Cô giáo nhiều lần suýt bỏ mạng khi vượt sông đến lớp

Cô giáo nhiều lần suýt bỏ mạng khi vượt sông đến lớp

Thứ 2, 13/05/2013 | 16:25
0
"Khi còn cách bờ 300m, chiếc thuyền chìm dần, gồng mình vượt qua dòng nước lạnh toát cuồn cuộn sóng. Vào gần đến bờ, mình chỉ kịp thấy làn nước mấp mé trước mắt...", cô Minh bàng hoàng kể lại giây phút sinh tử trong một chuyến đò mình đã từng trải qua.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe câu nói: Trên đời này, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Và tới sau này, có cơ hội gặp những thầy giáo, cô giáo tận tình, vượt qua mọi trở ngại, gieo những hạt chữ thơm tho trên mảnh đất cằn, tôi lại càng thấm thía hơn câu nói ấy. Ở thôn Hồng Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), tôi đã gặp một con người như thế - cô Nguyễn Thị Lan Minh. Người dân nơi đây yêu mến phong tặng cho cô danh hiệu "người phá kỷ lục vượt sông".

Xã hội - Cô giáo nhiều lần suýt bỏ mạng khi vượt sông đến lớp

Cô Nguyễn Thị Lan Minh trong một giờ lên lớp.

Ngôi trường độc nhất vô nhị

Vì mất khá nhiều thời gian chờ đò từ đất liền vào ốc đảo, chúng tôi đến ngôi trường nơi cô Nguyễn Thị Lan Minh công tác vào đúng giấc trưa. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi làm công tác bảo vệ tươi cười mở cổng trường cho chúng tôi. Ngôi trường hai tầng khang trang với khuôn viên sạch sẽ nằm im lìm dưới những tán cây cổ thụ. Bước vào phòng hội đồng - nơi giao ban của các giáo viên, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy hầu hết đồ đạc phía trong đều dừng lại ở con số 5. Năm chiếc cốc, 5 đôi dép, 5 cuốn sổ công tác... Hỏi ra mới biết, ngoài hiệu trưởng, trường chỉ có năm cô giáo phụ trách năm khối, mỗi khối chỉ có duy nhất một lớp và mỗi lớp chỉ có một số rất ít học sinh.

Do những đặc điểm riêng biệt về dân cư và kinh tế nên vùng quê thôn Hồng Lam rất khó khăn. Ngôi làng rộng lớn nhưng thưa vắng bóng người và mọi hoạt động giao thương cũng diễn ra rất lẻ tẻ. Đang ôm chiếc bụng trống rỗng vì không thể tìm nổi một quán ăn ở đây, chúng tôi thoáng thấy bóng dáng vài em nhỏ rụt rè ngoài cửa, tay xách theo một túi bánh mỳ. Khi chúng tôi khẽ hỏi thì một cô bé chừng 9 tuổi đặt túi bánh trên bàn rồi chạy vụt mất. Hành động bất ngờ ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Sau này hỏi ra mới biết, cô bé ấy có tên là Như và là một trong những học sinh đang theo học lớp cô Minh. Biết được điều ấy, tôi càng thấy ngưỡng mộ khi những học trò bé nhỏ của cô Minh đã lĩnh hội được những điều cô dạy, cụ thể chúng thành những hành động dù rất nhỏ nhưng lại khiến người khác cảm động về tình yêu thương và sự quan tâm, chia sẻ. Chẳng cần ai nói, cô bé tự nhận thấy mình nên giúp đỡ vị khách lạ trong một tình cảnh rất tế nhị mà nhất quyết không nhận lại bất cứ số tiền hay tặng phẩm nào.

Sau mấy tiếng buổi trưa, chúng tôi cũng gặp được cô giáo Nguyễn Thị Lan Minh. Chào chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, cô tranh thủ ít phút trước khi vào lớp để kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời dạy học và ngôi trường mình đã gắn bó hàng chục năm trên ốc đảo hẻo lánh này. Hướng ánh mắt về phía xa xăm, giọng của cô giáo tuổi đã ngoài 50 bỗng trùng hẳn xuống khi nhớ về những tháng ngày mới chân ướt chân ráo về trường. Ngày ấy, sau nhiều năm được phân công dạy ở các trường học trên đất liền, cô được cấp trên giao về ngôi trường nằm ngay tại địa bàn mình sinh sống. Niềm vui được sinh hoạt và giảng dạy ở ngôi trường có hàng trăm học sinh và giáo viên kéo dài không được bao lâu khi số lượng các em học sinh sụt giảm nghiêm trọng do dân số trong làng ngày một ít đi. Cô còn nhớ những năm 80, 90, hai cấp học của trường luôn duy trì sĩ số gần 300 học sinh. Trường học lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp và tràn ngập không khí thi đua học tập.

Thế rồi, bước sang những năm 90, ngôi trường dần thưa vắng, số lượng học sinh bậc trung học cơ sở quá ít nên nhà trường không còn tổ chức dạy cấp học này, các em buộc phải lụy đò sang kia sông học tiếp. Trường chỉ còn lại cấp tiểu học nhưng số học sinh ngày càng ít nên ít năm sau trường phải nhập vào với trường tiểu học Xuân Giang và trở thành một phân hiệu của trường này. Trong năm học 2012-1013, cả 5 cấp học của trường chỉ có 28 học sinh. Lớp 1 có năm học sinh, lớp 2 có bảy học sinh, lớp 3 có ba học sinh, lớp 4 có năm học sinh và lớp 5 có tám học sinh.

Những lần suýt bỏ mạng khi vượt sông đến lớp

Lý giải thêm về tình trạng số lượng học sinh ngày một ít, cô Minh cho hay, điều kiện sinh hoạt ở vùng đất bốn bề sông nước này vô cùng khó khăn, lũ lụt quanh năm, phương tiện giao thông duy nhất là mấy con đò cũ nát. Các em trong độ tuổi đi học thường theo cha mẹ di cư đi nơi khác sinh sống, lập nghiệp. So với những năm 80, dân cư trong làng đã di cư đi khoảng 3/4. Theo chân học sinh, các cô giáo về đây thường cũng chỉ ở lại 2-3 năm cho hết nhiệm kỳ công tác là chuyển đi nơi khác chứ không ai muốn ở lại ngôi trường hẻo lánh mà mỗi ngày đến lớp phải đi tới 4 lần đò, sóng nước dập dềnh luôn tiềm ẩn nguy hiểm mỗi mùa lũ đến. Duy chỉ có cô Minh, với tình yêu nghề, mến trẻ, đã gắn bó suốt 29 năm với ngôi trường này.

Vì số lượng học sinh chẳng bao giờ vượt quá con số 10 nên ở ngôi trường này, tình cảm giữa giáo viên và học trò rất khăng khít, đúng theo nghĩa "người mẹ hiền thứ 2". Vừa là cô giáo nhưng cũng vừa là người mẹ. Nhiều khi, cô giáo còn hiểu được các con hơn các bậc cha mẹ bởi những bậc phụ huynh này đi làm ăn xa quanh năm suốt tháng. Mỗi cô giáo có điều kiện quan tâm học sinh đến từng chi tiết, bọc cho học sinh từng quyển vở, khâu cho học sinh từng cái áo, chiếc quần. Đáp lại tình cảm của cô giáo, các em học sinh ở ngôi trường bé nhỏ này sống với nhau rất tình cảm, đi học chuyên cần và rất nghe lời cô giáo.

Ngôi trường nằm ở bốn bề sông nước, lại ở trung tâm vùng lũ của mảnh đất miền Trung nên những ngày mưa lũ đến trường lại càng thêm cơ cực. Chính vì thế, nên hàng năm trường được nhận một số tiền hỗ trợ rất đặc biệt là "tiền cho giáo viên mua ủng và áo mưa". Những ngày mưa lũ, học sinh được cha mẹ, ông bà cõng đến lớp, còn các cô giáo dù mưa gió ra sao, chỉ cần có đò là các cô sẽ sang sông.

Trong số hàng nghìn chuyến đò bão tố, cô Minh không thể nào quên được lần ra về trong Hội nghị cán bộ giáo viên năm 2009-2010. Khi hội nghị kết thúc, cô cùng hàng chục vị khách ra đến bến đò thì gió mùa nổi lên. Thấy mưa gió tơi bời, sóng nước cuồn cuộn, ai cũng chen chân nhau muốn lên bằng được đò để về nhà sớm. "Cả một cái thuyền toàn bộ là sóng, cứ chườn lên lại ngụp xuống. Mình là người công tác lâu năm và tự tin là biết bơi nhưng vẫn sợ lắm. Thấy sóng ập vào mạn thuyền làm mũi thuyền chúi xuống, theo phản xạ mình chạy về phía buồng máy để giảm tải cho mũi thuyền. Tất cả mọi người thấy thế, liền cuống cuồng chạy theo. Trên thuyền lúc đó hỗn độn lắm. Nhiều người nói dại, ta không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng có khi "đi" cùng một chuyến đò cũng nên. Cảm giác kinh khủng và ai cũng muốn vào bờ. Khi chiếc thuyền ra đến giữa dòng thì chòng chành mất lái, người ta tranh nhau giật số phao ít ỏi trên thuyền. Mình đành nhường chiếc phao cho những người không biết bơi.

Thế rồi điều gì đến cũng đến, khi còn cách bờ khoảng 300m, chiếc thuyền chìm dần, gồng mình vượt qua dòng nước lạnh toát cuồn cuộn sóng. Vào gần đến bờ, mình chỉ kịp thấy làn nước mấp mé trước mắt. Khi tỉnh lại thì đã thấy mình được đưa về nhà, cô con gái ngồi cạnh bưng bát cháo nóng nước mắt lưng chòng...", cô Minh bàng hoàng kể lại giây phút sinh tử trong một chuyến đò mình đã từng trải qua.

Giờ đây, đã đến tuổi sắp về hưu, cô Minh vẫn không ngừng cống hiến và yêu thương học trò. Nói về mong muốn của mình, cô chỉ ao ước, Hồng Lam có được một cây cầu "nối những bờ vui" để cho người dân và những giáo viên đến đây dạy đỡ cơ cực, học sinh không phải lo mất chữ vì không được đến trường.   

Mảnh đất nào cũng đáng để sống hết mình

Cô Minh sinh ra, lớn lên và giảng dạy ngay tại ngôi trường của làng nhưng đến năm 2000, gia đình cô chuyển vào đất liền sinh sống. Những người thân quen khuyên cô nên xin chuyển công tác để thuận tiện đi lại khi tuổi nghề đã cao. Thế nhưng cô nhất quyết không đồng ý. Suốt 10 năm nay, mỗi ngày cô vẫn bốn lần ngồi đò để sang sông dạy học. Nếu tính số chuyến đò hơn chục năm qua, thì tổng cộng số lần cô vượt sông đã lên tới con số hàng vạn. Chia sẻ với PV, cô Minh tâm sự: "Nhà thơ Chế Lan Viên đã có câu: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. Vậy nên mảnh đất khi nào ta ở cũng là một phần không thể thiếu trong sự sống của ta, là nơi ta đáng cống hiến và xây dựng, sống hết mình vì những con người ở đó".

Phạm Hạnh

Những phong tục kỳ lạ trên đảo Long Sơn

Thứ 2, 22/04/2013 | 13:36
Mang hình dáng một con rồng xoãi mình trên sóng biển, đảo Long Sơn đang lôi cuốn nhiều người ưa thích nét mộc mạc, thuần khiết. Không những thế, trên hòn đảo này còn lưu giữ nhiều phong tục kỳ lạ, và cả những tư tưởng tiến bộ không thể ngờ tới.

Nữ giáo viên vùng cao kinh hoàng vì cấp trên 'quấy rối'

Thứ 3, 07/05/2013 | 14:55
“Sau đêm bị ông ấy cưỡng hiếp, em khóc rất nhiều, nếu không được các chị đồng nghiệp khuyên bảo chắc em đã bỏ nghề vì sợ hãi, nhưng đến nay trong mỗi giấc ngủ, mặc dù đã chốt cửa chặt, em vẫn giật mình thon thót, chỉ sợ ông ấy lao vào cưỡng ép mình một lần nữa”.

Trẻ em vùng cao rạng ngời hạnh phúc đón áo ấm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Với những chiếc áo ấm mới và vòng tay yêu thương, hàng trăm em nhỏ của huyện nghèo Mù Căng Chải (Yên Bái) đã không còn run sợ trước cái ren cắt da, cắt thịt của mùa đông. Khuôn mặt các em rạng ngời hạnh phúc và niềm hân hoan khi khoác trên mình những tấm áo mới.