Tản mạn đường 6

Tản mạn đường 6

Thứ 6, 03/05/2013 | 17:12
0
Nói đến Tây Bắc, hẳn phải là đò dọc ngược sông Đà, trao gửi sinh mệnh cho ông lái đò vượt thác, lách đá ngầm mới thú. Hay chí ít là ngồi trên boong tàu mà thưởng lãm cảnh hoàng hôn núi rừng như láng mật ong vàng trên những mái nhà lớp đá đen dọc bờ Nậm Ban hoang dại. Nhưng, Tây Bắc còn có một cuộc đời khác. Ấy là con đường 6 đầy kí ức và thảng thốt những giấc mơ trưa mỗi độ thu về heo may đèo vắng.

Nhịp thời gian nguyên sơ

Ngày đó, thế giới công nghiệp còn như một câu chuyện hoang đường nằm ở phía bên kia vạn trùng võng núi. Tiếng mõ trâu chiều bảng lảng theo sương đếm nhịp thời gian, làm mờ đi những giới hạn, cột mốc của bao đời người. Người đất Thuận vẫn thích gọi quê hương mình bằng cái tên ấy hơn là chữ Thuận Châu được định danh trong văn tự.

Qua bao đổi thay, núi vẫn nguyên sơ từng phiến như tấm bia khổng lồ khắc ghi từng nét mưa, nắng. Hình như ở đây mỗi ngọn núi có một khuôn mặt, một tâm sự dù tất cả đều nén lòng mình tôn lên đỉnh Khâu Tú hùng vĩ và ngạo nghễ. Bởi thế, đêm ở đây như cuộc phục sinh của muôn vàn câu chuyện kì bí.

Đêm, ta mới cảm nhận được hết dư vị của đất xưa Mường Muổi. Trời trong và lặng như tờ, khí trời thanh sạch, trăng rừng vằng vặc trên đỉnh núi cao, nương vắng như đồng lõa với dạo chơi phàm trần nào đó của thần tiên.

Trong đêm Mường Muổi, con đường 6 như một phần của huyền thoại đọng lại trong ánh mắt người già. Đường 6 mới đó mà xưa, như dòng sông cạn đẩy đưa năm tháng, đón đợi và tiễn đưa bao mảnh đời. Vết bánh xe tăng quân thù còn hằn một nếp, vết móng ngựa, vết chân chai sạn của người du kích xưa nín thing để dội tiếng súng kíp chát chúa tiêu diệt địch.

Xã hội - Tản mạn đường 6

Chợ cóc ven đường 6, một trong những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng cao

Trong suy tưởng của tôi là con đường nhỏ và cũ, đầy những vết rạn như lớp da cá sấu. Lòng đường chỉ vừa nhỏ một chiếc xe tải đi qua cũng đủ làm tất cả phải chú ý nhường đường. Những người lính từ chiến trường trở về, ngồi nghỉ bên mương nước xanh trong rửa mặt, ngắm trời xanh và đồng lúa.

Tôi chợt thấy bình yên đến lạ. Cánh cò trắng nổi bật trên xa mờ núi biếc, từng đàn trâu lầm lũi kiếm ăn theo dọc con đường như thể muốn ngược đỉnh Pha Đin lên ăn lúa Mường Thanh trĩu hạt, người mỏi tay không kịp gặt. Đường 6 nơi đây còn vòng qua những lũy tre xanh nơi cụ già người Thái ngồi trên sàn nhà vọng xuống nhờ ngày theo bộ đội Tây Tiến chặn xe tăng địch. Mỗi ngả đường mòn rẽ ra với con đường quốc lộ ấy là một bản nhỏ, một xóm núi nguyên sơ với ánh mắt những cô bé địu em trên lưng như một bí mật.

Từ cái điểm đèo cuối cùng của đất Thuận, quay đầu nhìn lại, con đường chảy về xuôi xa ngái, chợt thấy như đang cách gốc gác đường xuôi biết bao thế kỉ. Bởi thế, có người già nhớ thuở ngồi trong một bên quang gánh được mẹ cha gánh theo lên xứ này vỡ đất, giờ tóc bạc da mồi lại ra lề đường ngóng về đồng bằng mà xúc động. Nay, người vác cuốc, dắt trâu lại dọc theo hai mép đường ấy để rồi mỗi bận lại giật mình quay lại thích thú ngắm một tiếng còi xe ô tô huyên náo.

Cảnh sắc hai bên con đường này luôn gợi một cái gì đó bình yên và hoang dã. Những nếp nhà tranh đơn sơ, nhà ngói  cây mít hay nhà mái bằng kiên cố đều lặng lẽ chìm vào giấc ngủ mỗi độ hoàng hôn. Nhà gỗ dọc đường giờ đã hiếm nhưng có một thời là dấu hiệu người xuôi lên cư trú.

Họ là công nhân đường bộ, giáo viên, bộ đội nghỉ hưu không muốn quay về thành phố, không muốn rời xa đất này, bởi có người nhớ nền đất nơi cơ quan cũ từng sơ tán, có người nhớ cái sân trường xưa có nền đắp đất, hai tảng đá giữ chân cột cờ đỏ thắm mỗi sáng đầu tuần... Vách đá tà-luy bên đường là chứng nhân duy nhất còn nhớ những kí ức như thế.

… Và, chợ sôi động

Đường 6 đã đi qua không biết bao nhiêu chợ. Chợ nào cũng mộc mạc từng bó măng, gói nhộng tằm, con gà, quả trứng. Chợ ở  đây là chỗ tâm tình, gặp gỡ hơn là kiếm lợi. Ra chợ mua bán để lòng thêm vui chứ mấy ai nghĩ đến kiếm tìm, săn đón. Người ta đi chợ hồn nhiên như đi hội, có người chỉ cần bán đủ tiền mua cái đèn pin, chiếc áo là đã thuận lòng. Nhờ con đường ấy mà họ quen mặt nhau, dẫu chẳng sang giàu cũng nào bận lòng nghĩ ngợi.

Trưa, qua những khúc hai bên vách đá dựng, nắng chờn vờn trên mỏm đá, mát lạnh những khóm lau già hiu hắt. Bỗng vẳng lên một tiếng gà trưa, chợt thấy nao lòng thèm một mái hiên, bát nước chè xanh xua đi cái buồn phiêu linh bụi bặm.

Quả đúng như lời những cụ già đất Sơn La đã nói: Đường 6 như có hồn vậy, có tính, có tình vậy, mỗi khúc gợi một tâm trạng cho lòng người dù đường có sửa, xe có sang. Qua một tỉnh, chòm chèm 300 cây số mà đằng đẵng như vừa nếm trải những khúc quanh của cả một đời người.                                       

Bảo Vy

Người đàn ông khóc giữa thành phố

Thứ 4, 01/05/2013 | 19:48
Lần đầu tiên em nhìn thấy anh, là ở cái góc đường hẹp ấy, trong một tối cuối năm đông người. Mọi người chen nhau đi về phía hội hoa, em cũng chen nhau trong dòng chảy ấy, dưới làn mưa xuân lảng bảng, mồ hôi nóng rực.

Hãy cứ tin những người hát tình ca

Thứ 3, 30/04/2013 | 13:57
Buổi sáng của gã trai nghèo thanh tao xem ra thi vị lắm. Thức dậy sớm, đi bơi rồi đi làm, lòng nhẹ tênh và thư thái.

Đánh mất cảm xúc

Thứ 3, 30/04/2013 | 09:50
Tôi từng thấy có nhiều người sống vui lắm, dù cho một tháng không gặp, hay một năm không gặp, thậm chí mới gặp hôm qua rồi hôm nay lại gặp nhưng lúc nào trông họ cũng tươi tỉnh. Nhiều chuyên gia tâm lý từng phải hồ nghi không biết lý do tại sao một người bình thường không duyên cớ gì mà có thể hớn hở quanh năm như thế. Một ngày mà hưng phấn quá 15 phút cũng có thể gọi là đang có triệu chứng về tâm lý không ổn định. Nhưng đó là một chuyện khác.