Sự thật về thanh niên chết đi sống lại ở Bến Tre

Sự thật về thanh niên chết đi sống lại ở Bến Tre

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Cái tin anh Nam ở Bến Tre đã chết rồi lại sống lại khiến bà con lối xóm và người dân hiếu kỳ khắp nơi đổ xô về nhà anh xem chuyện lạ.

Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này, PV báo Nguoiduatin.vn đã tìm về nhà anh Nam, người bị té lầu cách đây không lâu được đồn là đã bước qua cửa tử nay lại hồi sinh.

Như có phép nhiệm mầu

Vượt hơn 100km đường bộ từ TP.HCM về nhà anh Trần Hoàng Nam, 29 tuổi, trú tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chúng tôi được nghe nhiều lời đồn thổi khác nhau về chuyện anh Nam bước qua cửa tử rồi lại hồi sinh. Người ta đổ xô đến nhà anh Nam ngày một đông đúc.

Xã hội - Sự thật về thanh niên chết đi sống lại ở Bến TreAnh Nam ngồi trò chuyện bình thường.

Về tới đầu xã Phú Đức, một người phụ nữ chừng 60 tuổi, từ An Giang lên xem, người này nói: "Tôi đi xem bằng được người thanh niên này, tôi nghe nói anh này chết, người nhà chuẩn bị hậu sự nhưng tự nhiên ngồi dậy đi thắp nhang trong nhà, rồi chiều đạp xe đi chơi. Không biết có phép gì hay không". Vào tới nhà anh Nam, có khoảng gần 30 người đang ngồi nghe người nhà anh kể chuyện.

Theo những thông tin trên giấy xuất viện, anh Trần Hoàng Nam, trú tại huyện Châu Thành, Bến Tre, nhập viện ngày 29/3/2012. Bệnh nhân được chẩn đoán bị giập tủy cổ, rối loạn nhịp chậm. Phương pháp điều trị: Điều trị nội, chống phù tủy, chống loạn nhịp và xuất viện theo yêu cầu thân nhân bệnh nhân.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nam kể: "Vì gia đình khó khăn, tôi lên Sài Gòn làm thợ hồ, kiếm tiền gửi về quê cho con nhỏ ăn học. Còn vợ tôi đi làm công nhân trong nhà máy chế biến thủy hải sản ở Phú Quốc. Hai đứa con được chúng tôi gửi bên nhà vợ ở Châu Đốc, An Giang.

Ngày 29/3 tôi đi làm phụ hồ cho một công trình xây dựng trên đường D2, quận Bình Thạnh, bị rơi từ độ cao 8m xuống mái tôn. Sau đó tôi được những người làm cùng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau 6 ngày nhập viện, tình hình bệnh không biến chuyển, không ăn uống được nên tôi bảo người nhà xin về.

Mục đích xin về của tôi chính là được nhìn mặt họ hàng, bà con lần cuối".

Anh Nam vẫn chưa hoàn hồn khi nhắc tới cú trượt chân khiến cho mình bị thương nặng: "Tôi không còn gì hy vọng với sự sống mong manh của mình. Bác sĩ nói tôi bị chấn thương cổ nặng, giập tủy 4 ống cổ, 2 ống xương sống, nước tiểu cấp tính, tim rất nặng, mổ cũng chết, không mổ cũng chết. Chuyền oxy và nước biển mới về nhà được. Trước khi ra viện gia đình tôi phải viết giấy cam đoan với bệnh viện.

Trước tình trạng bệnh của tôi, bác sĩ, gia đình và cả công ty không cho về. Nhưng tôi nghĩ cái số tôi chắc không sống được lâu nữa, bảo ba mẹ về nhà chuẩn bị hậu sự, để tôi chết ở nhà cho thanh thản. Hơn nữa tôi không muốn ra đi ở bệnh viện, nơi đất khách quê người thì buồn", anh Nam tâm sự.

Theo anh Nam, sau khi xuất viện về nhà, anh chỉ ăn được 3 muỗng cháo và nằm không cử động được. Hai giờ đồng hồ sau, anh Nam bảo người nhà tháo dây truyền dịch từ bình oxy ra và tỉnh hẳn. Ngày hôm sau, anh có thể ăn cơm bình thường. Theo anh Nam, có lẽ, có một phép nhiệm mầu đã giúp anh hồi sinh nhanh. Anh khẳng định: "Đến nay, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình phục, tôi không hề dùng thuốc gì để trị bệnh".

Những lời đồn ác khẩu

Trong vai một người dân đến thăm chuyện anh Nam, chúng tôi ngồi nghe người mẹ tiếp chuyện kể lại sự tình với nhiều người đến xem. Bà Lê Thị Năm, mẹ anh Nam vẫn vui vẻ kể đầu đuôi chuyện cho những người hiếu kỳ.

Xã hội - Sự thật về thanh niên chết đi sống lại ở Bến Tre (Hình 2).Người dân đến xem anh Nam "chết đi sống lại" theo lời đồn.

Nhưng khi chúng tôi cho biết là phóng viên đến tìm hiểu chuyện, muốn xem giấy xuất viện của anh Nam, thì người nhà anh Nam, đặc biệt là anh trai nhất quyết phản đối.

Họ cho rằng, báo chí đưa tin sai sự thật làm cho gia đình rất hoang mang. Người anh trai khẳng định: "Gia đình tôi chưa mua một cái hậu sự về nhà nhưng người ta đồn em tôi chết, đã khâm liệm vào quan tài. Sau đó em tôi tự nhiên bật nắp quan tài chui ra. Nghe vụ này chúng tôi thấy vừa khiếp, vừa bức xúc".

Khi chúng tôi hỏi chuyện bà Năm, mẹ anh Nam thì anh trai của anh Nam ngăn cản và không cho chụp hình: "Má biết gì mà nói, Nam bệnh để nó nói". Bà Năm thừa nhận bên gia đình cũng hết hy vọng với bệnh của anh Nam. Theo bà, họ hàng cũng chuẩn bị cho sự ra đi của con, nhưng mới chỉ là chuẩn bị... tinh thần.

Câu chuyện có vẻ căng thẳng hơn khi người anh trai anh Nam lớn tiếng về chuyện em mình "bị" nhiều người tìm đến. Nhiều người ngồi im lặng không dám hỏi gì. Vừa lúc đó, anh Nam từ trong nhà bước ra, một số người có vẻ sợ sệt, lui ra sau, không dám ngồi gần anh Nam.

Sau đó anh vui vẻ kể cho mọi người nghe. Anh nói: "Tôi thấy không có vấn đề gì mà phải sợ thông tin cả, vì chuyện tôi đang bệnh thập tử nhất sinh mà sống lại được là có thật. Tôi phủ nhận việc tôi đã chết, đã được khâm liệm rồi bật quan tài trở dậy như những lời đồn thổi những ngày qua...".

Trong cuộc trò chuyện, anh Nam không tỏ rõ thái độ không hài lòng trước những thông tin đồn thổi của người dân. Anh nói: "Nhà tôi chưa chuẩn bị quan tài nào, tôi nghe họ kể tôi chết rồi tôi cũng buồn, nhưng đó là chuyện người ta. Còn tôi không làm gì phi pháp, nên không sợ ai. Người ta đến thăm thì chúng tôi mời nước uống và không cúng bài, hay chữa bệnh thì làm gì sợ".

Anh Nam cũng cho biết, sau khi khỏi bệnh, anh Nam quyết định ăn chay trường và lấy pháp danh Tịnh Nam. Bởi anh cho rằng, anh sống lại được là nhờ phép màu của Phật pháp?

Khi chúng tôi xin địa chỉ công ty anh Nam làm việc cũng như những thông tin về những người làm cùng đã đưa anh nhập viện hôm bị thương nhưng anh Nam nhất định không cho. Anh dứt khoát từ chối: "Điều này tôi không thể tiết lộ được, chỉ biết bây giờ tôi hoàn toàn bình phục là tốt rồi".

Trao đổi với chúng tôi, ông Hàn Văn Trung, phó trưởng công an xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết: "Chính quyền đã vào cuộc kiểm tra nhà anh Nam, thấy những người dân hiếu kỳ vẫn đến ngồi hỏi thăm, nghe chuyện. Chúng tôi không thấy có dấu hiệu gì dẫn đến việc mê tín dị đoan, cũng không có hiện tượng chữa bệnh hay bốc thuốc nên chưa có vấn đề gì phải xử lý.

Theo tôi được biết, bệnh nhân khai không đúng với những gì mà bệnh viện kết luận. Theo kết quả khám tại bệnh viện, sức khỏe của anh Nam có thể hồi phục, nhịp tim đã bình thường. Nếu ở lại một thời gian nữa sẽ bình phục nhưng anh xuất viện trước. Chuyện anh Nam đã làm cho nhiều người phải tò mò đi xem. Nếu sau này chúng tôi phát hiện những sai trái gì sẽ bị xử lý theo pháp luật".

Thạc sĩ -bác sĩ Dương Thanh Tùng, trưởng khoa Ngoại thần kinh - BV Nhân dân Gia Định: Ngày 29/3, bệnh nhân nhập cấp cứu và khai té giàn giáo hai lầu. Bệnh nhân khai giập tủy, xuất huyết, xin cho về chờ chết.

Bác sĩ cấp cứu khám, ngoại thần kinh khám, thấy bệnh nhân yếu tay chân, thương tổn, xây xước trên da, đầu cổ, cơ thể không tương xứng với lời khai này vì không thấy vết thương và trầy xước. BV tiến hành chụp MRI, kết quả thấy giập tủy cổ nhẹ nên theo dõi giập tủy cổ và điều trị như giập tủy cổ bình thường. Chúng tôi điều trị chấn thương cổ và nhịp tim chậm, đây không phải là bệnh nghiêm trọng và đe dọa tử vong.

Người nhà của bệnh nhân nằng nặc xin về và nói bệnh nhân có mơ thấy điềm gì đó. Chúng tôi đã giải thích rất kỹ cho người nhà và khuyên nên tiếp tục điều trị nhưng họ vẫn nhất quyết nên chúng tôi yêu cầu làm cam kết. Lúc xuất viện, nhịp tim bệnh nhân bình thường, 70 lần /phút. Chúng tôi xác nhận là tình trạng tạm ổn chứ không đe dọa tử vong.

Lành Nguyễn