Bệnh nhân vượt tuyến gây áp lực cho bệnh viện tuyến trên

Bệnh nhân vượt tuyến gây áp lực cho bệnh viện tuyến trên

Thứ 5, 25/04/2013 | 16:52
0
Trong 3 năm gần đây, tình trạng khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến tăng cao, có năm tăng tới 300%, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên trong khi các bệnh viện tuyến dưới vẫn còn sức khám chữa.

Mới đây, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu quan điểm sẽ không chi trả hoặc buộc đồng chi trả BHYT mức cao đối với bệnh nhân KCB vượt tuyến.

Bệnh viện tuyến dưới không đủ sự tin cậy, bệnh nhân ùn về tuyến trên

Hiện nay, tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa lớn trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như bệnh viện Nhi Trung ương, Việt Đức, Xanh Pôn, Bạch Mai, Từ Dũ,… luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Tại bệnh viện K và bệnh viện Nhi Trung ương, hai nhóm phóng viên Người Đưa Tin trong vai người đi KCB và đưa người nhà đi khám bệnh đã phải xếp hàng dài chờ đợi. Để đảm bảo được khám trong ngày, nhiều bệnh nhân đã phải đến từ sáng sớm để xếp hàng. Những bệnh nhân đến muộn ngồi nơm nớp, thấp thỏm lo lượt khám của mình sẽ bị đẩy đến chiều và như vậy, để có được kết quả kết luận tình trạng bệnh của mình, có khi bệnh nhân phải chờ tới ngày hôm sau. 

Ở bệnh viện K, PV tiếp xúc với một số bệnh nhân lớn tuổi, có cả những người già từ các tỉnh xa như Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An cũng phải ngồi chầu chực, vật vạ ở các băng ghế chờ đến lượt khám. Khi được hỏi thì phần đa phần bệnh nhân đều trả lời là việc đến khám chữa bệnh ở đây không có sự giới thiệu của bệnh viện tuyến dưới.

Chị Lê Thị Vân ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá vừa nhận được kết quả khám bệnh sau gần một ngày chờ đợi ở bệnh viện K cho biết: "Khi tôi đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá, các bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư vú khiến cả nhà rất lo lắng, bác sĩ bảo phải mổ nhưng gia đình không yên tâm nên quyết định tự ra Hà Nội khám lại. Sau khi khám và thực hiện xét nghiệm tại bệnh viện K, kết quả không có vấn đề gì, chỉ có một cái u nhỏ, lành tính, bác sĩ chỉ kê đơn thuốc về uống, không phải đụng đến dao kéo". Trường hợp như của chị Vân kể ra cũng không phải hiếm, nhất là đối với những bệnh nhân vượt tuyến trực tiếp từ tuyến xã, huyện lên tuyến Trung ương thì tỉ lệ sai lệch kết quả chẩn đoán bệnh khá lớn.

Xã hội - Bệnh nhân vượt tuyến gây áp lực cho bệnh viện tuyến trên

Hiện nay, ở các bệnh viện tuyến trên, tình trạng quá tải vẫn còn rất nghiêm trọng

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, chi Nguyễn Hương ở Điện Biên cho biết: "Tôi đưa con lên đây để cắt amiđan, đang chờ từ sáng sớm vẫn chưa đến lượt. Tuy xa xôi, đi lại tốn kém nhưng các bác sĩ ở đây có chuyên môn cao nên gia đình vẫn phải cố gắng đưa cháu đi. Ở quê tôi, có trường hợp cắt amiđan ở bệnh viện huyện mà sau đó phải đi cấp cứu".

Không tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới, chờ đợi vào trình độ tay nghề cao cũng như trang thiết bị hiện đại hàng đầu của các bệnh viện tuyến trên là lý do chủ yếu các bệnh nhân vượt tuyến đưa ra. Dù việc này đồng nghĩa với mức chi trả bảo hiểm y tế cũng thấp đi rất nhiều lần, có bệnh nhân chỉ được hưởng khoảng 30% mức chi trả, phần còn lại phải rút hầu bao ra đóng nhưng vì lo cho sức khoẻ, người bệnh vẫn ùn ùn kéo lên vạ vật ở bệnh viện tuyến trên. 

Cần sự chung tay góp sức của người dân

Ở các bệnh viện cấp tỉnh, tình trạng quá tải bệnh nhân không phải là không có, trong khi các bệnh viện, cơ sở KCB ở tuyến huyện, tuyến xã rất vắng bệnh nhân. Trên thực tế hiện nay ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh này cũng được Nhà nước đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, các y bác sĩ cũng được nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên bệnh nhân vẫn…vắng. Đã đến lúc phải giải quyết vấn đề này, chấm dứt tình trạng quá tải tuyến trên, tạo niềm tin cho bệnh nhân và giúp họ được khám chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện tuyến dưới.

Hiện nay, nhiều người tham gia Bảo hiểm y tế đều không rõ về quy định xung quanh việc vượt tuyến khám chữa bệnh bởi: "Ngay trên thẻ bảo hiểm y tế cũng đâu có ghi quy định gì" một bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai cho biết. Theo bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì hiện nay có tới 60% bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết, gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, trong khi đó bệnh viện tuyến dưới thì lại thiếu vắng bệnh nhân. Việc quá tải cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc khám chữa bệnh của các y bác sĩ và chăm sóc người bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ thắt chặt quy trình KCB. Bệnh viện tuyến Trung ương chỉ thực hiện những kỹ thuật tương đối cao. Quan điểm của bộ Y tế là không chi trả cho người khám chữa bệnh trái tuyến hoặc phải đồng chi trả ở mức cao cùng với bệnh nhân. Tuỳ theo các cấp vượt tuyến, bệnh nhân sẽ chỉ được chi trả từ 30%, 50% và 70% bảo hiểm y tế.

Về việc củng cố niềm tin cho bệnh  nhân có thể chữa trị ở các bệnh viện tuyến dưới, bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết sắp tới Bộ sẽ triển khai các Đề án bác sỹ gia đình, Đề án Bệnh viện vệ tinh, tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở để người tham gia bảo hiểm y tế yên tâm điều trị ở tuyến dưới. Đồng thời, Bộ cũng sẽ thực hiện sửa đổi Thông tư số 10 để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký KCB ban đầu, phân bố lượng thẻ đăng ký tại một cơ sở, chuyển tuyến,… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân về việc vượt tuyến KCB. Giảm thiểu vượt tuyến đồng  nghĩa với cơ hội được chăm sóc, KCB tốt hơn, đồng thời cũng là chung tay góp sức cùng  ngành y tế giải quyết vấn đề quá tải ở các bệnh viện.                                     

Hón Thỵ

Bệnh nhân đầu tiên khỏi cúm H7N9 nhờ uống Tamiflu

Thứ 2, 15/04/2013 | 11:38
Bệnh nhân 4 tuổi tại Thượng Hải, trường hợp duy nhất hồi phục sức khỏe sau khi xác định bị nhiễm virus cúm H7N9 đã được điều trị bằng Tamiflu, thuốc ngăn ngừa các loại virus cúm H7N9.

Bác sĩ khiến hàng ngàn bệnh nhân phơi nhiễm HIV

Thứ 3, 09/04/2013 | 19:54
Làng y học thế giới vừa gặp phen chấn động khi một sự việc được cho là vô tiền khoáng hậu xảy ra tại Oklahoma, miền Nam Hoa Kỳ. Hơn 1.200 bệnh nhân bỗng nhiên phát hiện bị phơi nhiễm HIV và viêm gan do... bác sĩ mất vệ sinh.

Lò đốt rác thải y tế ở Hải Phòng đang quá tải

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:33
Với số lượng rác thải y tế nguy hại ngày càng tăng khoảng 600kg/1 ngày, hiện lò đốt tại Hải Phòng đang phải vận hành quá công xuất.

Bộ trưởng choáng trước cảnh “ngồi viện” vì quá tải

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Chứng kiến cảnh người bệnh quá tải tại các bệnh viện, bộ trưởng Bộ Y tế không giấu nổi sự lo lắng thốt lên: “Tôi đã đi khảo sát các bệnh viện tại các nước Đông Nam Á, kể cả châu Phi, không thấy nơi nào bệnh viện lại quá tải trầm trọng như ở Việt Nam”.