Sự thật về môn phái thần long thiên đại hổ

Sự thật về môn phái thần long thiên đại hổ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Matt Tambi là đệ tử chân truyền duy nhất của môn phái với các tuyệt chiêu danh bất hư truyền này.

Tuổi thơ khốn khó của Matt Tambi

Một buổi trưa tháng mười, tôi nhận được điện thoại của võ sư Phạm Đình Phong, Phó chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam hẹn đến nhà chơi. Được biết, võ sư Phong vừa trở về từ Liên hoan võ cổ truyền Bình Định. Vào đến phòng khách, tôi chú ý ngay đến một người đàn ông nước ngoài đang trò chuyện cùng võ sư Phong. Võ sư họ Phạm giới thiệu cho tôi biết, người ngồi trước mặt là anh Matt Tambi, Chưởng môn phái Thần long thiên đại hổ ở Pháp về dự liên hoan.

Theo phép lịch sự, tôi chào anh bằng câu tiếng Pháp. Nhưng thật bất ngờ, người đàn ông ấy nói ngay với tôi bằng một câu tiếng Việt đặc giọng Sài Gòn: "Tui là người Việt Nam mà". Với giọng nói vang đầy khí lực của con nhà võ, Matt tỏ ra rất cởi mở. Anh kể nhiều câu chuyện về bản thân và môn võ mà mình đang truyền dạy nơi đất Pháp.

Matt Tambi, sinh ngày 23/2/1969, tại Phước Hải (Vũng Tàu), trong một gia đình dòng dõi võ thuật. Ông cố của Matt Tambi là Chawi Tambi thời đó nổi danh là một chuyên gia võ thuật hàng đầu tại tòa án của Hoàng đế Siam. Ông nổi tiếng với tài nghệ võ thuật siêu quần, chỉ bằng tay không hạ 50 chiến binh có trang bị vũ khí. Vì vậy, ông đươc nhà vua yêu mến và coi như cánh tay phải của mình.

Sự kiện - Sự thật về môn phái thần long thiên đại hổ

Sau khi thái tử lên ngôi, ông bị thất sủng. Ít lâu sau, đất nước Siam chìm trong các cuộc nổi dậy liên tiếp. Đến khi vương triều bị lật đổ, Chawi Tambi đến Việt Nam làm thầy thuốc. Cũng từ lúc đó, những tuyệt kỹ dòng họ Tambi được truyền đến đời George Tambi (cha của Matt). George là võ sư huấn luyện võ thuật chiến đấu trong quân đội Pháp tại Việt Nam trong tám năm.

Lúc cậu bé Matt mới tròn10 tuổi, George Tambi đưa gia đình qua Pháp định cư. Ngay từ nhỏ, Matt Tambi đã bị võ thuật cuốn hút khi thấy cha thường xuyên nói đến. Mặc dù George Tambi là một võ sư có tiếng, nhưng ông không thể truyền dạy cho con trai những tuyệt kỹ đời mình. Bởi sau khi sang Pháp, ông phát hiện mình mắc bệnh tim khá nặng. Nhưng với con mắt của một võ sư lão luyện, ông thấy cậu con trai của mình có sự đam mê và tố chất của một người luyện võ.

George bèn gửi Matt đến người bạn thân là võ sư nổi tiếng bên đất Pháp tên Trung Tam Lương. Vì võ sư Lương không có con và nhận cậu học trò nhỏ, nhưng vì Matt có sự đam mê lớn lao với võ thuật nên, ông nhận Matt làm con nuôi. Từ đó, ngày ngày Matt được vị võ sư gốc Long An truyền dạy các chiêu thức võ thuật.

Nói chuyện với chúng tôi, Matt kể lại: "Khi truyền dạy võ công, sư phụ Tam Lương rất nghiêm khắc. Người rất chú trọng xây dựng nền tảng võ thuật căn bản cho học trò. Khi mới tập, tôi phải đứng tấn 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bài tập mà đến bây giờ tôi không thể quên, đó là vác bao cát 40kg chạy lên bậc thang với số lần lên xuống tăng dần. Nhờ vậy mà giờ đây hạ bàn tôi rất vững".

Năm 1982, cha của Matt mất sau thời gian bệnh nặng. Khi đó Matt mới 13 tuổi. Do các anh chị đã lập gia đình hết, nên Matt là người đàn ông duy nhất phải gánh vác trách nhiệm của người cha để lại. Anh cùng mẹ thuê một căn nhà nhỏ hơn để ở nhằm giảm chi phí sinh hoạt.

Ban ngày, anh đi học trên lớp. Các buổi tối, Matt tham gia dạy võ trong võ đường họ Trung để kiếm thêm tiền phụ mẹ. Riêng ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Matt đi cắt cỏ thuê cho các trang trại, tối về đi đánh đàn tại các phòng trà. Matt nói với PV: "Tôi không xấu hổ về gia cảnh của mình mà coi đó là niềm tự hào. Bởi tôi có thể vượt qua khó khăn để trưởng thành bằng chính nỗ lực của mình. Đó là thử thách của số phận dành cho tôi".

Cuộc sống mưu sinh của Matt cứ thế trôi qua, nhưng chưa bao giờ anh mất đi niềm đam mê võ thuật. Cho đến năm 1987, khi thấy cậu học trò yêu đã lĩnh hội được hết những tuyệt kỹ võ công của mình, võ sư Trung Tam Lương rời Pháp để đến tu thiền trong một ngôi chùa ở Quảng Đông (Trung Quốc).

Matt cho biết: "Khi tôi lớn lên, mặc dù lúc này không còn cha bên cạnh, nhưng với tinh thần của một võ sĩ, tôi dùng đạo lý võ thuật của thầy Tam Lương truyền dạy để tự răn mình".

Sự kiện - Sự thật về môn phái thần long thiên đại hổ (Hình 2).

Võ sư Trung Tam Lương người thừa kế duy nhất của môn phái "Thần long thiên đại hổ"

Nguồn gốc của môn phái Thần long thiên đại hổ

Chúng tôi gặp Matt trong lần anh trở về Việt Nam dự Liên hoan võ cổ truyền Bình Định lần 4 (năm 2012). Nói chuyện với PV, anh tâm sự rất nhiều về người cha thứ hai của mình - võ sư Trung Tam Lương. Như lời Matt thì thầy Tam Lương (SN 1912, tại Long An) chính là hậu duệ nhiều đời của tổ sư Trung Tam Phong.

Võ sư Trung Tam Lương là người thừa kế duy nhất của môn phái Thần long thiên đại hổ. Đây là môn võ được lưu truyền qua nhiều thế hệ của gia đình họ Trung. Tích xưa kể lại, từ thế kỷ thứ VI, một số võ sư quyết định thành lập một trường học bí mật để đào tạo nghĩa quân chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Tùy (Trung Quốc).

Nhưng có một vấn đề nảy sinh khi năm võ sư đứng đầu lại luyện tập các loại võ thuật khác nhau. Họ rất tự hào về võ thuật cá nhân và ai cũng muốn nghĩa quân học võ của mình. Vì thế, năm người này xảy ra mâu thuẫn. Thế rồi họ quyết định tổng hợp các tuyệt kỹ của mỗi người để nghiên cứu sáng tạo ra môn võ Thần long thiên đại hổ để đào tạo ra các võ sĩ. Đồng thời, họ cử ra Trung Tam Phong là người đứng đầu để huấn luyện cho nghĩa binh đất Giao Chỉ.

Nhưng trong số những nghĩa binh đã có kẻ phản bội. Hắn đã mật báo tình hình quân cơ cho giặc để lấy tiền thưởng. Thậm chí, tên này còn dẫn giặc đến bắt giết quân khởi nghĩa nhân trong lúc Trung Tam Phong đi chiêu mộ thêm quân sĩ. Khi trở về, các võ sư thấy căn cứ bị bao vây liền xông vào phá, nhưng đã quá muộn. Lúc này chỉ còn 126 võ sinh và năm võ sư đứng đầu. Họ không thể thoát khỏi vòng vây trùng điệp. Tuy nhiên, tất cả nhất quyết không đầu hàng mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong lúc chiến đấu ác liệt, một mình.

Trung Tam Phong phá vòng vây chạy thoát. Sau đó, quân Tùy treo giải thưởng rất lớn cho ai cung cấp thông tin và bắt được Trung Tam Phong. Về phần Trung Tam Phong, sau khi trốn thoát, ông tiếp tục đào tạo nghĩa binh giết giặc. Ông và các nghĩa binh đã gây nhiều khó khăn cho giặc, khi mai phục tại những con đường hiểm yếu và đánh vào các kho lương thảo của địch để cướp thóc chia cho dân nghèo.

Sau khi ông mất, thế hệ con cháu tiếp tục sứ mệnh chống lại kẻ thù. Đến khi Ngô Quyền lãnh đạo người dân đất Việt chống lại quân xâm lược Nam Hán, những người dòng họ Trung Tam mới đầu quân và tạo được nhiều chiến công trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938.

Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, con cháu dòng họ Trung Tam không làm quan, họ về miền quê cấy cày để vui thú điền viên.

Mai Phong

Kỳ 2: Những ngày tháng truyền bá võ Việt trên đất Pháp