Tái tạo người tiền sử Neanderthal từ bộ xương cổ đại

Tái tạo người tiền sử Neanderthal từ bộ xương cổ đại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Đây sẽ là cơ sở giúp các nhà khoa học xây dựng một bức tranh chính xác hơn về người Neanderthal và cuộc sống của họ.

Tái tạo bản sao từ bộ xương

Vào năm 1909, trong cuộc khai quật tại hang La Ferrassie ở Dordogne (Pháp), các nhà khảo cổ đã tìm thấy hài cốt của một nhóm người Neanderthal; trong số đó bộ xương của một người đàn ông lớn tuổi được xác định là có giá trị nhất. Các nhà khoa học đã đặt tên cho bộ xương này là La Ferrassie 1. La Ferrassie 1 là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu người Neanderthal bởi sọ của ông được xác định là lớn nhất và hoàn thiện nhất trong số những bộ xương từng được tìm thấy.

Việc phát hiện ra chân và xương bàn chân của La Ferrassie 1 cũng là những phát hiện cực kỳ quan trọng, tiết lộ rằng người Neanderthal đã đi bằng hai chân, ngược lại hoàn toàn với các nghiên cứu trước đây.

Từ những đặc điểm đặc biệt của La Ferrassie 1, các nhà khoa học đã nảy sinh việc tái tạo chi tiết một người Neanderthal thời tiền sử. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, tái tạo hình ảnh đã sử dụng các phương pháp tiếp cận mới để tái tạo lại bản sao La Ferrassie 1. Nhưng làm thế nào để xây dựng lại toàn bộ cơ thể sống động như thật từ một bộ xương 70.000 tuổi? Đó là một thử thách thú vị đối với những người tham gia vào công việc này.

Phần lớn bộ khung xương của La Ferrassie 1 vẫn nguyên vẹn, nhưng ngực, xương sườn, xương chậu và một số phần cột sống đã bị mất. Viktor Deak - chuyên gia về tái tạo hình ảnh người Mỹ là người trực tiếp thiết kế bản sao cho La Ferrassie 1. Ông cũng là người đầu tiên thiết kế việc đắp lại cơ thể cho một bộ xương của người Neanderthal tại Kebara Cave (Israel) phát hiện vào năm 1982. Đó cũng là một bộ xương gần như hoàn chỉnh của người Neanderthal, chỉ thiếu sọ, chân phải, và một chi tiết của chân trái.

Xã hội - Tái tạo người tiền sử Neanderthal từ bộ xương cổ đại

Hình dạng La Ferrassie 1 được các chuyên gia tái tạo thành công sau một thời gian nghiên cứu tỉ mỉ.

Công việc tỉ mỉ

Khi bản thiết kế bản sao của La Ferrassie 1 hoàn thành, nó đã được gửi đến các nhà chế tạo ở Buckingham. Họ chắp xương lại với nhau và thiết lập thành một bộ khung hoàn chỉnh. Giai đoạn tiếp theo là thêm cơ bắp cho người Neanderthal. Jez Gibson-Harris, người đứng đầu nhóm chế tạo cho biết: "Có thể nhìn thấy các dây chằng kèm theo điểm gắn khá lớn với xương. Chúng tôi dựa vào đó để làm cơ bắp. La Ferrassie 1 có cơ bắp chắc, khỏe nhưng khá ngắn". Trên cơ sở đó cơ bắp của La Ferrassie 1 đã được tái tạo lại bằng đất sét.

Một điều đặc biệt là có những đầu mối rõ ràng hơn để tái tạo La Ferrassie 1 ngay trong hài cốt của ông. Nhiều răng của La Ferrassie 1 vẫn còn và điều này đã giúp Viktor Deak xác định hình dạng của khuôn mặt. Nghiên cứu răng với các ứng dụng khoa học công nghệ mới đã giúp đỡ các nhà khoa học đáng kể trong việc mở chiếc khóa bí ẩn về cuộc sống của người Neanderthal trước đây.

Việc sử dụng tia X mạnh hơn một nghìn tỷ lần các máy X-quang bình thường trong bệnh viện có thể cho biết tốc độ phát triển hàng ngày của răng. Các nghiên cứu đã so sánh tuổi của răng với tuổi thể hiện bởi phần còn lại của bộ xương và đi đến kết luận rằng, trẻ em Neanderthal lớn nhanh hơn so với người hiện đại.

Giai đoạn cuối cùng của việc tạo ra bản sao La Ferrassie 1 là thêm đầu và lông trên cơ thể. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, người Neanderthal có nhiều người tóc đỏ, vì vậy La Ferrassie 1 được tái tạo một mái tóc đỏ và một làn da nhợt nhạt phản ánh khí hậu phía Bắc. Thêm tóc là một quá trình khá vất vả cho các nhà chế tạo vì họ phải cấy từng sợi một.

Sau hai tháng rưỡi với công việc tỉ mỉ, các chuyên gia và các nhà chế tạo đã hoàn tất bản sao La Ferrassie 1 giống như thật. Tiến sĩ John Hawks, nhà nhân chủng học từ Đại học Wisconsin, người rất ấn tượng bởi kết quả này cho biết: "Nó giống như người thật vậy. Bộ xương không cung cấp cho chúng tôi toàn bộ hình ảnh về La Ferrassie 1 nhưng thực sự nó là cơ sở quan trọng nhất".

La Ferrassie 1 là một trong 3 công trình tái tạo người tiền sử của nhóm các nhà khoa học trên. Trước đó nhóm cũng đã tái tạo thành công cậu bé Nariokotome - một thành viên của chủng người đứng thẳng sống cách đây 1,8 triệu đến 70.000 năm (tên khoa học là Homo erectus) và một trong những tổ tiên đầu tiên của loài người (sống cách đây 3,7 đến 2,9 triệu năm) thuộc chủng Australopithecus afarensis có tên khoa học là Lucy.

Tiến sĩ George McGavin, người trình bày khám nghiệm hài cốt thời tiền sử cho biết: "Trước đây, một số bảo tàng đã tái tạo lại ba người tiền sử nhưng đây thực sự là những bản sao hoàn chỉnh nhất. Chúng được thiết kế và thực hiện theo các nghiên cứu mới nhất, chính xác nhất. Đây sẽ là cơ sở giúp chúng tôi xây dựng một bức tranh chính xác hơn về người Neanderthal và cuộc sống của họ".

Người Neanderthal là một loài trong chi người đã tuyệt chủng sống ở châu Âu sớm nhất cách đây vào khoảng 350.000-600.000 năm. Họ đã cố gắng thích nghi và sống sót được một thời gian sau thời kỳ băng hà và bị tuyệt chủng vào khoảng 30.000 năm trước, cùng với khoảng thời gian mà con người hiện đại di cư đến các lục địa từ châu Phi. Họ có chiếc mũi nhô ra trên khuôn mặt to lớn với vầng trán đồ sộ và không có cằm.

Gia Hân (Theo BBC)