Tăng quyền cho công an xã trong điều tra hình sự: Cần có cơ chế giám sát, tránh lạm quyền

Hương Lan

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Một nội dung rất đáng chú ý, đó là bộ Công an đề xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng công an xã trong hoạt động điều tra hình sự. Xung quanh đề xuất này, có nhiều luồng ý kiến trái chiều và lo ngại nảy sinh lạm quyền.

Công an xã sẽ được “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ”?

Theo đề xuất của bộ Công an trong dự thảo đề nghị xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, bộc lộ một số hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự.

Bộ Công an cho biết theo quy định hiện hành, công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong khi đó, công an phường, thị trấn, đồn công an ngoài trách nhiệm nêu trên còn được “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” đối với tin báo về tội phạm trước khi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Bộ Công an đề xuất bổ sung trách nhiệm của Công an xã trong điều tra hình sự (ảnh minh họa)

Theo bộ Công an, sự khác biệt này xuất phát từ việc luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 được ban hành trong bối cảnh công an xã chưa bố trí công an chính quy, còn công an phường, thị trấn và đồn công an thì có.

Bộ Công an đã triển khai đề án bố trí công an xã chính quy, do vậy, việc quy định trách nhiệm của công an xã như quy định tại Điều 44 luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 là không phù hợp với tình trạng bố trí công an xã hiện nay... Do vậy, bộ Công an đề xuất bổ sung trách nhiệm của công an xã tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an. Theo đó, công an xã sẽ được “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” đối với tin báo về tội phạm trước khi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Giảm gánh nặng cho công an cấp huyện, tránh bỏ lọt tội phạm

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao, TS. Dương Thanh Biểu đồng tình với với đề xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng công an xã trong hoạt động điều tra hình sự. Ông cho rằng, hiện nay lượng công an cấp xã đã được bố trí lực lượng chính quy, cùng với đó là việc chuẩn hóa đội ngũ lực lượng công an ở cấp xã, phường đang được đẩy mạnh. Theo đó, cần phải có sự thay đổi trong công tác quản lý và thẩm quyền thực hiện để phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Ảnh minh họa.

Ông Biểu nêu quan điểm, công an xã chính quy có đủ trình độ điều tra, xác minh ban đầu vụ việc và cung cấp hồ sơ về việc điều tra đó để chuyển lên cơ quan cấp trên nghiên cứu, tiếp tục điều tra và xử lý. Tuy nhiên, ông Dương Thanh Biểu cũng cho rằng việc tăng như thế nào cũng cần bàn kỹ lưỡng thêm.

“Thực tế, áp lực trong công tác điều tra hình sự đối với công an cấp huyện là rất lớn, đôi khi xảy ra sai sót trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, thậm chí có tình trạng bỏ lọt tội phạm. Theo tôi, với việc bổ sung trách nhiệm cho công an xã như đã nêu, bộ Công an kỳ vọng phần nào sẽ giảm tải áp lực cho công an cấp huyện trong công tác điều tra hình sự nói chung và công tác giải quyết tin báo nói riêng”, ông Dương Thanh Biểu nhận định.

Đồng tình với quan điểm của TS. Dương Thanh Biểu, một ĐBQH - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với đề xuất tăng thẩm quyền cho công an xã trong hoạt động điều tra hình sự. Việc tăng thêm quyền điều tra hình sự cho công an cấp xã sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho lực lượng cấp huyện, tỉnh. Nhất là trong bối cảnh công an huyện đang có chủ trương giảm bớt một số phòng, ban để tinh giản đội ngũ để tăng cường lực lượng cho công an xã.

“Nếu tăng thẩm quyền cho công an xã thì phải điều chỉnh lại quy định của pháp luật, quy định đó là 1 cơ quan điều tra ban đầu thì mới có căn cứ pháp lý để trao thẩm quyền. Trao thẩm quyền cho công an xã có thể hiểu tương tự như các cơ quan điều tra ban đầu của hải quan, biên phòng, kiểm lâm… Họ là những người bám địa bàn, nắm tình hình tại chỗ và họ là những người xử lý công việc ban đầu của quy trình điều tra”, vị ĐBQH này lý giải.

Cũng theo vị ĐBQH, đó mới chỉ là bước khởi động ban đầu của bộ Công an và sẽ còn những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Lo ngại… lạm quyền

Liên quan đến đề xuất trên, có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ băn khoăn về sự lạm quyền của lực lượng công an xã nếu được tăng thẩm quyền điều tra hình sự.

Có ý kiến lo ngại, nếu không có cơ chế giám sát, công an xã sẽ lạm quyền (Ảnh minh họa).

“Tăng thêm quyền điều tra hình sự cho công an xã sẽ khiến cho nhiều người lo lắng về việc lạm quyền của lực lượng này. Bởi thực tế, trước đây khi sử dụng lực lượng không chính quy cũng đã bộc lộ những yếu kém, có sự lạm quyền trong một số vụ việc cụ thể. Chính vì thế, bộ Công an cần nhìn nhận đúng đắn, phải tổng kết cơ sơ thực tiễn và cần phải có thêm cơ chế quản lý để tránh những hệ lụy có thể xảy ra”, luật sư Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Phan Xuân Xiểm, mặc dù công an xã đã bố trí lực lượng chính quy, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng tăng thẩm quyền cũng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát “quyền lực” của công an xã, tránh lạm quyền. Bên cạnh đó, bộ Công an cũng cần tính toán làm thế nào việc bố trí công an xã chính quy không phát sinh thêm biến chế mới.

Trước lo ngại tăng quyền cho công an xã sẽ nảy sinh hệ lụy, một vị đại biểu ĐBQH - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Nếu đề xuất được chấp nhận, theo tôi phải bổ sung, điều chỉnh các quy định các cơ quan điều tra ban đầu (xã, phường), phải có 1 quy định định danh, xác định công an xã được thực hiện một số nhiệm vụ điều tra tra ban đầu. Nếu định danh rõ ràng sẽ xử lý được việc lạm quyền hay không. Vấn đề đặt ra, nếu đã tăng thẩm quyền thì phải chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng công an tại địa phương. Xác định phạm vi, nhiệm vụ và nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng công an xã mới là điều điều đáng quan tâm chú ý, giải quyết chứ không nằm ở mối lo ngại lạm quyền hay không”.

Chia sẻ với PV, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với bày tỏ sự ủng hộ trước việc bộ Công an xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng công an xã trong hoạt động điều tra hình sự trong dự thảo đề nghị xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, hiện nay chúng ta có đủ các quy định pháp luật về quyền hạn dành cho lực lượng công an, nếu công an xã được tăng thêm quyền điều tra hình sự thì cũng phải thực hiện theo các quy định về quy trình tố tụng trong điều tra, xác minh vụ án hình sự. Đồng thời có thêm cơ chế giám sát trong tình hình mới. Nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Như thế sẽ tránh việc lạm quyền khi trao thêm quyền điều tra hình sự cho công an xã.

Lý giải thêm về đề xuất của mình, bộ Công an cho hay công an cấp huyện đang phải tiếp nhận, giải quyết 70% tổng số tin báo, trong đó tính riêng các tin báo do công an cấp xã cung cấp đã chiếm tới 65%. Điều này dẫn tới áp lực trong công tác điều tra hình sự đối với công an cấp huyện là rất lớn, đôi khi xảy ra sai sót trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, thậm chí có tình trạng bỏ lọt tội phạm.

H.L