Tâm sự với những công dân hạng 3

Tâm sự với những công dân hạng 3

Thứ 3, 15/01/2013 | 14:49
0
Đã gần kết thúc một năm âm lịch. Mọi ngã đường, góc chợ tập nập và vội vã hơn những ngày thường. Khi mùi hương trầm phảng phất đâu đó, tôi nhớ đến các bạn – những công dân hạng 3.

Ngày ấy, các bạn là những kẻ lưu manh, nghiện ngập, trộm cắp, trấn lột, đòi nợ thuê và làm những trò bẩn thỉu trong xã hội... Tôi biết, các bạn đã gần như hết chổ đứng trong môi trường của những con người “tử tế”. Người có lòng vị tha nhất cũng nghi kỵ và khinh rẻ các bạn. Đó cũng là lúc, tôi nhận ra rằng, nếu cứ đẩy con người đi đến bước đường cùng, họ càng trở nên hung dữ hơn.

Cái chất lưu manh trong con người đã khiến tôi có chút đồng cảm với các bạn. Tết năm đó, tôi mang hết “bổng lộc” của mình đến cho các bạn. Tôi nhủ vợ mình, hãy lấy gạo nếp, nước ngọt, hoa quả, bánh kẹo, những thứ hiện có trong nhà mang đi ban phát cho các bạn. Đó là cái tết mà gia đình tôi không được sung túc, nhưng các bạn rất ấm cúng. Đó chính là lúc các bạn nhận ra, tương lai chưa đóng cửa với bản thân mình.

Từ sau cái tết đó, tất cả các bạn gọi tôi bằng một từ rất trìu mến và trân trọng – thầy. Tôi đã dắt các bạn đi trên một con đường gập ghềnh, trải qua nhiều vất vả, gian khó. Dù gặp phải bế tắc, nhưng tôi luôn hãnh diện vì các bạn. Các bạn trở lại cuộc sống bởi sự khổ nhục, lòng tự trọng của bậc quân tử, đấng nam nhi, bằng những bước đi né tránh vòng lao lý.

Xã hội - Tâm sự với những công dân hạng 3

Những phần thưởng giành cho công dân hạng 3

Mới đó thôi, mà đã gần 10 năm chúng ta sống với nhau; 10 năm tôi được chứng kiến những con người lầm lỗi hoàn lương. Nhiều lần tận mắt thấy các bạn - những tên xã hội đen một thời -  bước lên bục vinh quang, nhận thưởng của chủ tịch UBND huyện hay nhận giấy khen của giám đốc công an tỉnh, tôi đã rơi lệ.

Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, các bạn đã gác dao kiếm, từ bỏ dục vọng và tuyệt tình với những trò phi pháp. Hàng ngày, tôi vẫn nhận tin, các bạn liên tục bắt những tên trộm, tên cướp giao nộp cho cơ quan công an (xin khẳng định là hàng chục vụ mỗi năm). Tôi hạnh phúc khi thấy những người dân nghèo mang những cân cam, gói bánh đến tận nhà cảm ơn các bạn vì những hành động nghĩa hiệp trong đời thường. Người dân địa phương gọi các bạn là những “Lục Vân Tiên”, họ xem số điện thoại của các bạn là đường dây nóng.

Ngoài việc bắt trộm cướp, cứu dân trong lũ dữ, các bạn đã lập những chiến công phải nói là lẫy lừng và hiển hách; những chiến công ấy có thể ghi vào sách đỏ nhưng không thể vinh danh. Đến hôm nay, nhiều hàng ngũ cán bộ đã gọi các bạn là những công dân “đỏ”, mà chính họ, trước đó vẫn luôn nhìn các bạn với góc độ của một công dân hạng 3.

Quê hương của chúng ta đã yên bình, một phần có sự đóng góp của các bạn. Chính quyền và người dân địa phương đã ghi nhận các bạn. Nhưng ở đâu đó, vẫn có những con người tự cho mình là người “tử tế” trong thiên hạ, họ sẽ không tin vào những công dân hạng 3 như các bạn, sẽ không tin nổi những điều phi thường mà các bạn và đã làm.

Hãy đừng trách họ. Vì không phải ai cũng có được niềm tin đầy ắp; không phải tất cả con người đều khát khao sự sống lớn lao như các bạn.

Xuân Hồng

* Đây là câu chuyện có thật. Do sự tế nhị, tác giả xin không nêu tên nhân vật trong bài viết cũng như trên các giấy khen.

Nhà báo bắt trộm và hoàn lương người phạm tội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
"Nhà báo Phan Xuân Hồng không những tham gia bắt nhiều tội phạm, mà còn tham gia xóa bỏ các tụ điểm tệ nạn xã hội, giúp thanh niên hư hỏng hoàn lương, bước qua con đường lầm lỡ", chủ tịch huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết.

Chuyện hoàn lương nơi cận kề cạm bẫy cuộc đời

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Về cửa khẩu quốc Cầu Treo, Hà Tĩnh để tìm những người chuyến hàng qua cửa khẩu "đặc biệt", họ là những người đã mãn hạn tù trở về với đời thường. Trong khung cảnh nhộn nhịp của cửa khẩu dịp gần Tết, nên công việc của đội bốc vác "đặc biệt" cũng nhiều hơn, bận rộn hơn.