điện tử, đơn vị này nhập hàng qua Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục hải quan TP.HCM), sản phẩm này được ghi là “không hiệu” và có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù doanh nghiệp nhập hàng theo phương thức CIF (tức mua hàng tại cảng đến, giá trị hợp đồng bao gồm cả chi phí vận chuyển) nhưng hàng về đến sân bay chỉ khoảng 200.000 đồng/sản phẩm.

Sau khi đã tính thêm 20% thuế nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng thì giá của những sản phẩm này vào khoảng gần 300.000 đồng/sản phẩm. Như vậy, khoản chênh lệch giữa giá nhập thực tế và giá bán “ưu đãi” cho người tiêu dùng lên đến hơn 4 triệu đồng/sản phẩm chủ yếu “chảy vào túi” nhà đài và doanh nghiệp.

Luôn được quảng cáo với những lời lẽ mô tả chất lượng tuyệt vời, kiểu dáng, thiết kế thời thượng, là niềm mơ ước của nhiều chị em phụ nữ, nhưng thực tế nhiều sản phẩm lại có giá nhập khẩu tương đương hàng chợ. Trên các mẫu kiểm nghiệm tại Quatest 3, nhiều sản phẩm được ghi rõ tên dây chuyền kim cương giả, vòng tay kim cương giả... Nhưng nhiều người từng xem quảng cáo các sản phẩm này cho biết không hề thấy các doanh nghiệp nêu rõ thông tin như trên.

Giá những sản phẩm trang sức một thời gian được quảng cáo ra rả trên truyền hình thực tế chỉ 427.000 đồng/chiếc dây chuyền (đã gồm 25% thuế nhập khẩu, 10% thuế giá trị gia tăng), mặt dây chuyền giá có thuế chỉ 105.000 đồng/chiếc . . . Và những sản phẩm này cũng là hàng “made in China”.

Đông trùng hạ thảo là một loại thực phẩm chức năng đang được khá nhiều doanh nghiệp bán qua kênh truyền hình. Giá bán mặt hàng này phổ biến ở mức 1,3 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm được giới thiệu không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Sản phẩm này được quảng cáo có tác dụng tích cực với rối loạn tình dục, thận hư, đau lưng, hạ huyết áp . . . sản phẩm này đã từng được quảng cáo trên 1 kênh truyền hình kỹ thuật số là chữa các bệnh đau lưng, mỏi gối, yếu sinh lý, ho hen...

Tuy nhiên, một bác sĩ thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM khẳng định: “Đông trùng hạ thảo không có tác dụng chữa các bệnh nói trên mà chỉ có chức năng hỗ trợ”.

Dù khẳng định không phải thuốc chữa bệnh nhưng công dụng của 1% tinh chất nhung hươu được nhấn mạnh là có tác dụng bổ sung các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng nguyên dương, cường gân cốt, trị các chứng tai ù, mờ mắt, đau lưng, liệt dương...

Theo chị V.T.T người từng làm cho một công ty bán hàng qua truyền hình ở TP.HCM cho biết, công ty bán hàng thường lợi dụng một số thành phần trong sản phẩm để quảng cáo nhập nhèm với công dụng của sản phẩm.

Liên quan đến tình trạng các kênh truyền hình quảng cáo hàng loạt sản phẩm chức năng “thổi phồng” chất lượng sản phẩm, ông Đào Kim Phú – trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Cục đã có văn bản yêu cầu các nhà đài khẩn trương rà soát hoạt động quảng cáo đang thực hiện của các công ty vi phạm trên. Hoạt động kiểm tra được tiến hành theo quan điểm dù các đài cũng có chức năng phát sóng quảng cáo vì mục đích doanh thu nhưng cần đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết.

Ông Phú cho biết thêm, nếu doanh nghiệp vi phạm, Cục sẽ yêu cầu các đài dừng phát sóng ngay, bất kể nhà đài còn hợp đồng quảng cáo với doanh nghiệp hay không.

Thế Quyết