Sống lại Hà Nội thời bao cấp trong “Cửa hàng mậu dịch số 37”

Sống lại Hà Nội thời bao cấp trong “Cửa hàng mậu dịch số 37”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ở nơi ấy, treo trên tường là chiếc xe đạp cùng chiếc mũ cói, mũ lá, đôi guốc mộc, bình tông nước...

Giữa thời Thủ đô Hà Nôi hiện đại, nhiều người ngỡ ngàng bắt gặp khẩu hiệu “Ở đây tai vách mạch rừng/Những điều trông thấy xin đừng nói ra” hay những chiếc bát sắt, ca uống nước tráng men, tem phiếu mua thịt, mua dầu, quạt con cóc, chiếc đài bán dẫn “xa xỉ” thời bao cấp trong một quán ăn ở phố Nam Tràng.

“Cấm chen ngang”

Thời kỳ bao cấp (trước năm 1986) đã lùi xa nhưng ký ức về các tờ tem phiếu, thời ăn bo bo thay cơm vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của nhiều người Việt. Thời đó, người ta phải dùng gạch, đá, dùng nón, dùng rổ rá... để xếp hàng lấy chỗ. Vất vả là thế nhưng có người xếp hàng cả buổi đến lượt thì đã hết hàng.

Sự kiện - Sống lại Hà Nội thời bao cấp trong “Cửa hàng mậu dịch số 37”

Giữa Thủ đô tấp nập và đông đúc sống lại một Hà Nội thời bao cấp

Căn nhà nhỏ quét ve màu vàng có mái ngói bò nằm khuất trong một con ngõ nhỏ bên hồ Trúc Bạch đang làm sống lại không khí thời bao cấp của Hà Nội xưa. Đó là “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” nằm trên phố Nam Tràng (Ba Đình, Hà Nội). Ấn tượng đập vào mắt nhiều người là chiếc biển hiệu với nét vẽ đơn giản mà vẫn tạo nên nét riêng, độc đáo đậm chất “bao cấp”. Cùng với chiếc biển này là chiếc xe đạp cũ hiệu Thống nhất treo vắt vẻo trên tường, bên ngoài cửa hàng.

Bên trong, không gian Hà Nội thời bao cấp hiện lên rõ rệt qua các vật dụng trong nhà. Một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu treo gần tấm biển kẻ dòng chữ: "Ở đây tai vách mạch rừng/ Những điều bí mật xin đừng nói ra", một khẩu hiệu quen thuộc mà người Hà Nội truyền tai nhau thời bao cấp được tái hiện lại qua nét vẽ của họa sĩ Quách Đông Phương.

Âm thanh phát ra từ chiếc đài bán dẫn được coi là "xa xỉ phẩm" thời bao cấp kêu rè rè nhưng vẫn chạy tốt càng khiến cho không gian thêm đậm chất hoài niệm của những năm trước đổi mới. Những chiếc tem phiếu được chủ quán trân trọng để trong tủ kính. Chiếc bát sắt, ca uống nước tráng men có một vài chỗ hoen gỉ theo thời gian lộ ra một phần sắt bên trong. Trên tường nhà treo những chiếc mũ cói, mũ lá, đôi guốc mộc, bình tông nước...

Dòng chữ “cấm chen ngang” để nhắc nhở thực khách, dòng chữ “ưu tiên thẻ thương bình”, “quầy giao tế” cùng những bức ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống của Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước. Điều này khiến nhiều người đã từng kinh qua thời kỳ bao cấp không khỏi xúc động. Bác Nguyễn Văn Bảy (Tây Hồ, Hà Nội) bùi ngùi cho biết: “Nhìn những vật dụng ở đây, tôi nhớ những kỷ niệm hồi còn nhỏ. Khi còn học cấp 2, tôi cũng phải xếp hàng ở cửa hàng thực phẩm để mua thịt, cá, mỡ, rau, đậu các loại. Có hôm mua được 1kg đậu phụ ở cửa hàng thực phẩm trên Phố Hàng Bột, lúc đi về bị ngã xe đổ kềnh ra đường, đậu nát vụn. Có lúc xếp hàng bằng cái can nhựa ở hàng nước mắm, quay ra xếp hàng mua thịt, lúc quay lại hàng nước mắm thì không thấy can đâu. Về nhà lại bị mẹ mắng tơi bời. Nhiều chuyện kể ra, trẻ con bây giờ không tin”.

Giấc mơ được hiện thực hóa

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội vào thời kỳ bao cấp, ấn tượng về những ngày tháng gian khó ấy chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí anh Phạm Quang Minh, ông chủ cửa hàng ăn “bao cấp” này. Anh Minh kể, khi còn nhỏ, là con út trong nhà nên anh thường xuyên phải ra khu vực Nhà Thờ, sau đó là Tôn Đản xếp hàng từ sáng sớm để đổi tem phiếu lấy lương thực cho cả nhà. Những ngày tháng ấy hằn sâu trong tâm trí anh. Anh Minh luôn mong muốn phục dựng lại một cửa hàng ăn uống mậu dịch, nó thôi thúc anh tái dựng lại để thế hệ thanh niên bây giờ “tìm hiểu xem thế hệ ông bà, cha mẹ chúng đã sống như thế nào”.

Anh Minh chia sẻ: “Tôi đã lặng lẽ tìm gặp những người đã sống qua thời kỳ bao cấp với hy vọng họ còn giữ lại những vật dụng của thời kỳ ấy. Việc tìm lại những mặt hàng cổ như bàn là Liên Xô, quạt cóc, tem phiếu, cục đá khắc tên chủ nhân được dùng trong các buổi xếp hàng mua thực phẩm... không phải là điều đơn giản. Có lúc đi tôi nhiều ngày liền mà không thu được thứ gì. Có những lúc tưởng như kế hoạch của mình sẽ phải dừng lại”.

Anh cũng cho biết: “Không ít lần, người ta bảo tôi là kẻ điên, gã gàn dở, sung sướng, tiện nghi không muốn lại thích tìm về những thứ cũ rích”. Thậm chí, có người còn bảo tôi cố tình “chơi ngông” hay “than nghèo kể khổ. Có người muốn quên đi một quá khứ đau khổ, một thời kỳ dài khó khăn nhưng cũng có không ít người luôn muốn lưu giữ lại những mảnh ký ức ấy. Và tôi là tuýp người thứ hai. Vì thế tôi đã quyết tâm thực hiện bằng được mong muốn của mình”.

Để có được một quán mậu dịch thời bao cấp như hiện nay có sự đóng góp quan trọng của họa sĩ Quách Đông Phương, Vinh Tân Đảo, Lê Thiết Cương. Chỉ vào các bảng hiệu treo trong quán anh Minh bảo: “Tất cả đều được kẻ bằng tay cho thật giống ngày xưa. Riêng chiếc ti vi đen trắng đặt trước quầy hàng là vật dụng khó tìm nhất, người ta có thể giữ dải tem phiếu lại nhưng mấy ai giữ chiếc ti vi kềnh càng này. Vất vả lắm tôi mới tìm ra được đấy”.

Ông chủ “quán bao cấp” này cũng cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và nhờ bạn bè, mọi người để có thêm nhiều vật dụng, đồ dùng thời bao cấp hơn nữa, sao cho khách đến đây có cảm giác như sống lại đúng thời kỳ bao cấp”.

Thiên Vũ