Số phận kỳ lạ của quả chuông hiếm thấy thời Tây Sơn

Số phận kỳ lạ của quả chuông hiếm thấy thời Tây Sơn

Thứ 5, 06/06/2013 | 17:10
0
Thôn Phượng Vũ (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được biết đến như một ngôi làng có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Nhân một lần về thăm làng, chúng tôi được nghe người dân nơi đây kể về quả chuông cổ, một hiện vật còn sót lại của thời Tây Sơn.

Hiện vật quý bị lãng quên

Chùa cổ An Thánh (tên nôm thường gọi là chùa Dực hay chùa Phượng Vũ) tọa  lạc tại đầu xóm Cái, thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như đôi chó đá và đôi tượng hộ pháp bằng chất liệu đá xanh, được chạm khắc rất tỉ mỉ, có tính nghệ thuật cao. Nhưng hiện vật đặc biệt nhất phải kể đến là quả chuông cổ hiện được treo ở gác chuông trên cổng tam quan nhà chùa.

Nhìn bề ngoài thì quả chuông tương đối nhỏ, không khác mấy so với những quả chuông bình thường. Nhưng dựa vào các họa tiết được sử dụng trên quả chuông cũng như những tài liệu còn giữ được, có thể khẳng định đây là hiện vật còn sót lại của thời Tây Sơn, một thời đại rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc.

Xã hội - Số phận kỳ lạ của quả chuông hiếm thấy thời Tây Sơn

Cổng tam quan chùa An Thánh, nơi treo quả chuông cổ

Để tìm hiểu về lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật của chiếc chuông cổ này, chúng tôi đã tìm gặp nhà nghiên cứu Nghiêm Xuân Mừng (giảng viên văn hóa, trường đại học Nội vụ). Ông Mừng từ lâu đã nghiên cứu về văn hóa làng Phượng Vũ và có những bài viết về chiếc chuông cổ này.

Ông cho biết: "Toàn bộ quả chuông, tính cả quai cao 1,25m, trong đó phần thân  cao 90cm, quai cao 35cm, miệng hơi loe với đường kính gần 70cm và có trọng lượng 340kg. Thân chuông chia làm bốn khoang trên (hay bốn múi) và bốn khoang dưới được phân bố cân xứng đều với nhau. Trong đó một nửa diện tích chuông được khắc chữ Hán - Nôm có ghi lại sự tích đúc chuông và tên những gia đình công đức. Trên góc của mỗi khoang đều có trang trí hoa lá cách điệu. Phần dưới vành chuông gần với miệng được trang trí bởi 34 hình lá để cân xứng nhau".

Theo nhà nghiên cứu Nghiêm Xuân Mừng, quai của quả chuông này được hình thành bởi bốn đầu rồng đúc nổi quay về bốn hướng rất cân xứng. Phần đuôi của bốn con rồng chụm lại thành một cái núm ở phía trên. Mỗi con rồng có bốn chân, hai thân trước bám xuống phần đỉnh thân chuông trông rất dũng mãnh. Hai chân sau quặp vào thân phía gần đuôi rồng. Chiều cao chân trước mỗi con là 5cm và mỗi chân có bốn móng (có lẽ dùng để phân biệt với rồng năm móng, biểu tượng cho quyền uy của nhà vua).

Xã hội - Số phận kỳ lạ của quả chuông hiếm thấy thời Tây Sơn (Hình 2).

Quả chuông cổ  được đúc năm 1793

Trong bốn đầu rồng thì có hai con ngậm ngọc, hai con nhả ngọc được đặt so le nhau trông rất đặc sắc. Hơn nữa các chi tiết được chạm khắc trên quai chuông tinh xảo, tỉ mỉ thể hiện sự kỳ công của người thợ dân gian. Nó đem đến cảm giác sống động, không đơn điệu cho người xem. Toàn bộ phần chóp quai chuông được trang trí trông giống như bốn con chim phượng trên đỉnh cột trụ ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ tạo nên hình chữ thập rất đẹp và cũng rất chắc chắn. Phần quai chuông chính là điều làm nên sự khác biệt của quả chuông này so với rất nhiều các quả chuông khác. Nó thể hiện phần nào sự hưng thịnh của văn hóa Việt dưới thời Tây Sơn. Hay nói theo cách của thầy Thích Đàm Dương thì: "Thông thường chuông chỉ đúc hai đầu rồng, nhưng ở đây lại là bốn đầu rồng, chứng tỏ thời đó, đời sống văn hóa và kinh tế đất nước ta rất thịnh vượng". Trong bản khắc in trên quả chuông cho biết, quả chuông này được đúc vào năm Cảnh Thịnh nguyên niên (Quý Sửu 1793).

Số phận kỳ lạ của quả chuông cổ

Theo lời kể lại của thầy Thích Đàm Dương cũng như những tư liệu được khắc trên thân quả chuông thì số phận của nó rất đặc biệt. Trước đây, thôn Phượng Vũ còn có tên gọi là "làng hai chùa" bởi ở đây có tới hai ngôi chùa. Chùa lớn có tên là Long Hưng và chùa nhỏ có tên là An Thánh (người ta còn gọi là chùa ngoài và chùa trong). Chùa Long Hưng là một ngôi chùa cổ, được xếp vào hàng danh lam thắng cảnh và nổi tiếng linh thiêng. Theo người dân nơi đây thì chùa Long Hưng là một trong những chùa lớn nhất Hà Tây xưa. Quả chuông này vốn là quả chuông của chùa Long Hưng.

Văn bia khắc trên quả chuông cho biết, trước đây chùa Long Hưng cũng từng có một quả chuông rất to (được gọi là đại hồng chung). Tuy nhiên, thời Tây Sơn, chiến tranh, loạn lạc xảy ra liên miên, chùa chiền bị phá, quả chuông bị vứt xuống sông và bị phá hỏng không còn âm vang như ngày xưa nữa (cũng theo văn bia này thì một phần do nhà Tây Sơn lo sợ bị trả thù nên không cho dân chúng đánh chuông). Theo sử sách thì thời đó, đồ kim khí thường bị thu giữ đểä đúc binh khí nên nhiều khả năng người xưa phải giấu chuông đi.

Xã hội - Số phận kỳ lạ của quả chuông hiếm thấy thời Tây Sơn (Hình 3).

Thầy Thích Đàm Dương trong buổi trò chuyện

Do lâu ngày không được nghe tiếng chuông ngân, mọi người thấy nhớ nên muốn tu chỉnh, làm lại quả chuông khác tại chùa này. Thế là dân chúng khắp nơi tập hợp lại, chọn ngày lành tháng tốt, sửa sang lại chùa và mời thợ giỏi về cùng nhau đúc quả chuông đồng lớn. Chính là quả chuông được đề cập đến trong bài viết này. Cũng theo văn bia ghi chép thì khi đúc, người dân cho vàng, cho đồng vào nấu chảy, trải qua nhiều công đoạn mới hình thành quả chuông. Khi đánh thì "tiếng chuông vang lừng lồng lộng khắp rừng thiêng, lan xa ra ngoài bến sông cửa biển". Như vậy là sự ra đời của quả chuông vốn có một lịch sử rất phức tạp. Nói cách khác, quả chuông này có thể được làm lại từ quả chuông đã bị hỏng trước đó.

Tuy nhiên, số phận quả chuông vẫn chưa hết "long đong". Khi kháng chiến nổ ra, năm 1952, ngôi chùa Long Hưng bị thực dân Pháp chiếm đóng. Ông Nghiêm Huy Dương, cán bộ văn hóa xã Phượng Dực cho biết: "Khi thực dân Pháp chiếm đóng thôn Phượng Dực, chúng đã phá chùa để lấy gạch xây dựng bốt canh gần đó. Hơn nữa, do ngôi chùa án ngữ phía Tây của làng và nhìn ra hướng đường lớn nên thực dân Pháp đã cho san phẳng ngôi chùa để tiện cho việc quan sát tình hình. Những hiện vật trong chùa nếu có giá trị sử dụng chúng thu giữ để tái chế. Số còn lại, hầu như đều bị vứt xuống sông hoặc bị đốt. Lo sợ quả chuông quý có thể bị giặc thu giữ, nấu chảy ra làm đạn dược, người dân đã bí mật đem giấu vào chùa trong (tức chùa An Thánh ngày nay).

Sở dĩ quả chuông không bị phát hiện là do chùa An Thánh xưa rất nhỏ, trông như một cái miếu con nên giặc không nghi ngờ gì cả. Hơn nữa, quả chuông được giấu kỹ nên vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Sau khi hòa bình lập lại, người dân mới dám treo lại. Trước đây, quả chuông được treo sau Tam bảo để các sư thỉnh kinh mỗi ngày. Tuy nhiên, khi cổng tam quan được xây dựng thì thầy trụ trì mới đem chuông treo ở vị trí như bây giờ.   

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh                                      

Quả chuông độc nhất vô nhị

Cố GS. Trần Quốc Vượng (nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Việt Nam), trong một lần về tìm hiểu văn hóa làng Phượng Vũ đầu những năm 1990, khi nhìn thấy quả chuông đã thốt lên rằng: "Tôi đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng lần đầu tiên tôi được thấy quả chuông này. Đúng hơn phải gọi là quả đại hồng chung".  

Phạm Thiệu

Cái tên, môi trường sống đều tạo ra số phận con người

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:31
Tính danh học là một môn khoa học lâu đời được lưu truyền rộng rãi ở các nước Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan), Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…

Biến đổi khí hậu làm 'mọi người giống nhau về số phận'

Thứ 7, 06/04/2013 | 18:24
Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu giáo dục và phát triển Môi trường (CERED), 'trước sự đe dọa ấy (của biến đổi khí hậu), mọi người đều giống nhau về mặt số phận'.

Tướng mạo và tính cách, số phận con người

Thứ 3, 09/04/2013 | 15:15
Liệu có cơ sở nào giữa nhân tướng với tính cách, số mệnh con người? Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng "điều đó không phải là không có cơ sở".

Số phận “đắp chiếu” của 15 trạm đo mưa tiền tỷ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Nhằm dự báo chính xác cho thời tiết dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long và thời tiết chung Hà Nội, 15 trạm đo mưa quy mô nhiều tỷ đồng được dựng lên khắp Hà Nội.

Số phận những cặp sinh đôi dính nhau hiếm gặp ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Trong y văn thế giới, những ca sinh đôi dính nhau là rất hiếm, chỉ chiếm tỉ lệ 1/50.000 trường hợp.