Tận mắt xem thương lái tẩy trắng dừa bằng hóa chất

Tận mắt xem thương lái tẩy trắng dừa bằng hóa chất

Thứ 7, 20/07/2013 | 14:53
0
Dừa “trắng” hay còn gọi là loại dừa “Thái” với vẻ ngoài bắt mắt, tiện sử dụng, đang là thứ hàng được nhiều người dân Hà Thành săn đón mỗi trong những ngày hè nắng nóng.

Xã hội - Tận mắt xem thương lái tẩy trắng dừa bằng hóa chất

Cận cảnh quy trình tẩy trắng dừa tại một cơ sở sản xuất 

Nhưng khi bỏ tiền mua món giải khát cho bản thân và gia đình, không phải ai cũng biết phía sau vẻ bắt mắt kia là một quá trình ngâm tẩm của các thương lái nhằm tận thu lợi nhuận. Công nghệ tẩy trắng dừa chẳng khác gì quá trình tiêm thêm “thuốc độc” vào thức uống của người sử dụng...

Mục sở thị... công nghệ tẩy trắng dừa

Xu hướng chung của người tiêu dùng: ngoài ngon - bổ - rẻ lại còn phải bắt mắt, chính vì lẽ đó mà từ khi xuất hiện trên thị trường, dừa “trắng” đã lập tức được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Điều này cũng dễ lý giải, bởi ngoài vẻ bắt mắt bề ngoài, vị ngọt mát của nước dừa, loại trái này còn vô cùng tiện ích cho người sử dụng khi chỉ cần vén lớp cùi mỏng đã được gọt sẵn là người dùng có thể thưởng thức ngay. Nhưng đằng sau sự tiện dụng kia, tiêu chí “an toàn” lại là điều những người bỏ tiền mua không hề được tôn trọng. Theo chân những thương lái chuyên cung cấp dừa “trắng” ra thị trường, chúng tôi không khỏi “lạnh người” đi khi chứng kiến quá trình loại trái cây này được tẩy trắng...

Đi cùng mối khách quen chuyên tiêu thụ dừa tươi nguyên buồng của Mạnh, một thương lái dừa ở Hà Nội, người viết ngỏ ý muốn tìm hiểu về dừa trắng để kinh doanh thêm mặt hàng ăn khách này trong mùa hè nắng nóng. Không chút ngần ngại, Mạnh gật đầu đồng ý tắp lự, rồi kéo tay dẫn chúng tôi xuống một xưởng chế biến nằm mãi tận ngoại thành để xem hàng.

Sau một hành trình lòng vòng từ nội thành Hà Nội qua những con đường lởm chởm, chúng tôi có mặt tại một căn phòng áng chừng 20m2 tại xã Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), nơi được gọi là điểm mới phát của dừa trắng... Vừa khẽ hé cửa bước vào, chúng tôi đã phải bụm miệng ho sặc sụa bởi mùi khai nồng nặc tại bên trong căn phòng, nơi đang có 5 công nhân làm việc. 4 người cặm cụi với con dao sáng loáng trên tay, nhanh thoăt thoắt gọt vỏ trái dừa như gọt bưởi rồi lăn qua cho một anh chàng hai tay đang đeo găng tay cao su hì hụi thả từng quả dừa vừa lăn tới vào một chiếc thùng phuy cắt nửa.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên trước hoạt động tẩy dừa, Mạnh vội vã giải thích ngay: “Để làm ra một quả dừa “trắng”, công đoạn thì đơn giản chỉ cần gọt lớp vỏ cứng để trơ cùi áo và 5 - 10 phút ngâm trong hóa chất là có ngay những quả dừa trắng tinh, mọng nước và ngọt lịm”. Như để nhấn mạnh thêm về giá trị của loại dừa này, Mạnh tiếp: “ Nhìn thì đơn giản nhưng không phải thương lái nào cũng biết cách làm và dám làm dừa “trắng””.

Cũng theo những gì Mạnh cung cấp, thì hóa chất dùng ngâm dừa là một loại dung dịch hỗn hợp được pha trộn lên từ axit photphoric và lưu huỳnh. Có tác dụng giữ màu trắng nõn cho lớp cùi của quả dừa sau khi được gọt mang ra ngoài không khí và nhất là thêm chút vị cho nước dừa phía trong. Một cơ sở sản xuất, đơn giản chỉ cần 3 -5 nhân công là đủ (lớn hơn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ và mối tiêu thụ cần - PV). Trong đó, một người chịu trách nhiệm nhúng dừa vào hóa chất, còn lại gọt là chính. Hóa chất được đổ vào một thùng phi nhựa cắt nửa, dừa gọt xong được chuyển luôn cho người nhúng thả vào thùng hóa chất, sau 5 -10 phút thì vớt ra đặt vào những giá nhựa để sẵn cho ráo nước. Liền sau đó, những trái dừa đã có thể mang đi tiêu thụ.

“Nhìn quá trình thì rất đơn giản, nhưng trên thực tế không mấy ai biết về cách làm dừa ngoài những người trong nghề với nhau (các thương lái chuyên buôn bán, vận chuyển dừa - PV). Yếu tố quyết định của quả dừa “trắng” nằm hết trong loại hóa chất để ngâm dừa. Tỷ lệ hóa chất pha trộn chỉ được phép bằng hoặc cao hơn chứ không được phép ít hơn lượng nước”. Mạnh cho biết thêm.
 

Xã hội - Tận mắt xem thương lái tẩy trắng dừa bằng hóa chất (Hình 2).

Những bọc dừa trắng thành phẩm được đóng gói chuyển đi tiêu thụ. 

Không quen nghề có ngày chết ngạt

Nắng đầu hè nhưng vô cùng oi ả, căn phòng tẩy trắng dừa mỗi lúc một ngột ngạt hơn, bởi mùi khai từ thùng hóa chất mỗi lúc một nồng nặc. Lúc này, người bạn vốn là mối quen đi cùng tôi đã được Mạnh kéo đi đâu đó ra ngoài. Một người công nhân đang gọt vỏ dừa trong xưởng thấy tôi đứng lại, có vẻ lờ đờ, khó chịu bởi không khí trong xưởng vội chạy lại đưa tôi ra một góc, nơi đặt chiếc quạt công nghiệp đang chạy công suất lớn, rồi hỏi: “Hình như lần đầu anh vào xưởng như thế này hả?”.

Chưa kịp trả lời, người nhân công lại tiếp: “Lần đầu, em cũng giống anh thôi, không quen mùi hóa chất này thì không thể chịu nổi đâu. Anh vào hôm nay còn đỡ, chứ phải ngày nắng to, mái tôn hấp nhiệt hầm hập xuống nữa thì chắc là ngất luôn, bởi quen như tụi em ngày nào cũng làm việc mà nhiều lúc chạy thẳng vào phòng, mùi hóa chất xộc lên xây xẩm mặt mũi, cảm giác ghê cổ, khó thở và buồn nôn vẫn xuất hiện như thường”.

Tỏ vẻ chưa hiểu sự tình, tôi gạn hỏi vu vơ: “Kinh như vậy, thì có ảnh hưởng sức khỏe không anh? Chắc độc hại chẳng ai dám làm anh nhỉ?”. Ngó trước, ngó sau, anh chàng nhân công thì thầm: “Thường thì không bao giờ ông chủ cơ sở động tay đến quá trình tẩy trắng dừa, họ chỉ có việc liên hệ mối tiêu thụ và nhập hóa chất, còn thực hiện thì hầu hết dành cho nhân công, bởi hơn ai hết độc hay không họ là người hiểu. Thứ nhất, ngồi cạnh thùng ngâm hóa chất thường có mùi khai nồng nặc, không quen có thể gây chóng mặt và buồn nôn. Bên cạnh đó, tỷ lệ pha trộn hóa chất nó như thế nào cũng chỉ có họ nắm được. Bọn em thường làm thời vụ, bởi dừa “trắng” chỉ “chạy” hàng vào mùa hè nóng nực. Hết mùa, họ cũng chẳng mướn bọn em về làm gì”.

Thấy tôi có vẻ chột dạ, anh chàng nhân công được thể, lại tiếp: “Nói thật anh nghe, dừa này về bán cho khách còn được, chứ nhà mà dùng thì em khuyên anh đừng nên. Bởi gọt dừa xong, bọn em để ý, sau lớp vỏ cứng ở ngoài không thấm nước thì lớp cùi dừa lại hút nước cực nhiều. Hơn thế nữa, ở đầu cuống quả dừa có hai cái mắt mầm rất mỏng, chỉ cần dùng ống hút thôi đâm cũng thủng, ngâm với thời gian như vậy trong hóa chất thì việc ngấm hóa chất vào nước bên trong là điều khó có thể tránh khỏi, nhất là những quả dừa không nhiều nước”.

Được biết, hóa chất ngâm dừa thì ai cũng có thể mua được chỉ cần biết địa chỉ, có quan hệ quen biết đến những điểm mua lúc nào cũng có như: Chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hay tiện nhất là khu hóa chất Sài Đồng, (Gia Lâm, Hà Nội). Trở về sau khi được mục sở thị công nghệ tẩy trắng dừa khoảng thời gian không phải là ngắn, nhưng mỗi lần nghĩ lại những gì được thấy và những bí ẩn hậu họa khôn lường đằng sau việc đưa hóa chất vào để tận thu lợi nhuận của các thương lái sản xuất dừa trắng, trong suy nghĩ người viết lại ẩn hiện những thấp thỏm, lo âu đến “lạnh người”.

Dừa “trắng” tẩm hóa chất giữ tươi lâu gấp 2-3 lần

“Thường thì tất cả những cơ sở sản xuất dừa trắng đều biết tác hại sau khi sử dụng nhưng vì lợi nhuận nên đều nhắm mắt làm ngơ. Việc làm ra dừa “trắng” mang lại lợi nhuận khá cao bởi mức tiêu thụ của người dân, bên cạnh đó làm dừa “trắng” thì không phải lo việc dừa héo và dừa hỏng, bởi hóa chất không những chỉ có tác dụng giữ cho trái có một vẻ ngoài trắng muốt mà còn làm giữ tươi rất lâu. Một quả dừa bình thường chỉ có thể giữ được từ 10 – 15 ngày nhưng dừa “trắng” sau khi ngâm thì có thể giữ độ tươi gấp từ 2 – 3 lần so với loại dừa bình thường”.

Theo Gia đình

Dừa tẩy trắng độc hại

Thứ 5, 30/05/2013 | 16:28
Hóa chất tẩy trắng dừa có thể là một loại axít gốc phốt pho và lưu huỳnh, chỉ được dùng với liều lượng phù hợp. Nếu sử dụng vô tội vạ sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Tràn lan thực phẩm tẩy trắng chứa chất độc hại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Để “bắt mắt” thực khách, không ít quán ăn, nhà hàng đã tẩy trắng thực phẩm bằng những hóa chất độc hại bất chấp việc ảnh hưởng nghiêm trọng của các hóa chất tới sức khỏe người tiêu dùng.

Hãi hùng công nghệ tẩy trắng măng siêu tốc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, một số cơ sở sản xuất măng tươi ở TP.HCM thường xuyên dùng các loại hóa chất để tẩy trắng măng, giúp măng giòn, thơm trước khi đưa ra chợ bỏ mối bán.