Cả làng 'phất' lên nhờ... dơi

Cả làng 'phất' lên nhờ... dơi

Thứ 5, 25/04/2013 | 16:45
0
Hang dơi rộng khoảng hơn 3ha, chiều cao khoảng 150m, ăn sâu vào trong lòng núi đá vôi với số lượng hàng triệu con.

Chỉ tay vào ngôi nhà ngói khang trang vừa xây xong, ông Vi Văn Sơn, người có “thâm niên" 30 năm đi lấy phân dơi về bán nói: "Từ khi có hang dơi với số lượng hàng triệu con này, người dân có thêm việc là quét phân dơi về bán. Ngày trước, cả làng nhà nào cũng có người đến hang dơi lấy phân. Chả thế mà mấy năm nay, cuộc sống người dân khấm khá lên, không phải chạy ăn mùa giáp hạt nữa…".

Hang dơi lớn nhất miền Bắc

Lâu nay, ít ai biết được nơi miền quê thuộc xóm Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) vốn nghèo khó, ngẩng mặt lên bốn bên là những dãy núi đá vôi sừng sững cao chọc trời lại có một hang dơi khổng lồ. Càng độc đáo hơn, đằng sau vẻ đẹp hoang sơ vốn có của hang động được thiên nhiên ban tặng này là nguồn sống vô tận cho người dân nơi đây.

Xã hội - Cả làng 'phất' lên nhờ... dơi

Hang dơi từ bao đời nay nuôi sống nhiều hộ gia đình

Trong câu chuyện với một số người dân xã Tân Lập, hỏi về hang dơi từ người già đến trẻ con đều không hề lạ lẫm. Nhưng khi hỏi về gốc tích hang dơi này thì ít ai biết rõ. Họ chỉ biết rằng từ thời cha sinh mẹ đẻ đã thấy cái hang to lù lù nằm cheo leo trên vách núi đá dựng đứng kia rồi. Họ đều chắc chắn đây là một cái hang tự nhiên hình thành, chứ không phải do bàn tay con người tạo nên.

Theo chân anh Hứa Văn Phương, một thanh niên trong làng dẫn đường, chúng tôi phải băng qua cánh đồng, vượt qua một dốc đá mới đến được cửa hang. Nhìn từ xa, hang dơi có cái miệng há ra lớn bằng một ngôi nhà năm gian. Đi sâu vào hang, cảm giác đầu tiên là một thứ mùi hôi, mùi của chất phốt pho nồng nặc xốc ngược vào mũi khiến cho ai cũng buồn nôn. Đó là mùi đặc trưng của phân dơi trộn lẫn với nước tiểu của dơi. Những âm thanh lạ của dơi phát ra, tiếng nước chảy, tiếng gió vít mạnh vào các cửa hang trên đỉnh làm cho hang dơi vốn hoang sơ càng trở nên kỳ bí.

Luồn lách qua các con hào sâu, qua từng ngóc ngách, những con đường mòn, "đường hầm", phải mất hơn 30 phút mới lên đến một bãi nền bằng phẳng của hang. Bốn bên hang dơi rộng lớn này là những bức tường bằng đá vôi, có nơi nhẵn bóng, có nơi rất nhiều nhũ đá với hình thù hoa văn rất đẹp.

Xã hội - Cả làng 'phất' lên nhờ... dơi (Hình 2).

Một cửa phụ của hang dơi

Hang dơi ở đối diện nhà ông Ban Văn Mình ở xóm Đồng Sinh. Năm nay ông Mình xấp xỉ tuổi 80 nên hầu như chuyện gì ở cái làng này, nhất là chuyện về hang dơi, ông đều biết rõ mười mươi. Ông Mình bảo con dơi không bao giờ sai hẹn. Khi chúng tôi đang ngơ ngác thì được ông giải thích: Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp độ trước tết thanh minh ba ngày là dơi lại bay về. Như thường lệ, đầu tiên có một đàn dơi với số lượng rất ít bay về đây để thăm dò hang. Khi đến cửa hang, chúng chưa vào hang ngay mà bay lượn mấy vòng trên đầu quả núi nơi sát cửa hang rồi tối đến mới vào hang. Sáng hôm sau, đàn dơi lại lượn đi mất. Thế là người ta biết bắt đầu báo hiệu một mùa dơi bay về đây để trú ngụ. Đúng ba ngày sau, bất ngờ cả đàn dơi lớn từ đâu kéo về dài dằng dặc như cái mương nước, nối đuôi nhau phải đến độ chục cây số.

Đàn dơi đông đến nỗi cứ tưởng tượng cái cửa hang dơi phải lớn đến bằng ngôi nhà năm gian của người dân tộc Nùng ở đây nhưng ít nhất phải mất hơn bốn giờ đồng hồ đàn dơi mới bay được hết vào hang. Khi đàn dơi cư trú tại hang, vào độ 17h hàng ngày, từ miệng hang động rộng lớn lại bắt đầu cuộc hành trình kiếm ăn về đêm. Như một quy luật đàn dơi đến trú ngụ tại hang động bắt đầu từ tháng 3 thì đến tháng 9 chúng lại bắt đầu di cư đến một nơi khác.

Xã hội - Cả làng 'phất' lên nhờ... dơi (Hình 3).

Ông Ban Văn Mình (bên trái) và ông Dương Bá Lộc xóm Đồng Sinh kể chuyện về sự tích hang dơi

Đổi đời từ... nhặt phân dơi

Từ bao đời nay, người dân xã Tân Lập sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cây trồng chính vùng này là cây lúa. Ngoài ra còn có cây hoa màu và cây ăn quả như cây na. Phân dơi rất tốt do hàm lượng phốt pho, đạm cao.

Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Văn Sơn là người có thâm niên đến nay đã hơn 30 năm chuyên đi lấy phân dơi về bán. Ngôi nhà ngói khang trang, nền lát gạch hoa, có ti vi và cả tủ lạnh, đó là công sức từ việc quét nhặt những hạt phân dơi nhỏ bé ấy. Mỗi tháng, số tiền tích cóp được từ việc bán phân dơi ông Sơn đều dành dụm để gửi lên cho hai cô con gái hiện đang học đại học dưới Hà Nội. "May mà có cái hang dơi này nên dân ở đây có thêm thu nhập. Bây giờ trông vào mấy cây lúa, cây ngô cũng chỉ đủ ăn là may mắn lắm rồi", ông Sơn kể.

Chúng tôi thắc mắc, cả làng mưu sinh bằng nghề lấy phân dơi mang đi bán kiếm tiền xây được nhà, mua được xe máy và các vật dụng đáng giá trong nhà. Vậy phân dơi ở đâu mà lắm thế? Điều này được ông Ma Văn Khang, người cùng làng với ông Sơn giải thích: Đàn dơi có số lượng đông đến triệu triệu con, hơn nữa thời gian chúng trú ngụ tại hang bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9. Như vậy là có đến sáu tháng dơi sống ở trong hang, sau khi dơi chuyển đi chỗ ở mới thì dân làng bắt đầu mới khai thác phân dơi mang bán. Thật kỉ lục, lượng phân sau khi đàn dơi bỏ đi đủ cho nhiều hộ dân khai thác chừng 6 tháng cho đến khi đàn dơi quay lại đúng vào thời điểm trước đó. Để ai cũng được đến hang lấy phân dơi một cách đồng đều, dân địa phương cắt cử người ra trông coi và ghi danh sách từng người lần lượt thay nhau. Cứ như thế ai rồi cũng đến lượt, ai cũng có phần.

Hang dơi như một tòa lâu đài cổ

Theo ước tính, hang dơi rộng khoảng chừng 3ha, chiều cao của hang phải ngót nghét đến 150m, hang ăn sâu vào trong lòng một quả núi đá vôi. Nhiều người ví hang dơi này giống như một tòa lâu đài nguy nga và tráng lệ, tựa như một trong số những công trình, tòa tháp nổi tiếng ở nước Ai Cập cổ đại ngày xưa.

Cao Tuân - Trần Hoàn

"Phất lên" từ những tháng ngày lầm lạc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
"Trên đời, ai cũng sẽ mắc những sai lầm, khuyết điểm, điều quan trọng là khi mắc phải thì bản thân phải biết nhìn ra và sửa đổi, không có gì là quá muộn và cũng không có gì là không thể!"

Tỷ phú giàu nhất TQ phất lên nhờ phong thủy?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
Người Trung Quốc ngày nay nghe tới cái tên Lý Gia Thành không ai là không biết. Bởi đó là cái tên của người giàu có nhất Trung Quốc trong suốt 30 năm qua và cũng là tỷ phú giàu thứ 9 thế giới theo đánh giá của Tạp chí Forbes với tổng số tài sản lên tới 30 tỷ đô la Mỹ.

Người phụ nữ nhân hậu phất lên từ rác

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Nói đến chị Ngô Thị Huê, giám đốc công ty TNHH An Châu (có trụ sở tại khối 14, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An), là người dân nơi đây nghĩ ngay đến một người phụ nữ giàu ý chí, phất lên từ rác. Trên hết, chị còn là một người có tấm lòng nhân ái bao la.

Sẽ 'mạnh tay' xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi

Thứ 4, 17/04/2013 | 17:10
Theo dự thảo quy định mới nhất của bộ Tài nguyên và Môi trường, hành vi thu gom, đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt nặng.