"Tàu Hoa Sen" ở PVN: Mua đắt hay bán rẻ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Thay vì đóng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại mua tàu cá quá tuổi để hoán cải thành tàu thăm dò dầu khí (tàu địa chấn 2D) dưới cái tên Bình Minh 02.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu PVN kiểm tra và báo cáo sự việc. Giờ đây cái tên "Bình Minh - 02" lại một lần nữa làm nóng dư luận.

Tàu thu nổ địa chấn "Bình Minh - 02"

Thích mua tàu cũ với giá đắt?

Xét đề nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tại công văn số 6381/VPCP-DK ngày 6/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc PVN mua tàu khảo sát địa chấn. Ngày 23/01/2008, PVEP (thuộc PVN) đã ký hợp đồng với nhà thầu Nordic Maritime (Na Uy) để mua tàu cá cũ mang tên Pavlovsk với giá hợp đồng trọn gói là 29,549 triệu USD. Khi về Việt Nam, tàu Pavlovsk đổi tên thành "Bình Minh - 02".

Điều đáng nói là PVN đã không có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ việc mua tàu cá cũ hoán cải thành tàu địa chấn 2D, đặt việc mua tàu thành sự đã rồi. Tính đến thời điểm mua tàu, "Bình Minh 02" đã được gần 25 năm tuổi. Trong khi Nghị định 149/2006/NĐ -CP giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam đối với tàu biển đã qua sử dụng không quá 15 tuổi tính từ năm đóng tàu (trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định, nhưng không quá 5 tuổi đối với mỗi loại tàu).

Nghĩa là, tàu "Bình Minh - 02" đã "già" hơn cả trường hợp đặc biệt gần 5 tuổi (!). Theo kế hoạch, tàu cá được đưa từ Estonia về Singapore để hoán cải, trang bị thành tàu địa chấn 2D và chuyển giao cho chủ đầu tư vào ngày 15/9/2008 (có thêm 25 ngày ân hạn).

Song, đến ngày 19/3/2009 việc bàn giao tàu mới được tiến hành (chậm 5 tháng so với hợp đồng, chậm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra). Đã vậy, sau khi bàn giao tàu tại Singapore chạy về cảng Việt Nam, tàu "Bình Minh - 02" lại bị hỏng và phải kéo về Singapore sửa chữa hơn một tháng mới xong.

Báo cáo kiểm điểm về dự án tàu địa chấn 2D, ông Đỗ Văn Hậu - khi đó là Tổng giám đốc PVEP đã "thành khẩn" nhận lỗi về phía mình.

... và muốn bán rẻ?!

Với mục tiêu kịp thời và chủ động phục vụ công tác thăm dò dầu khí, PVN đã có nghị quyết chấp thuận thỏa thuận khung với CGGVeritas để thành lập Liên doanh khảo sát địa chấn giữa Tcty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí VN (PTSC) và CGGVeritas. Theo đó, liên doanh này có thời gian hoạt động 20 năm, tổng vốn dự kiến khoảng 95,3 triệu USD (trong đó, tỷ lệ góp vốn của PVN (PTSC) là 51%, CGGVeritas là 49%).

Với thỏa thuận trên, PTSC góp 51% tổng vốn đầu tư, tương đương với 48,6 triệu USD (làm tròn), bao gồm: Tàu "Bình Minh - 02" (mua lại từ PVEP) trị giá 18,668 triệu USD; tiền mặt 10 triệu USD và phần giá trị phải trả cho CGGVeritas là 19,95 triệu USD.

Và một câu chuyện mới đặt ra ở đây là đầu năm 2008, tàu cá cũ 25 năm tuổi Pavlovsk (sau đổi thành "Bình Minh - 02") được mua với giá 29,549 triệu USD. Nhưng chỉ sau 2 năm nhận bàn giao, mới đây, tại báo cáo thẩm định về việc góp vốn thành lập liên doanh giữa PTSC và CGGVeritas (do chính ông Đỗ Văn Hậu ký), "Bình Minh - 02" đã bị tụt giá chỉ còn 18,668 triệu USD.

Điều đáng nói là, với tính toán định giá ban đầu (nguyên giá 29,549 triệu USD khi mua tàu, trừ khấu hao 6,332 triệu USD), giá trị còn lại của tàu "Bình Minh - 02" là 23,217 triệu USD. Song không hiểu vì lý do gì và dựa vào tính toán nào mà "Bình Minh - 02" sau khi bị định giá lại thì chỉ còn 18,688 triệu USD (?). Và 4,549 triệu USD chênh lệch từ việc định giá lại này được coi là "khoản chi phí của PTSC khi tham gia vào liên doanh"!

Dư luận đang đặt ra câu hỏi việc định giá tàu "Bình Minh - 02" liệu đã chính xác chưa? Nếu theo giá trị định lại, có 2 tình huống xẩy ra: Hoặc là chiếc tàu cũ đã được PVN mua lại với giá quá đắt, hoặc là nay "bán lại" cho liên doanh với giá quá rẻ? Và ai là người phải chịu trách nhiệm khi chơi trò ảo thuật với những khoản vốn nhà nước kiểu như thế này? Đó là chưa kể đến việc thay đổi phương thức đầu tư này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hay chưa?!

T.Vân