Thần tích miếu thờ Tam Vị Đại Vương triều Lý

Thần tích miếu thờ Tam Vị Đại Vương triều Lý

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Thôn Nhị Châu (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hiện còn tồn tại thần tích về Tam Vị Đại Vương là hoàng tử của triều Lý nước Việt, có công lớn giúp nước, được gia phong là thần linh ứng. Hàng năm, vào các ngày 25, 26, 28 tháng 5 âm lịch, dân làng vẫn thường tổ chức lễ hội mừng ngày sinh của ba vị như một sự tưởng nhớ, tri ân với những vị thánh của làng.

Thần tích Tam Vị Đại Vương triều Lý

Làng Nhị Châu là một làng cổ nằm trong địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội, xưa kia có tên là trang Minh Khánh, huyện Thanh Đàm, châu Thường Tín, thuộc đạo Sơn Nam. Mảnh đất này được xem là địa linh nhân kiệt, là nơi phát tích và khai thông khí thiêng của đất trời. Địa thế tương đối thuận lợi, nằm ở trung tâm một vùng đất đai trù phú và màu mỡ, người dân có truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước và truyền thống đánh giặc lâu đời.

Trong làng hiện nay vẫn còn miếu thờ Tam Vị Đại Vương và Miếu thờ đức Hoàng Hậu, mẹ của ba vị. Qua chiến tranh, bom đạn và sự tàn phá của thời gian, hai ngôi miếu cổ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Sau đó, dân làng đã cùng nhau góp công tôn tạo để hai ngôi miếu trở nên khang trang hơn.

Xã hội - Thần tích miếu thờ Tam Vị Đại Vương triều Lý

Miếu thờ Tam Vị Đại Vương triều Lý

Theo Ngọc phả còn lưu lại trong đình làng Nhị Châu có viết thần tích về Tam Vị Đại Vương như sau: Thế kỉ thứ 10, sau khi Lý Thái Tổ làm vua xây dựng đất nước, sửa sang bờ cõi, tu văn giảng võ, chính sách khoan hòa được thời bấy giờ được khen là thịnh trị. Đất nước thái bình trải qua nhiều đời, khi đó ở trang Minh Khánh có nhà hào phú họ Nguyễn tên là Thân, vợ là Đỗ Thị Quý. Vợ chồng lấy nhau đã lâu năm, tuổi ngoài 40 mà vẫn muộn mằn đường con cái, chỉ sinh vỏn vẹn được một mụn con gái. Con gái được 2 tuổi thì người chồng mắc bạo bệnh rồi qua đời. Từ đó hai mẹ con dựng một túp lều cỏ ở khu đất bên cửa làng để nấu nước chè bán mà sinh sống.

Được một năm sau thì nước ta bị giặc Chiêm Thành sang quấy nhiễu. Lúc bấy giờ có một vị khách Tàu sang buôn bán ở nước ta, gặp loạn chạy tránh qua hàng xin bà cho ở trọ. Người khách ở trọ được 1 tháng thì trở về nơi xa, khi đi có đưa vàng bạc để tạ ơn bà. Bà không lấy một đồng nào và trao trả hết cho ông ta. Người khách không biết lấy gì để tạ ơn bèn xin bà cho phép tìm một ngôi đất làm mả táng cho chồng bà là ông Nguyễn Văn Thân ở xứ Đống Bàng thuộc làng này rồi mới trở về Tàu. Mẹ con lại yên việc nấu nước bán lấy tiền nuôi nhau.

Đến khi cô con gái lên 5 tuổi thì nảy sinh tài sắc, mặt mũi phương phi, thân hình yểu điệu, nhan sắc tuyệt trần, không người thường nào sánh kịp. Đến năm 18 tuổi thì tiếng đồn về tài sắc của nàng vang đi khắp nước. Vua nghe tiếng bèn vời vào kinh đô làm cung phi hoàng hậu. Được một năm sau thì hoàng hậu sinh liền 3 năm ba vị hoàng tử (ngày 25/5 năm Bính Dần sinh ông Hoàng Một, ngày 26/5 năm Đinh Tỵ sinh ông Hoàng Hai, ngày 28/5 năm Mậu Ngọ sinh ông Hoàng Ba). Vua cho nuôi nấng chăm sóc rất chu đáo.

Đến năm ba ông lên 4, lên 5, lên 6 tuổi thì mặt mũi đều tuấn tú, hình dung cao lớn khác thường. Vua tự đặt tên cho các ông lần lượt là Nhật Quang, Nhật Chiêu, Nhật Tuấn. Ba ông đều là những bậc thông minh, tài năng trí tuệ khác thường, được bá quan văn võ trong triều nhận biết sẽ trở thành những bậc tướng tài.

Khi các hoàng tử còn trong độ tuổi niên thiếu, một lần hoàng hậu trở về thăm làng viếng tổ thì không may trúng phải cơn gió lạ, lâm bệnh rồi mất. Hôm ấy là ngày 9 tháng 10 âm lịch. Nhân dân thương xót và cung kính làm lễ ninh tang bà. Ba vị hoàng tử vội vã trở về làm lễ chôn cất điếu tang. Từ đó về sau, ba ông vẫn thường về đây chơi, cùng tráng làng luyện tập võ nghệ, rèn tài đấu sức.

Ba năm sau, vào đời vua Thuận Tôn nhà Lý lên ngôi, giặc Chiêm Thành lại một lần nữa sang xâm lược nước ta. Chúng giết hại nhân dân và cướp đoạt của cải ở các châu quận. Ba ông hoàng nghe tin liền xin triều đình tự tay đi dẹp giặc. Ba anh em chia nhau chặn đánh các ngả đường rồi hợp lại.

Hoàng tử cả đi đường thủy tiến đánh từ bên trái, trong lúc đó hoàng tử hai cũng từ đường thủy tiến đánh bên phải trận. Hoàng tử ba đi đường bộ tiến vào giữa trận chiến. Khi đã hợp quân, giặc lâm vào thế bị bao vây tứ phía. Lúc bấy giờ hoàng tử thứ 3 mới quát lên ba tiếng, tướng giặc sợ tháo chạy và cho là vị thánh sống giáng trần có oai trời xuất thế. Trận đấy giặc thua chạy tan tác, triều đình giành lại được những đất đai của cải bị cướp mất trước đó. Sau khi thắng trận, 3 hoàng tử hóa về trời.

Vua hay tin thương xót, ban lệnh cho nhân dân làm lễ an táng, sau đó cho đình thần cùng nhân dân rước về sinh quán là đất thang mộc để làm lễ ninh tang. Khi người dân rước linh cữu các ông về tới khu đất phía Bắc, địa đầu của làng thì trời đã tối. Chỉ sau một đêm, ngay chỗ đặt áo quan của các ông đã thấy mối đùn lên thành một cái gò cao.

Vua bèn cho lệnh các quan xây dựng miếu thờ các ông ngay tại đó. Hàng năm vua đều cho quan lại đến cúng bái hai kì Xuân và Thu, người lại miễn cho bản trang các việc binh lương trong 6 năm làm lệ, bao phong mỹ tự là Thượng Đẳng Thần. Ông hoàng cả được phong là Anh Minh Khoát Đạt Hùng Nghị chính trực, ông hoàng hai được phong Hoàng Hai Khoan Minh Nhân Hậu, ông hoàng Ba được phong Hoàng Ba Cương Minh Trí Lược, đồng thời với đó là nhiều tước hiệu được lưu lại trong 12 sắc phong trải qua các đời vua ban cho.

Từ đó về sau, cứ đến ngày 25, 26, 28 tháng 5 âm lịch dân làng lại tổ chức lễ hội nhằm ghi nhớ ngày sinh ba ông như một cách tưởng nhớ công ơn của những người có công với dân với nước.

Xã hội - Thần tích miếu thờ Tam Vị Đại Vương triều Lý (Hình 2).

Cụ Nguyễn Văn Tác, bậc cao niên trong thôn Nhị Châu

Địa linh phát tích khí thiêng

Theo các cụ lão nho trong làng Nhị Châu, phần đất để lập miếu cũng là nơi đặt mộ các vị đại vương chính là vùng đất phát linh nơi khí trời tụ họp. Trước kia, vào giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ 2 của lịch sử là thời kì định hình và xây dựng đất nước đã tồn tại rất nhiều luồng khí dữ đối chọi với linh thiêng quốc gia. Những luồng khí dữ này đều là do các loại tà ma ngoại đạo, các vong binh lính ngoại bang chết trận quấy nhiễu, mở các cửa ngục làm rối loạn khí nhân gian. Cũng may nhờ có vùng đất này trấn yểm và sự linh ứng phù trợ của các vị đại vương mà giữ được trật tự kỉ cương.

Cụ Nguyễn Văn Tác, 87 tuổi là bậc cao niên ở thôn Nhị Châu cho biết: Nguyên ba vị thái tử vốn là con nhà trời, khi đất nước sắp bước vào giai đoạn có biến động đã được vua cha Ngọc hoàng thượng đế cử xuống để làm việc nghĩa binh. Sau khi xong việc lớn, các vị lại được cha mẹ trên trời gọi về. Chỉ hóa về phần hồn, phần xác vẫn ở lại nhân gian để giữ an cho đất. Xét thế đất của nơi lập miếu thờ, trước kia gò đất nổi cao này tạo thành hình một vị thần kim quy có đầu và 4 chân xoay sang hướng Đông, tây, nam, bắc.

Trong chiến tranh loạn lạc và xây dựng thủy lợi về sau, vô tình các chân rùa cũng bị phá bỏ đi mất nhưng thế đất thì không mất đi. Giữa một vùng đồng ruộng bốn bề, gò đất thờ tam vị được xem như một nơi lánh mình mát mẻ, an lành. Cây cối bốn mùa xanh tốt, không cần người chăm sóc, vun bón cũng tự nhiên mà thành. Địa hình của khu đất nằm bên đầu ấp, hướng Tây chính Mão. Đất đóng đúng hình Thổ, cục Kim, bên trái có rồng bên phải có hổ, mạch chuyển từ phương Càn chuyển về. Tất cả đều châu đầu lại, đúng hướng linh thiêng truyền nghiệp, cùng với 21 ngôi đền thờ thì Minh Khánh là ngôi chính.

Sự linh hiển của tam vị đại vương cũng được các triều vua chứng. Đời vua Trần Thái Tông nước ta có giặc Nguyên vào xâm lược kinh thành bị vây hãm, Trần Quốc Tuấn vâng mệnh đi cầu đảo bách thần ở các đền, qua đền thờ ba vị cũng được hiển linh phò trợ. Sau khi bình được giặc, đức vua bèn gia phong ba vị mỹ tự là tể thế hộ quốc (giúp đời cứu nước). Các đời vua sau, mỗi lần xuất quân đều cho người đến lập đàn cầu tế xin các vị hỗ trợ cho thì đi trận nào thắng trận đó.

Đến năm 2012 là năm dân làng lập đàn cùng với lễ hội kỉ niệm ngày sinh của Tam vị đại vương để cầu khấn cho đất trời và đất nước bước vào giai đoạn thứ ba ổn định và phát triển lâu dài. Mong muốn linh khí đất trời lại một lần nữa ứng nghiệm để phò trợ cho những người tài đức giúp nước giúp dân. Đó cũng là nguyện vọng chung không chỉ của toàn thể nhân dân trong thôn, trong xã mà còn là của toàn thể đồng bào ta.

Đỗ Huệ