Bí ẩn bản đồ kho báu trên đảo Hải Tặc

Bí ẩn bản đồ kho báu trên đảo Hải Tặc

Thứ 3, 04/06/2013 | 10:39
0
Truyền thuyết kể lại rằng, trên đảo Hòn Tre (Kiên Giang) có nhiều kho báu được chôn giấu của những băng nhóm cướp biển từng trú ẩn tại đây. Trải qua hàng trăm năm, đã có những cuộc khảo sát và tìm kiếm, nhưng xem ra, kho báu vẫn bí ẩn, thách thức sự khám phá của con người...

Ra đảo "săn" kho báu

Nằm cách đất liền khoảng 20km, đảo Hòn Tre (ấp Hòn Tre, thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) mang trong mình nhiều điều huyền bí. Đảo Hòn Tre là tên mới của đảo song từ trước đến nay, mọi người vẫn quen gọi đảo này là đảo Hải Tặc.

Hành trình trên con tàu nhỏ ra đảo, hỏi nhiều hành khách trên tàu, ai cũng nghe kể về kho báu trên đảo, có người còn khẳng định chắc chắn có kho báu. Cũng có nhiều người, khi được hỏi lại rất kiệm lời như sợ một điều gì đó không may xảy ra, khi họ nói về những điều còn chưa có lời giải trên đảo. Chính điều đó càng làm cho hòn đảo trở nên kỳ bí, khó hiểu.

Lạ & Cười - Bí ẩn bản đồ kho báu trên đảo Hải Tặc

Ông Mạc Ngọc Thạch chia sẻ thông tin về kho báu của hải tặc.

Con tàu nhỏ rẽ những con sóng nhỏ ra khơi, nước biển trong xanh vỗ vào thân tàu làm bọt tung trắng xóa, thỉnh thoảng lại có đàn chuồn chuồn chao lượn, nhảy tung lên chào đón cuộc hành trình khám phá hòn đảo của chúng tôi. Phải mất hơn một giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, chúng tôi mới đến được hòn đảo mang nhiều điều bí ẩn này.

Ngay khi đặt chân lên đảo, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận thấy đó là một cảm giác thật kỳ lạ. Một con đường chạy vòng quanh đảo khá bằng phẳng, đi trên con đường này có thể nhìn ngắm được sự tuyệt mỹ của bao la trùng khơi. Cảm giác lạ lùng. Ngay chính những ngôi nhà nằm rải rác trên đó cũng mang một dáng vẻ huyền bí khó hiểu. Chưa biết bắt đầu từ đâu trong hành trình khám phá, chúng tôi đến UBND xã Tiên Hải để mong có được những thông tin chi tiết hơn.

Ông Phan Hồng Phúc, phó chủ tịch xã Tiên Hải cho biết: "Xã Tiên Hải gồm tất cả 14 hòn đảo, đảo Hòn Tre là một trong số đó với 420 hộ dân và khoảng 1822 nhân khẩu. Người dân trên đảo sống bằng nghề săn bắt, nuôi trồng thủy sản. Tôi sinh ra và lớn lên trên đảo, từ nhỏ cũng được nghe nhiều điều từ những người già kể lại, rằng từ đầu thế kỷ trước cho đến những năm đầu thế kỷ 20, quần đảo này là nơi sinh sống của nhiều băng nhóm hải tặc, chuyên đánh cướp, gieo rắc nỗi kinh hãi cho những tàu buôn nước ngoài khi đi qua địa phận của quần đảo này. Chính vì thế, hòn đảo này còn có tên là đảo Hải Tặc. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, hòn đảo đã có nhiều sự đổi thay, song truyền thuyết về những kho báu được chôn cất trên đảo đến nay vẫn còn được truyền tai nhau".

Được lãnh đạo xã cung cấp thông tin và hỏi thăm nhiều người trên đảo, chúng tôi tìm đến ông Tư Nam (58 tuổi, ngụ ấp Hòn Tre), một người biết nhiều về hòn đảo này để nghe ông chia sẻ một phần câu chuyện: "Tên đảo Hải Tặc có từ khá lâu rồi. Một số người dân trên đảo cũng biết, nhiều về hòn đảo này nhưng chủ yếu là nghe kể lại chứ không được ghi chép trong sách vở nào cả. Những người già trên đảo cho biết, trong một thời gian dài, có rất nhiều băng nhóm hải tặc hoạt động ở đây.

Từ 1700, Đô đốc Mạc Thiên Tích của nhà Nguyễn đã phải đưa quân đến trấn giữ và dẹp nhiều băng nhóm cướp biển. Những lời đồn trên đảo có kho báu đã tồn tại hàng trăm năm nay. Tháng 3/1983, quần chúng ở trên đảo phát hiện và vây bắt hai người lạ mặt xâm nhập vào đảo. Được biết, hai người này đi bằng bobo (một dạng giống như tàu cano) từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre. Sau đó, qua kiểm tra đã thu nhiều vật dụng mà họ mang theo. Họ khai nhận rằng, mình có một tấm bản đồ được vẽ cách đây hàng trăm năm của dòng họ truyền lại chỉ dẫn đến kho báu mà hải tặc chôn giấu ở đây. Điều này càng làm cho nhiều người tin, có một kho báu được các băng nhóm hải tặc cất giấu, nhiều cuộc khảo sát đã được triển khai nhưng kho báu vẫn chưa được phát lộ".

Lạ & Cười - Bí ẩn bản đồ kho báu trên đảo Hải Tặc (Hình 2).

Cột mốc chủ quyền của quần đảo Hải Tặc.

Chuyện 3 đảo hợp nhất và nơi trú ẩn của 5 băng cướp

Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia đảo Hòn Tre bị chia ra làm ba hòn khác nhau, trung tâm của ba hòn này là một cái hồ lớn. Các băng nhóm hải tặc thường vào đây trú ngụ khi không ra ngoài cướp bóc hay khi biển động. Sau này, theo thời gian, được xâm thực và biển bồi đắp, nên ba hòn hợp nhất thành đảo Hòn Tre như ngày nay. Hiện trên đảo vẫn có điện chiếu sáng nhờ vào một máy phát điện lớn của xã. Người dân rất hiền hòa và mến khách, họ tận tình chỉ dẫn và không ngần ngại cho chúng tôi những thông tin mà họ biết.

Ông Mạc Ngọc Thạch (54 tuổi, ngụ ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải) cho biết: "Nghe bố tôi kể lại, đảo Hòn Tre từng có năm đảng cướp thay phiên nhau bám trụ, cướp bóc. Trong đó băng Cánh Buồm Đen trú ẩn lâu nhất trên đảo. Gọi là Cánh Buồm Đen vì băng cướp này hoạt động trên thuyền, khi ra khơi thường chỉ căng một cánh buồm màu đen để xuôi theo sức gió (Ngày xưa thuyền sử dụng sức người hoặc sức gió chứ không có máy móc như bây giờ - PV). Hoạt động trong những năm đầu thế kỷ 20 và trong chiến tranh, những thành viên của băng cướp Cánh Buồm Đen với biểu tượng là cây chổi cột trên cột buồm với dụng ý quét sạch những tàu buôn nước ngoài. Điều đặc biệt là họ luôn dành phần cướp được để cho dân nghèo".

Theo ông Thạch, đến nay không ít người vẫn tin rằng, sau khi cướp được nhiều châu báu, của cải, do không dùng hết nên hải tặc đã chôn giấu. Vì thế, nhiều người vẫn tin rằng, rất nhiều kho báu chìm nổi tồn tại từ đó vẫn còn nằm rải rác đâu đó trên đảo. Sau khi bắt được hai người lạ mặt xâm nhập vào đảo, khoảng hai tháng sau, chính quyền đã đưa hai người đó về lại trên đảo, để họ chỉ chỗ nơi cất giấu kho báu của hải tặc. Chính quyền đã cho khảo sát nhưng vẫn chưa phát hiện hiện vật nào đáng kể. Hồ nước lớn mà các băng cướp biển thường vào trú ẩn đã từng bị bồi đắp.

Chính tại hồ nước khi xưa này, xã cho đào một hồ khác làm nơi chứa nước ngọt, phục vụ sinh hoạt của người dân trên đảo cho đến ngày nay. "Điều đáng nói là trong quá trình đào hồ vẫn không phát hiện được điều gì lạ, sau đó, nhiều người đi lặn biển đã vớt được những đồng tiền cổ, mà theo họ là trong những đợt cướp bóc, không ít tài sản bị rơi rớt nằm dưới lòng biển sâu, đến nay mới được tìm thấy.  Nhưng theo nhiều người trên đảo, những đồng tiền này thực chất nằm trong đất, khi đào hồ, do mưa lớn, nước cuốn đất được trôi ra biển nên những đồng tiền này trôi ra theo. Điều này cũng giải thích vì sao những người lặn biển chỉ thấy chúng ở gần bờ. Tưởng những hiện vật họ nhặt được có giá trị nên họ đưa về, mang đi bán nhưng không ai mua. Những người dân trên đảo nhiều người mua lại để dành  và biếu cho con cháu", ông Thạch cho biết thêm.

Việc vớt được nhiều đồng tiền cổ gần bờ càng làm cho người dân ở đây tin rằng vẫn có những kho báu nhưng chưa biết nó đang nằm ở đâu. Nhiều người đã thử đi tìm vận may cho mình bằng việc tìm kiếm kho báu nhưng vẫn chưa ai thành công, người dân vẫn yên phận với cuộc sống thường ngày của họ. Đến nay, kho báu trên đảo vẫn mãi là một ẩn số chưa có lời giải, khiến cho những điều bí ẩn vẫn bao trùm hòn đảo này, tạo nên sự tò mò và thích thú cho những người mới lần đầu đặt chân tới đây.

 Rời đảo Hòn Tre khi trời đã về chiều, trên con tàu nhỏ, nhìn hòn đảo dưới ánh nắng cuối chiều chúng tôi vẫn mang trong mình câu hỏi lớn như bất kỳ ai sống trên đảo và bất kỳ ai quan tâm đến câu chuyện này, là nếu có, thì kho báu đó đang nằm ở đâu trên hòn đảo này, hay vẫn chỉ là những giai thoại?

Những ẩn số thôi thúc khám phá

Ông Phan Hồng Phúc, phó chủ tịch xã Tiên Hải (ấp Hòn Tre, thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Truyền thuyết về kho báu hải tặc trên đảo vẫn luôn được người dân rỉ tai nhau. Người dân cho rằng, đã có các băng nhóm hải tặc từng trú ẩn thì chắc chắn sẽ có kho báu, vì hải tặc khó có thể tiêu thụ hết những gì cướp được. Người ta vẫn nhắc đến băng cướp Cánh Buồm Đen với những hành động chia sẻ với dân nghèo. Ai cũng muốn có một ngày kho báu phát lộ, mặt khác họ lại muốn nó vĩnh viễn là một bí mật chưa có lời giải để cho bất kỳ ai ưa khám phá đều phải sống với những tò mò đầy thôi thúc”...         

Công Thư

Kho báu của cướp biển trên quần đảo Hải Tặc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Quần đảo Hải Tặc, cái tên gợi sự tò mò cho bất cứ ai chỉ một lần nghe. Nơi đây từng được xem là vùng biển chết vì nạn cướp biển hoành hành. Băng cướp Cánh Buồm Đen nổi tiếng với biệt hiệu là chiếc chổi treo đầu mũi thuyền với ngụ ý quét sạch tàu thuyền đi qua là nỗi khiếp sợ của nhiều người.

“Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi trong nghề giám khảo”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
“Nghề giám khảo có thể được đưa lên mây bởi những lời khen ngợi có cánh, cũng dễ dàng bị dìm xuống đáy vì những vạ miệng. Tôi sợ tính chất con dao hai lưỡi của nghề này nên thường cân nhắc rất kĩ trước khi nhận lời làm giám khảo cho một cuộc thi”, Minh Ánh chia sẻ.

Đột kích tàu Zafirah, khống chế 11 hải tặc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
(nguoiduatin.vn) Chiều 22/12, cảnh sát biển Việt Nam đã khống chế 11 hải tặc người Indonesia đang chiếm giữ con tàu Zafirah. Chúng đã cướp con tàu này của các thuyền viên người Malaysia cách đây 3 ngày.

Phân tích các 'tử huyệt' của hải quân TQ ở Biển Đông

Thứ 4, 29/05/2013 | 09:44
Theo NNC Dương Danh Dy, về tiềm lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là rất mạnh nhưng họ cũng có nhiều “gót chân Asin”.