“Tai nạn do lỗi kỹ thuật, chưa hãng xe nào bị kiện”

“Tai nạn do lỗi kỹ thuật, chưa hãng xe nào bị kiện”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Người sử dụng xe ở Việt Nam chưa có thói quen thường xuyên bảo dưỡng xe theo một chu kỳ nhất định. Nếu được kiểm định thường xuyên, chủ xe có thể phát hiện lỗi của xe để khắc phục. Quy định về hậu kiểm xe gây tai nạn gần như còn bỏ ngỏ.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, giám đốc Hãng luật Giải Phóng cho biết: Pháp luật chỉ quy định đối với những chu kỳ đăng kiểm, trong thời hạn đăng kiểm vẫn còn hiệu lực. Còn nếu xe gây tai nạn hư hỏng, không bắt buộc chủ xe phải đăng kiểm lại sau khi sửa chữa, ngoại trừ có thay đổi 4 tính năng: Hệ thống lái, phanh, treo và tiện lực.

Xã hội - “Tai nạn do lỗi kỹ thuật, chưa hãng xe nào bị kiện”

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, giám đốc Hãng luật Giải Phóng

Xe hư hỏng nặng sau tai nạn phải đăng kiểm lại

Nên chăng, pháp luật cần quy định chặt việc hậu đăng kiểm sau khi sửa xe?

Các phương tiện lưu thông trên đường là nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu xảy ra tai nạn, nguy cơ thương vong không thể lường trước được. Tôi nghĩ, đây cũng là một trong những lỗ hổng của luật. Cần thiết phải có quy định việc đánh giá tỷ lệ xe hư hỏng bao nhiêu để sau khi xe gây tai nạn và bị hỏng hóc thì buộc chủ xe phải đi đăng kiểm lại trước khi lưu hành. Nếu xe sau khi đăng kiểm được cấp phép đủ độ an toàn để lưu thông trên đường mà gây tai nạn, hỏng hóc động cơ trong phạm vi thuộc về trung tâm kiểm định thì cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm.

Đặt trường hợp xe bị hỏng nặng, chủ xe mang đến gara sửa nhưng không mang đi kiểm định lại. Vậy nếu kết quả giám định xe gây ra tai nạn do lỗi hỏng hóc máy móc, tức là, xe không đủ điều kiện nhưng lại lưu thông trên đường thì trách nhiệm sẽ thuộc về chủ xe?

Vấn đề này pháp luật chưa quy định nhưng theo tôi, những trường hợp này cần phải phạt thật nặng chủ xe.

Trở lại vụ "xe điên" xảy ra ngày 7/10 trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM) được kiểm nghiệm tại chính nơi "đẻ" ra "xe điên", theo ông điều đó có khách quan?

Làm sao có thể khách quan được. ở đây yếu tố kỹ thuật của chính hãng xe cũng không bị loại trừ. Nhiều ngày qua, dư luận cho rằng vụ tai nạn của bác sỹ Trần Anh Huy không loại trừ nguyên nhân xảy ra do hệ thống xe có lỗi. Người gây ra tai nạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với trách nhiệm về vấn đề pháp lý. Còn vấn đề nhà sản xuất chịu trách nhiệm đến đâu nếu thực sự những dòng xe mắc lỗi kẹt chân ga như bác sĩ Huy khai ban đầu cũng phải cần xem xét đến. Nếu quả thực điều này đúng với bác sĩ Trần Anh Huy nói thì hãng xe cũng phải gánh một phần trách nhiệm đối với chủ xe.

Phải gắn hộp đen cho xe

Ở nước ngoài, những lỗi hỏng hóc tiềm ẩn về máy móc, động cơ xe xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa luật sư?

Những lỗi và trách nhiệm đã được quy định cụ thể. Nguyên nhân khách quan do người điều khiển phương tiện không lường trước được, tất nhiên, chủ xe phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Về phía bảo hiểm, sẽ đền bù các thiệt hại do chủ xe (hoặc lái xe) gây ra. Sau khi phía công ty bảo hiểm đền mọi thiệt hại, công ty này nếu chứng minh được lỗi hỏng hóc do nhà sản xuất thì sẽ có thể kiện ngược lại hãng xe để bồi thường những thiệt hại từ phía chủ xe gây ra.

Xã hội - “Tai nạn do lỗi kỹ thuật, chưa hãng xe nào bị kiện” (Hình 2).

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Thưa ông, ở Việt Nam, các hãng sản xuất xe cơ giới có bao giờ bị kiện và phải bồi thường chưa?

Hiện tôi chưa thấy có hãng xe nào bị gắn trách nhiệm bồi thường với những dòng xe được xác định nguyên nhân lỗi thuộc về nhà sản xuất.

Luật sư đánh giá như thế nào về kết quả ban đầu của vụ kiểm định "xe điên" trên đường Lý Thái Tổ vừa qua?

Theo tôi, nếu đại diện gia đình chủ xe cảm thấy kết luận ban đầu chưa thỏa đáng, trong quá trình tố tụng, họ có thể yêu cầu kiểm định lại. Khách quan nhất, nên để một trung tâm giám định độc lập (không phải chính hãng xe đó) cùng kiểm tra và đưa ra kết luận chung.

Thời gian qua, Bộ GTVT khuyến khích chủ xe nên gắn hộp đen để lưu lại hành trình lưu thông trên đường. Theo luật sư, việc này có cần thiết đối với xe cá nhân?

Tôi nghĩ, nên bắt buộc các chủ xe công cộng và xe cá nhân phải gắn hộp đen trên xe. Khi xảy ra tai nạn, cơ quan điều tra sẽ dùng hộp đen như một chứng cứ trước những lời khai ban đầu của chủ xe. Việc gắn hộp đen cũng là một trong những bằng chứng xác thực để bảo vệ chủ xe trong quá trình tố tụng. Nhưng trước hết, chủ phương tiện hay nên ý thức được điều này và tự giác lắp đặt hệ thống trên.

Xin cảm ơn luật sư!

Văn Hưng