Mai táng trinh nữ: Ly kỳ chuyện 'người sống' 500 tuổi (kỳ cuối)

Mai táng trinh nữ: Ly kỳ chuyện 'người sống' 500 tuổi (kỳ cuối)

Thứ 2, 18/03/2013 | 15:32
0
Ngày ấy, khi tôi còn được diện kiến GS. Đỗ Văn Ninh ông đã khoe: "Có lần khai quật mộ cổ ở Nam Định chúng tôi gặp được "người sống". Đó là ngôi mộ của một Quận Công sống thời nhà Lê. Đồ tuỳ táng trong mộ như còn nguyên vẹn, kể cả bát canh đang ăn dở. "Người sống" là vợ hai của Quận Công, rất đẹp...

"Gặp" bà hai Quận công

Cái duyên để tôi được gặp GS.Đỗ Văn Ninh khi ông còn sống cũng thật tình cờ. Ngày ấy, trong tôi chất chứa những bí mật chưa giải mã được về mộ Hán nên tìm đến với kiến giải PGS.TS  Nguyễn Lân Cường. Ông Cường nói rằng kiến thức uyên thâm về mộ Hán hàng đầu phải kể đến GS. Đỗ Văn Ninh và ông giới thiệu tôi đến gặp. Tôi nhớ, khi gọi điện, hẹn gặp GS., được ông đồng ý. Hỏi địa chỉ nhà, qua điện thoại tôi nghe thấy giọng vị GS. hỏi vợ: "Phương ơi, địa chỉ nhà thế nào nhỉ?”. Lạ thật, một vị Giáo sư không nhớ nổi nhà của mình, nhưng những chuyện khai quật mộ cổ thì ông lại không quên dù chỉ một chi tiết nhỏ.

Ông là người khôi hài. Hình như đó là tính cách chung của những người làm khảo cổ. Mở đầu câu chuyện với tôi, ông bảo: "Đời tôi chỉ có đào mồ rồi lại chôn mộ. Có lần khai quật mộ Quận Công ở Nam Định đào lên chúng tôi thấy cả "người sống". Ngôi mộ, nơi yên nghỉ của Quận Công không còn xương, nhưng theo năm tháng, mũ mão, cân đai vẫn còn nhưng khi lấy lên nó vụn ra. Tiếp tục khai quật, đoàn khảo cổ tìm thấy vợ hai của Quận Công với nhiều đồ đạc của bà. Điều kỳ lạ, sau bao nhiêu năm váy áo vẫn còn đủ.

Lạ & Cười - Mai táng trinh nữ: Ly kỳ chuyện 'người sống' 500 tuổi (kỳ cuối)

Ông Tăng Bá Hoành bên mộ Hán

Tôi ngạc nhiên hỏi ông Ninh về "người sống". Thoáng trong đầu tôi, khi ấy "người sống" là người còn sống, hoặc được táng khi đang sống. Ông Ninh lắc đầu: "Không, mộ 500 năm thì làm sao mà còn sống. "Người sống" là khai quật lên còn nguyên vẹn hình hài". Gặp ông Nguyễn Lân Cường, tôi được lý giải rõ ràng hơn về "người sống" đó là cách gọi của một số nhà khảo cổ khi thấy người chết nguyên hình hài. Ông Cường gọi cụ thể là xác ướp. Nó được táng bằng mộ hợp chất.

Theo ông Ninh mô tả "người sống" được đặt trong "quan quách". Quan tài bằng gỗ ngọc am chôn bằng 4 tầng. Mộ hợp chất với một ước nguyện giữ xác vĩnh hằng, với một kỹ thuật kết cấu xây dựng ngoài quách kết gắn với kỹ thuật ướp xác trong quan, hướng tới một môi trường khử trùng tốt nhất cho mồ yên, mả đẹp. Mộ chôn theo "thất tinh" nghĩa là 7 vì sao Bắc Đẩu được tạo ra từ quan tài. Vật liệu đúc huyệt bằng vôi - vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò hay san hô nghiền vụn, cát, chất kết dính như mật, mật đường, mật ong, nhựa dây tơ hồng, ô dước, giấy dó, than hoạt tính để bao kín mui luyện quách ngoài, tạo nên bức tường thành kiên cố không thấm nước, nhằm giữ xác dài lâu, bảo tồn vĩnh cửu thi hài và tùy táng phẩm trong quan. Mộ hợp chất được kiến tạo rất công phu, dày công và tốn kém, quy mô rất đồ sộ thường dành cho tầng lớp hoàng gia quý tộc, những người giàu có quyền sang vương giả.

Mở quan tài, đoàn khảo cổ kinh ngạc khi thấy một thi hài nữ  nét mặt còn sinh  động. Nhìn từ bên ngoài, thi hài vẫn còn phân biệt rõ mặt mũi, mái tóc bóng mịn, đường nét ngón chân, ngón tay vẫn còn rõ. Các nhà khảo cổ xác định được tên bà hai Quận Công là Phạm Thị Nguyên Chân. Bà được táng với 30 bộ váy áo, quả cau đang ăn dở,  túi đựng trầu thuốc và một số đồ trang sức. Ông Ninh nói: "Tôi còn cho lấy đủ 30 bộ váy áo của bà hai Quận Công đem giặt, phơi ra một cái dây dài. Người dân kéo đến xem đông lắm. Sau đó, số hiện vật này được đưa về TP. Nam Định để trong sở Văn hoá".

Ông Ninh cũng kể lại, khi vào trong đường hầm, ông dùng đèn măng -xông soi thật kỹ thấy rõ mấy tầng quan tài, cửa vòm. Đây là mộ táng chung, đoàn cố tìm rộng hơn ra hy vọng thấy bà cả của Quận Công nhưng không thấy. Cũng có thể lý giải, mộ Hán thường táng đơn mộ, hoặc song mộ. Bà Nguyên Chân là vợ yêu của Quận Công nên được chung mộ.

Lạ & Cười - Mai táng trinh nữ: Ly kỳ chuyện 'người sống' 500 tuổi (kỳ cuối) (Hình 2).

Vòm cửa mộ Hán

Tìm dấu vết  trinh n

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, mộ Hán sau này của người Việt được xây dựng đúng theo phong tục của người Hán. Người Hán chôn gì làm đồ tuỳ táng thì các mộ ở Việt Nam cũng được chôn như vậy. Có ngôi mộ, khai quật lên người đời sau còn thấy cả những bát canh, con gà, xương chó... đang ăn dở còn nguyên. Cảnh vật ấy, giống như có một cuộc sống dưới mộ. Nhưng thực chất điều này chỉ lý giải triết lý nhân sinh "dương sao âm vậy".

Dương gian vẫn cho rằng, có chuyện táng trinh nữ cùng chủ nhân mộ Hán. Tôi đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Lân Cường, ông nói: "Ở Trung Quốc cổ đại, chuyện mộ Hán có táng theo cung tần mỹ nữ, kẻ hầu hạ, trinh nữ là chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa thấy có, bởi tất cả mộ Hán tôi biết đều không còn hài cốt nên khó chứng minh".

Ông Ninh thì cho rằng, có lần khai quật mộ vua thấy có chôn theo một mỹ nữ đẹp. Di hài không còn nguyên vẹn, nhưng tay chân vẫn còn. Ông Ninh cũng cho biết mộ Hán (của người Trung Quốc) táng người sống theo cùng chủ nhân khi chết nhiều chỗ có tìm thấy. Nhưng đó cũng là câu chuyện người ta thêm vào cho ly kỳ hơn.

Lý giải thì như vậy, nhưng ông Ninh cho rằng việc nhà nghiên cứu nào đó, hay ai đó từ những di vật của người chết, bằng phong tục, tập quán mà dự đoán việc có táng trinh nữ trong mộ Hán cũng khó bác bỏ lắm. Bởi lẽ, mộ Hán nếu táng theo phương thức đặt thi hài vào thẳng trong quan gạch, xương cốt hoá hết không còn thì khó chứng minh ngôi mộ ấy có bao nhiêu thi hài. Hơn nữa, mộ Hán thường không có bia nên không biết chủ nhân là ai. Với mộ Hán tất thân xác của con người cả hoá sạch vào cõi hư vô, có chăng chỉ còn những vật tuỳ táng theo chủ nhân ở lại.

Nhưng với những tay đào trộm mộ giải nghệ thì tin lắm chuyện có âm binh canh giữ mộ phần. Chính vì thế, sau khi vướng vào nghề đào trộm mộ cổ dù có tìm kiếm được nhiều cổ vật thì chẳng có tên trộm nào giàu có. Họ đều bị "ma ám" sống trong trong bấn loạn, bệnh tật và khánh kiệt. Lời nguyền và sự trấn yểm của mộ cổ vẫn như còn đó, hù doạ những kẻ bất nhẫn, vô lương khiến cho người chết phải phơi xương mưa nắng ngoài đồng.

Hoá giải trấn yểm

Đối với việc trấn yểm thì các nhà khảo cổ, những người quật mồ tìm xác không mấy tin. Họ đều nói rằng làm khoa học có hại đến ai đâu. Nhưng cứ nghe người ta kể chuyện nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật ngay sau khi khai quật mộ bà Nguyễn Thị Hiệu đã bị tai nạn tại chính lan can nhà mình. Lần nào đào mộ bà Nguyễn Thị Hiệu, ông Truật cũng đào phải mộ kế bên không có xác mà chỉ có búi tóc nhỏ. Nhiều người tin đó và vật trấn yểm nhằm bảo vệ mộ chính. Nhiều người đã khuyên ông nên cẩn thận với việc khai quật mộ phần. Hay có lần khác, ông vừa mở quan tài liền bị ngất xỉu. Công nhân sợ hãi. Nhưng khi tỉnh lại, ông khẳng định đó chỉ là yếm khí trong quan tài. Thi hài bên trong là người bệnh đậu mùa. Người xưa khi khâm liệm đã đổ vào nhiều chất sát trùng. Nó bị tích tụ lâu ngày trong quách kín nên sinh khí độc.

Về chuyện trấn yểm, hay những tai hoạ bất ngờ cho người khai quật mộ cổ cũng khó lý giải lắm. Bởi có những hiện tượng kỳ lạ nằm ngoài sự hiểu biết, lý giải của con người. Tuy nhiên, vì đam mê nên chẳng có nhà khảo cổ nào nghe thông báo có mộ cổ mà hững hờ. Ngày ấy ông Ninh khẳng định: "Con người sinh ra từ cát bụi sẽ trở về với cát bụi theo đúng nghĩa đen của nó. Những thân xác còn giữ lại được chỉ nhờ nghệ thuật bảo quản xác. Nếu có linh ứng, báo oán gì đó, những người chuyên quật mồ như chúng tôi phải lãnh nhận đầu tiên". Còn ông Nguyễn Lân Cường thì hài hước: "Tôi sợ lắm! Tôi khai quật đến giờ 800 mộ táng, còn xác ướp cũng nhiều nhiều. Nhưng ở Hà Nội hễ đâu có mộ cổ lại gọi đến tôi. Nếu được sự tin tưởng của gia đình, tôi và đồng nghiệp sẽ khai quật mộ chồng thứ hai của bà Đoàn Thị Điểm".

Bằng sự say mê khoa học, qua những ngôi mộ cổ các nhà khảo cổ vén bức màn bí mật về cuộc sống của tiền nhân. Thời gian trôi, mọi vật thay đổi không ngừng nhưng qua sự khai quật mộ cổ, nghiên cứu nhân chủng học mà thế hệ chúng ta có thể hiểu hơn về cội nguồn của mình. Chuyện trinh nữ canh mộ Hán, yểm âm binh giữ mộ chỉ là những hù doạ cho kẻ nào tham lam muốn chiếm đoạt di vật người xưa để lại.              

Minh Khánh

Mai táng trinh nữ để trông coi mộ Hán (kỳ 2)

Thứ 2, 11/03/2013 | 15:43
Mộ Hán xây trên những đồi cao tạo thành một "thiên đường" dưới lòng đất. Mộ được xây bằng gạch với những cửa vòm, một kiến trúc tinh tế thu hút nhiều chuyên gia khảo cổ và cả kiến trúc sư. Đồ tuỳ táng là những vật dụng hàng ngày của chủ nhân khi còn sống bằng gốm, đồng, sắt, đồ trang sức như trâm, cúc áo, khuyên tai, nhẫn... bằng vàng.

Mai táng trinh nữ để trông coi mộ Hán (kỳ 1)

Thứ 2, 04/03/2013 | 08:37
Mộ Hán chứa đựng những câu chuyện ly kỳ, huyền bí. Chủ nhân của nó là bậc đế vương, công hầu hoặc những người giàu có. Đến bây giờ, vẫn tồn tại truyền thuyết, trong mộ Hán có táng trinh nữ để trông coi mộ phần và phục vụ chủ nhân.