Sự thật

Sự thật "thần dược cải lão hoàn sinh" của VN

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Lúc tuyệt vọng nhất, tưởng như cuộc đời đã khép, ông Bùi Đắc Quang lại tin vào việc tìm được thần dược tại rừng già Đà Bắc. Bằng nghị lực phi thường, ông đã tự cứu cuộc đời mình khỏi trọng bệnh mà còn tạo nên thương hiệu trà Ba Tri.

Lấy thân mình làm thí nghiệm thuốc trường sinh

Chỉ trong vòng 1 năm ông đi khám bệnh mới biết mình mắc đủ thứ bệnh như mỡ máu cao, tiểu đường tuýp II rồi vôi hóa tuyến tùng và vôi hóa đám rối mạch mạc 2 thất (não) khiến ông bị liệt nửa người. Cơ thể chỉ còn da bọc xương. Những tưởng cuộc đời ông đã an bài nhưng trong những ngày tuyệt vọng nhất tại bệnh viện, ông lại đọc được dòng chữ in trên hộp thuốc là cây giảo cổ lam.

Những ngày nằm dài trong bệnh viện chờ chết (ông Quang nói vậy), ông không tin là mình có thể vượt qua tao đoạn đó. Làm kinh tế thì thất bại, thân lâm trọng bệnh, ông đã nghĩ thế là cuộc đời mình đã khép. Trong những ngày tuyệt vọng nhất, ông dùng một loại thực phẩm chức năng được chiết xuất từ thảo dược giảo cổ lam và thật bất ngờ ông thấy cơ thể mình bắt đầu có dấu hiệu hồi phục dần. Quá mừng rỡ, ông nghĩ, nếu dùng giảo cổ lam trực tiếp thì khả năng chữa bệnh sẽ tốt hơn.

Rẽ rừng săn thần dược

Lạc lối giữa rừng vắt

Với niềm tin mãnh liệt là mình có thể tìm thấy cây thuốc quý, ông Quang bắt đầu hành trình tìm giảo cổ lam ở rừng Đà Bắc. Trời tờ mờ sáng là ông dắt dao vào rừng, lang thang qua hàng trăm khe suối, hàng nghìn thung sâu tìm cây thuốc quý. Thảo dược của xứ Mường có hàng nghìn, hàng vạn loài.

Trong khi đó, ông chỉ là kẻ ngoại đạo về thuốc nam, không hiểu một điều gì về cây thuốc. Căn cứ duy nhất trong tay ông chỉ là chiếc vỏ bao có in hình cây giảo cổ lam. Gặp cây giây leo nào giống giống ông cũng bứt về. Tìm được cây thuốc ông chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để hỏi xem những thứ cây mà mình kiếm được có phải là giảo cổ lam hay không. Nơi đầu tiên ông tìm đến hỏi là các mế người Mường. Họ đều lắc đầu không biết và chưa từng nghe nói về cây giảo cổ lam bao giờ.

Mế Mường sống bao đời trên kho thuốc Nam còn bó tay không biết cây thuốc ông cần tìm, coi như ông hết hy vọng xác định danh tính loài giảo cổ lam tại địa phương. Thế là bao hy vọng ban đầu vừa lóe lên rồi lại tắt ngấm nhưng ông vẫn tin là vùng này có cây giảo cổ lam.

Ngoài những ngày không vào rừng, ông tìm kiếm tài liệu về dãy núi Ba Tri. Tìm đọc sách, báo, ông có thêm thông tin giảo cổ lam hay còn gọi là cỏ trường sinh, ngũ diệp sâm chỉ mọc ở các vùng núi đá vôi, độ cao từ 600-2.000 m. Tại Việt Nam, giảo cổ lam chỉ tìm thấy trên dãy Hoàng Liên Sơn ở Sa Pa của Lào Cai. "Với độ cao như vậy, tôi nghĩ núi rừng Đà Bắc khó có giảo cổ lam nhưng đọc sách được biết, các dãy núi đá vôi của Hòa Bình cũng nằm trong hệ dãy Hoàng Liên Sơn nên cũng tồn tại khả năng di thực do mưa lũ hoặc muông thú", ông phán đoán.

Ngay cả những hôm trời mưa phùn, rét mướt ông cũng luồn rừng. Ông lang thang hết khu rừng này đến khu rừng khác. Một lần ông bị lạc giữa một thung sâu. Bữa đó trời mưa phùn, không một người dân Mường nào dám đi rừng vào những ngày này bởi lẽ vắt nhiều như chấu. Vì quá nôn nóng tìm cho được cây thuốc quý, ông đánh liều đi.

Càng tiến sâu vào địa hạt rừng già, trời càng ẩm. Vắt bò lổm ngổm quanh chân. Vắt chui vào kẽ chân, kẽ tay mà cắn. Ông càng gỡ máu chảy ra càng nhiều. Đánh hơi thấy mùi máu tanh, dường như cả ổ vắt, động vắt ở trong rừng bật tanh tách bám lấy ông. Lúc này ông chỉ còn cách chạy càng nhanh càng tốt để thoát ra khỏi rừng già. Sau cả ngày chạy như ma đuổi ông thoát ra khỏi rừng vào lúc nửa đêm. Khi vợ ông đến đón cũng là lúc sức tàn lực kiệt, toàn thân ông bê bết máu. Ngay cả vợ ông cũng không nhận ra nếu như ông không cất tiếng.

Săn tìm thần dược trên vách đá

Chuyến đó ông bị gãy 5 xương sườn và hàng nghìn vết sẹo do vắt cắn. Khỏi ốm được vài hôm ông lại tiếp tục lên đường. Thế rồi ông cũng tìm được loài cây giống như trong hình. Chỉ có điều ngay bản thân ông cũng không biết là nó có phải là giảo cô lam hay không.

Hôm sau ông lại khăn gói về Hà Nội, đến gõ cửa các công ty chuyên sản xuất thuốc để hỏi. Đến đâu họ cũng lắc đầu không biết. Sau nhiều lần đi lại không có kết quả, ông bắt đầu đặt câu hỏi: Phải chăng họ giữ nghề, không muốn cho mình biết?

Cuối cùng ông đánh liều cứ thử cho các loại lá mà mình cho là giống với cái hình in trên vỏ hộp thuốc pha uống thử. Chẳng biết đây có phải là quyết định liều lĩnh hay sự quyết đoán, chứ rừng già thiếu gì những cây độc, không may uống phải coi như ông toi đời. Rất may cái sự liều lĩnh của ông lại đúng. Các cây thuốc mà ông mang về uống hàng ngày khiến ông như khỏe ra.

Món quà vô giá của thiên nhiên

Sau lần phát hiện cây thuốc ông đã gặp được nhiều sự may mắn. Bệnh tình bỗng tiêu tan, ông còn gặp được các chuyên gia chuyên nghiên cứu về giảo cổ lam. Năm 2008, đích thân GS.TS Phạm Thanh Kỳ đã đến chỗ ông để xác định xem những thứ cây mà ông phát hiện được có chính xác là giảo cổ lam hay không.

Sau nhiều ngày đi rừng cùng ông, GS đã kết luận, ông Quang không chỉ tìm thấy một loài giảo cổ lam mà tìm thấy cả loài giảo cổ lam ở Hòa Bình trong tổng số 5 loài giảo cổ lam được tìm thấy ở Việt Nam. Các loài này đều có thể dùng làm thuốc. Theo đánh giá của các chuyên gia thì giảo cổ lam hoang dã tại Việt Nam sẽ chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước khoảng một vài năm tới.

Các đánh giá về khoa học cho thấy giảo cổ lam hoang dã có chất lượng vượt trội với hàm lượng hoạt chất rất cao. Trong một nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học Viện dược liệu Việt Nam và Thụy Điển đã tìm ra một chất mới trong cây giảo cổ lam Việt Nam đặt tên là phanoside có tác dụng hạ đường huyết rất tốt. GS.TS Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường đại học Dược Hà Nội) cũng vừa công bố tìm thấy một chất mới hoàn toàn trong cây giảo cổ lam Việt Nam có tác dụng ức chế khối u mạnh và làm tăng miễn dịch cơ thể.

Mặc dù cây giảo cổ lam đã được nghiên cứu từ rất lâu tại Trung Quốc, Nhật Bản nhưng việc phát hiện ra hoạt chất mới có tác dụng chữa bệnh trong giảo cổ lam Việt Nam là điều đáng tự hào cho các nhà khoa học nước nhà cũng như sự khẳng định vào chất lượng của dược liệu Việt Nam.

Điều đáng lo là tình trạng khai thác ồ ạt đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này, hiện nay giảo cổ lam hoang dã tại Phanxipăng gần như không còn. Vùng nguyên liệu mới phát hiện tại Hà Giang và Cao Bằng cũng đã cạn. Do vậy giảo cổ lam ở Hòa Bình là nguồn nguyên liệu quý còn sót lại.

Trước lúc lên đường về, GS Kỳ có dặn dò ông Quang một câu rất tâm huyết: "Tìm thấy giảo cổ lam hoang dã đã là sự may mắn. Và không ai tận tâm, tận lực như anh. Thảo dược thiên nhiên khai thác mãi cũng hết. Anh nên cố gắng để cây giảo cổ lam sống mãi với người Việt Nam mình". Được lời như cởi tấm lòng, ông Quang say mê nghiên cứu nhằm nhân giống cây giảo cổ lam.

Cách làm này vừa bảo tồn nguồn gene thuần chủng của cây, vừa đảm bảo chất lượng không bị giảm sút so với giảo cổ lam hoang dã. Điều này sẽ giúp cung cấp ổn định cây giảo cổ lam cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, đỡ lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là tình trạng dược liệu nhập khẩu không kiểm soát được chất lượng như hiện nay.

Phú tại sơn lâm khánh hữu tầm

Sản phẩm ra thị trường

Ngôi nhà của ông Quang nằm bên triền núi thuộc dãy núi Ba Tri. Vừa vào nhà ông đã rót trà Ba Tri ra mời khách. Thứ nước trà màu cánh dán tỏa mùi hương rất dễ chịu. Tôi nhấp thử cảm nhận hơi đăng đắng. Trong ngôi nhà 3 gian, với nhiều vật dụng liên quan đến không gian văn hóa người Mường như: cồng chiêng, lư đồng..., ông Quang không ngừng nhận, đọc tin nhắn từ máy điện thoại.

Việc tìm ra cây giảo cổ lam trên vùng Đà Bắc đối với ông Quang như cái duyên trời cho, vì vừa giúp ông loại bỏ những căn bệnh quái ác vừa giúp ông kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Ban đầu, ông thu hái, chế biến và đóng gói trà giảo cổ lam thủ công. Đầu năm 2011, được sự giúp đỡ của các kỹ sư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đầu tư lắp đặt hệ thống máy sấy tự động; máy đóng gói theo công nghệ hút chân không; máy dán nhãn.

Xưởng sản xuất của ông hiện có hơn 10 lao động làm các công đoạn chế biến, đóng gói, lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Còn lao động trong, ngoài xã thu hái nguyên liệu cho ông lên đến hàng trăm người.

Tiến hành lai ghép, nhân giống giảo cổ lam mới là hành trình gian nan. Sau nhiều lần tìm hiểu phương pháp râm cành, cuối cùng ông cũng tìm ra phương pháp mang lại hiệu quả tức thì. Chỉ sau 60 ngày là ông có thể đưa giống cây giảo cổ lam ra trồng trên diện rộng.

Từ việc ông phải lặn lội đi ngược xuôi đến các nơi tìm người xác định giúp cây giảo cổ lam là như thế nào. Giờ đây các viện nghiên cứu lại tìm đến tận nhà ông để mua cây giống. Vui hơn cả là ông còn ký được hợp đồng cung cấp nguyên liệu giảo cổ lam cho Bộ Y tế để sản xuất thuốc Curpenin cao nghệ cổ lam đầu tiên của nước ta, có công dụng làm giảm mỡ máu. Một tin vui nữa là các chuyên gia người Đức cũng đã có đề xuất là liên kết với ông để bán loại trà này tại châu Âu.

Xuân Tuấn