Sữa nội có

Sữa nội có "át" sữa ngoại?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Dù Việt Nam hiện có khoảng 60 doanh nghiệp kinh doanh sữa với gần 300 nhãn hàng của các loại sản phẩm như: Sữa bột, sữa nước, sữa đặc, sữa chua và các sản phẩm sữa khác: kem, bơ, fomat, bánh sữa... nhưng người tiêu dùng rất khó lựa chọn.

Theo tờ Doanh nhân và Pháp luật, nhiều người tiêu dùng thời gian qua đã phản ánh chất lượng và giá cả nhiều loại sữa đang bày bán trên thị trường.

Chẳng hạn, bà Dung ở ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội giải bày giá sữa chỉ thấy tăng không thấy giảm, nhưng nước lên, thuyền lên phải chấp nhận chứ chẳng có cách nào khác. Bà Dung mong muốn các hãng sữa sản xuất sữa tốt, giá cả phải chăng với túi tiền người tiêu dùng. Trước đây, cháu bà thường uống sữa Vinamilk, giờ cháu thấy các bạn ở lớp uống sữa TH True Milk nên cháu bảo mẹ đổi qua loại sữa này. Cháu lớn rồi nhưng mỗi ngày vẫn uống hai hộp nhỏ.

Loay hoay lựa chọn sữa nội và ngoại

Còn chị Nguyễn Thị Lan, làm ở một công ty truyền thông cho biết, con trai chị 4 tuổi, mỗi tháng chị mua hai hộp sữa ngoại Elfakid. Mặc dù giá tăng chóng mặt, tháng trước chỉ 159.000đ, tháng này lên 279.000đ được tặng 1 chai dầu ăn 45.000đ. Chỉ sau một tháng, hết khuyến mại là nghiễm nhiên các cửa hàng cứ thế mà bán. “Đắt quá, nhưng thằng bé nhà chị thích uống loại này em ạ!”, chị Lan cho biết.

Ở Phần Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Đức, Pháp uống 190 lít sữa/năm. Ở Việt Nam 14,81 lít sữa/người/năm. Việt Nam hiện nay có khoảng 60 doanh nghiệp kinh doanh sữa với gần 300 nhãn hàng của các loại sản phẩm như: Sữa bột, sữa nước, sữa đặc, sữa chua và các sản phẩm sữa khác: kem, bơ, fomat, bánh sữa. Nhu cầu về sữa ở Việt Nam còn rất lớn, hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng.

Còn cô Nguyễn Ngọc Cúc ở Giảng Võ, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết, cháu nhà cô toàn uống Ensure 540.000đ/hộp to. Có thể mua được hai hộp sữa Việt Nam, nhưng bé đã quen dùng sữa ngoại rồi đành chịu.

Sự “trình làng” mới toanh được đánh giá là thành công nhanh và ngắn nhất của thương hiệu sữa TH True Milk. Mới đây, bà Thái Hương - chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa TH chia sẻ, bà là “dân” ngân hàng (hiện đang là TGĐ Ngân hàng Bắc Á) mà đi nói chuyện về sữa thì nhiều người ít lòng tin. Song từ vụ sữa độc ở Trung Quốc (sữa có chất melamin gây bệnh về thận), bà trăn trở tại sao họ lại mất đạo đức như thế đối với những em bé. Bà quyết định tìm cho bằng được cách sản xuất sữa bò sạch.

“Khi tôi tham vấn các chuyên gia đầu ngành và các nhà quản lý về việc làm sữa sạch, nhiều người ngăn, làm sữa là thất bại đấy. Vì Việt Nam chưa thành công trong việc nuôi bò sữa. Thậm chí, chồng tôi phản ứng kịch liệt, chồng tôi bảo vợ chồng mình ở nông thôn giờ thoát khỏi đuôi bò rồi, sao em lại muốn về nắm đuôi bò nữa. Nhưng tôi tự tin, đuôi bò này khác!”, bà Hương tiết lộ.

Bà Hương đã tìm đến Israel, một đất nước phát triển hàng đầu về công nghệ cao (đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp), bà đã mua trọn gói quy trình chăn nuôi bò sữa. Đề án 1,2 tỉ USD, đã phát triển đàn bò lên đến hơn 10.000 con, mỗi ngày cho ra 20 tấn sữa/ngày.

Dự kiến, đến năm 2017 sẽ có 137.000 con bò và nhà máy chế biến đạt công suất 500 triệu lít/năm. “Dự án này chúng tôi đã thực hiện trong vòng 17 tháng và đến nay sản phẩm sữa TH True Milk của chúng tôi đã được tung ra thị trường. Như nước Israel, họ bảo đề án này trong vòng 5 năm họ mới thành công”, bà Hương nói.

Bà cho biết DN của bà cam kết 100% sữa bò tươi, mọi thông tin trên bao bì, nhãn hiệu của thương hiệu này đều có chữ ký của bà, tất cả cam kết đều là thật.

“Ruộng không có cỏ”

TS Phạm Xuân Đà, viện trưởng Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, vấn đề an toàn thực phẩm là 1 trong 10 vấn đề nổi cộm toàn cầu. Bởi lẽ, nếu sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi ăn vào sẽ gây ngộ độc cấp tính (miệng nôn, trôn tháo, đầu óc quay cuồng) còn ngộ độc tích lũy (5 – 10 năm) mới đẻ ra bệnh.

Hiện nay, gần 400 bệnh do thực phẩm gây ra mà buộc chúng ta phải quan tâm. Muốn có sản phẩm an toàn là quá trình liên hoàn: Chăn nuôi, thức ăn, môi trường, thu hoạch, chế biến sản phẩm như quy trình vắt sữa, bảo quản, xử lý sữa...

Người tiêu dùng thông thái nên chọn các sản phẩm sữa tươi, đồng thời nên chọn mua sữa của các DN chủ động được nguồn nguyên liệu. Vì sữa hoàn nguyên khó xác định bao nhiêu phần trăm sữa tươi, bao nhiêu phần trăm hoàn nguyên, là sữa bột hay là công thức của các loại ngũ cốc trộn lại, cho gia vị vào chế biến lại như sữa bột.

Cho dù bấy lâu nay, thỉnh thoảng các phương tiện thông tin đại chúng lại “rộ” lên thông tin hộp sữa phình to bất thường hoặc hết hạn sử dụng. Những lời phàn nàn, ca thán không hồi kết bằng truyền miệng hoặc trên các diễn đàn. Họ cho rằng các hãng sữa tiếp thị sữa qua bác sĩ, y tá, trường học, gièm pha, nói xấu, chê bai sản phẩm của nhau hay “những chiêu độc” khi moi ra những hộp sữa phình to, có ruồi nhặng; sự nhập nhèm giữa sữa tươi, tiệt trùng và hoàn nguyên nói không ngoa rằng phải soi bằng kính lúp mới thấy những vi chất trong sữa chứa các thành phần DHA (Decosahexanoic acid), ARA (Arachidonic acid) là những acid béo không no rất cần cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ giúp bé cao và thông minh vượt trội…

Bà Vũ Thị Bạch Nga, trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết, tới nay Ban bảo vệ người tiêu dùng chưa hề phát hiện và xử lý một vụ việc nào liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, gièm pha, nói xấu, bôi nhọ doanh nghiệp khác hoặc quảng cáo không thật…

Được biết, không chỉ cơ quan này, mà ngày cả những Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, các cơ quan chức năng như Sở Công thương, quản lý thị trường cũng chưa hề phát hiện ra doanh nghiệp nào vi phạm. Như vậy, nếu ví thị trường sữa Việt Nam như ruộng không cỏ, liệu có đúng không? Mặc dù, các bà mẹ luôn quả quyết cứ đắt tiền là tốt, nhưng thực lòng, vừa xót xa trả tiền cho các hộp sữa ngoại, vừa tự vỗ về an ủi rằng con mình sẽ cao hơn và thông minh hơn?

Theo DN&PL