Sự thật về xác ướp “nàng tiên cá” nổi tiếng

Sự thật về xác ướp “nàng tiên cá” nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Trong khi truyền thuyết thường ca tụng mỹ nhân ngư là những cô nàng nửa người nửa cá có sắc đẹp tuyệt thế và giọng hát du dương,thì thực tế lại ghi nhận một sự thật phũ phàng.

Nàng tiên cá quái dị

Theo cuốn sách "Speculum Mundi" xuất bản năm 1635 do đích thân Bộ trưởng nước Anh John Swan thực hiện, người cá hòa nhập với cuộc sống "trần gian" khá nhanh. Họ cũng thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nàng hé môi trò chuyện nửa lời. Năm 1738, nhật báo London (Anh) đăng tải một tấm hình gây sốc về minh chứng người cá có tồn tại. Đó là ảnh một mỹ nhân ngư nhỏ bé được phát hiện bên bờ biển Hebrides, bị ném đá tới chết do người ta tưởng nhầm là quái thai.

Sau đó, người cá xấu số này đã được mai táng cẩn thận. Dân làng cũng ra sức bảo vệ sự tích người cá này, họ sẵn sàng thề độc để chứng minh câu chuyện về người cá là có thật 100%. Một câu chuyện khác về người cá cũng đã được xác thực là vào năm 1881, ngư dân bắt được một người cá ngoài khơi Scotland, sau đó đem về bang New Orleans để trưng bày và "kiếm chác" từ những người hiếu kỳ về truyền thuyết có thật.

Và nếu nói về người cá nổi tiếng nhất và có lẽ cũng là "tai tiếng" nhất trong lịch sử phải kể đến mỹ nhân ngư FeeJee, một sinh vật kỳ lạ với khuôn mặt và hình thù gớm ghiếc cùng chiều dài 525mm, chiều cao 210mm và độ rộng 212mm.

Xã hội - Sự thật về xác ướp “nàng tiên cá” nổi tiếng

Hình ảnh các nàng tiên cá xinh đẹp chỉ tồn tại trong truyền thuyết.

Năm 1842, FeeJee ra mắt công chúng New York với sự đón nhận nhiệt tình từ phía các nhà khoa học và những người háo hức được chứng kiến phát hiện "quý báu" của nhân loại. Người đứng ra đảm bảo đây là xác ướp của người cá là một quý ông xưng danh "Tiến sĩ Griffith".

Người này khẳng định: "FeeJee là người cá 100% do một ngư dân Nhật Bản bắt được". Người bình thường cho rằng "nàng tiên cá" như thế này có nguồn gốc từ Đông Á hoặc Nhật Bản. Những lính thủy trong quá khứ đã mua chúng về từ những rạp xiếc bởi sự tò mò hoặc vì coi đây là biểu tượng cho sự may mắn khi đi biển.

Từ đó, xác ướp FeeJee được dựng thành mô hình và được phổ biến ra toàn thế giới. Một thời gian dài, FeeJee được trưng bày trong bảo tàng Barnum như một bằng chứng sống về người cá giữa thế giới thực. Hiện Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Peabody của trường đại học Harvard cũng lưu giữ 1 phiên bản của FeeJee.

Khi Barnum bị hỏa hoạn tàn phá vào năm 1860, bản gốc FeeJee đã thất lạc. Thời gian đó, FeeJee đã lưu lạc khắp nơi, những thủy thủ đã mua lại FeeJee vì họ coi đây là biểu tượng cho sự may mắn khi đi biển, những nghệ sĩ xiếc mua chúng cho mục đích khơi dậy sự tò mò trong những màn biểu diễn của họ.

Sau này, người ta bất ngờ phát hiện ra FeeJee đang lưu lạc tại một chợ cá ở Anh vào năm 1919. Đến năm 1982, bảo tàng Horniman (Anh) nhận được xác ướp của FeeJee như một món quà quyên góp và từ đó tới nay đã được lưu giữ tại đây. Bảo tàng Horniman là nơi lưu giữ và bảo quản nhiều xác ướp về người cá nhất thế giới. Các nhà khoa học thuộc bảo tàng Horniman không ngừng nghiên cứu về nguồn gốc của "nàng tiên cá" - vốn luôn là một ẩn số với con người.

Các nghiên cứu liên tục đi vào "ngõ cụt" và bí mật về người cá vẫn chưa có lời đáp. Tuy nhiên, những nhà khoa học thời đầu thế kỷ XX đã bị sốc khi nhìn thấy "nàng tiên cá FeeJee" có hình thù kỳ quái này. Đó là một thứ không thể lý giải nổi với chuẩn mực khoa học khi đó. Một số người nhận định đó là nàng tiên cá đã được xác ướp hóa.

Hình ảnh FeeJee tràn lan khắp nơi, xuất hiện liên tục trên các mặt báo với tựa đề "Người cá trở lại", "Người cá không còn là truyền thuyết", "Người cá chỉ là sự bịa đặt?" ... Nhiều nghi ngờ được đặt ra về tính xác thực của người cá quái dị này và nhờ đó, xác ướp được gọi là "người cá" này càng thu hút sự chú ý của những người quan tâm và các nhà nghiên cứu nhiều hơn.

Sự thật về người cá nổi tiếng FeeJee

FeeJee còn được gọi là xác ướp "cá khỉ" bởi xác ướp kỳ quái này có cấu tạo đầu khỉ mình cá. Theo Juanita Hollis, chuyên gia về bảo tồn của trường đại học Cambridge (Anh), xác ướp này có 60% là xương người ở nửa trên và 40% còn lại nửa dưới là xương cá. Chính sự khẳng định này của chuyên gia Hollis càng làm tăng thêm tính thực tế của xác ướp cá khỉ.

Nhiều người tin rằng, "nàng tiên cá" có nguồn gốc từ loài cá khỉ, giống như con người có nguồn gốc từ loài vượn người. Thậm chí, có người cho rằng, xác ướp cá khỉ FeeJee chính là tổ tiên của người cá sau này và FeeJee là tổ tiên cuối cùng của người cá, chúng cũng bị tuyệt chủng do sự thay đổi của bề mặt trái đất và sự phát triển của xã hội người cá. Tất nhiên, các nhà khoa học không thể dựa vào những giả thiết này làm nền tảng cho các nghiên cứu về người cá được.

Xã hội - Sự thật về xác ướp “nàng tiên cá” nổi tiếng (Hình 2).

Xác ướp cá khỉ FeeJee nổi tiếng.

Năm 2011, một nhóm nghiên cứu người Anh thuộc trường đại học St George cuối cùng đã đưa ra một kết luận gây bàng hoàng cho toàn giới khoa học. Xác ướp bao lâu nay được coi là bằng chứng về sự tồn tại của người cá thực chất chỉ là sự lừa đảo. Đó chỉ là sản phẩm cấy ghép tinh vi giữa mình khỉ và đuôi cá. Cũng vì lý do này mà người ta đặt cho nó biệt danh là cá khỉ. Theo phán đoán ban đầu, nhóm nghiên cứu cho rằng người ta đã khâu đầu của loài khỉ với phần thân của một con cá. Họ còn cho biết xác ướp cá khỉ là do ngư dân ở Nhật Bản cận khu vực Đông Á tạo nên.

Các cuộc nghiên cứu chi tiết đã được tiến hành tỉ mỉ. Nhóm nghiên cứu đã vận dụng những công nghệ tiên tiến để điều tra cấu tạo của loài cá khỉ này. Vào tháng 3/2011, nhóm nghiên cứu đã chụp X - quang mẫu xác ướp cá khỉ tại viện bảo tàng Horniman, đồng thời tiết lộ một nửa của nó được kết nối từ giấy.

James Moffatt - tiến sĩ sinh lý học tại trường đại học St George giải thích: "Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ hiện đại như máy CT scan, kính hiển vi, máy X - quang và máy in 3D để điều tra và làm sáng tỏ cấu tạo của nó. Kết quả, chúng tôi đã nhận ra xác ướp cá khỉ thực chất được làm từ giấy, lá cây, dây sắt, đất sét, các mẩu xương cá và chân gà. Không hề có một dấu vết nào liên quan đến khỉ.

Như vậy, ban đầu, FeeJee được tạo nên nhằm mục đích như một vật may mắn của ngư dân nhưng không ngờ vật may mắn đó lại trở nên nổi tiếng, trở thành bằng chứng cho cả một lịch sử về giai thoại người cá. Và điều bất ngờ nhất chính là việc FeeJee là "đồ giả" đến nay mới được phát hiện, tạo một cú sốc lớn cho giới khoa học.

Từ công bố của các nhà nghiên cứu, giới khoa học bắt đầu đặt ra câu hỏi: Liệu các xác ướp người cá khác được tìm thấy có phải là của người cá thật hay không? Hoặc FeeJee vốn được tin tưởng là thế thì những xác ướp người cá còn lại có gây thất vọng cho các nhà nghiên cứu nữa không? Nhưng chắc chắn một điều, niềm tin vào người cá giữa đời thực vẫn ở trong lòng nhiều người và họ vẫn tiếp tục hy vọng một ngày nào đó, những "nàng tiên cá" xinh đẹp sẽ thích nghi với đời sống hiện đại, sẽ không còn ẩn mình dưới làn nước xanh của đại dương nữa. Người ta mong sẽ được gặp các "nàng tiên cá" bằng xương bằng thịt chứ không phải là các xác ướp vô hồn và dễ bị làm giả nữa.

An Mai