Tấm bia đá khiến người đàn ông phát điên 37 năm?

Tấm bia đá khiến người đàn ông phát điên 37 năm?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Tấm bia đá trước kia được một người đàn ông lấp giếng rồi xây bể nước đè lên trên từ thời chiến tranh vẫn còn loạn lạc. Không lâu sau, người đàn ông đó phát điên và chuyển nhà đi nơi khác.

Sự việc tưởng như rơi vào quên lãng nhưng vài chục năm sau khi người đàn ông đó qua đời, con cháu ông đã nhờ người đi tìm và đào được tấm bia trăm tuổi đó. Câu chuyện về tấm bia đá khiến người đàn ông phát điên còn đày đọa gia đình họ lại lần nữa được thêu dệt và gây xôn xao dư luận. Để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện, PV Nguoiduatin.vn đã về phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành Phố Hải Phòng.

Nhịp sống - Tấm bia đá khiến người đàn ông phát điên 37 năm?

Lời nguyền tấm bia đá?

Từ xa xưa nơi đây vốn là vùng bãi bồi ven biển. Khi nước biển rút dần, nơi đây trở thành bãi đất mặn, cỏ hoang mọc đầy nào là những lau, những lác. Chỉ có một số ít người đến đây làm ăn sinh sống nhưng cũng chẳng trụ lại lâu, vì thế mà làng Hòa Nghĩa chỉ được lập vào đầu thể kỷ 20 khi có người đứng lên chiêu dân lập ấp. Cùng thời gian đó, ngôi đình Hải Phong (bây giờ là tổ dân phố số 2 phường Hòa Nghĩa) được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân tứ xứ đến đây cư ngụ. Tấm bia đá ghi lại công đức của người khai khẩn cũng được dựng lên.

Qua thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, nhiều tượng, bia đá trong đình chùa ở các miền quê hầu như đều bị tàn phá, hư hại. Tấm bia đá ở đình Hải Phong tránh được sự tàn phá đó một cách kỳ lạ và sự tồn tại của nó đến ngày nay mang lại không ít những lời đồn kỳ bí. Một cơn lũ tràn về năm 1955 khiến cả vùng quê này bị nhiễm mặn. Bộ đội đào giếng lấy nước ngọt cho dân ở cạnh đình nhưng nước mặn đã ngấm sâu. Sau đó không lâu, trong đợt cải cách ruộng đất, mảnh đất cạnh đình này được chia cho ông Nguyễn Văn B. làm đất thổ cư.

Thấy chiếc giếng không có tác dụng, ông B. lấy gạch vỡ lấp xuống giếng nhưng chưa đầy, tấm bia đá trong đình mọi người định đập vỡ mang đi nung vôi được ông lấy về lấp đè lên trên. Sau đó ông xây bể đựng nước ngọt ở chính chỗ chiếc giếng nơi có tấm bia đặt ở dưới.

Theo những người già sống quanh vùng kể lại, năm 1965 ông B. phát điên. Con cháu ông đưa ông về xã bên sinh sống. Mảnh đất được bán lại cho ông Ngô Văn Q. là cán bộ xã lúc bấy giờ. Người dân nơi đây vẫn biết đến sự tồn tại của tấm bia đá năm xưa nhưng ít ai nhắc tới. Có lần một vị chủ tịch phường (lúc bấy giờ là xã Hòa Nghĩa) muốn viết cuốn lịch sử Đảng bộ xã nên có ý đinh khai quật tấm bia để tìm hiểu lịch sử hình thành vùng đất nơi đây nhưng phần vì hiện nay đó là đất của dân ở, phần vì còn ít người nhớ đến vị trí đó nên không tiến hành tìm kiếm được.

Năm 2006, ông B. mất sau 37 năm mắc căn bệnh tâm thần, lúc đó ông 74 tuổi, người con dâu cả của ông đi xem bói ở nhà bà H. trú tại phường Hòa Nghĩa. Tại đây bà H. nói nguyên do ông B. bị điên là do tấm bia đá ông B. dùng lót đáy để xây bể. Tấm bia mang theo lời nguyền tai ác, nếu không tìm được tấm bia đó thì con cháu trong nhà sẽ bị vật chết ba đời? Cũng chính từ nguyên do này mà người dân gọi tấm bia đá do người khai dân lập ấp xưa kia dựng lên là bia đá “địa chủ”.

Năm 2009, con cháu ông Nguyễn Văn B. theo lời của bà H. thầy bói đã đến gia đình ông Q. (lúc này đã mất được vài năm) để xin đào tấm bia. Khi tấm bia được đào lên cũng là lúc những lời đồn quanh tấm bia đá được thêu dệt. Câu chuyện ông B. bị tấm bia đá đày đọa khiến phát điên, không chỉ thế nó còn khiến một người con của ông bị chết thê thảm, hai đứa cháu thì bị dại cứ thế lan truyền trong người dân một thời gian dài.

Thực hư lời đồn và bi ký ngoại truyện

Tìm về đình Hải Phong, phường Hòa Nghĩa, chúng tôi gặp cụ Ngô Văn Sinh (90 tuổi) chủ nhang, được cụ kể cho nghe về câu chuyện về lịch sử hình thành đất và đình nơi đây. Đến thế kỷ XIX, thực dân Pháp sang cai trị và làm nhiều công trình phát triển trên đất Hải Phòng trong đó có làm tuyến đường đi ra Đồ Sơn qua đất Hòa Nghĩa. Gia đình ông Lê Văn Thược, bà Lê Thị Tâm mà người dân quen gọi là ông Năm Sinh, bỏ tiền ra khai hoang, lập ra ấp Hòa Nghĩa sau này chuyển thành xã. Hai cụ còn làm đình, chùa, mua đồ thờ, để lại ruộng nên được dân làng bầu làm hậu thần, hậu Phật. Đình Hải Phong được xây dựng trên nền cũ trước đây mà vợ chồng ngư dân nghèo đến sinh sống. Năm 1934, tấm bia được khắc xong và dựng ở đình ghi lại công đức nêu trên.

Những thông tin về công đức của người khai dân lập ấp được ghi lại trong văn bia cũng đã được nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Hải Phòng khẳng định qua cuộc trò chuyện với phóng viên chúng tôi. Lần theo thông tin nghe được, chúng tôi tiếp tục tìm đến người nhà ông B. ở thôn Phong Quang, xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng để hỏi thêm thông tin. Trái với những lời đồn mà chúng tôi được nghe rằng ông B. bị phạt nên có người con bị tường đổ đè chết khi đang đi xây và hai đứa cháu bị dại.

Anh Nguyễn Văn M. (SN 1963) là con trai ông B. cho biết gia đình có bốn anh chị em, đúng là trong số đó có người bị chết nhưng là hy sinh trong chiến tranh chứ không phải như lời thiên hạ thêu dệt. Còn chuyện hai đứa cháu bị bệnh dại thì hoàn toàn không có. Chỉ có con trai anh M. sinh năm 1988 khi mới sinh được năm tháng do không tiêm phòng nên không may bị xuất huyết não nên giờ đi lại khó khăn, tâm thần không ổn định.

Nhịp sống - Tấm bia đá khiến người đàn ông phát điên 37 năm? (Hình 2).

Ngày trước khi bố anh M. bị bệnh một thời gian dài như vậy, chạy chữa khắp nơi không thuyên giảm, gia đình cũng đi cầu cúng nhưng chẳng ăn thua. Thời gian ấy đi xem cũng chẳng ai nói là do tấm bia đá kia cả. Khi bà chị dâu trưởng trong nhà đi xem bói và thầy bói nói là phải đào lên đưa vào trong đình thì gia đình mới làm ăn khá được, các cụ mới phù hộ cho thì gia đình anh cũng tin mà đến xin người nhà nhà ông Q. cho đào bia. Người dân xung quanh chứng kiến cảnh bà thầy bói khẳng định và chỉ chỗ tấm bia là ở dưới đáy bể (đã được xây lại) ở nhà ông Q.. Gia đình anh M. xin phép được phá bể nước sau đó xây đền nhưng đào không thấy, sau đó phải dùng thuốn (que sắt nhọn, dài) để tìm thì phát hiện nó ở vị trí gần đó chứ không phải đáy bể.

Sự việc bà H. thầy bói lờ mờ đoán vị trí của tấm bia có thể là do nghe được câu chuyện từ xưa các cụ kể lại, bởi bà ta cũng là người ở đây. Hơn nữa, việc ông B. bị điên sau đó chuyển nhà đi rồi ông Q. đến ở trên đất ấy mà không bệnh tật gì ngược lại còn sống khỏe mạnh đến gần 90 tuổi mới qua đời có thể thấy những lời đồn tấm bia đá khiến ông B. bị điên không thuyết phục.

Còn về tấm bia đá ghi lại công đức của ông Năm Sinh, người khai dân lập ấp sau khi đào lên đã được khiêng vào đình. Cụ Ngô Văn Sinh chủ nhang của đình rất khó xử, trước dư luận nhiều chiều ở trong làng. Người thì cho rằng tấm bia đó là của “địa chủ”, người thì cho rằng tấm bia là của dòng họ Lê? vì thế không được thờ chung với Đức Thánh Trần trong đình và nhất quyết nếu để bia trong đình sẽ đưa Thánh ra ngoài? Phần nữa họ nghĩ ngày xưa người giàu họ ghi gì lên bia cũng được.

Một phương án được đặt ra là xây nhà để bia ở khuôn viên của đình, tuy nhiên một số người dân vẫn kiến nghị lên quận Dương Kinh để phản đối. Chủ tịch UBND phường Hòa Nghĩa, ông Trần Văn Tư cho biết, lãnh đạo địa phương sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan để sớm giải quyết sự việc một cách hợp lý nhất. Quan điểm của địa phương là sẽ bảo tồn những di sản có giá trị văn hóa, nhất là của những người có công lập ra đất này dể có thể phát triển như ngày nay.

Nhịp sống - Tấm bia đá khiến người đàn ông phát điên 37 năm? (Hình 3).

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, là người trực tiếp dịch văn bia ở Hòa Nghĩa kỷ niệm bi ký cũng có ý kiến về vấn đề này: "Ông Năm Sinh là một người có công trong việc khai khẩn, chiêu dân lập lên Hòa Nghĩa bây giờ. Tấm bia trăm tuổi mang trong mình giá trị văn hóa đích thực, nơi lưu giữ phù hợp là nơi xưa kia các cụ đã dựng nó. Tổ tiên của những người dân phường Hòa Nghĩa xưa kia đã từng thờ sống ông ấy, điều đó có được ghi lại trong văn bia. Nếu cần tôi sẵn sàng tranh luận với bà con để họ có được một cái nhìn không sai lệch".

Văn Thịnh