"Thần dược" siêu tạo nạc và những "chiêu" bán hàng lập lờ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Thông tin thịt siêu nạc có chứa chất độc nhóm Beta Agonist xuất hiện trên thị trường khiến người tiêu dùng thêm một lần hoang mang, lo sợ. Người tiêu dùng đặt câu hỏi Beta Agonist là chất cấm vậy tại sao không truy cứu trách nhiệm của kẻ mua và người bán?

Có cả một thị trường lén lút

Những ngày qua, thông tin về thịt lợn được bày bán trên thị trường có nhiễm chất độc Clenbuterol (gốc Beta Agonist)- chất tạo nạc khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, trên thị trường có quảng cáo một số sản phẩm Sumo, Pig- More chế phẩm giúp heo lớn nhanh, nhiều nạc.

Xã hội - 'Thần dược' siêu tạo nạc và những 'chiêu' bán hàng lập lờQuản lý thị trường đang kiểm tra nhãn mác bao bì chất siêu tạo nạc tại một doanh nghiệp. Ảnh: KC.

Với Pig -More, nhà sản xuất giới thiệu công dụng giúp tăng chất lượng quầy thịt, tỉ lệ nạc cao. Còn thực phẩm Sumo bổ sung nguồn dưỡng chất đặc biệt như các axít amin thiết yếu, các khoáng hữu cơ có khả năng hấp thụ cao, vitamin tổng hợp và chất tăng cường tạo nạc.

Tất cả các sản phẩm này đều có cam kết tuyệt đối không sử dụng các chất ngoài danh mục trong các sản phẩm trộn kèm với thức ăn dành cho lợn.

Một số sản phẩm Super Weight 02 và Bcomplex - C được bán chủ yếu trong thị trường Đồng Nai cũng được quảng cáo giúp lợn tăng trọng nhanh, nở mông vai, giảm mỡ... Trên mạng, nhiều công ty rao bán các chế phẩm sinh học tăng tỷ lệ nạc, cho xuất chuồng sớm từ 10- 15 ngày, giảm 1/3 khẩu phần ăn... Sản phẩm sạch không độc hại.

Cũng theo tìm hiểu của PV, trên thị trường vẫn diễn ra việc buôn bán "ngầm" các chất kích thích, kích nạc gốc Beta Agonist. Chất này được rao bán với giá chênh lệch từ 250- 500 nghìn đồng /kg.

Đó là những gói bột trắng, không nhãn mác... Chị Nguyễn Thu Ch. (một người chuyên cung cấp thuốc thú y) trên đường Trường Chinh (Hà Nội) cho biết: "Trên thị trường vẫn tồn tại việc buôn bán các chất kích thích tăng trọng ở gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, người bán "chọn mặt gửi vàng" - chỉ bán cho những khách hàng "ruột", có trang trại lớn mà thôi"". Cũng theo chị Ch. phần lớn "thần dược siêu nạc" là hàng nhập lậu nên được bán lén lút và lập lờ công dụng.

"Tội ác" vẫn hoành hành vì xử phạt quá nhẹ

Theo các chuyên gia, câu chuyện người kinh doanh "chất cấm" vẫn ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng cũng là điều dễ hiểu bởi chế tài xử lý còn quá nhẹ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Các chất kích thích, kích nạc gốc Beta -Agonits đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2002. Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Cao Đức Phát khi trả lời báo chí cho rằng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác chứ không đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nhưng "tội ác" ấy lại chưa được xử phạt nghiêm minh. Điều đáng nói là hiện các cơ quan chức năng chưa có sự kiểm soát chặt chẽ các khâu cả trong chăn nuôi và giết mổ. Trong khi đó, gốc Beta Agonist chỉ có thể được phát hiện khi lấy mẫu để phân tích còn mắt thường rất khó để phân biệt.

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, GS.TS Trần Đáng - Nguyên cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng: "Một điều bất cập hiện nay là chế tài xử phạt khi phát hiện chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như vụ phát hiện tại Đồng Nai, do thiếu chế tài nên cơ quan chức năng buộc phải thả đối tượng buôn bán chất cấm này và chỉ phạt với mức 6, 5 triệu đồng. Con số này quá nhỏ so với lợi nhuận thu được từ việc sử dụng chất này".

Cũng theo ông Đáng, cần kiểm soát việc sử dụng chất cấm từ gốc, tức là "chặn" ngay từ khi nhập vào Việt Nam. Bởi hầu hết chất cấm này được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Thêm nữa, quy định của pháp luật đã quy định rõ ràng về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng thực tế việc xử phạt vẫn bỏ ngỏ.

Luật sư Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Nghị định 08 của Chính phủ quy định cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt hành chính bằng tiền, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật.

Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này. Người sử dụng chất cấm có thể bị xử lý hành chính theo mức từ 10-40 triệu đồng. Bộ luật Hình sự quy định các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù từ 3-5 năm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự cho nên nhiều trường hợp vẫn cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật.

Mua cám kích nạc được... lợn siêu mỡ

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại cám tăng trọng, kích nạc ở gia súc. Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải cũng cho biết, trong thời gian ông tham gia dập dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng ở một số tỉnh, vẫn còn hiện tượng người dân "né" cơ quan chức năng, vận chuyển lợn dịch mang đi cất giấu sau đó lại "quay vòng" về các lò mổ rồi bán ra thị trường.

Việc các hộ sử dụng chất độc Beta Agonist trong nuôi lợn, kích nạc cũng vậy, sẽ xảy ra tương tự, người dân sẽ giấu lợn nhiễm độc để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Có một điều đáng lo ngại hơn, ông Khải đã từng nghe có hiện tượng người dân (Thái Nguyên) thắc mắc khi họ mua cám kích lợn siêu nạc lại thành ra lợn siêu mỡ. Điều đó cho thấy, người kinh doanh thức ăn gia súc đã sử dụng những chất độc hại liều cao gây biến đổi gen biến thịt nạc... thành mỡ.

Cuối tháng 3/2012 mới có kết quả chính thức về thịt lợn "nhiễm độc"

Mặc dù chất Beta Agonist là chất cấm nhưng kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Thú y (Bộ NN &PTNT) cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu được lấy tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm Beta -Agonits, 26% số mẫu thịt được lấy tại các lò mổ phát hiện các chất cấm này.

Con số này đã làm chấn động cả ngành chăn nuôi cũng như các chuyên gia an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cho biết phải đến cuối tháng 3 mới có kết quả chính thức vì vậy người dân không nên hoang mang.

Đọc thêm >>>

Ngân Giang