Sự tích 'sinh đồ ba quan' tai tiếng bậc nhất trong lịch sử khoa bảng

Sự tích 'sinh đồ ba quan' tai tiếng bậc nhất trong lịch sử khoa bảng

Thứ 7, 04/03/2017 | 20:50
0
Sinh đồ ba quan là một sự tích mà người đương thời nghĩ ra để chế giễu tình trạng thi cử rối ren cuối thời Hậu Lê. Đây có thể coi là một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Như đã đề cập ở các kỳ trước trong những bài Nghi án nhà bác học Lê Quý Đôn từng khiến thần đồng Việt chết yểu?Danh thần phải bỏ mạng vì tự ý sửa điểm bài thi để lấy lòng cấp trên, nhân vật thứ ba mà chúng tôi muốn nhắc đến trong loạt bài về những vụ gian lận thi cử chấn động thời phong kiến là Đỗ Thế Giai.

Ông chính là cha đẻ của sự tích "sinh đồ ba quan" - vốn được người đương thời nghĩ ra để chế giễu tình trạng thi cử rối ren cuối thời Hậu Lê. Sử sách chép rằng, những người muốn dự kỳ thi Hương (bất kể là người đi buôn, kẻ bán thịt hay người làm ruộng) chỉ cần nộp ba quan tiền là có thể đi thi được. Đây có thể coi là một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử khoa bảng hàng nghìn năm ở nước ta.

Thu tiền để bù quốc khố thiếu hụt

Các nguồn sử liệu còn lại tới ngày nay chép rằng, năm 1750 do chiến tranh loạn lạc, quốc khố trống rỗng nên triều đình vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh đã cho phép người dân hễ cứ nộp ba quan tiền là có thể đi thi.

Theo phép thi thông thường thì một sĩ tử phải trải qua ba kỳ thi chính là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Nhưng trước kì thi Hương người ta còn tổ chức một kỳ thi phụ nữa (những người vượt qua kỳ thi này mới được thi Hương) gọi là thi Minh Kinh. Số tiền ba quan mà người dân bỏ ra để được đi thi chính là kỳ thi này.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng, những năm đầu thời Trung hưng, số tiền do sinh đồ (tức tú tài – PV) nộp vào đều phải chi dùng cho các Hiệu quan (quan trông coi về giáo dục - PV) của huyện. Từ năm 1720 triều đình bắt đầu thi hành việc đánh thuế điệu, mọi khoản đều phải trông vào công quỹ. Vì thế tiền Minh Kinh này phải nộp cho quan sở tại để tổ chức trường thi.

Đến đây (tức năm 1750), vì việc đánh dẹp diễn ra triền miên, chi phí không biết bao nhiêu mà kể, của kho không đủ để chu cấp, cho nên triều đình hạ lệnh rằng, hễ năm nào có khoa thi Hương thì cho phép mọi người được nộp ba quan tiền để thay cho việc khảo hạch ở huyện rồi được đi dự thi, và gọi đó là tiền Thông Kinh. Việc này là do lời bàn của Đỗ Thế Giai vốn là cận thần của chúa Trịnh.

Sách Lịch triều Hiến chương loại chí cũng chép: “Đến bấy giờ (tức năm 1750 – PV) Thự phủ Đỗ Thế Giai cho rằng dụng binh tiêu phí nhiều, tiền tài nhà nước thiếu thốn, cho mỗi người nộp tiền ba quan, không phải khảo hạch, đều được vào thi (tức thi Hương - PV) cũng gọi là tiền thông kinh”.

Vậy là “cha đẻ” của ý tưởng tai tiếng này tên là Đỗ Thế Giai. Vậy ông này là ai? Ông sinh năm 1709 , mất năm 1766 tại xã Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, là một nhân vật có quyền thế và tiếng tăm thời Lê - Trịnh. Đỗ Thế Giai chỉ đỗ Hương cống (tức Cử nhân) nhưng được chúa Trịnh Doanh tin dùng, sau này trở thành một nhân vật tầm cỡ.

Dưới thời Lê - Trịnh, chủ yếu là chúa Trịnh Doanh và chúa Trịnh Sâm, Đỗ Thế Giai từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, được phong Luyện quận công. Thành tích lớn nhất trong cuộc đời làm quan của Đỗ Thế Giai là tham gia đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, trong đó có cuộc khởi nghĩa lớn Nguyễn Danh Phương (nổi dậy ở vùng Tam Đảo ngày nay).  Đỗ Thế Giai được chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm rất tin tưởng, trọng dụng (tương truyền chúa Trịnh Doanh đã từng ngủ đêm tại nhà Đỗ Thế Giai ở Đông Ngạc). Sau khi ông mất được phong làm Thượng đẳng phúc thần. 

Văn hoá - Sự tích 'sinh đồ ba quan' tai tiếng bậc nhất trong lịch sử khoa bảng

 Cuối thời Hậu Lê, chuyện dùng tiền mua quan là hết sức bình thường (ảnh minh họa)

Việc một cử nhân bình thường như Đỗ Thế Giai mà lại được chúa Trịnh Doanh tin dùng như cận thần được giai thoại dân gian chép như sau. Thời Đỗ Thế Giai vẫn còn chưa có tiếng tăm, một hôm khi đi ngang qua phía trước phủ chúa, ông thấy người em cùng mẹ của chúa Trịnh Giang (ông này lúc đó đang ốm nặng sắp chết – PV) là Trịnh Doanh đang ngồi chơi chọi gà với chúng bạn.

Sau hồi ngắm nghía tướng mạo Trịnh Doanh, ông quả quyết đây là vị chân chúa cần phải thờ. Nhân lúc đó cũng có Hoàng Ngũ Phúc cũng đang có ý định đó nên cả hai sửa soạn lễ vật đến ra mắt và xin làm bề tôi. Sau này khi Trịnh Doanh lên thay chúa Trịnh Giang đã nhớ tới hai người này và tin dùng như những cận thần.

Ngàn năm công tội?

Dù đúng dù sai thì hậu thế sau này không thể phủ nhận vai trò của Đỗ Thế Giai trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc. Nhưng có thể nói rằng, ảnh hưởng từ chủ kiến dùng tiền để miễn kỳ thi Minh Kinh đã trở thành một scandal nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến.

Bia miệng đến nay vẫn còn truyền câu nói “sinh đồ ba quan” đủ thấy những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới xã hội như thế nào. Cứ theo những gì mà sách Lịch triều Hiến chương loại chú chép thì đủ thấy chính sự của ta thời đó xuống cấp tới mức nào.

Sách chép: “Người làm ruộng, người đi buôn, thậm chí người hàng thịt, người bán vặt, cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, công nhiên làm bậy, không còn biết phép thi là gì. Những người thực tài, mười phần không đỗ một”.

Văn hoá - Sự tích 'sinh đồ ba quan' tai tiếng bậc nhất trong lịch sử khoa bảng (Hình 2).

 Nhà thờ cụ Đỗ Thế Giai ở làng Đông Ngạc hiện nay

Chính sử gia Phan Huy Chú từng nhận xét rằng:  “Khảo thí cốt để chọn người tài giỏi, xưa nay lệ thi Hương chưa bao giờ nghe nói lấy tiền thay thế khảo hạch cả. Từ Trung hưng về sau, phép thi định rõ ở đời Chính Hoà (từ năm 1680 tới năm 1705 – PV), sửa lại ở đời Bảo Thái (từ năm 1720 tới năm 1731 – PV), cách thức tinh mật, không còn chê vào đâu được. Các triều sau noi theo đều lấy được thực tài.

Những người cắp sách đi học mới biết khoa trường là trọng. Từ khi kẻ nịnh thần đề nghị đổi phép thi, hạng sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ. Người trên do đó lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được đỗ mà không thẹn, làm cho trường thi thành ra chỗ buôn bán. Ôi ! Nếu là việc quyền nghi một thời thì còn có thể được, đến lúc thanh bình mà cũng vẫn theo như thế, có phải là điều lệ của đời thịnh đâu”.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho biết, khoa thi Hương thuở xưa có bốn kì làm bài. Người đỗ cả bốn kì thi gọi là Hương cống hay Cống sĩ (tức Cử nhân), chỉ đỗ được ba kì thì gọi là Sinh đồ (tức Tú tài). Bấy giờ Đỗ Văn Giai đề nghị cho những người nạp tiền Thông Kinh được dự thi ba trong số bốn kì thi Hương. Điều này cũng có nghĩa là bọn người nhờ ba quan để được miễn khảo thí cấp huyện, chỉ đỗ đến cao nhất là Sinh đồ mà thôi.

Tuy nhiên không ai lại dại dột bỏ tiền ra để đi thi, nếu biết được rằng, thi chưa chắc đã đậu. Vì thế cho nên, rốt cuộc thi với ba quan tiền, bọn họ không phải chỉ được miễn một kì khảo thí ở huyện, mà còn được đi qua ba kì đầu của các khoa thi Hương một cách nhẹ nhàng. Sử cũ nói rằng trường thi chẳng khác gì chợ búa, quả đúng lắm thay”.

PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học KHXH&NV TP. HCM cho biết: “Câu chuyện về sinh đồ ba quan là một bài học quý báu cho hậu thế ngày hôm nay về cách làm giáo dục của cha ông ta thưở trước. Chuyện gian lận thi cử, học giả bằng thật, việc thi cử như chợ búa ... không còn thuộc riêng thời đại nào nữa. Nếu chúng ta không làm tốt thì hậu thế sau chúng ta cũng có thể sẽ có những đánh giá giống như chúng ta đánh giá về trường hợp sinh đồ ba quan vậy”.

Tai tiếng cho kẻ sĩ ngàn năm

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần từng nhận định: “Dùng tiền để kiếm học vị, dùng học vị để kiếm chức và dùng chức để kiếm cách bòn rút thiên hạ, đó là con đường tất yếu của bọn có tiền mà thất đức. Sinh đồ ba quan, đó là bọn đã làm ô uế cả trường thi, làm dơ bẩn cả thanh danh bao đời của kẻ sĩ, ấy là một lần đại nhục. Sinh đồ ba quan là bọn vênh váo với sự hữu danh vô thực, tưởng như ai mà chẳng thể như ai, đó là hai lần đại nhục. Phải hai lần đại nhục như vậy, còn mặt mũi nào mà đứng giữa cõi trời cao đất dày. Mới hay, dốt chưa phải là sự đáng lo, sự đáng lo đến mức đáng sợ là sự xuất hiện của bọn dốt nát nhưng lại có học vị hẳn hoi”. 

 

Phạm Thiệu

Cùng chuyên mục

Tây du ký: Tôn Ngộ Không từng cầu mưa mãi không xong

Thứ 6, 19/04/2024 | 19:00
Câu chuyện về việc Tôn Ngộ Không cầu mưa mãi không xong dù sở hữu sức mạnh phi thường là một bài học đắt giá về sự khiêm tốn và cẩn trọng trong lời hứa.

Đào Lan Phương: Sống trong biệt thự triệu đô, view sông lãng mạn

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:30
Tại Mỹ, con dâu tỷ phú Hoàng Kiều sống trong biệt thự rộng rãi, view sông lãng mạn, chỉ dạo quanh sân vườn cũng mỏi chân sống ảo.

Lần đầu trong 20 năm cầm lái, MC Thảo Vân gặp tai nạn giao thông, sức khỏe hiện ra sao?

Thứ 6, 19/04/2024 | 14:49
Lần đầu trong 20 năm cầm lái xe ô tô và vô tình gặp phải tai nạn giao thông ngoài ý muốn, MC Thảo Vân hốt hoảng vì sự cố, buồn bã nói “thôi của đi thay người”.

Lễ hội thập niên sự lệ của dòng họ Nguyễn Cảnh – truyền thống văn hoá

Thứ 6, 19/04/2024 | 14:23
Dòng họ Nguyễn Cảnh, có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An.

“Bạch mã hoàng tử” của Tây Du Ký: Cuộc đời nhiều thăng trầm với 3 lần kết hôn

Thứ 6, 19/04/2024 | 14:15
Cuộc sống của "Bạch Long Mã" Vương Bá Chiêu trải qua nhiều thăng trầm cả trong sự nghiệp và chuyện tình cảm. Hiện tại, ông chọn cuộc sống bình yên.
     
Nổi bật trong ngày

Lễ hội thập niên sự lệ của dòng họ Nguyễn Cảnh – truyền thống văn hoá

Thứ 6, 19/04/2024 | 14:23
Dòng họ Nguyễn Cảnh, có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An.

Bất ngờ ngoại hình khác lạ của MC Quyền Linh ở độ tuổi 55

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:00
Hình ảnh MC Quyền Linh xuất hiện trước công chúng trông già nua với mái tóc và bộ râu dài. Diện mạo lạ của nam nghệ sĩ khiến khán giả không nhận ra.

Dự báo thời tiết ngày 19/4/2024: Nắng nóng gay gắt quay trở lại?

Thứ 6, 19/04/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (19/4). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Công ty Nhã Nam xin lỗi, đình chỉ chức vụ Giám đốc sau cáo buộc quấy rối

Thứ 6, 19/04/2024 | 08:53
Sau loạt khủng hoảng truyền thông vì cựu Giám đốc Nguyễn Nhật Anh vướng cáo buộc "quấy rối nữ nhân viên", công ty Nhã Nam xin lỗi, đưa ra hình thức kỷ luật.

Sau mưa dông, nắng nóng "quay lại" bao trùm miền Bắc, có nơi trên 39 độ C

Thứ 6, 19/04/2024 | 10:00
Dự báo trong vòng một tháng tới, áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.