Tem phiếu cho... văn hóa xấu hổ

Tem phiếu cho... văn hóa xấu hổ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Lại nghĩ, vậy sao chúng ta không sử dụng cơ chế phân phối cho sự xấu hổ? Ai cũng đến lượt, ai cũng có phần bằng nhau. Tem phiếu cho sự xấu hổ, tại sao không?

Sao họ không xấu hổ?

Cách đây vài hôm, một chị bạn người Mỹ đến nhà tôi ăn tối. Chị nói, tính đến giờ chị đã ở Việt Nam gần 20 năm, nhưng có nhiều điều về người Việt mãi chị vẫn không hiểu được. "Ở Mỹ, nếu 2 người bạn gặp nhau trên đường. Họ sẽ cùng lái xe vào chỗ đỗ để nói chuyện, còn người Việt Nam cứ đứng giữa đường, mặc cho xung quanh tiếng còi xe ầm ĩ. Trong siêu thị, 1 người phụ nữ phải chọn lựa bao giờ đủ số hàng cô ấy cần, dù chiếc xe đẩy của cô làm chặn lối của cả chục người. Sao họ lại thế, sao họ không xấu hổ nhỉ?"

Sao họ không xấu hổ? Thật khó trả lời.

Ở khía cạnh nào đó, xấu hổ có thể coi là một cơ chế 'tự kiểm duyệt' đạo đức của con người, kìm hãm người ta trước những hành vi xấu.

Nhưng thật đáng buồn cơ chế tự kiểm duyệt này có vẻ càng ngày càng bị bỏ rơi, hay nói đúng hơn, bị tiêu diệt.

Một ngã tư không có cảnh sát đứng, người nào kiên nhẫn chờ đèn xanh lập tức sẽ bị những người phía sau thúc giục mắng mỏ.

Nếu ai đó cúi nhặt mẩu rác trên đường bỏ vào thùng, người đó 'dở người'; còn nam thanh nữ tú mặt hoa da phấn thoải mái vứt rác ra đường, vẽ bậy lên di sản, ăn mặc hớ hênh, âu yếm nhau nơi công cộng là 'sành điệu'.

Tem phiếu cho sự xấu hổ, tại sao không?

Từ những chiếc xe biển xanh thản nhiên đi ngược chiều, những quý ông comple cavat tè bậy bất cứ gốc cây, cột điện, đến bà nội trợ bình thản quăng những bọc rác ra cầu thang khu tập thể.

Những chuyện 'nói cả ngày không hết' như thế trở thành quen thuộc, bình thường, khiến cơ chế tự kiểm duyệt của mỗi người ngày một trơ lỳ.

Độ "trơ" đến từ em học sinh phớt lờ luật giao thông đến những vị giáo sư, tiến sĩ khả kính với các đề tài khoa học "đạo". Phổ biến đến mức những loại tin như thế trở thành nhàm tẻ trên mặt báo, không còn 'sức bật' thành một scandal, mới thấy rằng tìm sự xấu hổ bây giờ khó quá.

Những hành vi nhỏ thể hiện một chuẩn văn hóa thấp kém, nhận thức thiển cận thậm chí trở thành những giai thoại, khiến hình ảnh người Việt thật tệ.

Ai độc quyền xấu hổ?

Trong các khái niệm kinh tế, sự độc quyền luôn bị phản đối. Độc quyền xấu hổ lại càng không nên. Nó cần được chia đều.

Là những thanh niên tình nguyện đi xóa những dòng chữ vô ý thức trên di sản. Là người lao công cần mẫn quét từng mẩu rác nhỏ trên đường. Những trí thức- doanh nhân đang nỗ lực quảng bá Việt Nam ra thế giới và số ít người luôn day dứt với những điều ngang tai trái mắt diễn ra hàng ngày.

Nhưng thật tiếc, số họ không có nhiều. Hay nói đúng hơn, sự xấu hổ đang được số ít người sở hữu 'độc quyền'; hoặc bị đẩy cho một vài người phải xấu hổ 'đại diện'.

Vài năm gần đây, Việt Nam rộ lên chuyện 'xuất khẩu' cô dâu. Sẽ chẳng vấn đề gì nếu họ đến với nhau bằng tình yêu, bỏ qua quốc tịch và địa lý. Hình ảnh các cô gái trần truồng xếp hàng đợi những người đàn ông ngoại quốc săm soi lựa chọn. Niềm tin về cơ hội đổi đời đã đè bẹp những cảm xúc nhân phẩm của họ. Dịch vụ chọn vợ Việt Nam 'nhanh và rẻ' ngày càng trở nên nổi tiếng ở một số quốc gia mà mỗi khi nhắc đến không người Việt Nam nào không thấy nóng mặt.

Nỗi ê chề được đẩy cho những cô gái. Những con người chen chúc trong những căn phòng chờ đợi, rúm ró trên những bức ảnh mỗi khi bị cơ quan chức năng phát giác. Họ bị coi là nguyên nhân làm mất thể diện quốc gia, bị xã hội trút lên mọi sự bực tức, khinh bỉ; và bị đẩy ra chỗ sáng chịu đựng sự dè bỉu.

Nhưng nếu thực sự 'văn hóa xấu hổ' là có thật, thì sự ê chề không chỉ là của riêng mấy cô gái. Sự ê chề của các cô phải khiến rất nhiều người nóng mặt.

Cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc lấy chồng Hàn Quốc và bị người chồng tâm thần sát hại khi vừa đến Hàn Quốc vài ngày. Vụ việc gây chấn động dư luận Hàn - Việt trong năm 2010.

Các cô chắc chắn không lựa chọn bỏ cha mẹ làng xóm ra đi, phiên lưu đời mình nếu quê hương cho các cô một cuộc sống ổn định. Nếu có văn hóa xấu hổ, các quan chức địa phương đã nóng mặt khi để người dân bần cùng, bế tắc vì thất nghiệp.

Khi đưa các nhà đầu tư về lấy đất của nông dân, khai thác khoáng sản, họ sẽ tính toán và đấu tranh để người dân tìm được lối thoát cuộc đời. Nếu xấu hổ, họ sẽ day dứt với giá nông sản rẻ mạt, đau đớn khi không tìm được đầu ra xứng đáng cho công sức người dân, và họ phải xấu hổ khi thấy người dân bỏ quê ra đi.

Số lượng cô dâu, người lao động được xuất khẩu nói lên sự trì trệ, đói nghèo của địa phương ấy.

Những người cần nóng mặt sẽ nhìn thấy trong khi người lao động Việt Nam phải tha hương xứ người, chịu bao rủi ro và bất công; thì cũng có bao dự án kinh tế, bao người lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam. Những người có văn hóa xấu hổ sẽ thấy họ vô cảm và bất lực thế nào khi không dành được những cơ hội về người dân mình, hoặc ít nhất họ nhớ mình chưa hề đấu tranh cho người dân.

Người lãnh đạo ở địa phương có văn hóa xấu hổ chắc chắn sẽ không lấy xe công đi lễ chùa cầu mong lộc riêng, càng không bao giờ ăn chặn tiền viện trợ của người dân đang trong những cơn khốn cùng.

Sẽ không chỉ có các sinh viên ham học đau đáu về sự tụt hậu so với các bạn quốc tế, buồn về những trò ăn chơi khoe mẽ đầy lố bịch trong một quốc gia đói nghèo.

Văn hóa xấu hổ sẽ chỉ ra rất nhiều điều để xấu hổ.

Hình ảnh rúm ró, trần trụi của những cô gái nông thôn đợi được đàn ông chọn phải là nỗi ê chề chung của xã hội mà mấy cô chỉ là đại diện.

Tem phiếu cho sự xấu hổ

Nếu nói người Việt Nam không biết xấu hổ là không đúng, nhưng số người thường xuyên bị cảm giác nóng mặt dày vò đó hình như không nhiều. Hay nói đúng hơn, xấu hổ giờ là một giá trị xa xỉ, độc quyền của vài người.

Trong các khái niệm kinh tế, sự độc quyền luôn bị phản đối. Độc quyền xấu hổ lại càng không nên. Nó cần được chia đều.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi cách đây hơn 20 năm, thời tem phiếu. Mẹ tôi cao 1,65m. Ngày xưa phụ nữ 'dài lưng tốn vải' không đắt hàng như các cô hoa hậu thời nay.

Mẹ cùng tổ với một người phụ nữ cao chưa đến 1,50m. Mỗi lần đến đợt lĩnh phiếu vải, mảnh vải của mẹ chỉ may được chiếc quần qua đầu gối, trong khi người bạn mẹ phải cắt bớt đi. Lần nào người đàn bà tốt bụng cũng đề nghị người cắt vải san bớt phần của bà cho mẹ. Nhưng người mậu dịch viên vẫn cắt 2 mảnh vải bằng nhau 'vì tiêu chuẩn công bằng'.

Kẻ hậu sinh tôi cũng không ít lần há hốc mồm nghe anh chị kể chuyện tem phiếu: 6 gia đình được chung một cái săm xe đạp, người đã được nhận vài cái nan hoa xe thì thôi mấy viên đá lửa, nghe tưởng chuyện tiếu lâm. Nhưng sự thực đã có thời xã hội 'công bằng' như thế.

Lại nghĩ, vậy sao chúng ta không sử dụng cơ chế phân phối cho sự xấu hổ? Ai cũng đến lượt, ai cũng có phần bằng nhau. Tem phiếu cho sự xấu hổ, tại sao không?

Theo Tuần Việt Nam