Số phận những cặp sinh đôi dính nhau hiếm gặp ở Việt Nam

Số phận những cặp sinh đôi dính nhau hiếm gặp ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trong y văn thế giới, những ca sinh đôi dính nhau là rất hiếm, chỉ chiếm tỉ lệ 1/50.000 trường hợp.

Sau ca mổ lừng danh tách đôi 2 cháu bé song sinh dính nhau Việt-Đức tại bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) với ê kíp mổ gồm 70 bác sĩ, chuyên gia đầu ngành do GS.TS bác sĩ Trần Đông A, nguyên phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 làm trưởng ê kíp thành công mỹ mãn cách đây 24 năm.

Từ năm 2010 tới nay bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận 2 ca song sinh dính nhau, một là cặp song sinh 2 bé trai dính nhau quê ở Bến Tre, nặng 5,7 kg bị dính nhau ở phần gan và xương ức, một trong hai cháu có dị tật ở tim, sức khỏe rất yếu. May mắn ca mổ tách đôi này thành công tốt đẹp. Hai là cặp song sinh dính nhau 2 bé gái, nhưng do mức độ dính nhau quá phức tạp hầu hết các bộ phận nội tạng và quá nhẹ cân nên chưa kịp phẫu thuật cặp song sinh dính nhau này đã qua đời.

Xã hội - Số phận những cặp sinh đôi dính nhau hiếm gặp ở Việt Nam

Cặp song sinh dính nhau Hà-Ninh ở Quảng Ninh sau 10 năm

Ca mổ khiến cả nước quan tâm

Mới đây, ngày 21/8/2012, bệnh viện Nhi đồng 2 lại vừa tiếp nhận một ca song sinh dính nhau 2 bé gái ở phần ngực và bụng là con của sản phụ Nguyễn Thị L. 23 tuổi quê ở Hà Tĩnh đã được các bác sĩ ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ mổ chủ động vào lúc 17h30' ngày 11/8.

Chị L. mang thai con đầu lòng, nhưng không may lại rơi vào trường hợp song sinh dính nhau hiếm gặp của y văn thế giới với tỉ lệ chỉ 1/50.000 trường hợp. Chị L. đã được các bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ can thiệp mổ chủ động khi thai nhi đã đủ 36 tuần tuổi vào lúc 17h ngày 11/8/2012. Ca mổ này thành công tốt đẹp. Đó là 2 bé gái.

Sau khi đưa 2 cháu bé song sinh dính nhau vào chế độ chăm sóc đặc biệt, sức khỏe 2 cháu đã ổn định, ngày 21/8/2012, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã chuyển các cháu tới bệnh viện Nhi đồng 2 để các bác sĩ ở đây tiếp tục chăm sóc, theo dõi và có hướng điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 phát hiện đây là 2 bé gái bị dính nhau phần ngực và bụng. Mỗi bé, ở các bộ phận còn lại như đầu, mặt, 2 chân, 2 tay, cơ quan sinh dục, hậu môn đều rời nhau, phát triển bình thường. Khi chụp X-quang, thể hiện trên phim cho thấy mỗi bé có cột sống riêng biệt, tuy nhiên có một bé bị vẹo cột sống khá nặng do tư thế dính nhau. Và quan trọng là kết quả siêu âm cho thấy 2 bé gái dính nhau ở phần gan, mỏm tim, một bé bị nghi ngờ eo cung động mạch chủ. Hiện sức khỏe của cặp song sinh 2 bé gái dính liền này khá ổn định, 2 cháu đã được mẹ cho bú, đi tiêu, đi tiểu bình thường và bệnh viện Nhi đồng 2 đang tập trung theo dõi, chăm sóc 2 cháu bé với điều kiện tốt nhất.

Bác sĩ Trương Quang Định, phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết sau khi tiến hành thêm một số xét nghiệm về hình ảnh và di truyền học để xác định, chẩn đoán rồi mới đưa ra hướng điều trị. Tuy nhiên việc phẫu thuật để tách 2 cháu bé song sinh dính liền nhau này nếu được tiến hành cũng phải đợi khi 2 cháu được 4-6 tuần tuổi hoặc lâu hơn bởi trường hợp này là khá phức tạp.

Gặp lại ca dính nhau cách đây 16 năm

Cách đây 16 năm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng ở Quảng Ninh rất vui mừng vì biết mình sắp có con. Chị Bằng mang bầu bình thường, lại là con so nên không có kinh nghiệm, thời gian đó cũng ít đi thăm khám bác sĩ nên mãi đến khi chị đau bụng có dấu hiệu sinh được chồng đưa đến bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh). Các bác sĩ thăm khám kết luận sản phụ mang thai bình thường, qua siêu âm cũng không phát hiện điều gì bất thường, các bác sĩ quyết định cho chị Bằng sinh bình thường. Nhưng khi chuyển dạ, các cơn đau dồn dập khiến chị Bằng mệt lả nhưng mãi vẫn không sinh được. Đây là dấu hiệu bất thường của một ca sinh khó nên các bác sĩ quyết định can thiệp mổ lấy em bé.

Khi mở ổ bụng cho chị Bằng, các bác sĩ mới tá hỏa không chỉ có một em bé mà tới hai em bé và cả hai đều con gái. Đặc biệt hơn đây là một ca hiếm gặp chiếm tỉ lệ 1/50.000 trường hợp trong y văn thế giới: Sinh đôi dính liền nhau.

May mắn là các bác sĩ can thiệp kịp thời nên cứu được cả mẹ và hai cháu bé song sinh dính liền nhau. Nhưng niềm vui không trọn vẹn với anh Nguyễn Văn Bằng và gia đình hai bên nội, ngoại vì lo lắng cho dị tật của 2 cháu, không biết số phận của 2 cháu sẽ được giải quyết như thế nào. Tất nhiên không thể để nguyên tình trạng 2 cháu như vậy, còn việc phẫu thuật tách đôi thì lúc đó chưa ai dám nghĩ đến vì tay nghề bác sĩ và phương tiện kỹ thuật cũng còn thiếu thốn, khó khăn. Nhưng gia đình cũng nhất trí với quyết định của các bác sĩ bệnh viện Uông Bí đưa chị Bằng và 2 cháu bé song sinh dính liền nhau lên bệnh viện Nhi TW.

Vượt 200 km từ Quảng Ninh đến Hà Nội, chị Bằng và 2 cháu song sinh dính liền nhau nhập viện. GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc bệnh viện Nhi TW là một trong những thành viên ê kíp mổ cho sản phụ vẫn còn nhớ như in, kể: Chị Bằng đã gặp may, 2 cháu bé song sinh dính liền nhau chỉ ở phần da từ xương ức xuống tới rốn, nghĩa là chỉ dính nhau ở phần mềm, cơ mà không dính ở các bộ phận quan trọng khác. Tuy nhiên y học nước ta ở thời điểm đó với hôm nay là rất khác xa nhau. Sau này bệnh viện Nhi TW còn giải quyết những ca song sinh dính liền nhau khá phức tạp nhưng điều kiện lúc đó thì khác, máy móc, kỹ thuật còn thiếu thốn, kinh nghiệm của các bác sĩ với những ca như thế này còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự tận tâm, cẩn trọng trong từng thao tác trong quá trình mổ, bóc tách sau 6 giờ, ca mổ đã mang lại thành công mỹ mãn. Các bác sỹ tham gia ê kíp mổ đã hết sức vui mừng trước thành quả đạt được.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng và gia đình hai bên nội, ngoại tất nhiên là những người vui sướng nhất. Anh Bằng đã đặt tên cho 2 đứa con gái song sinh là Nguyễn Thị Phương Hà và Nguyễn Thị Phương Ninh (hành trình Hà Nội-Quảng Ninh) để kỷ niệm ngày vui và hạnh phúc được nhân đôi này. Càng vui hơn khi 2 cháu Hà và Ninh lớn lên từng ngày, sức khỏe rất tốt, hầu như không bệnh tật đau ốm do ảnh hưởng của ca mổ.

Hiện Hà và Ninh đã được 16 tuổi, cả hai cô bé song sinh dính liền nhau ngày nào giờ đã là 2 cô thiếu nữ xinh xắn, đang là học sinh của trường cấp 3 Bãi Cháy (Quảng Ninh). Lần kiểm tra sức khỏe mới nhất, Hà và Ninh có kết quả rất tốt.

Ca mổ được ghi vào kỷ lục Guinness

Có lẽ không ai có thể quên được một sự kiện chấn động cách đây 24 năm. Đó là ngày 4/10/1988, khi ca mổ tách đôi hai bé sinh đôi Nguyễn Việt- Nguyễn Đức bị dính liền do di chứng chất độc da cam thành công. Ca mổ kéo dài 15 giờ với một ê kíp mổ gồm 70 giáo sư, bác sĩ chuyên môn, trưởng đầu ngành và là những người giỏi nhất của các bệnh viện được tập trung lại để làm nên một sự tích kỳ diệu, khiến cho thế giới kinh ngạc và thán phục ngành y học Việt Nam. Và ca mổ thành công ngoài mong đợi ấy đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Và GS.TS.BS Trần Đông A, phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 lúc đó làm trưởng kíp mổ đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động và danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Sau ca mổ, Đức khỏe mạnh, lớn dần lên theo năm tháng. Còn Việt phải sống đời sống thực vật, được nuôi dưỡng, theo dõi, chăm sóc tại làng Hòa Bình Từ Dũ.

Cho đến tận bây giờ, khi nhớ lại sự kiện này, dư luận vẫn thán phục, ca ngợi sự thành công của ca mổ tách đôi hai bé song sinh dính liền ngày ấy. Và bây giờ, khi Việt- Đức đã trưởng thành (Đức đã lập gia đình riêng) lại càng khiến mọi người thêm xúc động. Báo chí thời ấy cũng dành nhiều trang, nhiều kỳ để đăng tải những câu chuyện cảm động xung quanh hai bé Việt-Đức, những hồi ức của các vị giáo sư, bác sĩ tham gia ca mổ nổi tiếng này. Có những câu chuyện kể thật cảm động của người trong cuộc khiến người đọc xúc động đến rơi nước mắt.

Việt - Đức sinh ngày 25/12/1981 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ngay sau khi sinh, cặp song sinh dính liền các bộ phận này được đưa tới bệnh viện Từ Dũ TP.HCM để nuôi dưỡng, chăm sóc bằng chế độ đặc biệt.

Ngày 22/5/1986, Nguyễn Việt có triệu chứng não cấp, sốt cao và hôn mê. Lập tức bệnh viện Tữ Dũ làm thủ tục đưa hai cháu sang Nhật điều trị. Sau một thời gian điều trị (từ ngày 19/6 đến 29/10/1986), Việt - Đức rời Nhật trở về Việt Nam. Tuy Việt khỏi bệnh nhưng lại mất vỏ não, nguy cơ chết đột ngột có thể xảy ra bất cứ lúc nào và như thế sẽ ảnh hưởng đến mạng sống của Đức. Trước tình hình nguy cấp ấy, một cuộc hội chẩn quy mô tiến hành và các nhà chuyên môn trong ngành y Việt Nam quyết định tiến hành ca mổ tách đôi cặp song sinh để nếu có tình trạng xấu xảy ra cho Việt còn có cách cứu mạng sống cho Đức. Và ca mổ đã thành công.

Tưởng Niệm


Tag: Đông A