Nơi bán vàng như... bán tép

Nơi bán vàng như... bán tép

Thứ 4, 30/01/2013 | 08:15
0
Vào những năm 1980, vùng đất Lưu Cừ (xã Lưu Nghiệp Anh, Trà Cú, Trà Vinh) rộ lên phong trào người người đi tìm vàng và nhà nhà nhặt được vàng. Từ trẻ nhỏ chăn trâu đến ông già đi bắt cá, thỉnh thoảng lại nhặt được kim loại quý.

Miếu Ông Tà tọa trên gò đất cao giữa xóm Lưu Cừ vốn hoang vu, ít người qua lại. Nhưng từ khi một đứa trẻ chăn trâu vô nhặt được hũ vàng ở dưới miếu hoang, hàng trăm người đã dồn về đây đào bới. Thời điểm đó, cả vùng đất xã Lưu Nghiệp Anh dường như bị băm nát bởi những tay đãi vàng chuyên nghiệp. Mọi thứ chỉ tĩnh lại khi chính quyền đến quản lý và các nhà khảo cổ bắt tay vào cuộc.

Cơn sóng vàng trỗi dậy từ đứa trẻ chăn trâu

Miếu Ông Tà trên gò đất cao hiện nay đã được chính quyền di dời, nhường chỗ cho di tích Lưu Cừ II. Được biết, di tích này thuộc nền văn hóa Óc Eo của người Chàm. Bà Sáu Xa (60 tuổi, ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) chỉ tay về phía di tích Lưu Cư II và bắt đầu câu chuyện về vùng đất này như thế. Nhà bà Sáu Xa nằm đối diện với miếu Ông Tà ngày trước và di tích Lưu Cừ II ngày nay. Người đàn bà này cho biết: "Nhà tôi đã sống ở vùng đất này qua ba thế hệ. Đến đời tôi thì rộ lên chuyện lạ, nhà nhà, người người nhặt được vàng. Khoảng thời gian đó, tôi đã ngoài ba mươi tuổi, đã lập gia đình".

Xã hội - Nơi bán vàng như... bán tép

Bà Xa (ngồi bên trái) đang thuật lại chuyện người dân trong vùng nhặt được vàng.

Theo lời bà Sáu Xa, cơn sốt vàng dậy sóng từ việc hàng loạt người nhặt được vàng. Khởi điểm là câu chuyện cậu bé chăn trâu nhặt được cục vàng ở gần miếu Ông Tà. Thông tin đó được truyền đi khắp vùng Trà Cú. Nó đã đánh vào tâm lý tò mò và khơi dậy lòng tham của những kẻ hám của. Khoảng những năm 1985, vùng đất Lưu Nghiệp Anh nghèo nàn, sống dựa vào ruộng đồng hoa màu. Trẻ nhỏ sau giờ học thường tỏa ra khắp các cánh đồng cắt cỏ chăn trâu. Vào một buổi chiều nọ, đám trẻ con lùa đàn trâu về nhà, khi đi ngang qua khu vực miếu Ông Tà thì một con trâu giẫm phải một hũ sành chứa nhiều kim khí, trang sức, tượng màu vàng ánh. Lũ trẻ không biết rằng, những đồ vật vừa nhặt được làm từ vàng, một thứ kim loại khiến bao người phải chém giết nhau vì nó. Chúng chia nhau ra làm dụng cụ chơi trò đánh trận giả. Đứa lấy sợ dây dát vàng đeo vào làm thắt lưng, đứa lấy dao kiếm múa may tán loạn.

Bà Sáu Xa hào hứng kể: "Tụi nó đâu biết mấy cái đó làm bằng vàng nên thoải mái đeo vào người rồi đi lung tung khắp xóm. Vợ chồng thằng Sóc Cuôn thấy thế liền dụ thằng nhỏ đeo thắt lưng vàng vào nhà, rồi dùng lời ngon ngọt, lấy gạo và cá đổi vàng. Thằng nhỏ thấy gạo, thấy cá mừng lắm, liền gật đầu đồng ý liền. Sau đó, vợ chồng Sóc Cuôn mang dây thắt lưng ra thị trấn dò hỏi thì biết đích thị đó là vàng thật. Hai vợ chồng về nhà, bày cách lấy hết số đồ vật bằng vàng của lũ trẻ. Đến khi, ông Bảy Chiêm đi bắt cá dưới sông nhặt được vàng thì mọi người mới vỡ lẽ, tiếc số vàng bị vợ chồng Sóc Cuôn đã đổi của lũ trẻ với vài cân gạo, dăm con cá".

Số người nhặt được vàng cứ tăng dần lên, đồng nghĩa với những câu chuyện ly kỳ truyền tai nhau khắp đầu thôn cuối xóm. Mọi người ào ạt đi đãi vàng ở các triền sông, trên những cánh đồng hoang hóa, ngập nước. Nhưng mọi người không biết rằng, kho báu thật sự đang ẩn mình dưới nền đất miếu thờ Ông Tà trên gò đất cao. Bà Sáu Xa nói thêm, thời điểm đó, tôi thường ngủ mơ thấy ông Tà về bảo sang miếu ông cho vàng. Tuy nhiên, khi tôi kể với mẹ thì bà nhất quyết không cho sang. Bà bảo nếu đụng đến tài sản của thần thánh sẽ bị nguyền rủa".

Ngày ấy, bà Sáu Xa nghe lời mẹ nên không dám bén mảng đến gần khu vực miếu. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, khi bà ra gian bếp nhà mình thì bắt gặp một hũ vàng. Bà tá hỏa gọi chồng và mẹ xuống xem. Mẹ bà tái mặt, hối thúc con cái lấy đất lấp lại và không được đụng đến "của rơi". Liên tiếp nhiều ngày sau đó, bà Xa vẫn còn nằm mơ thấy thần Ông Tà về báo mộng. Quyết tâm không tham của, bà cố xem đó là mộng mị.

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, miếu Ông Tà là nơi thờ cúng vị thần Neak Ta (linh tượng để thờ cúng vị thần này là một hòn đá tròn, bóng nhẵn nhụi). Tín ngưỡng thờ thần Ông Tà xuất phát từ văn hóa của người Khmer. Sau đó được truyền rộng rãi trong dân gian. Với bà con Trà Vinh, Ông Tà là vị thần rất đỗi thiêng liêng, nơi thờ cúng ông không ai dám xâm phạm.

Xã hội - Nơi bán vàng như... bán tép (Hình 2).  

Cổ vật tại di tích Lưu Cừ II.

Dời miếu, bật gốc cây tìm vàng thấy đền hoang

Bên cạnh miếu Ông Tà có hai cây đa, mỗi cây có thân lớn bằng vòng tay 5 người ôm. Lâu nay, miếu dân chúng ngưỡng vọng, nhưng trước lòng tham không đáy, nhiều người đã chặt cây, bật gốc tìm vàng. Bà Sáu Xa cho biết: "Người trong ấp không ai dám đụng đến ngôi miếu Ông Tà. Tuy nhiên, những người ở vùng khác "điếc không sợ súng" mới ngang nhiên vào quấy phá nơi thờ cúng ông”.

Khi bật gốc cây đa cổ thụ, những người săn kho báu phát hiện một căn hầm bí mật. Khai quật căn hầm, người ta nhặt nhạnh được vô số những đồ vật bằng vàng. Tuy nhiên, việc đào miếu, chặt cây săn vàng của bọn đạo tặc chỉ diễn ra vào đêm tối. Ngay cả chủ của miếng đất này biết chuyện cũng không dám ngăn cản vì đám người này rất manh động. Trước khi trời hừng sáng, bọn người này lại lũ lượt ra về, để lại hiện trường những vùng đất nham nhở, lỗ hang chi chít với những khối gạch lộ thiên theo kiến trúc của văn hóa Óc Eo.

Người bản địa rất bức xúc khi sự tôn nghiêm của thần thánh bị xâm phạm. Tuy nhiên, khi chính quyền, công an địa phương và tỉnh vào cuộc, bọn người này nhanh chóng tản đi. Khi ấy, bảo vật cũng đã thất thoát nhiều. Theo lời bà Xa, khoảng đầu năm 1986, các cơ quan chức năng xác định, gò đất nơi phát hiện vàng là một di chỉ khảo cổ học có giá trị cần được bảo tồn. Vì vậy, nhiều nhà khảo cổ học được điều động đến đây khai quật. Sau này, ban quản lý khai quật tiến hành cúng bái và di dời miếu Ông Tà. Ngày di dời, hàng trăm người dân tụ tập hồi hộp chờ xem điều kỳ lạ đang ẩn mình dưới hầm sâu. Cuối cùng, dưới những lớp đất đá, người ta nhìn thấy những viên gạch hình chữ nhật xếp chồng lên nhau như một tòa tháp của người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ban điều hành công trình khảo cổ nhận thấy, đây đúng là một quần thể di tích khảo cổ học có nhiều điều bí ẩn, mang dáng dấp từ thời văn hóa Óc Eo. Chính vì thế, đơn vị này thuê nhiều người dân địa phương đến phụ việc đào bới, khai quật. Người dân cố cựu Lưu Cừ II khẳng định, thời điểm đó, nơi đây có rất nhiều vật dụng, tượng, đồ trang sức bằng vàng. Thậm chí, đất cũng lẫn những hạt vàng li ti như hạt cát. Do đó mới rộ lên phong trào, nhà nhà vào khu di tích trộm đất vừa đào đem ra suối đãi vàng.

Không dừng lại ở đó, nhiều công nhân vì quá nghèo, đói đã tìm mọi cách lấy mẫu vật bằng vàng từ khu khai quật ra ngoài. Bà Sáu Xa khẳng định, một số người được thuê đi khai quật về kể lại, những vật lớn như các loại ly chén, bát, chậu, gươm, tượng bằng vàng... không thể đem ra ngoài dưới sự kiểm soát của công an nên vẫn còn được lưu giữ lại. Nhưng những vật dụng như khuy áo, bông tai, các vật trang trí nhỏ khác đã biến mất không ai hay biết. Thậm chí, bà Phun, một người dân trong xã đã lấy tượng con trâu vàng nhét vào búi tóc rồi quấn khăn lên ngụy trang. Người đàn bà này sau khi ăn trộm trót lọt đã bán được rất nhiều tiền.      

Ngọc Lài -  Hà Nguyễn

Kỳ tới: Lời nguyền "sống lại" vì những kẻ "khát" vàng?

Hà Nội: Bới rác nhặt được 11 cây vàng

Thứ 3, 22/01/2013 | 16:16
Đang bới rác, chị Ngà thấy một túi chứa toàn giẻ rách nhưng bên trong có rất nhiều vàng.

Đào được cục vàng nặng 5,5 kg

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:25
Một người đào vàng nghiệp dư ở bang Victoria, Australia đã tìm thấy cục vàng tự nhiên khổng lồ nặng 5,5kg.

Mỗi m2 đất “vàng” Việt Nam bằng một căn hộ chung cư

Thứ 2, 07/01/2013 | 10:07
Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Hàng tồn kho của doanh nghiệp chất đống, giao dịch ảm đạm, nhiều nhà đầu tư thứ cấp bán tháo trả nợ ngân hàng, giá nhà đất nhiều nơi giảm 30-50% so với thời đỉnh điểm. Tuy nhiên, mỗi m2 đất "vàng" tại các khu vực Hà Nội hay TP HCM vẫn có giá ngang bằng một căn hộ chung cư trên thị trường.