Nghệ thuật thời bao cấp: Chưa có đỉnh cao thì sao có thoái trào?

Nghệ thuật thời bao cấp: Chưa có đỉnh cao thì sao có thoái trào?

Thứ 3, 03/09/2013 | 13:30
0
"Thời bao cấp đã chấm dứt, nhưng dư âm của nó vẫn còn hiện hữu sâu sắc trong cuộc sống và suy nghĩ của nhiều người Việt", nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.

Quá khứ chưa xa...

Trong buổi giao lưu về nghệ thuật thời bao cấp diễn ra mới đây tại Hà Nội, các nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức và Nguyễn Phương Linh đã đưa ra những dữ liệu lịch sử nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị của những món đồ "kỷ vật". Không gian triển lãm không hề hoành tráng, sang trọng, mà ngược lại, có phần chật chội và cũ kỹ nhưng vẫn khiến không ít bạn trẻ tò mò đến tham dự. Nội dung buổi nói chuyện xoay quanh việc trao đổi về bối cảnh xã hội nói chung và bối cảnh văn hoá nói riêng trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước: Thời bao cấp từ những năm 60 tới 1986 của thế kỷ trước, đồng thời giới thiệu một số tác phẩm nghệ thuật đương đại, có ảnh hưởng sâu sắc bởi giai đoạn lịch sử này. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng giới thiệu bộ sưu tầm riêng của nghệ sĩ, nhà sưu tầm và phục chế đồ cổ Nguyễn Mạnh Đức tới công chúng.

Sự kiện - Nghệ thuật thời bao cấp: Chưa có đỉnh cao thì sao có thoái trào?

Tác phẩm sắp đặt mang tên "Chiến lũy" của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng được giới thiệu trong buổi giao lưu.

Trong không gian nhuốm màu xưa cũ, với những bộ bàn ghế "cổ" từ thời bao cấp, bức tường quét vôi trắng tinh và trần nhà còn loang lổ những mảnh vữa, ông chỉ ra một bối cảnh văn hóa - xã hội đã để lại những ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống của người Việt. Những đồ vật xuất hiện thường ngày thời đó được nghệ sĩ trân trọng gọi bằng hai chữ "kỷ vật", bởi theo ông mỗi một thứ đều có giá trị lịch sử riêng.

"Tôi nghĩ ai yêu đồ cổ thì đều yêu văn hoá, lịch sử. Riêng đồ bao cấp, thì chúng chưa thể được gọi là đồ cổ mà là những thứ đồ kỷ niệm của một quá khứ chưa xa, có gắn bó trực tiếp với thế hệ của tôi và gia đình. Nó vừa mới chấm dứt hơn 20 năm. Đó là khoảng thời gian khá dài cho một đời người. Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn không khỏi ngậm ngùi. Còn với xã hội, chúng là hiện vật đại diện cho một thời đại nhất định, cho chúng ta học tập và khám phá quá khứ", nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức bày tỏ.

Thời kỳ bao cấp qua chưa lâu và nó vẫn còn nhiều dư âm trong cuộc sống của những người trẻ, bởi ngay chính những người thân trong gia đình họ cũng đã trải qua. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, giá trị của những "kỷ vật" do chính bản thân nó toát ra. Dù người trẻ sẽ đánh giá và cảm nhận những kỷ vật này khác với những người lớn tuổi, từng trải qua giai đoạn bao cấp thì chúng ta không nên lãng quên những gì thuộc về lịch sử. "Tôi chia sẻ những ký ức của mình để hy vọng các bạn trẻ có dữ liệu để tìm hiểu về thế hệ cha ông", nghệ sĩ Đức cho biết.

Một điều có thể thấy rõ rằng, ở thế hệ trẻ hôm nay không có nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu về những gì đã diễn ra ở thời bao cấp. Chỉ có khơi dậy ở họ hứng thú muốn tìm tòi, học hỏi mới có thể gìn giữ những giá trị lịch sử. Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, sự thờ ơ của thế hệ trẻ có lẽ xuất phát vì cuộc sống của chúng ta thay đổi quá nhanh sau chiến tranh: "Tôi cũng thấy buồn nhưng tôi chẳng có cách nào kêu gọi lòng quan tâm. Phải chăng chúng ta nên có nhiều nguồn sách lịch sử phong phú hơn. Tôi thấy trẻ con học về lịch sử Việt Nam nhưng hiểu biết của chúng rất lơ mơ. Bảo tàng dân tộc học, bảo tàng lịch sử, bảo tàng không quân là những bảo tàng tôi rất thích. Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng quan tâm. Điều này thật đáng tiếc!".

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức  nói: "Ở thời điểm nào cũng có những người có thiên chức sáng tạo, không thể so sánh thời nào cao hơn thời nào. Ngày ấy, nghệ thuật phục vụ quần chúng, để tuyên truyền, cổ động lao động, yêu nước, trách nhiệm, thì bây giờ nghệ thuật tự thân là khám phá các khả năng sáng tạo. Các khả năng này thì vô vàn: Ngôn ngữ cơ thể, chính trị, cộng đồng, triết học, khoa học, lịch sử, ký ức, giới tính... và tôi luôn đề cao sự sáng tạo của người trẻ”.

“Riêng về ý kiến cho rằng, căn nguyên khiến cho nhiều xu hướng nghệ thuật đang từ đỉnh cao đi xuống thoái trào là do các thế hệ nghệ sĩ mới luôn không hài lòng với con đường mà lớp người trước đã bước đi nên họ đi tìm kiếm những hướng đi mới thì tôi muốn nói rằng, cách tân thường xảy ra ở người trẻ nhiều hơn người già. Tôi luôn ủng hộ các bạn trẻ phát triển theo các xu hướng nghệ thuật khác nhau, như vậy mới đa dạng. Riêng về nghệ thuật thời bao cấp, phần lớn nghệ thuật để dành phục vụ xã hội, mang tinh thần cổ động lao động, yêu Tổ quốc. Thời đó chưa có nhiều sáng tác vượt trội đỉnh cao. Chưa có đỉnh cao thì đã làm sao mà thoái trào”, ông Đức nói.

Sự kiện - Nghệ thuật thời bao cấp: Chưa có đỉnh cao thì sao có thoái trào? (Hình 2).

Nguyễn Phương Linh là một trong những nghệ sĩ đã đưa ra dữ liệu lịch sử nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị của những “kỷ vật”.

Nghệ thuật không có xu hướng chung

Trong thời bao cấp, các nghệ sĩ đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của thời đại trong các sáng tác của họ nhưng lại rất khác nhau về cách thể hiện. Một số tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng chịu sự chi phối này. Đây cũng chính là điều nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh đưa ra bàn thảo trong buổi giao lưu.

Nếu như tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng mang nhiều yếu tố hài hước, là những tượng đài, xe ô tô, tàu hoả, máy bay Liên Xô (cũ) với những chức năng, siêu thực, những toà nhà tập thể cao tít ở trên mây với chi chít chuồng cọp cơi nới, quần áo, đồ đạc cá nhân được phơi bày ra hết bên ngoài... thì với chúng ta không bao giờ ngã, Nguyễn Trần Nam thể hiện chính gia đình anh, những con người nằm trong các biểu tượng công nhân, nông dân, trí thức, trong hình hài những con lật đật trò chơi, cho khán giả được phép tương tác, đánh vào lật đật... Tất cả thể hiện sự bị tổn thương và một cố gắng kiên cường, không thể bị lật đổ. Hay như nhóm Phụ Lục, tác phẩm của họ không bộc lộ rõ ràng như những nghệ sĩ khác, mà chứa nhiều chất thơ, nhiều ẩn dụ. Trình diễn của họ thường diễn ra rất lâu, 1, 2 hoặc 10 tiếng, nhưng luôn diễn ra trong im lặng và các hành động tối giản, lặp đi lặp lại, hoặc không có một hành động gì.

Nghệ thuật sắp đặt bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thập niên cuối thế kỷ XX nhưng phải đến sau năm 2000, loại hình nghệ thuật này mới bắt đầu được phát triển rộng rãi hơn. Và cho đến nay, cũng như một số loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác, nghệ thuật sắp đặt chỉ được đón nhận ở mức độ dè chừng. Nguyên căn của vấn đề này được nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh lý giải: "Tôi nghĩ là do khán giả có ít thông tin về nghệ thuật đương đại nói chung và sắp đặt nói riêng. Chương trình giáo dục ở các trường mỹ thuật quá hạn chế. Số lượng nghệ sĩ thực hành chưa nhiều. Các quỹ tài trợ hạn hẹp. Nhưng bây giờ là thời đại internet, tôi tin rằng nghệ thuật đương đại sẽ sớm phát triển hơn nữa trong tương lai".

Theo Nguyễn Phương Linh, sức hấp dẫn của nghệ thuật sắp đặt nằm ở chỗ, nếu như các loại hình nghệ thuật khác như tranh, ảnh, điêu khắc cần một không gian tiêu chuẩn thì sắp đặt có những tác phẩm chỉ có thể xảy ra ở một không gian nhất định. Sức hấp dẫn của sắp đặt còn ở chất liệu. Nghệ sĩ có thể sử dụng bất cứ chất liệu nào để làm sắp đặt: Những đồ vật có sẵn, chất liệu thiên nhiên,... Còn nhiều điều khác tạo nên sự hấp dẫn của sắp đặt như yếu tố thời gian, tính tương tác với khán giả, sự kết hợp với video, âm thanh, ánh sáng...

Điều dễ thấy là nghệ thuật đương đại đã có những bước tiến đáng kể khi nó mới manh nha xuất hiện. Các nghệ sĩ được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tổ chức, tư vấn, học tập, kết nối... thực hành nghệ thuật cũng trở nên đa chiều, đa chức năng, dần dần chuyên nghiệp hơn và dần dần có đông khán giả hơn. Trước kia, khán giả nghĩ những người làm nghệ thuật đương đại thật lố bịch, dị hợm, thì hiện giờ họ được hướng dẫn cách đọc và cảm nhận tác phẩm một cách có chuyên môn hơn.

"Tôi nghĩ trong tương lai, nghệ thuật càng ngày càng phát triển đa dạng, không có một xu hướng chung nào hết, mà tất cả đều có thể là nghệ thuật: Một nhóm người, một không gian, những đồ vật hàng ngày, một khoảng thời gian, một khái niệm, một câu, một chữ... cho đến những tác phẩm trình diễn, sắp đặt video, sân khấu... sẽ trở nên đa dạng hơn về chủ đề cũng như cách thể hiện", nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh cho biết.

Miễn cưỡng chỉ xảy ra khi nghệ sĩ không thật thà

"Thường thì một nghệ sĩ trẻ khi bắt đầu sáng tác họ đều phải lần mò, tìm cách thử nghiệm sao cho đúng và thật thà với mình nhất. Lần mò là điều tốt, nó cho chúng ta kinh nghiệm và quá trình. "Miễn cưỡng" chỉ xảy ra khi nghệ sĩ không thật thà với khán giả và với chính họ. Cũng như với khán giả, nếu khán giả có thể đón nhận một tác phẩm một cách cởi mở, chân thành thì kể cả với một tác phẩm non nớt, chưa hoàn thiện, khán giả cũng có thể cảm nhận được giá trị thử nghiệm của người nghệ sĩ ở trong tác phẩm đó", nghệ sĩ Phương Linh cho biết.

Thanh Loan - Thanh Xuân

Ca sĩ Siu Black: Định mệnh nghệ thuật và khổ đau trần thế

Thứ 4, 31/07/2013 | 17:05
Từ lúc nổi tiếng, lịch diễn của Siu black dày đôi khi kín cả tháng. Vậy là chị chấp nhận lựa chọn: Không bỏ nghệ thuật, không phụ lòng khán giả...

Chuyện rạch banner, phá phòng vé: Vẫn tồn tại 'con buôn' nghệ thuật?

Thứ 5, 25/07/2013 | 13:16
Sự việc băng rôn của chương trình "Người Hà Nội" treo trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội hai lần liên tiếp bị cắt, rạch một cách rất phản cảm mới đây đã cho thấy góc khuất về sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tổ chức sự kiện.

Đạo văn chương nghệ thuật: Vừa ăn cắp vừa la làng

Chủ nhật, 14/07/2013 | 14:10
Trong lúc dư luận đang nóng lên bởi câu chuyện cao thủ đạo thơ ở An Giang - thầy giáo Cao Phú Cường lại vừa dính thêm một nghi án ăn cắp thơ, thì đầu tháng 7 mới đây, nhà văn - dịch giả Ngọc Châu lại bị lên án vì đạo thơ của nhà thơ Phạm Xuân Trường.

Nghệ sĩ dính vòng lao lý: Dấu chấm hết cho nghệ thuật

Chủ nhật, 16/06/2013 | 13:49
Khi những cám dỗ về tiền tài, danh vọng vượt qua cả sự đam mê nghệ thuật thì không ít người nổi tiếng đã sa chân lỡ bước vào vòng lao lý và đặt dấu chấm hết cho con đường mình dày công theo đuổi.

Đàm Vĩnh Hưng - Ngôi sao nhiều 'kẻ thù' nhất showbiz Việt?

Thứ 3, 27/08/2013 | 21:37
Vì nhiều lý do khác nhau, những ngôi sao này luôn trở thành tâm điểm của các vụ ồn ào trong V-biz, thậm chí, có nhiều người còn bị “ghét” và không nhìn mặt nhau sau các cuộc “khẩu chiến”.

Showbiz Việt đầu năm 2013: Lao đao vì tiền

Thứ 3, 27/08/2013 | 07:18
Kể từ đầu năm 2013, showbiz Việt chưa lúc nào hết sóng gió bởi những scandal đình đám. Giữa lúc những vụ vỡ nợ, vỡ hụi tiền tỷ diễn ra thì showbiz cũng đầy rẫy những rắc rối liên quan đến chuyện tiền, tình.