Thâm nhập 'xưởng' sản xuất lời rao báo dạo

Thâm nhập 'xưởng' sản xuất lời rao báo dạo

Thứ 6, 08/03/2013 | 16:22
0
Tờ mờ sáng, chúng tôi theo chân hai người bán báo dạo mục sở thị chu trình "chế biến" âm thanh cho giới bán báo dạo đầy thú vị...

Thế giới của âm thanh với... 20m2  

Vào mỗi buổi sáng, hình ảnh những người đàn ông, đàn bà đi chiếc xe đạp cà tàng bán báo dạo đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Âm thanh từ chiếc xe đạp cũ, gắn loa khiến ai cũng phải chú ý. Để mục sở thị nơi làm ra những âm thanh ấy, chúng tôi đã phải rất vất vả để làm thân với hai người bán báo dạo trên phố Định Công (Hà Nội). Họ cho biết, không phải ai cũng được vào "đại bản doanh" ấy, trừ khi có người quen… bảo lãnh.

Để theo chân hai người bán báo dạo vào "đại bản doanh" của những âm thanh ấy, chúng tôi đã phải thay đổi hình dạng, đầu tóc, quần áo làm sao cho giống người đi bán báo thực thụ. Anh Trần Văn K. (quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên), người có ba năm sống ở Hà Nội với nghề bán báo dạo bật mí, "xưởng" sản xuất những âm thanh ấy là một ngôi nhà nhỏ nằm trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội).

Xã hội - Thâm nhập 'xưởng' sản xuất lời rao báo dạo

Người bán báo dạo trên các phố

Trong khi trời còn tờ mờ sáng, nhiều gia đình vẫn đang say giấc thì những người bán báo dạo đã bắt đầu công việc của mình. Với sự cơ động, những người bán báo dạo này mang theo những tiếng rao các thông tin hấp dẫn người đọc len lỏi vào từng phố to, ngõ nhỏ, vào từng khu tập thể, khu dân cư.

Từ đầu phố Tôn Đức Thắng, chúng tôi phải đi sâu và một ngõ nhỏ, chỉ rộng chừng 60cm, chỉ đủ một xe máy đi lại.  Anh K. cho biết, đây là  nơi làm việc  của ông L.T.T., ông chủ của nhưng âm thanh rao bán dao, chứ nhà của ông rất hoành tráng nằm ở đường Kim Liên mới. Theo lời kể của anh K., cứ 5h sáng hàng ngày, anh cùng khoảng gần 100 người bán báo dạo sẽ về "đại bản doanh" lấy phần ghi âm rao báo và tỏa ra khắp các "hang cùng ngõ hẻm" để "chào hàng".

Chúng tôi dừng lại ở một ngôi nhà cấp bốn, rộng khoảng 40m2, anh K. và người bạn cũng chuyên bán báo dạo tên M. vào nhà trước. Anh K. giới thiệu với ông chủ, có người bà con thất nghiệp, muốn đi bán báo buổi sáng kiếm tiền cho con ăn học. Trong ánh sáng của hai bóng đèn neon, "đại bản doanh" của trùm âm thanh bán báo dạo hiện ra trước mắt chúng tôi với đủ thứ dụng cụ thu phát ngổn ngang.

 Căn nhà 40m2 được chia ra hai phòng, phòng ngoài chứa các loại báo được mang đi bán trong ngày, phòng trong là nơi hai "phát thanh viên" đang làm việc - đó là hai người đàn ông tầm 30 tuổi đang làm những công việc cuối cùng để chỉnh sửa âm thanh rao báo. Trong căn phòng khoảng 20m2 ấy, các loại đài cassette, đầu, loa âm thanh để ngổn ngang. Anh K. bảo với tôi: "Hai người "MC" kia làm việc ở đây đã ba năm rồi, trong đó có một người từng là sinh viên trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình, ra trường không xin được việc nên làm tại đây".

Xã hội - Thâm nhập 'xưởng' sản xuất lời rao báo dạo (Hình 2).

Người đàn ông này chặn không cho người lạ vào nơi sản xuất âm thanh

Âm thanh cũng rất... chuyên nghiệp

Theo quan sát của chúng tôi, để cho ra đời chuỗi rao báo hấp dẫn hàng ngày, ê- kíp của ông L.T.T. làm việc rất... chuyên nghiệp. Tại Hà Nội, ngoài xưởng âm thanh của ông T. ở phố Tôn Đức Thắng còn có xưởng sản xuất âm thanh của ông D. ở khu vực Bạch Đằng (Chương Dương, Hà Nội). Theo một quy luật ngầm, những người làm âm thanh này chia các địa bàn để hoạt động. Xưởng âm thanh của ông L.T.T. thì hoạt động tại khu vực quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Tây Hồ; còn âm thanh lấy của "ông trùm" D. ở khu vực Chương Dương thì được giao cho những người bán báo ở khu vực Cầu Giấy, Ba Đình, Long Biên...

Theo người rao báo tên L.V.M.,  thời đại công nghệ số cũng giúp nhiều cho ê- kíp sản xuất âm thanh thảnh thơi hơn, không còn phải ngồi kì cạch suốt đêm chuẩn bị băng đài, sáng sớm phóng đến các nhà in lấy báo rồi vội vàng về nhà dàn báo đọc tin, cặm cụi viết lời quảng cáo, thu âm, in sao băng cassette… như trước. Hiện nay, để có một "bản tin sáng" với đầy đủ các thông tin trên các đầu báo ở Hà Nội, ông L.T.T. và các đồng sự chỉ cần ngồi ở nhà, nhận mail phác thảo lời giới thiệu báo của người ngồi túc trực báo sáng tại công ty Phát hành báo chí Trung ương ở phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó "thêm mắm, thêm muối" vào để cho hai MC đọc. Chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ sau là quy trình này hoàn thành. Toàn bộ quy trình cung cấp, sản xuất, xử lý và phát tán các file lời rao bán diễn ra hoàn toàn khép kín, nhanh chóng.

Xã hội - Thâm nhập 'xưởng' sản xuất lời rao báo dạo (Hình 3).

Ông L.T.T. đi ăn sáng sau khi xong việc

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ những người rao báo ở Hà Nội đến mua file âm thanh này mà những địa phương lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh cũng "đặt hàng". Không phải như ngày trước, người rao báo ngoại tỉnh phải dậy từ nửa đêm, chạy xe 30 - 40km về Hà Nội để lấy băng ghi âm, giờ đây ngồi nhà họ vẫn ung dung nhận file ghi âm qua email để 6h sáng kịp đi bán báo.

Hiện nay, những người bán báo dạo không còn sử dụng những đài cassette lạc hậu mà chuyển sang dùng thiết bị hiện đại, gọn nhẹ hơn là đầu phát mi ni có khe cắm trực tiếp thẻ nhớ, USB (ổ cứng di động). Anh V.D. - một người có thâm niên năm năm bán báo dạo cho biết: "Ngày trước, dùng đài catssette nên rất bất tiện, mỗi khi băng hết, chúng tôi phải quay đầu băng để phát tiếp lời rao báo. Hiện nay chỉ cần dùng một đầu phát mi ni và một thẻ nhớ là được. Mỗi khi đến lấy báo, chúng tôi chỉ cần cắm thẻ nhớ vào máy tính của ông chủ, sau đó sẽ có toàn bộ âm thanh với những thông tin nóng sốt từ các số báo ra trong ngày...".

Mỗi người đến lấy file ghi âm tại phố Tôn Đức Thắng đều phải trả 100.000 đồng cho mỗi đầu người. Nhiều người cho biết, sau một thời gian bán báo dạo bằng cách đi bộ các phố không hiệu quả, chuyển sang dùng những âm thanh rao báo bán chạy hẳn, vì người dân có thể biết được các thông tin nóng và mới.

Khi các công việc đã "hòm hòm", ông L.T.T. đứng dậy ngồi lên chiếc xe phân khối lớn nói vọng vào với các "đệ tử" của mình: "Các chú làm tiếp đi nhé, anh đi ăn sáng đã, có gì thì alô cho anh...". Trong khi đó, những người đến lấy file âm thanh xong công việc sao chép, đã tỏa đi các con phố, ngõ ngách để đưa những thông tin đến bạn đọc...                        

Lạc Thành

Thâm nhập chuyến đi 'săn'... đặc sản vùng cao

Thứ 2, 28/01/2013 | 08:32
Lạp sườn hun khói, thịt gác bếp - món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Tây Bắc đang được giới sành ăn Hà thành đánh giá rất cao. Đặc trưng từ cách làm cho tới hương vị của nó khiến bất kì ai thưởng thức đều trầm trồ, khen ngợi. Và, trong chuyến công tác nơi rẻo cao Yên Bái gần đây nhất, tôi cũng không bỏ lỡ dịp đi... "săn" đặc sản.

Phóng viên thâm nhập thế giới siêu phá khóa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Đối với những “cao thủ” trong thế giới phá khóa, điểm chung của các loại khóa, dù đắt hay rẻ chính là đều bị khuất phục một cách dễ dàng.

Thâm nhập 'lò' rượu có màu xanh ngọc

Thứ 2, 25/02/2013 | 15:53
Giữa muôn vàn các loại rượu, có một thứ rượu có màu xanh ngọc huyền diệu của vùng đất biển Vũng Tàu được nấu từ các vị thuốc bắc bí truyền vẫn được xem như một món quà quý, một danh tửu, một thang thuốc quý cho sức khỏe của giới ẩm tửu. Đó là rượu Áp Xanh làm chếnh choáng lòng người. Và những giai thoại về nguồn gốc, công thức nấu loại rượu này vẫn là điều bí ẩn hấp dẫn người đời.

Thâm nhập thế giới của “dân chơi pờ rồ”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Mới xuất hiện được dăm tháng, "ke" (ketamin một loại ma túy tổng hợp) được suy tôn như một vị chúa tể uy quyền trị vì khắp đám dân chơi.

Thâm nhập thế giới cà phê "mát gần" giữa lòng Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Ở Sài Gòn, khi ra đường, dân chơi thời hiện đại phân biệt hai đẳng cấp. Dân "quý tộc" nói chung thường tìm đến vũ trường, quán bar để nốc rượu mạnh, nhảy nhót, dân chơi choai choai dạng "cậu ấm, cô chiêu" con nhà giàu muốn "mau phê và phê dai" thì lại vừa nốc rượu mạnh vừa… "cắn thuốc", "đập đá" tức hít khói của một loại ma túy mới được gọi là "thuốc lào Ả Rập".