Thảm họa sinh thái từ cái chết của các vùng biển

Thảm họa sinh thái từ cái chết của các vùng biển

Thứ 3, 23/04/2013 | 13:00
0
Do những sai lầm của con người mà sự cân bằng sinh thái tự nhiên của một số vùng biển trên thế giới đã bị phá vỡ. Quá muộn khi mà đến giờ người ta mới nhận ra sự chết dần của biển có thể kéo theo vô vàn bệnh tật và cái chết ở con người.

Khi biển biến thành bãi rác

Vào thập niên 1960, bờ biển Aral (biển hồ nước mặn nằm giữa Ouzbekistan và Kazakhstan) là một nơi sầm uất với bãi tắm trải dài và cảng cá đầy ắp tàu thuyền. Thế nhưng, giờ đây, khung cảnh đã khác. Năm 1960, nó là hồ lớn thứ tư thế giới với khoảng 68.000km² và 1.100 tỉ mét khốinước. Đến năm 2004, diện tích biển chỉ còn 17.160km 2, tương đương 25% diện tích ban đầu và vẫn tiếp tục bị thu hẹp.
 
Việt Nam Xanh - Thảm họa sinh thái từ cái chết của các vùng biển
 
Trong cùng khoảng thời gian trên, nồng độ muối của biển tăng từ 10g/lít lên 45g/lít. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ đà này, biển Aral sẽ mất hẳn chỉ sau chưa đầy chục năm nữa. Đây là hậu quả của một dự án sai lầm: biến khu vực Trung Á thành một vùng trồng bông phục vụ cho công nghiệp dệt. Để có nước tưới cho 8 triệu ha đất, người ta đã tước đi lượng nước khổng lồ của những con sông đổ vào biển Aral.
 
Trong khi nước biển ngày một cạn, bãi biển trở nên trống vắng thì tại các bệnh viện quanh vùng lại ngày càng đông nghẹt người. Dân trong vùng đến bệnh viện điều trị với đủ các loại bệnh nguy hiểm như suy thận, u tuyến giáp, tăng huyết áp, lao, viêm gan siêu vi… Đáng chú ý là tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai nhiễm độc, người bị bệnh thận, tiêu chảy kinh niên và quái thai tăng đột biến. Chỉ tính riêng bệnh lao, mỗi năm đã cướp đi 2.000 sinh mạng ở khu vực này.
 
Cứ 100.000 dân thì có 370 người mắc bệnh. Bệnh phong và dịch hạch cũng tràn lan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, tất cả bệnh tật này đều liên quan đến cái chết của biển Aral. Do khi biển cạn, mực nước lùi xa, nó đã để lại một bãi rác mênh mông chứa đầy chất thải độc hại trong đó có một lượng muối và thuốc trừ sâu khổng lồ. Những chất độc này vô tư phơi mình dưới nắng và được phát tán một cách khủng khiếp theo gió trời đi khắp nơi gieo họa cho con người.
 
Theo bà Oral Atanyazova - người đứng đầu Tổ chức phi chính phủ Perzent - đây là một thảm họa lớn gấp bội so với thảm họa nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl. 35 triệu người đã và sẽ nhiễm bệnh đủ mọi hình thức từ đất, nước, không khí và thực phẩm. Môi trường bị hủy hoại đã phá luôn đất canh tác và thế là không ai còn hy vọng vào chuyện trồng trọt chăn nuôi.
 
Khảo sát của WHO cho thấy, tất cả các nguồn nước trong khu vực này có độ mặn gấp 4 lần mức cho phép. Các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học bị lạm dụng quá mức tại các cánh đồng bông nên đã làm ô nhiễm thêm các nguồn nước. Các giếng nước đang cho ra một loại chất lỏng có nồng độ thuốc trừ sâu gấp 17 lần mức tối đa cho phép, các kênh dẫn nước thì nhiễm độc hơn mức báo động 900 lần. Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) sau khi phân chất có trong thực phẩm cá, mỡ cừu và trứng gia cầm cũng cho biết tất cả đều có nồng độ cao thuốc trừ sâu.
 
Cùng với đó, kẽm, thủy ngân và strontium hợp thành bộ ba các chất giết người, chúng tạo tỉ lệ viêm phổi tăng đến 3.000%, còn các bệnh viêm khớp tăng tới 6.000%. WHO đã cử nhiều đoàn chuyên gia đến đây và nhận thấy rằng cái chết của biển Aral đã đẩy tỉ lệ phụ nữ thiếu máu, trẻ em chết sớm ở đây lên hàng cao nhất thế giới. Biển Aral bao đời nay vốn giữ vai trò như một chiếc điều hòa không khí khổng lồ cho toàn vùng, giờ không thể tiếp tục giúp con người được nữa.
 
Từ hơn 20 năm nay, cộng đồng khoa học quốc tế đã tìm đủ mọi cách cứu biển Aral. Nhiều cơ quan như WB, UNESCO, Liên hợp quốc và Chương trình phát triển đa quốc gia đã vào cuộc. Hàng tỉ USD đã được đổ ra qua hàng chục chương trình giúp đỡ nhưng kết quả thu được vẫn không đáng kể. Thảm họa của biển Aral vẫn là thảm họa.
 
Hơn 50 hồ lớn nhỏ trong vùng châu thổ đã cạn sạch, hơn 95% đầm lầy và đất ẩm đã bị sa mạc lấn chiếm. Các hoạt động ngư nghiệp chính thức bị khai tử. Cả một vùng biển sóng dạt dào giờ chỉ còn là bãi rác đầy cát và muối. Bệnh tật tràn lan, môi trường sống ô nhiễm trầm trọng - đó là thực tế từ một thảm họa sinh thái nhân tạo được cho là lớn nhất trên hành tinh này.

Biển có thể cứu người cũng có thể giết người

Từ lâu, Biển Chết (nằm ở khu vực Trung Đông, giữa Israel và Jordan) đã là một vùng biển nổi tiếng trên thế giới với những nguồn lợi lớn chứ không tràn lan chết chóc như mọi người vẫn lầm tưởng. Là nơi thấp nhất địa cầu (410m dưới mực nước các đại dương), do vậy, không khí ở đây rất trong lành. Đặc biệt nước biển có độ mặn cao gấp 8 lần biển thường nên nó có thể khiến cho thân thể người luôn nổi trên mặt nước.
 
Theo các nghiên cứu khoa học, trong nước Biển Chết có thể tìm thấy hơn 35 loại khoáng chất khác nhau cần thiết cho sức khỏe và chăm sóc da toàn thân bao gồm magiê, canxi, kali, brôm, lưu huỳnh và iốt. Bùn và muối khoáng ở đây là một liều thần dược, đặc biệt công hiệu với tác dụng giảm đau, chữa trị hiệu quả các bệnh thấp khớp, vảy nến, nhức đầu, đau chân, co thắt cơ, nuôi dưỡng và làm mềm da.
 
Các tạp chí y học gần đây còn cho rằng Biển Chết có một khí hậu lý tưởng với không khí khô, giàu ôxy, không ô nhiễm, nhiệt độ tương đối cao ngay cả trong mùa đông, rất tốt để chữa trị các bệnh về thần kinh, huyết áp cao, phổi, dị ứng và hen suyễn. Với tính chất đặc biệt này, mỗi năm vào mùa thu và mùa xuân, hàng trăm ngàn người mắc bệnh kéo tới đây để tắm biển và chữa bệnh. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia dưỡng sinh và các bác sĩ, chỉ sau 3 tuần điều trị đã có tới 80% số bệnh nhân có được kết quả như ý.

Tuy nhiên, hiện nay Biển Chết cũng đang có những vấn đề nghiêm trọng. Sông Jourdain - sông chính đổ vào biển, đang bị tận dụng cho các hoạt động đô thị và nông nghiệp. Do vậy, lượng nước vốn được cung cấp cho Biển Chết đã giảm đáng kể nên vùng biển này đang ngày càng co lại và chết từ từ theo năm tháng. Các nghiên cứu khác cho thấy mực nước trong Biển Chết đã giảm tới 25m trong vòng 40 năm qua. Hiện, mực nước trên Biển Chết đang giảm với tốc độ 1m mỗi năm, tương đương với việc bờ biển phía Tây của biển bị trơ ra 20m mỗi năm.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng, Biển Chết có thể cũng sẽ biến mất như biển Aral vào năm 2050 nếu mực nước của nó tiếp tục hạ xuống với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Kéo theo đó là nguy cơ tuyệt diệt của nhiều loài thực, động vật bản xứ và cuối cùng, thảm họa sinh thái cũng sẽ đổ lên đầu những người dân ở quanh bờ Biển Chết. Để cứu Biển Chết, Chính phủ Israel đã có dự án đưa nước biển Địa Trung Hải vượt qua chặng đường hơn 100km bơm vào để làm loãng nồng độ muối trong nước hồ. Nhưng dự án này mới nằm trong kế hoạch, ít có khả năng được thực hiện trong tương lai gần vì quá tốn kém.

Trước mắt, theo Tổ chức Những người bạn của Trái đất tại Trung Đông, những người dân quanh vùng và du khách cần phải có ý thức chung tay cứu biển bằng những hành động thiết thực như giữ gìn vệ sinh vùng biển, nuôi dưỡng các hệ sinh thái quanh bờ biển, sử dụng tiết kiệm các nguồn nước… Tổ chức này cũng đã tiến hành nhiều cuộc vận động với chủ đề Hãy để Biển Chết được sống nhằm cố gắng cứu vãn Biển Chết. Theo họ, chỉ có sự chung tay của tất cả mọi người và sự nỗ lực của nhiều chính phủ thì may ra mới có thể ngăn chặn không để thảm họa như ở vùng biển Aral xảy ra!

Theo Sức khỏe Đời sống

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012

Thứ 5, 18/04/2013 | 08:31
Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012 vừa được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố ngày 17/4 tại Hà Nội.

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam 'lún sâu nghèo nàn'

Thứ 3, 09/04/2013 | 11:34
‘Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai ngày càng khốc liệt’.

ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu (Kỳ cuối)

Thứ 3, 09/04/2013 | 09:14
Trước diễn biến ngày càng gia tăng và mức độ ảnh hưởng khốc liệt của biến đổi khí hậu (BĐKH), các bộ ngành, địa phương vùng ĐBSCL đã lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để ứng phó, đặc biệt là ứng phó với mặn - hạn trong mùa khô năm nay và các năm tiếp theo.

Biến đổi khí hậu làm 'mọi người giống nhau về số phận'

Thứ 7, 06/04/2013 | 18:24
Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu giáo dục và phát triển Môi trường (CERED), 'trước sự đe dọa ấy (của biến đổi khí hậu), mọi người đều giống nhau về mặt số phận'.