Sương Nguyệt Anh: Người giơ cao ngọn cờ nữ giới

Sương Nguyệt Anh: Người giơ cao ngọn cờ nữ giới

Thứ 4, 18/01/2017 | 16:24
0
Trong thời buổi giao thời, bà Sương Nguyệt Anh đã dám vén bức màn khuê môn, đưa những người phụ nữ chỉ biết đến “tam tòng, tứ đức” đằng sau bức màn đó ra tiếp xúc với văn hóa Âu Tây.

Nữ văn sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê. Bà sinh ngày 1/2/1864 tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ nổi danh Nguyễn Đình Chiểu.

Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, nữ văn sĩ còn có nhiều bút danh khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh... Bà là nhà thơ kiêm chủ bút nữ đầu tiên của làng báo chí Việt. Tên tuổi của bà được nhắc nhiều trên văn đàn công khai ở Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ XX.

Lí giải về chữ “Sương” của bút danh “Sương Nguyệt Anh”, bà từng kết duyên với một phó tổng tên Nguyễn Công Tính. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chỉ vài năm sau, khi con gái bà được hai tuổi thì chồng mất. Từ đó, bà quyết thủ tiết nuôi con, thờ chồng. Và cũng từ đó, bút danh của bà có thêm chữ “Sương” đằng trước thành Sương Nguyệt Anh - tức Nguyệt Anh góa chồng.

Mỗi lần nói đến văn học sử Nam Bộ, người ta sẽ nghĩ ngay đến Sương Nguyệt Anh và ngâm những câu thơ duyên dáng của bà, nhớ đến tinh thần và chí khí thanh cao mà bà đã nêu gương cho hậu thế đặc biệt là những người phụ nữ thấp cổ bé họng, không có địa vị trong xã hội. Bà được hậu thế trân trọng gọi là “nữ sĩ Thanh Quan của miền Nam”.

Thơ bà để lại gồm thơ chữ Hán, thơ quốc âm, văn tế…những bài thơ đề cập đến “nữ quyền” đa số là những bài nội dung ngắn gọn nhưng rất giàu khí tiết và được ký thác những tâm sự nữ nhi giữa thời truân chuyên, loạn lạc. Điều này khiến cho thơ bà tạo tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội và trở nên sâu lắng cũng như có sức gợi qua thời gian. Lời thơ tuy rắn rỏi nhưng hơi thơ vẫn chứa đựng nỗi ngậm ngùi riêng, kín đáo và cảm động. Bên cạnh những lời thơ khảng khái hiếm có ở một nữ sĩ:

Ngọc ánh chi nài son phấn đượm

Vàng ròng há sợ mất màu phai

Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa

Ngọc lành chi để thẹn danh ô

là những câu thơ tha thiết âu lo cho phận liễu yếu đào tơ:

Biển ái sóng ân còn lắm lúc

Mây ngàn hạc nội biết là nơi.

Một dây oan trái rồi vay trả

Mấy cuộc tang thương dễ đổi dời”.

Không chỉ lo buồn riêng cho phận nữ nhi, bà còn mạnh mẽ nói lên quan điểm của bản thân và kêu gọi phụ nữ cùng nhau đứng lên thoát khỏi những hủ tục, bất công trong xã hội để có được cuộc sống tốt đẹp hơn:

Vang lừng nữ giới những hồi chuông

Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng”...

(Báo Nữ giới chung, Số 8 ra ngày 22/3/1918).

Làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” (tiếng chuông của nữ giới) càng giúp bà có thể nêu cao tư tưởng “nữ quyền” của mình hơn.Với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội... bà đã tập hợp được những cây bút có tư tưởng tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động phụ nữ hãy học hành, đấu tranh để ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em.

Tin cũ - Sương Nguyệt Anh: Người giơ cao ngọn cờ nữ giới

Chân dung nữ văn sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: Internet.

Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Anh đã viết: “Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”. Điều này góp phần không nhỏ tạo nên cú hích trong việc đấu tranh nam nữ bình quyền cho phụ nữ Việt Nam.

Quả là “tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Hết khóc cha, khóc mẹ, khóc chồng, đến khi người con gái độc nhất của bà hạ sinh người cháu ngoại cũng là lúc bà phải “khóc con gái” bởi bạo bệnh. Những thăng trầm, lâm li trong cuộc đời bà đã khiến đôi mắt của bà thường xuyên đau nhức và mờ lòa.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi con gái bà mất, đôi mắt bà đã trở nên mù hẳn. Và cũng chỉ vài năm sau, bà đã trút hơi thở cuối cùng trong đơn độc.

Cho đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta vẫn coi bà là tấm gương sáng đầu tiên dám giương cao ngọn cờ nữ quyền. Trong thời buổi giao thời, bà Sương Nguyệt Anh đã dám vén bức màn khuê môn, đưa những người phụ nữ chỉ biết đến “tam tòng, tứ đức” đằng sau bức màn đó ra tiếp xúc với văn hóa Âu Tây.

Hồng Thúy/NĐT