Số phận cay đắng của loại gỗ biểu tượng cho phú quý

Số phận cay đắng của loại gỗ biểu tượng cho phú quý

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
1
"Toàn bộ rừng hoàng đàn mọc tự nhiên trên triền núi đá đã bị tuyệt diệt bởi chiến dịch mua bán nông sản ồ ạt của thương nhân nước ngoài. Giữa lúc đói khổ, cơm không đủ no thì cái giá 60 80 đồng/kg hoàng đàn (lúc đó một con trâu có giá chỉ 30 nghìn đồng) đã làm cho bao người lóa mắt".

Loài cây đặc hữu

Xung quanh gỗ hoàng đàn có quá nhiều huyền thoại, tôi đã tìm lên xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), nơi từng được mệnh danh là vương quốc hoàng đàn để tìm hiểu thêm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở Việt Nam, cây hoàng đàn còn có ở Thạch An (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang), nhưng hoàng đàn tập trung lớn nhất, lượng tinh dầu nhiều nhất là ở vùng núi đá vôi Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ngay từ năm 1989, ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã được thành lập, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ những loài động, thực vật đặc hữu vô cùng quý hiếm là rùa vàng, hươu xạ và đặc biệt là hoàng đàn.

Bí thư Đảng ủy xã Hữu Liên cho chúng tôi biết: "Đã có thời, suốt dọc sườn đông của dãy Cai Kinh là hoàng đàn. Cánh rừng hoàng đàn kéo dài có khi đến cả vài cây số, suốt bốn xã là Yên Sơn, Yên Thịnh, Hữu Lễ và Hữu Liên. Thế nhưng, không phải chỗ nào hoàng đàn cũng mọc, cũng sống. Hoàng đàn chỉ mọc, chỉ sống ở các khe núi đá vôi có độ cao ước chừng 300 - 700m. Ở đó, khí trời ẩm ướt, nước khan, nhiệt độ thấp, mùa hè cũng chỉ 20 - 21oC. Và ngay cả trên dãy núi Cai Kinh cũng chỉ có sườn đông là xuất hiện hoàng đàn, còn sườn tây tuyệt nhiên không có. Kén đất, kén khí hậu lại sinh trưởng ở những kẽ đá vôi vốn vô cùng nghèo chất dinh dưỡng nên hoàng đàn có sức sống vô cùng mãnh liệt...".

Theo Th.S Phạm Văn Thế, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện khoa học công nghệ Việt Nam) thì hoàng đàn thuộc họ thông trong tự nhiên có dáng hình tháp rất đẹp. Hoàng đàn sinh trưởng rất chậm, khả năng tái sinh bằng hạt kém, dưới tán cây mẹ rất ít khi gặp cây con. Cây gỗ nhỡ, thường xanh, cao khoảng 15 - 20m, có đường kính thân đến 0,5m. Cây có đường kính 0,8 - 1m thì có tuổi thọ hàng trăm năm. Vỏ cây hoàng đàn màu xám nâu, nứt dọc. Bóc bỏ lớp vỏ ra là lớp thịt màu trắng, rồi đến lõi màu vàng, tỏa ra mùi thơm đặc trưng.

"Gỗ hoàng đàn thì phần rễ thường giá trị hơn phần thân cây, vì ở gốc rễ phần nhựa hoặc tinh dầu đậm đặc hơn. Tinh dầu hoàng đàn càng nhiều thì khả năng tạo ra tuyết càng dày, càng đậm đặc hơn. Khi gỗ hoàng đàn qua thời gian, nếu bị khô kiệt không có khả năng tạo tuyết thì giá trị chỉ còn lại một phần mười giá trị gỗ tươi nhiều tinh dầu. Có hai loại hoàng đàn, đó là hoàng đàn tía (màu thâm đen chứa nhiều hàm lượng tinh dầu nhiều hơn nên chìm trong nước) và hoàng đàn xốp (lượng tinh dầu ít hơn nên khi thả vào nước nổi lơ lửng)", ông Hoàng Minh Luật cho biết.

Tàn sát đại ngàn

Hoàng đàn Hữu Liên có tên khoa học là Cupressus tonkinensis Silba, đã được người Pháp biết đến và khai thác để lấy tinh dầu từ hàng trăm năm trước. Mỗi năm, người Pháp khai thác đến hàng nghìn tấn hoàng đàn để nấu dầu. Nhưng cuộc tàn sát những cánh rừng hoàng đàn chỉ thực sự diễn ra cách đây hai, ba chục năm. Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, việc khai thác loại gỗ quý hiếm này trở nên sôi động và quyết liệt hơn.

Xã hội - Số phận cay đắng của loại gỗ biểu tượng cho phú quý

Cây hoàng đàn hiếm hoi trong vườn nhà ông Luật

"Toàn bộ rừng hoàng đàn mọc tự nhiên trên triền núi đá đã bị tuyệt diệt bởi chiến dịch mua bán nông sản ồ ạt của thương nhân nước ngoài. Giữa lúc đói khổ, cơm không đủ no thì cái giá 60 - 80 đồng/kg hoàng đàn (lúc đó một con trâu có giá chỉ 30 nghìn đồng) đã làm cho bao người lóa mắt. Người ta kéo nhau lên rừng chặt hạ hoàng đàn hàng loạt", ông Hoàng Minh Luật nhớ lại.

Những gốc cây hoàng đàn xù xì, to lớn đến vài ba người ôm, những thân cây hoàng đàn có tuổi đến hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm đã theo các tay buôn xuôi về Hà Nội, Quảng Ninh rồi xuất đi đâu không rõ. Chính bản thân ông Luật cũng đã từng hạ một cây hoàng đàn nặng tới 2,6 tấn, có đường kính xấp xỉ 1m. Theo ông Luật, cứ nhìn cây hoàng đàn trồng trong vườn suốt ba mươi năm mới cao chưa đầy chục mét, đường kính gốc chỉ hơn 20cm, mới biết cây hoàng đàn ông trót chặt đi ngày ấy phải có tuổi đến cả vài trăm năm.

"Đến những năm 90, số lượng cây hoàng đàn ở khu rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ còn rải rác trên vách đá cheo leo. Tuy nhiên, bất chấp cả nguy hiểm, nhiều người vẫn trèo lên những vách đá dựng đứng để đào lấy rễ loại cây quý này đem bán. Người ta cầm theo những cái thuốn sắt dài khoảng 1,5m chọc sâu quãng lèn đá. Gặp rễ hoàng đàn, có tiếng kêu kịch một cái, rút xăm lên, nếu mũi xăm ươn ướt, thơm dìu dịu là đúng rễ hoàng đàn. Lúc đó, cả bọn xúm lại dùng cuốc chim và xà beng, đào đào bới bới", ông Luật cho biết.

Sự thay da đổi thịt do hoàng đàn mang lại còn chưa rõ, nhưng điều người ta thấy rõ nhất là những cánh rừng hoàng đàn đã một thời xanh tốt giờ đây vắng bóng trên những dãy núi đá vôi. Và những cái giá phải trả cho cuộc săn tìm hoàng đàn là quá lớn. Đã có ít nhất 18 người chết. Có người về không kịp nên bị sét đánh, có người lạc đường trượt chân xuống vực thẳm và phần lớn là bị đá đè. Đau đớn nhất là trường hợp con trai của ông B.Đ (xã Vạn Linh) đang chuẩn bị cưới vợ thì bị đá đè chết trong khi đi tìm hoàng đàn.

Giữ nguồn gen quý hiếm

Hoàng đàn Hữu Liên cùng với thủy tùng Đắc Lắc, bách vàng, bách xanh, bánh tán Đài Loan là 5 loài cây có nguy cơ tuyệt chủng, được gieo trồng, bảo vệ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (Hà Giang). Hơn mười năm qua, nhiều cán bộ của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đã dành thời gian, công sức để tìm kiếm cây hoàng đàn Hữu Liên còn sót lại trong tự nhiên. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, hiện chỉ còn khoảng 25 cây tồn tại ngoài tự nhiên, nhưng tất cả đều là những cây nhỏ, không đáng để khai thác gỗ hoặc tinh dầu.

Anh Hoàng Văn Quýnh, một người đã từng nhiều năm leo trèo khắp sườn núi để tìm hoàng đàn cũng cho hay: "Chỉ có những cây nằm ở vị trí cheo leo, để trèo lên lấy được, chỉ có thể đổi bằng cái chết nên mới không bị khai thác".

Xã hội - Số phận cay đắng của loại gỗ biểu tượng cho phú quý (Hình 2).

Tác phẩm được chế tác từ gỗ hoàng đàn

Gỗ không còn, rễ cũng bị đào bới cạn kiệt, thậm chí bây giờ người ta còn đi nhặt cả những mảnh gỗ răm, mảnh vỡ về bán với giá 200.000 đồng/kg. Những gia đình nào ở Hữu Liên còn giữ được một khúc gỗ hoàng đàn thì xem như báu vật. Họ cất kỹ trên gác nhà sàn hoặc chôn sâu dưới nền nhà. Anh Quýnh lấy thang trèo lên gác nhà lấy cho tôi xem một khúc gỗ hoàng đàn to bằng cổ tay, dài khoảng 20cm, đầu có màu đen, tỏa ra mùi thơm thoang thoảng. Anh bảo: "Chỉ cần một cú điện thoại, lát sau có người vào lấy ngay với giá 4 - 5 triệu đồng, nhưng tôi giữ lại như một kỷ vật của gia đình".

Cây hoàng đàn đã gần như tuyệt diệt trong tự nhiên, nhưng may mắn là hơn hai chục năm qua, hàng chục hộ gia đình ở Hữu Liên đã lấy cây non trên núi về trồng trong vườn nhà. Cho đến nay, đã có 19 cây có đường kính trên 30cm được trồng ở 15 hộ gia đình. Nhiều cây trong số đó ra quả quanh năm và được các cán bộ của Viện sinh thái tiến hành trồng cấy. Mặc dù tỷ lệ sống còn khá thấp (khoảng 25%) nhưng cũng phần nào mở ra hướng bảo tồn nguồn gen hoàng đàn Hữu Liên quý hiếm.

Không giấu được sự trầm ngâm trên nét mặt, ông Hoàng Minh Luật chỉ vào mấy gốc bầu hoàng đàn mới bị đánh cắp tâm sự: "Vận động người dân giữ hoàng đàn là giữ nguồn gen quý cho công tác nghiên cứu khoa học, nhân giống sau này, nhưng với cơn sốt hoàng đàn hiện nay thì điều này không đơn giản. Người dân trồng hoàng đàn được vài năm đã có thương lái hỏi mua với giá 40 triệu đồng/cây, loại cây giống mới nảy mầm từ hạt còn trong bầu có giá 1,5 triệu đồng/cây. Thế nên, trong khi chờ sự quan tâm xác đáng hơn từ phía các cơ quan chức năng thì hoàng đàn Hữu Liên vẫn đang khắc khoải từng ngày".

Hoàng Vũ