Thăm đại dương thu nhỏ giữa lòng Hà Nội

Thăm đại dương thu nhỏ giữa lòng Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
“Đại dương” này có 40 50 loại san hô khác nhau mà giới chơi san hô khó có thể tìm thấy.

Sau 7 tháng kỳ công “săn” san hô, cá biển trên các trang mạng nước ngoài rồi nhập về nuôi, hiện anh Nguyễn Bảo Trung (35 tuổi, ngõ 166, phố Kim Mã, Q. Ba Đình, Hà Nội) đang sở hữu một đại dương thu nhỏ giữa lòng Hà Nội. Bắt đầu chơi từ 2006, anh Trung dần dần tìm hiểu, tham gia vào hội sinh vật, cá cảnh biển Hà Nội rồi “nghiền” từ lúc nào không hay.

Cuối năm 2011, từ khi biết đến loại san hô cứng trên một số trang mạng nước ngoài, đêm nào anh Trung cũng thức để vào đó “săn” san hô rồi đặt mua qua mạng. “San hô cứng đắt nhất có giá 7 triệu đồng, nuôi chừng 6 tháng thì lớn. Mỗi lần nhập san hô của tôi tính theo từng con, có khi đến vài tháng tôi mới mua được một loại san hô mới. Khi mua, con san hô bé như que diêm, người chơi sẽ tự cấy cho bám chân”, anh Trung nói.

Sự kiện - Thăm đại dương thu nhỏ giữa lòng Hà Nội

Anh Nguyễn Bảo Trung và bể san hô độc nhất vô nhị

Anh cho biết, thú vị hơn cả là những lúc nhấp nháp chén trà nóng và ngắm bể san hô, cá cảnh biển. Tầng một của gian nhà không quá rộng nhưng anh dành phần lớn diện tích trung tâm cho bể cá, bên cạnh là chiếc bàn uống nước loại mini. Vừa tìm đến nhà anh, cửa nhà mở toang, ánh sáng màu tím từ bể san hô làm cả căn nhà sáng loáng, bắt mắt. Ngồi trò chuyện với anh, chốc chốc, vài người hàng xóm đi ngang qua lại dừng chân, ghé vào ngắm nghía, hỏi han bể san hô của anh Trung. Có người thì chép miệng: “Ngắm bể san hô này chẳng khác nào tận mắt lặn xuống đáy đại dương”.

Anh Trung cho biết: “Bể của tôi có kích thước 1,5m, chủ yếu nuôi san hô cứng và cá biển nhập từ Indonesia, Singapore, Hàn Quốc. Các loại san hô này rất khó kiếm, khó nuôi, đỏi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ngoài ra, từ muối biển, máy lọc mước, lọc khí, đến đồ ăn cho san hô đều phải mua từ nước ngoài. Anh em trong hội sinh vật cảnh nói vui rằng tôi là người mang đại dương vào nhà.

Theo đó, thức ăn cho san hô là loại trứng hàu đông lạnh mua từ Indonesia với giá 500.000 đồng /177ml. Số thức ăn này đủ nuôi san hô trong 2 tháng. Hàng tháng, cả tiền đồ ăn cho cá biển nữa là 1 triệu đồng. Tiền điện, máy lọc, muối biển, hết chừng 5 triệu đồng. Mỗi lần nhập thức ăn ship online (đặt hàng qua mạng-PV), mấy người chung nhau mất chừng vài chục triệu đồng. Anh Trung phải mua trong vòng 6 tháng, dự trữ trong nhà. Đến lúc còn 1 tháng sử dụng lại phải đặt mua đợt mới. Muối cũng được anh Trung nhập từ nước ngoài. Trung bình 2 tháng thì dùng hết thùng 25kg, giá 1,6 triệu đồng.

Ngày nào anh Trung cũng truy cập vào những trang của nước ngoài chuyên về san hô, chỉ chờ có một loại mới là anh đặt hàng mua qua mạng. Năm 2011, anh Trung mất chi phí hơn 50 triệu đồng cho chuyến đi sang Trung Quốc để mua san hô. Nếu chuyển hàng qua đường máy bay thì giảm hơn một chút. San hô thường được nuôi cấy ở quần đảo Philippine, Indonesia, sau đó nhập qua Trung Quốc và tới tay người chơi trên khắp thế giới.

“Tôi nói vui với bạn bè rằng, nuôi bể san hô chẳng khác nào nuôi một người chạy thận. Bởi nếu chơi không đến đầu đến đuôi có khi lại giết chết san hô. Ở Hà Nội thì ít người chơi kỳ công nhưng trong Sài Gòn có người chơi bể san hô có giá lên tới 500 triệu đồng”, anh Bảo Trung kể. Khi được hỏi vì sao san hô khó nuôi, khó kiếm lại tốn kém mà vẫn nuôi, anh Trung cười xòa, bảo: Đó là đam mê.

Hiện tại, sau 6 tháng nuôi, bể san hô của anh Trung có giá lên tới 160 triệu đồng. Chưa kể đèn chiếu sáng metan nhập từ Đức có giá 10 triệu đồng, cứ 6 tháng lại phải thay một lần, đôi khi gặp sự cố, đèn mới dùng 1, 2 tháng đã hỏng. Máy bơm Đức 8 triệu đồng, thiết bị tạo sóng biển 15 triệu cùng các loại máy móc phụ trợ khác. Trong bể hiện có 40 - 50 loại san hô khác nhau mà giới chơi san hô khó có thể tìm thấy ở bất kỳ cửa hàng sinh vật cảnh nào.

Anh Trung bảo, chơi san hô như một thú vui ngấm vào máu thịt, dù tốn kém tiền của, thời gian anh cũng chẳng nề hà. Nhiều người còn cho rằng anh sính ngoại, đốt tiền vào thú chơi san hô. Tuy nhiên, với anh bảo Trung, sau những giờ làm việc, ngồi ngắm bể san hô anh lại thấy thoải mái, thích thú.

Anh Trung cho biết, hiện ở Hà Nội có chừng 3 - 4 người nuôi được một số loại san hô cứng còn lại chủ yếu là dân chơi bể thủy sinh, san hô mềm. San hô cứng là động vật khá nhạy cảm, khó nuôi, chỉ cần chỉ số nước thay đổi một chút thì san hô bị sốc.

Nói về công đoạn chăm san hô, anh Bảo Trung cho biết: “Khó nhất là việc nuôi làm sao cho san hô giữ nguyên màu tự nhiên như ở biển. Tùy thuộc vào chất lượng, nồng độ nước, nhiệt độ, ánh sáng đèn, chế độ ăn”. Anh cũng là người đầu tiên của CLB cá cảnh biển Hà Nội tự pha nước ngọt nuôi cá, vì thế các thành viên hội sinh vật cảnh thường gọi vui anh là giáo sư môn cá biển.

Yến Dương