Sửa xe “đểu”, móc tiền thật trên đường cao tốc

Sửa xe “đểu”, móc tiền thật trên đường cao tốc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Lợi dụng đường cao tốc có ít hàng sửa xe nên các chủ cửa hàng "lòe" được rất nhiều người. Chính vì vậy, dù khách không đông nhưng họ vẫn "sống khỏe".

Lừa nhanh như... chớp mắt

Trong chuyến về Phú Thọ hồi tháng 10 vừa qua, chị Linh ở ngõ 512, đường Giải Phóng (Hà Nội) đã bị "xin đểu" khi xe hỏng trên đường cao tốc. Vì đi bằng xe máy nên chị đã nhờ chồng kiểm tra lại xe để đảm bảo an toàn trong quãng đường 100km sắp tới. Anh chồng cẩn thận mang xe ra hiệu quen bảo dưỡng. Khi đang di chuyển trên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, chị cảm thấy tay lái "lúng liếng", nghi bánh xe trước hết hơi. Tìm đỏ mắt trong quãng đường gần 1km (chị Linh) mới thấy một quán sửa xe máy. Chị vội vã "tấp" xe vào ven đường để bơm xe.

Tại đây, thợ sửa chữa cho biết, xe máy của chị bị thủng săm trước, phải vá. Trả tiền xong, chị Linh dắt xe ra thì không nổ được máy. Chị Linh kể lại: "Chồng tôi đã mang xe đi kiểm tra theo định kỳ nên chắc chắn không hỏng hóc gì. Vậy mà, vừa vá xe xong thì máy không nổ. Nhờ nhân viên sửa chữa tại cửa hàng kiểm tra, họ nói xe bị cháy IC và hỏng ắc quy. Vì đang vội về quê nên tôi đành bảo họ thay cả hai bộ phận này, tổng số tiền hết 600.000 đồng".

Trên đường về Hà Nội, chị Linh mang xe qua chỗ cửa hàng vẫn thường sửa và bảo dưỡng xe hỏi thì nhân viên ở đây được biết, nếu thay cả IC và ắc quy, chi phí chỉ hết hơn 300.000 đồng. Thế là chị mới biết, mình bị "bóp" (tức ăn chặn) khi sửa xe ở đường cao tốc.

Di chuyển trên đường cao tốc với quãng đường dài, lại xa khu dân cư, đối với người đi đường, xe máy bị hỏng là một khó khăn lớn. Đường cao tốc thường tách ra hai làn riêng biệt, nhiều người bị hỏng xe, có khi nhìn thấy bên kia đường có quán sửa xe mà vẫn phải dắt bộ đoạn dài mới quay đầu, sang được chỗ sửa xe. Không chỉ phụ nữ, mà nhiều nam giới khi bị "lừa" ở đường cao tốc mới thấy mặt trái của kiểu làm ăn "chộp giật" này.

Anh Trần Hồng Quân, ở khu tập thể E8, phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thời gian đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa cấm xe máy đi lại, vợ chồng anh về Thái Bình thăm ông bà nội trên tuyến đường trên. Đi đến địa phận xã Vạn Điểm, Thanh Trì (Hà Nội) thì xe tự nhiên tắt máy, đề mãi không nổ, anh chị đành dắt xe một quãng khá xa mới có một hàng sửa xe bên vệ đường.

Ô tô-Xe máy - Sửa xe “đểu”, móc tiền thật trên đường cao tốc

Một thợ đang sửa xe máy trên đường cao tốc

Lúc vợ chồng anh vào, hai người đàn ông trong quán còn đang chơi cờ, phải 15 phút sau họ mới sửa xe. Đã lường trước được việc ở các hàng sửa xe (ven đường cao tốc) hay "giở trò" nên anh giám sát họ làm khá cẩn thận. Vậy mà, sau khi nút đề xe được thay mới, trả tiền xong xuôi, anh chị lên xe đề máy thì không nổ, dựng xe, đạp mấy cái cũng không động tĩnh gì.

Từ trước đến giờ, xe máy của anh chưa từng bị như vậy. Anh cúi xuống hốc lốp sau kiểm tra thì thấy dây điện bị giật tuột ra, chắc chắn do thợ sửa xe tranh thủ phá lúc sửa. Lúc đó, anh Quân định quay lại làm cho ra nhẽ, nhưng nghĩ, không thể đôi co với hai tay "xã hội đen" xăm trổ đầy mình, vì cũng không bắt được tận tay nên... thôi. Chỉ cần cắm lại giắc điện là xe chạy bình thường, nhưng nếu gặp phải người không biết, quay lại cho họ sửa xe, chắc chắn phải mất cả trăm ngàn đồng.

Lợi dụng ở đường cao tốc chỉ có xe gắn máy, ô tô đi lại, ít hàng sửa xe nên nhiều chủ cửa hàng "lòe" được rất nhiều người. Thủ đoạn "dọa dẫm" để gạ khách thay phụ tùng thường được cửa hàng sửa xe máy áp dụng với những khách hàng có ít hiểu biết về xe. Có trường hợp, người mang xe vào hiệu sửa vì máy kêu do lười thay dầu, thợ sửa xe kiểm tra xong "phán" luôn là xe rão xích cam, bánh răng bơm dầu có dấu hiệu quá tải, không văng dầu lên máy dễ gây cháy máy...

Không dừng ở việc yêu cầu khách lắp thêm đồ cho xe, nhiều thợ sửa xe còn lợi dụng sự mù tịt về máy móc của khách hàng để lừa khách thay những phụ tùng của xe vẫn còn tốt. Nhiều khách hàng bị thay đồ tốt để lấy phụ tùng đã qua sử dụng, về nhà kiểm tra mới biết, quay lại "bắt đền" thì bị chủ cửa hàng "chối bay chối biến", thậm chí dọa đánh...

Sửa xe di dộng để dễ "bẫy"

Thường là di chuyển với quãng đường xa, hai bên đường xung quanh lại vắng vẻ, các xe chạy với tốc độ nhanh, khiến tâm lý của những người bị hỏng xe càng mệt mỏi. Vì thế, nhìn thấy bất cứ một hàng sửa xe nào, người bị hỏng xe cũng xem như là "cứu cánh". Khách hàng mang xe vào sửa thường có tâm lý muốn cho chiếc xe của mình được sửa tốt nhất, an toàn nhất nên cứ dịch vụ nào, phụ tùng nào được thợ sửa xe đưa ra, nghe giá có vẻ hợp lý thì gật đầu.

Tất nhiên, để gạ được khách thay đồ, thợ sửa chữa cũng phải hết sức khéo léo. Mánh khóe thường được sử dụng là "dọa dẫm" khách, bằng cách nói về những mối nguy hại đối với xe, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng người lái xe, nếu không kịp thời thay thế, bổ sung phụ tùng đó. Nào là xe không lắp gương, thay lốp đi đường xa không an toàn, bị công an "hỏi thăm", rồi nếu không thay ở đây thì không có hàng nào… khiến nhiều người bị hỏng xe hoang mang và vì sự an toàn cho quãng đường sắp tới nên "cắn răng" trả tiền. Thường thì họ phải trả gấp rưỡi với số tiền thật cho phụ tùng thay thế, thậm chí phải trả gấp đôi.

Điều dễ dàng nhận thấy, trên các đường cao tốc, dịch vụ sửa xe di động cũng "ăn nên làm ra" như những nơi có hàng quán. Trên đường đi, nếu để ý, người đi đường sẽ nhìn thấy nhiều tấm biển cắm ở vệ đường ghi dòng chữ "sửa xe" và kèm theo số điện thoại di động. Nếu không may xe bị hỏng giữa đường thì bấm máy sau 10 phút sẽ có người đi xe máy mang đủ bộ đồ nghề để sửa xe giữa đường.

Đây là dịch vụ rất hút khách gần đây, bởi nó mang tính "công nghệ" cao mà thợ sửa xe có thể chủ động việc nhà, khi nhận được điện thoại mới ra đường cao tốc sửa xe. Và giá của "công nghệ" này cũng "chát" không kém nơi có hàng quán cố định: Vá xe số giá 30.000 đồng, vá xe ga 50.000 đồng, bơm xe cũng xin "ngọt" 10.000 đồng để "uống nước"...

Nhiều quán sửa xe ở đường cao tốc còn có chiêu "dọa" khách hàng thay đồ mới, nếu không khi đi xa sẽ rất nguy hiểm. Chiêu này thường được áp dụng với những khách hàng là phụ nữ hoặc người không hiểu biết nhiều về xe cộ. Khách hàng khi mang xe vào sửa thường có tâm lý sửa một lần cho tốt nhất, để việc đi lại được an toàn nên khi thợ sửa xe đưa ra bất kỳ phương án dịch vụ hay thay phụ tùng nào đều sẵn sàng đồng ý, ngay cả khi giá phụ tùng tương đối cao.

Vì thế, trước khi đi xa, hay di chuyển trên đường cao tốc, khách hàng nên kiểm tra toàn bộ xe để tránh gặp rắc rối và bị "xin đểu". Trong trường hợp "bất đắc dĩ" phải sửa xe giữa đường, người đi đường nên mặc cả trước để tránh phiền hà.

Lạc Thành