Thách thức lớn khi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi

Cẩm Mịch

Sau 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, bộ GD&ĐT đang tính đến việc phổ cập cho trẻ 4 tuổi trên cả nước, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Chưa đủ điều kiện đáp ứng

Mới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 2 năm Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 và triển khai thực hiện Nghị định 105/NĐ-CP. Theo báo cáo, hiện nay, hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền đã được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục, đạt tỉ lệ 99,6%. Tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%. Bộ GD&ĐT đang tính đến việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi trên cả nước.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm ở nhiều địa phương, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi cũng đã phải đối mặt với không ít khó khăn, mà tới đây, sẽ trở thành thách thức lớn đối với phổ cập cho trẻ 4 tuổi.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau - cho biết: “Khó khăn hiện tại nằm ở cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Nhiều địa phương chưa có đủ phòng học cho học sinh. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên hiện tại cũng đang thiếu khoảng 70 người, dự báo trong khoảng 5 năm nữa sẽ thiếu khoảng 500 - 700 giáo viên mầm non trên địa bàn toàn tỉnh.

Những năm qua, có nhiều lý do, nhiều gia đình có điều kiện chăm sóc trẻ tại nhà nên không muốn cho con đi học. Cũng có những địa phương, thầy cô và chính quyền phải đến tận nhà vận động trẻ ra lớp, rồi một số trường hợp, sau khi đi học lại bỏ học và thầy cô phải thường xuyên vận động trẻ quay lại trường, rất vất vả”.

Cũng chia sẻ những khó khăn tương tự trên địa bàn, bà Võ Thị Phượng - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) - thông tin: “Hiện tại, nhận thức của người dân tại các vùng khó cũng đã được cải thiện, nên việc vận động học sinh ra lớp không quá khó khăn như những năm trước đây.

Tuy nhiên, trẻ không ra lớp được là do điều kiện cơ sở vật chất đặc biệt ở vùng sâu vùng xa chưa thể đáp ứng, nhiều điểm trường quá tải. Nhiều lớp, chỉ tiêu sĩ số chỉ khoảng 25 - 30 trẻ nhưng lại có đến hơn 60 trẻ, giáo viên cũng phải xoay xở, nhưng không xuể. Đặc biệt, đối với trẻ mầm non, khoảng cách từ nhà tới lớp phải gần, bởi trẻ ở những địa phương này sẽ tự di chuyển đến lớp, không có điều kiện để được phụ huynh đưa đón”.

“Bên cạnh đó, khó khăn về đội ngũ giáo viên cũng là một trong những trở ngại cho việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ. Hiện tại, mới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi mà đã thiếu hàng nghìn giáo viên, thì nếu tính đến phổ cập cho trẻ 4 tuổi, nhu cầu về đội ngũ giáo viên sẽ càng tăng lên.

Muốn thực hiện được thì trước hết, phải bổ sung, kiện toàn đội ngũ giáo viên, đáp ứng tương xứng với số lượng trẻ. Rất nhiều nơi, phụ huynh học sinh có nhu cầu đưa con đi lớp, nhưng điều kiện không đủ để đón nhận trẻ.

Ở vùng sâu vùng xa thì ưu tiên huy động tối đa trẻ 5 tuổi, nếu còn chỗ thì ưu tiên tính đến trẻ 4 tuổi. Hiện tại, vẫn còn “kẹt” một chuyện như sau, trường mầm non thì phải bố trí diện tích đất, đảm bảo phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi… Một số địa phương khó khăn trong quy hoạch mở rộng trường do không đủ diện tích. Đề án sáp nhập các điểm lẻ về điểm trường chính, “quy về một mối” để nâng cao chất lượng, thì chỉ có một số điểm trường ở gần nhau mới có thể thực hiện được, còn những điểm trường có khoảng cách xa nhau thì không thể. Nếu không có đủ điều kiện thì thực sự “bó tay”.

Tại một số huyện, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chỉ đảm đương được đến số lượng trẻ như vậy, một số trẻ muốn vào trường công lập nhưng nhà trường cũng không thể tiếp nhận. Thậm chí, một số tổ chức tư nhân đầu tư xây dựng trường tư thục, rất khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, vì học trường tư thục, trẻ sẽ không được hưởng các chế độ hỗ trợ, phụ huynh không cân đối được chi phí cho con nên không gửi con vào đó. Một thời gian sau, các cơ sở giáo dục tư thục này cũng đành phải đóng cửa” - bà Phượng chia sẻ thêm.

Kinh nghiệm từ phổ cập cho trẻ 5 tuổi

Đứng trước nhiệm vụ mới là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, bà Nguyễn Thị Thơm - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai) - bày tỏ: “Hiện tại, đội ngũ giáo viên mầm non trên toàn tỉnh vẫn đang thiếu, nếu tính đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi thì chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, tới đây, chúng tôi vẫn đề xuất và đề nghị tuyển dụng giáo viên đối với vùng khó khăn để đảm bảo chất lượng dạy và học. Ở vùng thuận lợi, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sử dụng giáo viên hợp đồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng những bài học kinh nghiệm từ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đó là ghép các nguồn vốn, cho phép các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh chương trình, dự án xây dựng, phát triển cơ sở vật chất. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát triển loại hình ngoài công lập để phổ cập cho trẻ mầm non ở những nơi có xã hội hóa cao.

Ngành giáo dục cũng tích hợp chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dưng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non và giao quyền tự chủ cho các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, chủ động tích hợp liên kết với các tổ chức trong nước và quốc tế để tập trung nguồn lực…”.

Bà Võ Thị Phượng cũng đề cập một số vấn đề cần giải quyết: “Ở vùng sâu vùng xa, phải bố trí đảm bảo phòng học cho trẻ, xóa dần những điểm học nhờ, học tạm. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, vẫn còn hơn 100 lớp phải mượn phòng của trường tiểu học, những phòng họp của nhà văn hóa, nhà cộng đồng, cho học sinh học. Đối với bậc mầm non, cũng không thể “dạy chay” được, phải sử dụng dụng cụ học tập. Sáng đi làm, các cô phải chở đồ dùng đi chiều chở về, mỗi lần đến hội họp, lại phải dọn dẹp đồ dùng, dụng cụ để trả lại phòng. Mượn như vậy sẽ rất khó khăn với cả cô và trò.

Còn ở những vùng thuận lợi thì cần đẩy mạnh xã hội hóa, lấy biên chế bù đắp cho vùng khó. Và cần có văn bản hướng dẫn, thực hiện xã hội hóa từng phần, nếu không cũng rất khó khăn”.

Chú trọng chất lượng

TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục - cho rằng: “Lợi ích của việc lùi độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non là vô cùng lớn. Cho trẻ đi học càng sớm, trẻ sẽ được tiếp cận giáo dục sớm, các cô giáo sẽ rèn trẻ vào nền nếp, giáo dục kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Hiện nay, vẫn còn một số gia đình, tâm lý phụ huynh muốn để con ở nhà vì có điều kiện chăm sóc, nhưng như vậy là tước đi một quyền lợi rất quan trọng của con mình. Trẻ đi học, không chỉ được học hỏi từ các cô mà còn được vui chơi với bạn bè, trẻ cũng sẽ ít xem tivi, không chơi điện thoại nhiều… rất nhiều lợi ích.

Bên cạnh vấn đề phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non nhắm đến vận động trẻ đi lớp, còn phải chú trọng đến, nội dung và chương trình học cho trẻ mầm non đã thực sự ổn chưa. Thậm chí, ở một số giáo viên, vẫn còn có quan niệm hết sức sai lầm, khi trẻ không làm được thì cô làm hộ, như vậy sẽ phá hỏng khả năng tư duy của trẻ”

C.M