Taxi “đòi” làm phương tiện vận tải công cộng

Taxi “đòi” làm phương tiện vận tải công cộng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Đề xuất này nhận được ý kiến đa chiều từ các chuyên gia. Không thỏa mãn với đề án “thiết quân luật” vận tải hành khách bằng taxi, Hiệp hội taxi Hà Nội đã chính thức lên tiếng.

Theo đó, đơn vị này “xin” được “cởi trói”, đồng thời “đòi quyền lợi” để taxi được ngang hàng với những phương tiện vận tải công cộng khác.

Ô tô-Xe máy - Taxi “đòi” làm phương tiện vận tải công cộng

Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất coi taxi là phương tiện công cộng.

Trao đổi với Người đưa tin, ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội phân tích: “Để mổ xẻ vấn đề, đầu tiên, chúng ta cần hiểu thế nào là phương tiện công cộng?. Từ trước đến nay, có vẻ như mọi người hiểu sai khái niệm này. Do bị đánh đồng sang nghĩa sở hữu, nên vô hình trung “khoác” cho chúng “áo” khác. Nhiều người cho rằng, phương tiện công cộng thuộc sở hữu của nhà nước nhưng thực tế nó gồm cả sở hữu tư nhân. Ví dụ, xe buýt, cả nhà nước và tư nhân cùng sở hữu, mục đích là kinh doanh. Nếu xét theo tiêu chí này, xe taxi cũng nằm trong danh mục phương tiện công cộng. Thực tế, ở nước ngoài, bên cạnh tàu hỏa, máy bay, xe buýt, tàu điện… taxi nghiễm nhiên đứng trong hàng ngũ phương tiện công cộng. Họ quan niệm, tất cả những phương tiện chở dân chúng được coi là công cộng”.

Cũng theo ông Bình, với khoảng 17.000 đầu taxi ở Thủ đô, vận chuyển được 100 triệu hành khách mỗi năm, đóng góp hàng trăm tỷ tiền thuế, đáp ứng công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và hạn chế xe cá nhân. Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào từ chính sách ưu đãi đầu tư trong nước thì xe buýt tại Hà Nội năm 2011 phải trợ giá tới 1.084 tỷ đồng.

“Nhiều người quy chiếu, xe taxi là thủ phạm gây tắc đường là không thỏa đáng. Theo tôi, định kiến này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, làm cho người tiêu dùng phải trả giá cước cao hơn, số lượng ô tô cá nhân cũng tăng. Do đó, cần coi taxi là phương tiện công cộng chứ không phải xe cá nhân”, ông Bình nói.

Chủ tịch HH taxi Hà Nội lý giải: “Ngành nào, phương tiện nào cũng thế, khó tránh khỏi chuyện một số lái xe taxi vi phạm vì mưu sinh. Tuy nhiên, chúng ta có luật pháp, chế tài quản lý, xử phạt. Tôi tin rằng, khi hoạt động của taxi được đưa vào khuôn khổ, sẽ giải quyết được những “hạt sạn” này. Mục đích của chúng tôi là phục vụ người dân, chứ không phải “đòi quyền lợi” cho mình như một số người nghĩ”.

Trao đổi với Người đưa tin, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc NXB Giao thông cũng tỏ ra khá đồng tình với đề xuất này. Theo TS Thủy, phương tiện công cộng gồm nhiều loại, không phải cứ giá thấp, giá đồng loạt như xe buýt mới được coi là công cộng. Taxi thuộc loại phương tiện công cộng đặc thù dành cho những người có thu nhập cao. Hơn nữa, nó thay thế cho phương tiện cá nhân hiệu quả. “Xe buýt vẫn được nhà nước bù lỗ, nhưng taxi thì không. Một số đơn vị “ca thán” không được nhận cơ chế đặc thù như xe buýt nhưng thực tế họ được ưu tiên vào một số tuyến phố mà xe buýt không vào được… Nói một cách công bằng, taxi không những là phương tiện công cộng mà còn rất thuận lợi cho mục đích di chuyển đơn lẻ, cơ động, tiện nghi.

Nhiều người lo ngại với số lượng hàng chục nghìn taxi đang hoạt động, nếu coi là phương tiện công cộng sẽ rất khó quản lý. Tuy nhiên theo TS Thủy, chúng ta không thể cấm mà phải quy hoạch trong khuôn khổ. Các thành phố lớn trên thế giới có hàng chục vạn taxi, họ vẫn quản lý tốt. “Hà Nội hiện có 6 triệu người, do đó cần tính toán, nên để bao nhiêu taxi thì đủ. Theo tôi, đến năm 2020, số lượng xe taxi khoảng 2 vạn là hợp lý. Nếu thấy lộn xộn, không cân đối cung cầu, hãy tạm dừng mở rộng để quản lý hiệu quả hơn”, TS Thủy nói.

Khó quản lý xe cá nhân “đội lốt” taxi

Trao đổi với Người đưa tin, GS. TS Nguyễn Lân, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: “Xe buýt vận tải công cộng, taxi cũng vậy nhưng không thể xem chúng như nhau. Xe buýt vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tiền chỉ thu với mức rất rẻ còn taxi là hoạt động kinh doanh, không phải ai cũng đủ tiền để đi. Chúng ta phải theo quy định của nhà nước với mỗi phương tiện giao thông, phải thu tiền ở mức nào, đối tượng kinh doanh ra sao… không thể đánh đồng được”.

Theo GS Nguyễn Lân, với hàng chục nghìn xe taxi đang hoạt động, sẽ rất khó quản lý nếu coi chúng là phương tiện công cộng. Đó là chưa kể, có rất nhiều ô tô cá nhân đội lốt taxi. Hơn nữa, một xe cá nhân chỉ đi ra đường khi thật sự cần thiết, và đi có chủ đích, còn taxi thì có thể “chạy đua” từ điểm này đến điểm kia để đón khách nên sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Dẫn chứng là chúng ta thấy rất nhiều xe taxi di chuyển trên đường khi không có khách.

Anh Đức