Sinh viên chế tạo robot

Sinh viên chế tạo robot "người hùng đường cống"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Sau hơn 2 tháng, nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã cho ra lò robot hoạt động trong môi trường cống ngầm mà các bạn vẫn quen gọi là "người hùng đường cống". Thiết bị này sẽ được thí điểm trong thời gian tới tại Việt Nam.

Công nghệ - Sinh viên chế tạo robot 'người hùng đường cống'

Nhóm sinh viên thử nghiệm robot tại Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật TP.HCM

Robot siêu rẻ giá 12 triệu đồng

Hiện nay, sự cố từ cống ngầm, rác thải sinh hoạt đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại nhiều thành phố lớn trong đó có TP.HCM, Hà Nội.

Để giúp các đơn vị thi công nhanh chóng tìm ra các đoạn cống bị tắc nghẽn hoặc bị hư hỏng, nhóm sinh viên gồm: Cao Văn Diễn, Hồ Minh Chính, Võ Thanh Sơn và Nguyễn Quang Trọng, đang theo học năm 3 khoa Cơ khí - Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM đã cho ra đời thiết bị robot cống ngầm.

Trao đổi với nhóm sinh viên này, PV Người đưa tin được biết, robot này có khả năng hoạt động trong những ống cống có bán kính từ 0,6m trở lên. Robot cống ngầm thực chất là một chiếc xe điều khiển có gắn camera hồng ngoại để ghi lại hình ảnh trong lòng cống ở bất kể mọi điều kiện ánh sáng. Hình ảnh ghi từ camera này sẽ được truyền về một màn hình trên mặt đất. Nhờ sự theo dõi của camera, người công nhân cầu đường có thể dễ dàng kiểm tra được tình trạng hư hỏng trong lòng cống.

Cao Văn Diễn, trưởng nhóm chế tạo robot "người hùng đường cống" cho biết: "Do lần đầu chế tạo, nên trọng lượng của robot này vẫn còn nặng tới 50 kg. Tuy nhiên, robot có cấu tạo linh hoạt và thân chống thấm nước nên vẫn di chuyển rất tốt và tránh được nhiều chướng ngại vật trên đường đi, và di chuyển dưới nhiều góc độ khác nhau".

Hơn hai tháng ấp ủ, thực hiện ý tưởng sáng chế robot "người hùng đường cống", điều khó khăn nhất của nhóm vẫn là làm sao để chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm. Sản phẩm mà nhóm hướng tới là có tính ứng dụng cao, được Nhà nước hỗ trợ và đông đảo người dân đồng tình sử dụng.

"Để đưa ra những ý kiến thảo luận đồng thuận, nhóm thường tranh luận nảy lửa, bảo vệ ý kiến của mình rất quyết liệt nhưng cuối cùng cả nhóm đã chọn ra được giải pháp tối ưu nhất. Vui nhất là khi nhóm làm xong một bộ phận nào đó của robot", các thành viên của nhóm bộc lộ.

Để nhanh chóng hoàn thành sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn, nhóm sinh viên đã hoạt động hết năng suất cho phép. Thời gian ban ngày, các thành viên trong nhóm đều dành cho việc lên lớp học bài, nên chỉ buổi tối mới có thời gian tập trung cho việc nghiên cứu. Nhằm thử nghiệm robot ở các giai đoạn lắp ghép, nhóm tự chế ra các dụng cụ hỗ trợ. Kinh phí đều do tự bỏ tiền túi.

Đến ngày hoàn thiện sản phẩm, nhóm đã tiêu tốn hơn 12 triệu đồng. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, so với nhiều nước phát triển trên thế giới, nghiên cứu, sản xuất ra con robot này phải tiêu tốn tới hàng vài chục ngàn USD, tính ra tiền Việt có thể lên tới cả tỷ đồng.

Bạn Cao Văn Diễn, một thành viên nhóm chế tạo bật mí: "Ý tưởng để làm con robot này xuất phát từ những lần các bạn chứng kiến cảnh người công nhân đào bới, chui xuống cống sửa chữa, ngâm mình dưới dòng nước đen ngòm, hôi thối rất khó khăn. Mỗi lần sửa chữa cầu cống mất rất nhiều thời gian. Tình trạng trên là một trong những nguyên nhân gây ách tắc giao thông.

Từ những kí ức về sự vất vả của những công nhân cầu đường, cả nhóm đã lên ý tưởng tạo ra một con robot có thể chui vào và quan sát tình trạng bên trong cống, phát hiện chỗ cống hỏng và có biện pháp xử lý hiệu quả nhất?”.

Công nghệ - Sinh viên chế tạo robot 'người hùng đường cống' (Hình 2).

Mẫu thiết kế " người hùng đường phố"

Tiến tới công nghệ không dây

Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM, cho biết sản phẩm robot cống ngầm này ra đời sẽ giúp phân loại được những đoạn đường cống tắc nghẽn. Từ đó, robot sẽ tự động báo về cho người sửa chữa. Do vậy, thiết bị sẽ giúp con người tiết kiệm không gian và góp phần cải thiện cho môi trường làm việc của người công nhân cầu đường.

Cũng theo tiến sĩ Thịnh thì: "Trong ngành giao thông, thủy lợi, robot có thể thay thế con người giám sát, phát hiện những sự cố. Có thể nói, sản phẩm của nhóm không dùng công nghệ gì mới, tuy nhiên lại có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện kinh tế và khí hậu của Việt Nam. Ở Việt Nam với phát minh và sáng chế như như thế này là khá độc đáo, đáng trân trọng".

Bên cạnh việc robot mang tính thực tiễn cao, thiết bị vẫn còn một số nhược điểm cần phải khắc phục. Đó là tất cả mọi tín hiệu của thiết bị trong lòng cống được truyền về mặt đất phải thông qua một sợi dây cáp.

"Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và hướng tới chế độ không dây, kết nối wifi, kết nối RS. Hiện nay, cả nhóm vẫn đang thực hiện chế độ thu dây tự động. Khi đó, thiết bị sẽ đếm được số vòng dây, xác định được vị trí robot trong cống", Võ Thanh Sơn - thành viên nhóm chế tạo chia sẻ.

Hiện nay, các thành viên nhóm chế tạo vẫn đang tiếp tục hoàn thiện phần cơ khí để nâng cao độ chính xác, nghiên cứu thêm thuật toán điều khiển, áp dụng xử lý ảnh tốc độ cao để đạt hiệu quả tối đa nhất.

"Khi hoàn thành, sản phẩm sẽ thay thế dần sức lao động trực tiếp của con người trong các quy trình sửa chữa nâng cấp hệ thống giao thông của Việt Nam, đáp ứng phần nào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thời gian tới, sản phẩm sẽ được đem đi thử nghiệm ở Tây Ninh và một số tỉnh thành. Sau đó, robot này có thể chế tạo thử để sản xuất ở Việt Nam", tiến sĩ Thịnh cho hay.

Nhiều sản phẩm ứng dụng thực tế liên tiếp ra lò

Trong năm 2012, sinh viên trường Đại học sư phạm kĩ thuật TP.HCM đã cho ra đời nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao. Tháng 6/2012 nhóm sinh viên phòng thí nghiệm mở (Open lab) của trường nghiên cứu thành công một robot có khả năng thay thế công nhân trong các nhà máy sản xuất. Đến giữa tháng 9/2012, ba sinh viên Dương Văn Linh, Lê Văn Việt và Trịnh Đức Cường, thuộc khoa Cơ khí - Chế tạo máy, lại nảy ra ý tưởng thiết kế chiếc máy bán báo tự động. Máy bán báo ra đời đã giúp mọi người có thể mua báo ở nơi công cộng, qua đó giảm thiểu chi phí phát sinh và việc phát hành báo được thực hiện dễ dàng dưới mọi điều kiện thời tiết.

Quyên Triệu