Sự hồi sinh thần kỳ từ trái tim người khác

Sự hồi sinh thần kỳ từ trái tim người khác

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Nhiều ngày nay, thông tin bệnh nhân Trần Mậu Đức (26 tuổi, trú phường Phú Hội, TP Huế) nhanh chóng trở thành chủ đề trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Người ta quan tâm đến bệnh nhân này không chỉ vì anh là người sống bằng trái tim của người khác theo nghĩa đen, mà sự việc được lưu ý còn vì đây là bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ Việt Nam trực tiếp thực hiện ghép tim thành công - Nói cách khác, đây là ca ghép tim "Made in Việt Nam" đầu tiên.

Tưởng chết vì bệnh nan y

Chiều 17/5, ít giờ sau khi bệnh nhân này xuất viện sau ca phẫu thuật, lần theo thông tin Trần Mậu Đức có bố đạp xích lô trước cổng sân vận động Tự Do (Tp Huế), chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp bốn mái tôn nằm cuối hẻm trên phố Nguyễn Công Trứ, nơi vợ chồng Đức đang sống cùng bố mẹ già.

Cẩn thận đeo chiếc khẩu trang khi ra khỏi phòng, Đức chậm rãi kể về những tháng ngày cay nghiệt với căn bệnh suy tim nan y, anh bộc bạch : "Ngày trước tôi khỏe lắm, quanh năm quần quật ở những công trình xây dựng. Thỉnh thoảng có tức ngực, khó thở nhưng không nghĩ rằng mình bị bệnh tim mà cứ nghĩ mình làm nhiều nên lao lực. Mãi đến kì Festival năm 2006, khi đang xem chương trình văn nghệ thì bị ngất xỉu rồi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Trung Ương Huế. Sau nhiều ngày chẩn đoán, điều trị các bác sĩ cho hay tôi đã bị suy tim cấp độ bốn".

Bệnh nhân Trần Mậu Đức trong ca mổ tại bệnh viện Trung ương Huế

Bà Hồ Thị Bòn (59 tuổi, mẹ của Trần Mậu Đức) nhớ lại: "Ngày đó buồn lắm chú à, ai cũng khuyên rằng cố gắng bồi dưỡng sống được ngày nào hay ngày đó. Thằng Đức lên viện ngày một nhiều, nó ở viện nhiều hơn ở nhà. Các bác sĩ cũng nói rằng cơ hội cứu chữa thành công rất ít".

Đức vẫn chưa quên cảm giác những lúc cơn đau hành hạ: "Mỗi lần tức ngực, cơn đau xuyên thấu qua lưng, người tê buốt chỉ biết nghiến răng chịu đựng cho qua, bụng thì quặn thắt do uống quá nhiều thuốc tây, nhiều đêm ho ra máu liên tục. Nếu không nghĩ đến đứa con gái, chắc tôi đã tự tử cho nhẹ nhõm".

Nghe Đức kể, chúng tôi vô tình biết thêm về câu chuyện tình cảm động của anh. Đức tâm sự rằng lúc mới phát hiện mình bị suy tim, hai vợ chồng đã có suy nghĩ "vợ chồng mình tham khảo ý kiến bác sĩ xem có nên sinh con hay không". Sau khi được giải thích căn bệnh tim của mình không phải do yếu tố di truyền nên hai vợ chồng đã quyết định có em bé, một phần thỏa mãn ý nguyện của bố mẹ.

"Thời gian sau đó nhờ con gái Hương ra đời mà tôi có thêm nghị lực sống, tôi cứ đinh ninh rằng phải sống từng giờ, từng phút để được gần con. Chính nhờ sức mạnh đó mà tôi vượt qua những cơn đau thấu thịt, sống chờ đến ngày được ghép tim", Đức ôm con vào lòng âu yếm.

Ca mổ lịch sử

GS.TS, Bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết: "15h ngày 1/3, hội đồng chuyên môn mới chọn ra một bệnh nhân có nhiều đặc điểm tương đồng để ghép tim từ một bệnh nhân chết não vừa hiến tặng".

Trao đổi chuyên môn về ca mổ, ông Phú cho biết thêm: "Quả tim được lấy từ một nơi khác và chuyển đến phòng mổ ghép trong vòng 30 phút, thời gian thiếu máu lạnh ngắn hơn 1 giờ. Bệnh nhân Đức được phẫu thuật theo kỹ thuật ghép tim đồng vị trí với hai miệng nối tĩnh mạch chủ. Đây là một kỹ thuật tuy khá phức tạp so với kỹ thuật ghép tim cổ điển 2 tâm nhĩ, nhưng có lợi thế hơn bình thường do tận dụng mô tâm nhĩ lành của quả tim hiến tặng, giúp cải thiện tình trạng loạn nhịp tim cũng như hạn chế máu phụt ngược qua các van. Một thuận lợi nữa trong ca phẫu thuật này là quả tim hiến tặng đặc biệt phù hợp với độ tuổi bệnh nhân. Ca mổ kéo dài 5 giờ và kết thúc thành công lúc 3h sáng ngày hôm sau".

Ca mổ ghép tim cho bệnh nhân Trần Mậu Đức tại bệnh viện Trung ương Huế là ca ghép tim đầu tiên hoàn toàn do các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công. Chia sẻ thành công, bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viên Trung ương Huế đồng thời là người trực tiếp tham gia ca mổ nhìn nhận: "Ghép tim là cứu cánh cuối cùng, mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch bị suy tim giai đoạn cuối, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao tuổi thọ cho nhân dân. Hiện tại bệnh nhân Trần Mậu Đức đã có thể trở lại cuộc sống bình thường".

Hồi sinh

Đức vẫn chưa hết bất ngờ về ca ghép tim, bởi bản thân anh chỉ biết trước ca mổ chưa đến một ngày. Khuya ngày 30/2, bác sĩ điều trị cho Đức đến thông báo rằng có thể có người hiến tim, gia đình phải chuẩn bị người có nhóm máu O túc trực sẵn sàng. Sáng hôm sau các bác sĩ đột xuất đến phòng bệnh nơi Đức đang nằm rồi tiến hành chuyển anh đi làm xét nghiệm để phẫu thuật luôn.

Bệnh nhân có sức khỏe tốt sau khi xuất viện

Đức tâm sự: "Tôi thực sự bàng hoàng trước ca mổ của bản thân dù trước đó đã được thông báo "nếu có người hiến tim, chúng tôi sẽ thực hiện ca mổ" từ bác sĩ điều trị". 9h sáng hôm đó, anh được đưa đi xét nghiệm liên tục để kịp lên bàn mổ lúc 5h chiều. "Hôm đó làm nhiều xét nghiệm lắm, tôi chỉ nghe bác sĩ nói vậy chứ không chú tâm đếm xem bao nhiêu lần vì tập trung suy nghĩ vào ca mổ, sau khi phẫu thuật xong mới được bác sĩ cho biết mình đã thực hiện 30 xét nghiệm cận lâm sàng trung và cao cấp trong vòng chưa tới 9 tiếng đồng hồ".

Có mặt tại nhà riêng bệnh nhân Trần Mậu Đức ngay sau khi anh vừa xuất viện, chúng tôi cảm nhận rõ bầu không khí hạnh phúc từ ngôi nhà bé nhỏ nằm sâu trong hẻm. Vừa chải đầu cho cô con gái, Đức bộc bạch chân tình "bây giờ mình được 65kg, tăng thêm hơn năm kí so với trước khi mổ. Mình vui lắm, bây giờ có thể trở về với gia đình, người thân", khóe mắt Đức long lanh những giọt lệ hạnh phúc. Anh Đức cũng cho hay cơ thể đã hoàn toàn bình thường, không hề xuất hiện những triệu chứng cũ: "Sắp tới mình sẽ chọn công việc nhẹ nhàng hơn để làm, trước mắt sẽ phụ vợ bán rau ở chợ. Gia đình cũng đang dò tìm địa chỉ người hiến tặng để tỏ lòng cảm ơn".

Bệnh nhân Trần Mậu Đức cho biết, anh hầu như không mất chi phí nào cho cuộc phẫu thuật "có 1 không 2" này. Toàn bộ quá trình từ khi nhập viện đến khi xuất viện, gia đình anh chỉ phải chi phí khoảng 5 triệu VNĐ cho các khoản ăn ở, sinh hoạt...

Mai Long