Tác giả “Ca dao em và tôi” một đời “day dứt” như... Trương Chi

Tác giả “Ca dao em và tôi” một đời “day dứt” như... Trương Chi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ít ai biết Ca dao em và tôi, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên lại được ông lấy cảm hứng từ điển tích Tiếng hát chàng Trương Chi.

Nhắc đến nhạc sĩ An Thuyên, người ta nhớ ngay đến những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân gian ngọt ngào, sâu lắng. Có lẽ, chưa bao giờ những miền quê nghèo lại đẹp đẽ và nên thơ đến vậy trong Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương, Tình ca mặt trời, Ca dao em và tôi…

Xã hội - Tác giả “Ca dao em và tôi” một đời “day dứt” như... Trương Chi

Nhạc sĩ An Thuyên

Người nghệ sĩ say câu hò, điệu ví

Lí giải về chất dân ca đậm đà trong âm nhạc của mình, An Thuyên cho rằng: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo (thôn Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Làng tôi dân gian vẫn hay gọi là làng Kẻ Đáy, vốn có truyền thống văn nghệ dân gian lâu đời. Những buổi chiều chăn trâu, tiếng sáo diều, tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc ít người đã ăn sâu vào tiềm thức của tâm hồn trẻ thơ của tôi. Môi trường thuần chất âm nhạc dân gian ấy đã ăn sâu vào máu tôi. Chúng luôn có một sức hút kì lạ. Tôi mê mẩn sự giản dị, mộc mạc mà hồn nhiên, lãng mạn ấy. Nó như dòng sữa ban đầu về thế giới ấm nhạc đã vô tình hình thành thiên hướng sáng tác của tôi sau này".

Có lẽ vì được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian mà ông đã vận dụng được một cách tài tình chất liệu dân ca trong âm nhạc. "Nhưng điều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần túy, thắm đượm của âm nhạc dân gian với cái tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca", tác giả ca khúc Huế thương khẳng định.

An Thuyên cho rằng, gần 30 năm sáng tác, đứa con tinh thần mà ông tâm đắc nhất vẫn là tác phẩm đầu tay, được ông viết năm 21 tuổi. "Khi đó tôi chưa được học một chút gì về sáng tác nhưng chất liệu dân ca, cái tự nhiên, cái máu thịt, cái khí trời đã thực sự vận động", ông nói.

Xã hội - Tác giả “Ca dao em và tôi” một đời “day dứt” như... Trương Chi (Hình 2).

Nhạc sĩ An Thuyên trong chương trình Con đường âm nhạc

Tôi hỏi vui nhạc sĩ An Thuyên về ý tưởng câu thơ "Cắt nửa vầng trăng, chặt đôi câu thơ" (lời ca khúc Ca dao em và tôi): "Đó có phải là sự ngông cuồng của tình yêu tuổi trẻ"? Ông lí giải: "Đó là một cái gì rất ca dao, rất dân gian. Ngày xưa cụ Nguyễn Du cũng từng viết: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Câu thơ truyện Kiều nói lên nỗi nhớ trong tình yêu của các chàng trai, cô gái. Nhưng nỗi nhớ ở đây còn thụ động, thiếu sức mạnh.

Theo thời gian, khi quyền của con người đã được cởi trói, thì tình yêu của họ cũng phải dữ dội hơn, quyết liệt hơn với có lối tư duy và cách nhìn mới mẻ. Dám cắt nửa vầng trăng để làm con đò nhỏ, dám chặt đôi câu thơ để làm mái chèo lướt sóng, tất cả chỉ để được đến với người tôi yêu. Điều này thể hiện tính chủ động, quyết đoán, sức mạnh phi thường của tình yêu mà dân gian chưa có. Cái khó là để làm sao trong từng sáng tác của mình, công chúng nghe thì quen nhưng ngẫm lại thấy lạ"å.

Với nhạc sĩ An Thuyên, trong cuộc đời không mấy ai mà không thừa hưởng tinh hoa của những người đi trước. "Điều quan trọng là người nghệ sĩ phải biết "gạn đục khơi trong", tìm ra được cái riêng của mình. Âm nhạc dân gian không giống như một dòng sông mênh mông, mát rượi, nếu mình sợ mà không tắm thì thật là phí!. Nhưng nếu anh tắm mà không biết bơi thì sẽ chìm. Cũng như khai thác âm nhạc dân gian, nếu không có cách nhìn mới, cảm thụ mới thì sẽ trở nên khô cằn, đơn điệu".

Xã hội - Tác giả “Ca dao em và tôi” một đời “day dứt” như... Trương Chi (Hình 3).

Khác với những tác phẩm trữ tình của bố, những sáng tác của An Hiếu mang đậm dấu ấn pop ballad.

Nỗi day dứt về chàng Trương Chi

Ít ai biết Ca dao em và tôi, ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ An Thuyên lại được ông lấy cảm hứng từ điển tích Tiếng hát chàng Trương Chi. Với ông, đây là bài hát để lại nhiều day dứt nhất. Ông mất gần 10 năm để viết và hoàn thành nó. Năm 1980, nhạc sĩ An Thuyên được giao nhiệm vụ viết vở nhạc kịch về Trương Chi, Mỵ Nương trên cốt truyện của truyền thuyết. Tuy nhiên, sau khi ông hoàn thành, vì nhiều lí do nên vở nhạc kịch không được dàn dựng như kế hoạch ban đầu. Thời buổi khó khăn, cộng với những rối ren trong cuộc sống khiến tác phẩm nhạc kịch ấy bị thất lạc.

Ông còn nhớ đã dành rất nhiều tâm huyết cho đứa con tinh thần ấy, vì Tiếng hát Trương Chi là một tác phẩm văn học dân gian mà ông rất thích. Đỉnh điểm cảm xúc là đoạn, khi Trương Chi tìm đến Mị Nương để tỏ tình và bị từ chối. Chàng đành trở về bến sông trong tột cùng của sự đau đớn, tủi hờn. Rồi chàng định gieo mình xuống dòng nước mà quyên sinh. Câu thơ Cắt nửa vầng trăng, Chặt đôi câu thơ - Bẻ đôi câu thơ là để diễn tả sự bi phẫn, giận giữ, dồn nén của một khối tình si khi bị từ chối, khước từ. Khi tập bản thảo bị mất đi, tất cả mấy chục trang giấy chỉ còn sót lại mỗi câu thơ Cắt nửa vầng trăng. Nó ám ảnh ông với đầy tiếc nuối, day dứt. Nhưng phải đến 17 năm sau, ông mới viết ra được trọn vẹn những ca từ về em và tôi ấy.

Tác giả của những tình khúc dân ca thâm trầm: "Đã có lúc tôi thấy mình giống chàng Trương Chi, cũng một đời đi tìm Mỵ Nương, đi tìm tình yêu", vị nhạc sĩ bày tỏ. Ông nói thế bởi lẽ những giai điệu thấm đượm chất ca dao mà âm nhạc của An Thuyên có đuợc luôn có một nàng Mỵ Nương nào đó dẫn đuờng, chỉ lối. Như thế ông mới có thể đến được với những cảm xúc trữ tình, lãng mạn và mềm mại đến vậy.

Nhạc sĩ An Thuyên không có được vẻ nghệ sĩ trời cho. "Thậm chí có người ví mặt tôi giống mặt ông hàng phở", ông tếu táo trò chuyện. Nhưng ở tuổi 60, tôi vấn thấy ông đều đặn sáng tác những giai điệu thật đẹp về tình yêu. Mới đây nhất là ca khúc Tình làng quê, được ca sĩ Bùi Lê Mận thể hiện rất thành công. Tôi hỏi vui ông: "Hẳn là tâm hồn An Thuyên vẫn còn đầy đam mê cho nên âm nhạc vẫn còn tha thiết, đắm say đến vậy?”. Ông cười tươi như để thay cho câu trả lời mà mình không muốn nói ra. Nếu để ý, sẽ thấy, xuyên suốt trong âm nhạc của ông là những cuộc đi tìm. Từ Ca dao em và tôi, đến Neo đậu bến quê, Huế thương và sau này là Dương cầm thu không em, luôn luôn thấy ông đi tìm một người con gái nào đó, vừa như gần gũi, quen thuộc vừa như ảo ảnh, xa xôi, vời vợi.

Xã hội - Tác giả “Ca dao em và tôi” một đời “day dứt” như... Trương Chi (Hình 4).

Con gái út của ông, ca sĩ Bông Mai hiện đang là biên tập viên âm nhạc của Đài truyền hình Việt Nam.

Được biết, gia đình nhạc sĩ An Thuyên đều hoạt động trong môi trường quân đội, cùng ăn lương quân đội với các cấp bậc: An Thuyên mang hàm đại tá, vợ ông là bà Huyền Lâm mang cấp bậc đại úy, con gái Bông Mai thiếu úy, con trai An Hiếu là trung úy. Năm 1982 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn của gia đình ông. Lúc ấy, bà Huyền Lâm đang công tác ở đoàn kịch Nghệ An, còn ông công tác tại sở Văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An. Bà Huyền Lâm được cử đi học tại trường Sân khấu điện ảnh, ông quyết định chuyển cả nhà cùng ra Hà Nội với hai bàn tay trắng, không người thân thích, khó khăn bộn bề.

Nhiều hôm gia đình không có tiền mua thức ăn, An Hiếu phải ra ao trong khu tập thể văn công Mai Dịch để mò cua, bắt tôm, câu cá. Chứng kiến và thấm thía sự vất vả của đời nghệ sĩ, ông từng khuyên hai con không nên theo nghề của bố mẹ. Nhưng rồi niềm đam mê nghệ thuật di truyền đã chiến thắng mọi khó khăn, vất vả. Con trai ông, nhạc sĩ An Hiếu, trưởng ban nhạc Đồng Đội hiện nay đang là giảng viên của trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Con gái út của ông, Bông Mai, cũng trở thành ca sĩ. Cô là một trong 3 thành viên của nhóm nhạc Con gái, nhóm nhạc một thời rất được công chúng yêu mến.

Đào Bích