Tết giản dị ở nơi nghệ sĩ rời ánh hào quang về nương náu

Tết giản dị ở nơi nghệ sĩ rời ánh hào quang về nương náu

Thứ 6, 15/02/2013 | 08:30
0
Nằm khép mình trong con hẻm dài hun hút trên đường Âu Dương Lân (Quận 8), Viện Dưỡng lão nghệ sĩ cũng chộn rộn hơn trong cái không khí của những ngày cuối năm, giáp Tết. Khi ngoài đường, người ta nô nức, hối hả với mùa xuân đang tới trước thềm nhà, thì trong ngôi nhà chung này, những người nghệ sĩ già bấy lâu nay nương tựa vào nhau mà sống cũng chuẩn bị cùng nhau đón Tết, với buồn vui cuộc đời khi trót đeo mang theo nghiệp cầm ca và ánh đèn sân khấu.

Đón xuân này nhớ những xuân xưa

Tết với những người già không sống cùng gia đình dường như không bận rộn gì cho lắm. Hôm chúng tôi đến thăm, cỏ và lá cây khô trong vườn đã được dọn sạch, thêm một vài chậu hoa rực rỡ, một vài bức màn phông sân khấu chuẩn bị cho buổi biểu diễn mừng Xuân, một vài tấm bánh chưng, bánh kẹo, trái cây là thành ra Tết. Trên ghế đá trước nhà, những mái đầu bạc, những đôi mắt xa xăm vẫn ngồi bên nhau nói những chuyện từ năm nẳm năm nào, hoặc những chuyện gia đình mà lần vừa rồi con cháu họ vào thăm mới kể.

Sự kiện - Tết giản dị ở nơi nghệ sĩ rời ánh hào quang về nương náu

Những nụ cười trong Viện Dưỡng lão khi xuân về.

Hơn 20 nghệ sĩ sống trong Viện Dưỡng lão này không phải tất cả đều là những người già neo đơn, không gia đình, không nơi nương tựa. Nhiều người trong số họ có con cháu, nhưng con cháu họ đều nghèo, chật vật với cuộc mưu sinh hàng ngày, nên họ vào ngôi nhà chung này sống những ngày cuối đời trong bình yên, lặng lẽ. Cả đời họ là những chuỗi ngày lang thang khắp nơi, hết gánh hát này đến gánh hát khác, là những đêm được cháy hết mình trên sân khấu trong tiếng vỗ tay hay nức nở của khán giả với nhân vật. Thời hoàng kim trôi qua, ngoảnh nhìn lại họ vẫn là những người không nhà cửa, đất đai, không chút gia sản nào để lại cho con cái. Không muốn là gánh nặng cho con cháu, họ xin vào Viện Dưỡng lão, sống trong tình yêu thương và sự sẻ chia của những người đồng nghiệp.

Một trong những người vào Viện Dưỡng lão này từ những ngày đầu tiên thành lập chính là nữ nghệ sĩ Lệ Thẩm (75 tuổi). Xuân này là tròn 15 cái Tết bà đón tết trong Viện Dưỡng lão. Với bà, thì thay vì sống cô đơn trong căn phòng trọ lủi thủi một mình thì 15 năm qua, bà đã có những cái Tết sum vầy và đầm ấm. Bởi cuộc đời nghệ sĩ gần như không năm nào có được một cái Tết bên gia đình cho riêng mình. Thời còn trẻ, cứ khoảng 20 Tết là các ông bầu đã cho ngưng diễn để các nghệ sĩ nghỉ ngơi vài ngày. Mọi người cùng nhau chuẩn bị bàn thờ tổ nghiệp đón năm mới, rồi lo tập vở diễn cho suất Tết. Đến đêm 30 Tết, cả đoàn cùng ngồi với nhau để thắp hương cho Tổ nghiệp, ăn với nhau chút lộc năm mới phút giao thừa, rồi lại tô son điểm phấn, đứng trên sân khấu hết suất diễn này đến suất khác trong suốt mấy ngày Tết, mang hương vị xuân đến khắp mọi nhà bằng những món ăn tinh thần của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Ngọc Đáng (85 tuổi) vẫn còn bồi hồi khi nhớ lại những cái tết xa xưa trong cuộc đời mình. Đi hát cải lương từ năm 12 tuổi, bà đã có hơn 25 năm đứng trên sân khấu trước khi bỏ hát chuyển sang buôn bán để nuôi con ăn học nên người. Bà tâm sự: "Người nghệ sĩ thường là không có những cái Tết vui vầy bên gia đình. Nhưng trong những ngày Tết, mình cũng thấy hạnh phúc vì nhận được tình cảm yêu thương của bà con ở các thôn quê mình đến. Họ đi xem diễn còn mang theo cả bánh chưng, bánh tét đến tặng cho đoàn. Ăn miếng bánh chưng trong tiếng pháo nổ đì đùng đôi lúc cũng nhớ nhà da diết. Nhưng chỉ là thoáng qua thôi, vì xong rồi lại tất tả dọn đồ đi diễn ở những nơi khác. Không có thời gian đâu để buồn vì nhớ bữa cơm gia đình trong ba ngày tết nữa".

Vậy nhưng giờ đây, không còn ca hát nữa, họ vẫn thiếu những giây phút thiêng liêng với một bữa cơm gia đình ấm cúng trong phút giao thừa. Bởi họ đã coi Viện Dưỡng lão này là ngôi nhà của mình, nơi có những người không còn chốn đi về trong ngày Tết, chỉ còn những mái đầu bạc nương tựa vào nhau, lần hồi đi cho hết quãng đường còn lại trên nhân gian.

Sự kiện - Tết giản dị ở nơi nghệ sĩ rời ánh hào quang về nương náu (Hình 2).

Soạn giả Hoàng Nô với phút thư thái cho riêng mình.

Tình người ấm áp trong ngày xuân

Những người nghệ sĩ già trong Viện Dưỡng lão sống chủ yếu nhờ vào số tiền ủng hộ của các mạnh thường quân. Bữa ăn hàng ngày của họ đạm bạc và giản dị, chỉ với 21.000 đồng/ngày. Ông Tần Nguyên, Trưởng Ban quản lý Viện Dưỡng lão cho biết: "Phải cố gắng lắm, chúng tôi mới lo được bữa ăn hàng ngày cho các nghệ sĩ. Nhưng trong mấy ngày Tết, chúng tôi cũng cố gắng tăng số tiền dành cho khẩu phần ăn của họ, để dù đạm bạc cũng có được nồi thịt kho, hũ dưa muối, đòn bánh tét, bánh chưng, mâm ngũ quả,... những hương vị không thể thiếu trong ngày Tết".

Dịp tết hàng năm, hội Chữ thập đỏ thành phố, mạnh thường quân, cùng với một số nghệ sĩ trẻ như diễn viên Việt Trinh, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng,... cũng tới tổ chức văn nghệ, nấu bánh tét, phát quà, đón xuân cùng các nghệ sĩ già. Tết đến là những ngày Viện Dưỡng lão tấp nập người ra vào nhất, tiếng cười, tiếng hát biến một nơi thường ngày đìu hiu, vắng vẻ trở nên xôn xao, nhộn nhịp.

Ngày Tết, những nghệ sĩ nào còn con cháu, gia đình ở bên ngoài thì vui hơn một chút, vì con cháu họ sẽ tới thăm, hoặc đón họ về ăn Tết cùng gia đình. Nhưng sống lâu cũng thành quen và gắn bó, có về họ cũng chỉ ở chơi một chút rồi lại vào Viện Dưỡng lão. Một thời tuổi trẻ sống với niềm đam mê ca hát, nay về già, được sống cùng những người đồng nghiệp, vẫn được cất tiếng hát mỗi ngày là niềm vui của họ. Dù họ không còn hát trên sân khấu lớn trước hàng ngàn người như trước nữa, mà chỉ hát cho nhau nghe, hoặc cho những ai còn nặng lòng với sân khấu cải lương, còn nhớ đến tên tuổi của những nghệ sĩ vang danh một thời, tìm đến nghe vào những đêm nhạc tổ chức hàng tháng trong khuôn viên của Viện Dưỡng lão. Dù những đêm nhạc chỉ là để thỏa nỗi nhớ với nghệ thuật sân khấu cải lương, đang dần mai một trong đời sống hiện đại mà thôi.

Những người nghệ sĩ đã hết thời đứng trên sân khấu, trong tay không có thứ gì đáng giá giúp mình an hưởng tuổi già, nói rằng họ long đong lận đận cũng đúng. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn tự cho rằng mình may mắn hơn nhiều người khác vì có nơi ăn chốn ở hàng ngày. Ngoài kia, còn bao nghệ sĩ tuổi xế chiều như họ không chốn nương thân, không người bầu bạn. Nơi này, dẫu thiếu vắng tình thân của gia đình, nhưng cũng còn lại chút tình nghệ sĩ san sẻ cùng nhau. Những người nghệ sĩ tâm hồn nhạy cảm, con cháu nói nặng nhẹ một chút là tự ái, tổn thương, thì đây chính là nơi chốn bình yên của họ, để họ tìm được sự đồng cảm nơi các đồng nghiệp khi về già.

Khi chúng tôi ra về, soạn giả Hoàng Nô râu tóc bạc phơ đang phun nước tưới cây ngoài vườn. Mấy cây mai quanh sân đã bắt đầu nở những bông hoa vàng đầu tiên chào đón một mùa xuân mới lại đến. Chúng tôi bỗng nghĩ đến họ như những cội mai già, dẫu cằn cỗi đi nhiều so với tuổi thanh xuân thì mai vàng cũng vẫn nở hoa. Chính sự sẻ chia, quan tâm từ các nghệ sĩ trẻ, những mạnh thường quân xa gần đã mang đến Viện Dưỡng lão này những mùa xuân ấm áp nghĩa tình. Để những mái đầu bạc một thời chỉ biết cháy hết mình trên sân khấu kia, cứ chiều chiều lại thì thầm cùng nhau những câu chuyện đời từ thuở xa xưa nào. Câu chuyện nào cũng liên quan đến đời ca hát, đến ánh đèn sân khấu mỗi đêm. Và trong những ánh mắt in dấu thời gian kia, ánh mắt nào sẽ không mong ngóng gì một bữa cơm gia đình đoàn viên trong ngày Tết, dẫu chỉ là thoáng qua?    

Có lẽ điều mà những nghệ sĩ già sống trong Viện Dưỡng lão sợ nhất là lúc ốm đau, bệnh tật. Họ chỉ cầu mong được khỏe mạnh cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, không phải nằm một chỗ liên lụy đến con cháu và những người xung quanh. Hôm chúng tôi đến, vẫn còn vài nghệ sĩ đang phải nằm viện vì sức khỏe yếu. Họ đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, mong manh như ngọn đèn treo trước gió. Mỗi năm Tết đến, chỉ cầu trời cho mình còn khỏe mạnh để có thể tự lo cho bản thân mình là vui lắm rồi, còn bao ánh hào quang lẫn đoạn trường cay đắng sau cánh màn nhung sân khấu, họ đều đã trả lại cho cuộc đời không còn chút vấn vương. 

Hương Lam - Hương Sen

Chuyện đón tết của những nghệ sĩ già ở viện dưỡng lão

Thứ 6, 08/02/2013 | 10:03
Từng một thời là ông vua, bà hoàng trên những sân khấu cải lương vùng vẫy dọc ngang đất Nam bộ, thấm thoát đó mà hoàng hôn đổ bóng cuộc đời. Xuân về, nghe họ kể chuyện ăn Tết ở cái viện dưỡng lão duy nhất dành cho nghệ sĩ ở Việt Nam này.

Nữ nghệ sĩ tài danh cả đời theo đuổi 'dự án trái tim'

Thứ 5, 14/02/2013 | 16:20
Đã ở cái tuổi thượng thọ nhưng mái tóc NSND Tường Vi vẫn chưa một sợi bạc. Đôi mắt bà vẫn ánh lên nét nhìn nhuần nhị và nhân hậu.