Thâm nhập 'chợ trình độ' phục vụ 'trí thức giấy'

Thâm nhập 'chợ trình độ' phục vụ 'trí thức giấy'

Thứ 4, 13/03/2013 | 14:59
0
Giá cả cho một khóa luận tốt nghiệp hiện nay lại cực kỳ "mềm", chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đó là dịch vụ trọn gói.

Nhận làm thuê từ báo cáo đến luận văn

"Hiện tại em là sinh viên năm 4 học viện Ngân hàng. Em có khả năng viết khóa luận, chuyên đề, báo cáo thực tập, luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngân hàng, tài chính, quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nhanh, giá cả hợp lý, uy tín. Em đã từng viết nhiều khóa luận tốt nghiệp và chuyên đề tốt nghiệp nên anh chị cứ yên tâm về chất lượng. Anh chị nào có nhu cầu xin liên hệ sđt: 097933xxxx".

Những dòng quảng cáo đăng một cách công khai nhận làm thuê khóa luận, luận văn như trên dễ tìm. Không chỉ ngành kinh tế, khối ngành xã hội cũng là mảnh đất "tiềm năng" để khai thác của những người làm thuê bất hợp pháp này. "Mình đã tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội nhân văn, khả năng tổng hợp đánh giá cao, thành thạo phần mềm SPSS, yêu thích công việc nghiên cứu, làm luận văn các ngành khoa học xã hội nhân văn. Đặc biệt là luận văn các ngành Tâm lý học, Xã hội học. Mình cam kết làm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng bài viết!".

Những thông tin tìm kiếm khách hàng thuê viết báo cáo, khóa luận, luận văn được đăng tải nhan nhản trên các trang rao vặt rongbay.com, sonlacity.jaovat.com... Bất cứ "trí thức lười" nào cũng có thể "kiếm" được người "thu hoạch hộ" cả quá trình học tập của mình bằng một cú click chuột và một cuộc điện thoại liên lạc.

Xã hội - Thâm nhập 'chợ trình độ' phục vụ 'trí thức giấy'

Ảnh minh họa.

Trong vai một người cần tìm người làm khóa luận gấp, tôi đã liên lạc với chủ số điện thoại 09793xxxxx để đặt đề tài về ngành ngân hàng "Quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại trong điều kiện kinh tế khủng hoảng". Sau vài giây gọi, đầu dây bên kia đổ chuông, tiếng "alo" của giọng nam xen lẫn với tiếng đang giảng bài của một giảng viên nữ. Sau khi trao đổi nhanh về mục đích cuộc gọi, người đàn ông này thông báo sẽ gọi lại cho tôi vì anh đang ngồi trong lớp học nên không tiện trao đổi cụ thể. Đến buổi trưa, người nhận làm khóa luận tự xưng tên H. gọi điện lại để bắt đầu cuộc "mặc cả" cho giá của "tri thức". Sau khi xem xét đề tài, H. đã đưa ra giá của bài này là 1,5 triệu đồng (không bao gồm bài báo cáo) và 2 triệu đồng nếu bao gồm cả báo cáo thực tập nộp trước, xong mới viết khóa luận. Theo H. thì đề tài này làm chi tiết khoảng 2 tuần hoặc nhanh hơn tùy yêu cầu.

Để cụ thể hơn cho "lộ trình" làm việc "chuyên nghiệp" của mình, H. đưa ra một quy trình 7 bước cho việc nhận làm thuê khóa luận, bao gồm việc thỏa thuận bước đầu với khách hàng. Sau đó, chủ đề tài gửi yêu cầu, chi tiết vào email của H. đồng thời, H. gửi đề cương chi tiết cho bạn để đặt cọc tiền cam kết. H. sẽ viết, giao từng chương theo tiến độ thỏa thuận, send file qua email. Sau bước này, chủ đề tài thanh toán từng phần theo thỏa thuận qua ATM, kiểm tra lỗi, sửa theo yêu cầu từng đoạn, cả bài, chủ đề tài thanh toán hết 100% phí hỗ trợ qua ATM, giao toàn bài, kết thúc thỏa thuận qua email. Trong quá trình trao đổi, thỏa thuận, H. khẳng định sẽ đáp ứng đúng tiến độ và đảm bảo khóa luận chắc chắn sẽ đạt trên 8 điểm.

Tiếp tục liên lạc với người có tên Hạnh, quê Yên Bái, từng học tại trường ĐH KHXH&NV Hà Nội để tìm hiểu giá cả cho một khóa luận ngành Xã hội học. Tôi đưa ra đề xuất đề tài về vấn đề "Đời sống của người nhập cư ở đô thị". Hạnh tỏ ra là một người khá trách nhiệm khi hỏi rất kỹ càng về yêu cầu cũng như phạm vi mà tôi muốn khảo sát cho đề tài khóa luận tốt nghiệp ngành Xã hội học mà tôi đang có nhu cầu.

Xã hội - Thâm nhập 'chợ trình độ' phục vụ 'trí thức giấy' (Hình 2).

Quảng cáo công khai nhận làm thuê khóa luận.

Dễ như “chế tác” khóa luận?

Qua ít thời gian tôi trao đổi để "thăm dò" "trình độ" của những người nhận làm thuê khóa luận thì hầu hết những người này đều đang đi học hoặc từng học ở các trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi tôi tỏ vẻ băn khoăn với chị Hạnh về việc liệu có đáp ứng được tiến độ nộp bài khi mà chị đi làm cả ngày ở văn phòng. Chị Hạnh tỏ ra là một người có khá nhiều kinh nghiệm, lập tức trấn an tôi rằng "làm khóa luận cũng không quá khó đâu bạn ạ! Nếu bạn chưa có tài liệu mình có thể thu thập giúp bạn. Công việc văn phòng của mình cũng có nhiều thời gian rỗi, hơn nữa việc nghiên cứu là một việc mình yêu thích nên bạn có thể yên tâm về tinh thần trách nhiệm với khóa luận". Hạnh còn khẳng định là sẽ đi khảo sát trực tiếp nhưng ở quy mô nhỏ để cho tôi có kết quả không "đụng" hàng với các khóa luận khác. Tuy nhiên, tôi sẽ phải chi một số tiền thêm khoảng từ 1 triệu đến 2 triệu đồng tùy phạm vi địa lý, đối tượng mà tôi muốn thực hiện. Thời gian mà Hạnh cần để hoàn thành khóa luận từ khảo sát, xử lý số liệu đến hoàn thành chi tiết trong khoảng 1 tháng. Viện lý do cần phải cân đối tài chính, tôi hẹn sẽ liên lạc lại với Hạnh sau.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, trường ĐH Kinh Tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: "Tôi có nghe nói về hiện tượng này nhưng chưa trực tiếp bắt gặp, chưa biết quy mô của nó ra sao? Nếu hiện tượng này đúng là đang diễn ra công khai thì là một biểu hiện của cái giả dối, đối phó đang là một phần thực trạng của giáo dục đại học nước ta hiện nay. Tôi làm giáo viên hướng dẫn cho nhiều tiểu luận và luận văn tốt nghiệp ở trường đại học Kinh tế - đại học Quốc gia Hà Nội cho đối tượng học viên cao học nhưng chưa phát hiện có trường hợp nào như vậy. Sở dĩ như vậy là trong quá trình làm luận văn thầy và trò phải làm trao đổi, hướng dẫn, sửa chữa nhiều lần, từ khi xây dựng đề cương đến khi có bản thảo lần 1, lần 2 và bảo vệ trước hội đồng. Nếu đúng quy trình này thì học viên không trực tiếp làm  sẽ bị lộ ngay".

Theo những người có kinh nghiệm trong việc "chế tác" khóa luận, luận văn thì ngoài kho tài liệu hiện có ở thư viện các trường thì mạng Internet cũng là một kho tài nguyên khổng lồ của giới bán chữ. Chỉ cần lên mạng, tìm những bài viết có liên quan, copy rồi paste là xong. Thậm chí một số trang còn có rất nhiều bài làm sẵn, chỉ cần tải về chỉnh sửa chút ít là được, như: tailieu..., khohangtonghop..., trieufile... kilobooks..., choluanvan...Chính vì thế giá của các khóa luận, luận văn mới "bèo" như vậy.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là nhận thức, quan điểm, thái độ học tập của người học không nghiêm túc; học cốt để có tấm bằng để "chạy" việc, chạy chức... Chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cũng như việc làm luận văn tốt nghiệp chưa thực sự hấp dẫn, sát với thực tiễn để học viên nhận thấy nếu không trực tiếp học và làm luận văn sẽ không có kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm việc khi ra trường. Quy chế hướng dẫn làm khóa luận, luận văn và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế của giáo viên hướng dẫn, cán bộ quản lý giáo dục chưa nghiêm túc, chặt chẽ. Nếu giáo viên hướng dẫn có tâm huyết,  làm hết trách nhiệm của mình thì học viên không thể đi thuê người khác làm mà đạt điểm cao được. Thêm nữa liên quan tới quy mô và triết lý phát triển của các cơ sở giáo dục đại học. Ở những trường đại học theo triết lý phát triển theo chiều rộng, quy mô đào tạo quá lớn, mở hệ tại chức tràn lan, một giáo viên phải hướng dẫn cho hàng chục học viên mỗi năm... thì họ không có đủ thời gian để làm công việc của mình đúng quy chế.

Mối nguy, hiểm họa lâu dài cho xã hội

PGS.TS Đỗ Minh Cương, chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa doanh nghiệp và Lãnh đạo tổ chức, trường ĐH Kinh Tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng: "Để xảy ra hiện tượng này, một phần lỗi thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ngoài cơ sở giáo dục đại học. Trước hết là vai trò của Bộ GD&ĐT. Hiện tượng trên là vi phạm pháp luật, có thể truy tố theo Bộ luật Hình sự song đòi hỏi Bộ, Chính quyền địa phương, lực lượng công an cần phải hành động một cách chủ động và quyết liệt hơn. Đây là mối nguy, hiểm họa lâu dài cho xã hội. Bởi vì, những người đã bước qua được trường đại học bằng các thủ đoạn giả dối sẽ có thái độ, thói quen coi thường kiến thức và pháp luật; dùng sự học giả, bằng cấp giả và lối ứng xử "chạy chọt", mua bán kiểu đó áp dụng trong công việc, ngay cả khi họ trở thành cán  bộ, công chức cấp cao".

Hoàng Mai

Cách chức khó "tận diệt" được nạn bằng cấp giả

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Với Nghị định mới, Thủ tướng yêu cầu "trảm" những cán bộ, công chức vi phạm trong việc dùng bằng giả để thăng tiến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của quy định mới này...

HLV không cần bằng cấp vẫn cầm quân tốt

Thứ 4, 20/02/2013 | 20:24
Trên thế giới, nhiều ĐTQG lớn cũng dưới tay những vị HLV không có bằng cấp, ví dụ như Argentina dưới thời Maradona tại World Cup 2010... Vậy thực hư của câu chuyện bằng cấp của HLV là thế nào?

Bằng cấp với bạn có quan trọng không?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Các anh chị khóa trên, những người đã ra trường và đi làm từng an ủi chúng tôi: “Bằng cấp không quan trọng đâu em ơi, chủ yếu do năng lực của mình thôi”.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ bằng cấp của TGĐ Vigecam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Văn phòng Chính phủ vừa có công điện hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo có kết luận về bằng cấp của ông Nguyễn Đức Phong báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 20/8/2012.