Sửng sốt vì bỗng dưng con bị nhược thị

Sửng sốt vì bỗng dưng con bị nhược thị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Gần đây, nghe con than phiền mỏi mắt, phải nheo mắt mới đọc được chữ, chị Thu tá hỏa đưa con đến bệnh viện khám mới biết con mình bị nhược thị.

Tưởng đau mắt đỏ hóa... nhược thị

Chị Lê Huệ Hà (Đặng Thai Mai, Hà Nội) hàng ngày phải đưa con đến phòng phục hồi chức năng - Bệnh viện mắt Trung ương để luyện tập mắt. Chị Hà kể rằng: "Con tôi bị lác kèm theo cận thị. Nhiều khi thấy con học bài, xem ti vi phải nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn, tôi chỉ nghĩ do tật lác mắt của con nên không đưa đi khám.

Cũng do chủ quan, không đưa cháu đi khám định kỳ và điều trị sớm. Đến giờ cháu bị nhược thị nặng, mắt phải chỉ còn 2/10". Chị Hà cũng cho biết, với tâm lý không muốn con bị gọi là "bốn mắt" nên cứ ai mách chữa cách nào hay chị lại áp dụng nhưng chỉ áp dụng được ít ngày lại nản.

Các em nhỏ đang luyện tập chữa nhược thị tại Bệnh viện mắt Trung ương

Trước khi vào Bệnh viện mắt Trung ương, chị đã đưa con đến tập luyện mắt phòng khám tư gần 4 tháng. Phòng khám này áp dụng phần mềm vi tính chữa nhược thị cho tất cả bệnh nhân. Tuy nhiên, cách chữa trị này được áp dụng đại trà dẫn đến tình trạng thị lực của cháu ngày càng giảm, thường xuyên kêu mỏi mắt, nhìn không rõ".

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội: "Sau 3 ngày thấy cậu con trai (8 tuổi) mắt đỏ, tôi sợ cháu bị đau mắt đỏ đã đưa đến viện khám. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thử đo độ sắc của thị giác với bảng đo thị lực và chẩn đoán mắt trái bị cận, mắt phải bị nhược thị và loạn thị.

Sau khi khám, đo thị lực, bác sĩ khuyến cáo: "Mắt cháu rất kém, nếu không điều trị tích cực có nguy cơ hỏng mắt". Nghe bác sĩ nói, tôi giật mình vì từ trước cháu không hề có biểu hiện nheo mắt, mỏi mắt...".

Theo như lời kể của chị Hương, hồi 6 tuổi, đã có lần chị đưa con đi khám, bác sĩ bảo rằng cháu bị viêm kết mạc và kê đơn thuốc uống, thuốc nhỏ điều trị. Sau lần đó, mắt cháu hoàn toàn bình thường. Không ngờ, sau 2 năm không đi khám lại, cháu đã bị nhược thị. Bác sĩ chỉ định phải đến phòng phục hồi chức năng để luyện tập mắt, lấy lại thị lực...

Thạc sĩ Hoàng Cương- Bệnh viện mắt Trung ương cho biết: "Thời gian gần đây, trẻ mắc bệnh nhược thị có xu hướng tăng mạnh. Tại phòng phục hồi chức năng- Khoa mắt trẻ em, của Bệnh viện mỗi ngày điều trị cho 70-80 lượt trẻ trong độ tuổi từ 5 - 13 tới tập luyện mắt để nâng cao thị lực". Theo thạc sĩ Hoàng Cương, trẻ em bị lác cơ năng có tỷ lệ nhược thị cao hơn, chiếm đến 60%. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ rất khó hồi phục thị lực.

Chữa muộn hết cơ hội cứu

Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc- Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhược thị của trẻ như: Mắt lác, bị tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, sụp mi bẩm sinh, sẹo giác mạc. Nhược thị là sự kém phát triển về chức năng của cơ quan thị giác, điều này có thể biểu hiện ở hai mắt hoặc một mắt, nên nhiều khi các bậc phụ huynh không phát hiện ra. Biểu hiện nhược thị là khi đã đeo kính nhưng trẻ chỉ nhìn được thị lực dưới 7/10 và không phát hiện tổn thương thực thể nào".

Cũng theo bác sĩ Ngọc, việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bệnh nhược thị cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều trị nhược thị cho trẻ trước 4 tuổi chỉ mất 5-7ngày, kéo dài hơn khoảng một tháng.

Các bậc cha mẹ nên cho con đi khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Nhưng khi trẻ 7 tuổi trở lên mới được phát hiện và điều trị thì thời gian kéo dài. Từ 12 tuổi trở lên, cơ hội chữa khỏi bệnh hầu như không còn. Sau 1-2 năm mắc bệnh, thị lực của trẻ bị giảm nhiều, thậm chí, đến tuổi trưởng thành, thị lực của bệnh nhân giảm xuống mức 1/50, 1/100...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân - Phòng điều trị nhược thị- Viện mắt Trung ương cho biết, việc phát hiện bệnh này không dễ vì nhiều trẻ không có biểu hiện khác thường nào về thị lực, nhất là khi chỉ bị một bên mắt. Dù có nhìn kém đi, trẻ cũng dễ dàng thích nghi với điều kiện thị lực đó và chẳng than phiền gì. Những trẻ bị lác nên được theo dõi cẩn thận xem tình trạng nhược thị có xuất hiện hay không.

Bác sĩ Vân cũng cho biết: "Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa nhược thị như phẫu thuật, gia phạt quang học, phục thị, dùng thuốc. Biện pháp hay được sử dụng nhất là bịt mắt lành để tập cho mắt nhược thị phục hồi chức năng thị giác, nhặt thóc gạo, tập tô. Tùy vào bệnh lý của từng bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định dùng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp". Các bác sĩ cũng khuyến cáo, sau khi khỏi bệnh trẻ vẫn cần được khám mắt và theo dõi định kỳ để tránh trường hợp bị lại.

Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc- Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội, cho biết: "Trẻ nhược thị thường có các biểu hiện như nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn do trẻ không nhìn rõ. Đối với những trường hợp có biểu hiện như lác mắt, hoặc bị bệnh về mắt thì ta có thể phát hiện ra được và đưa trẻ đi khám mắt nhưng đối với những trường hợp không có biểu hiện gì thì việc phát hiện ra bệnh là rất khó. Vì vậy các bậc cha mẹ nên cho con mình đi khám mắt định kỳ để phát hiện ra bệnh và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả".

Ngân Giang