Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ cuối)

Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ cuối)

Thứ 6, 28/06/2013 | 16:35
0
6 người làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đều nhận được quyết định hưởng trợ cấp... giả. Oái oăm là, để nhận được quyết định giả đó, có người đã phải nộp hàng chục triệu đồng cho cán bộ ban thương binh xã. Đằng sau câu chuyện này là gì và những ai liên quan đến toàn bộ diễn biến sự việc?

15 triệu đồng “mua” 1 quyết định giả

Tháng 3/2013, ông Vũ Đức Thanh (sinh năm 1945, trú tại xóm Nam Hải - xã Bạch Long - huyện Giao Thủy - tỉnh Nam Định) làm đơn gửi các cơ quan, ban ngành của tỉnh để kiến nghị về việc ông nhận được quyết định hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng đó là quyết định giả.

> Đọc thêm: Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 1)

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ cuối)

Ông Nguyễn Anh Tuấn (người đội mũ) và ông Vũ Văn Lợi (người mặc áo trắng), những người nộp tiền cho ông Cánh.

 Được biết, ông Thanh nhận được quyết định (bản photo) hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ tháng 3/2011. Theo tờ quyết định này, ông Thanh sẽ được hưởng chế độ từ ngày 1/4/2011, với số tiền trợ cấp hàng tháng là 1.800.000 đồng. Tờ quyết định mà ông Thanh nhận được có số 2676/QĐ-LĐTBXH, có dấu của sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định và chữ ký của Phó GĐ Sở. Người giao quyết định cho ông Thanh là ông Lê Thanh Cánh, trưởng ban thương binh xã Bạch Long.

Theo phản ánh của gia đình ông Thanh, năm 2005, cán bộ xã có thông báo những gia đình có người đã từng hoạt động kháng chiến, đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ xét duyệt trợ cấp chế độ chất độc hóa học (gọi tắt là chế độ da cam). Ông Thanh đã lập hồ sơ gửi về ban thương binh xã Bạch Long. Đến năm 2007, ông có khai tiếp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách và giao hồ sơ cho ông Lê Thanh Cánh, cán bộ ban thương binh xã.

Sau khi nhận hồ sơ của ông Thanh, ông Cánh đã yêu cầu ông Thanh nộp một khoản tiền là 7.000.000 đồng làm lệ phí xét duyệt hồ sơ của ông Thanh. Ông Thanh đã nộp đủ số tiền ông Cánh yêu cầu. Trong quá trình từ năm 2007 đến năm 2011, ông Cánh đã nhiều lần yêu cầu gia đình ông Thanh bổ sung thêm kinh phí xét duyệt hồ sơ của ông Thanh. Tổng số tiền lên tới 15.000.000 đồng.

Ông Vũ Đức Thanh bức xúc cho biết: "Xã báo xuống thôn (về việc lập hồ sơ xét duyệt trợ cấp chế độ chất độc hóa học cho người hoạt động kháng chiến PV), thôn báo cho anh em chúng tôi làm hồ sơ. Làm xong, tôi gửi hồ sơ cho ban thương binh xã, qua anh Cánh. Xã có hội đồng xét duyệt hồ sơ đàng hoàng. Sau đó, tháng 10/2010, tôi cùng 8 anh em khác được thông báo là lên huyện giám định và kiểm tra hồ sơ. Tháng 3/2011, anh Cánh mang 6 cái quyết định photo (PV- quyết định hưởng chế độ) cho 6 anh em trong số 9 người đi giám định và kiểm tra hồ sơ tháng 10/2010, trong đó có tôi. Tôi với ông Trần Xuân Phưởng photo thêm một bản giữ lại. Những người khác giao lại quyết định đó cho anh Cánh để chờ quyết định có dấu đỏ. Cứ thế, quyết định mất tăm mất tích từ đó đến giờ".

> Đọc thêm: Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ 2)

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ cuối) (Hình 2).

Quyết định photo mà ông Vũ Đức Thanh nhận được.

Ông Hoàng Văn Phúc (đội 2, xóm Tân Phú, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy) kể: "Năm 2007, những người làm hồ sơ để được hưởng chế độ chất độc da cam được hướng dẫn cụ thể. Trưởng ban thương binh xã là anh Lê Thanh Cánh nói hồ sơ của chúng tôi đầy đủ hết và mỗi người phải nộp 7 triệu mới làm được, không có 7 triệu nghỉ luôn, không nói rõ chi phí gì. Số tiền 7 triệu của tôi là đi vay. Còn chế độ thì từ năm 2007 đến nay, ông Cánh cứ hẹn ngày này qua ngày khác. Tôi sang tận nhà anh Cánh giao tiền 2 lần: 1 lần 3 triệu đồng, 1 lần 4 triệu đồng. Lúc giao 4 triệu đồng có ông Trần Văn Nguyên chứng kiến".

 Theo tìm hiểu, số tiền "lệ phí" xét duyệt hồ sơ ông Cánh thu từng thời kỳ, từng người khác nhau. Năm 2007, ông Cánh thu 7.000.000 - 10.000.000 đồng/người; năm 2010 ông Cánh thu đến 12.000.000 đồng/người. Những người nộp tiền cho ông Cánh đều trong độ tuổi 60 - 70 tuổi, nhà nghèo. Họ đều có hoàn cảnh rất khó khăn, các diêm dân này chỉ kiếm được vài chục nghìn, có ngày tay trắng.

Để lo đủ số tiền 7 triệu đồng mà ông Cánh yêu cầu nộp làm lệ phí xét duyệt hồ sơ chất độc da cam, ông Vũ Văn Lợi, xóm Hoàng Tiến, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy đã phải đi thuê 4 chỉ vàng để nộp. Ông Lợi kể: "Anh Cánh bảo tôi nộp lệ phí 7 triệu là hồ sơ được ngay. Tôi đi thuê 4 chỉ vàng, bán được 7 triệu 200 nghìn đồng. Tôi nộp cho anh Cánh 7 triệu đồng, còn giữ lại 200 nghìn lẻ. Sau một thời gian, anh Cánh lại bảo tôi nộp tiếp 2 triệu 500 nghìn đồng làm lệ phí đi giám định sức khỏe, tôi cũng nộp đủ. Đến cuối năm 2010 anh Cánh lại yêu cầu tôi nộp 500 nghìn đồng lệ phí kiểm tra hồ sơ trên huyện. Từ năm đó đến năm nay, chế độ tôi chưa được hưởng, 4 chỉ vàng tôi cũng chỉ trả được lãi, chưa trả được gốc".

Xã hội - Thật - giả những bộ hồ sơ làm chế độ chất độc da cam (Kỳ cuối) (Hình 3).

Giấy giao nhận tiền và hồ sơ giữa ông Vũ Đức Thanh và ông Lê Thanh Cánh ngày mùng 9/4/2013.

"Lãnh đạo từ xã lên tỉnh không hề biết?!!"

Đó là câu trả lời của những cơ quan chức năng liên quan các cấp tỉnh Nam Định khi được hỏi về việc ông Lê Thanh Cánh, trưởng ban thương binh xã Bạch Long đưa quyết định giả hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm độc hóa học cho công dân.

Nhưng trước đó, theo phản ánh của anh Vũ Văn Hiến, con trai trưởng của ông Vũ Đức Thanh thì, ngày 08/04/2013, ông Nguyễn Hồng Khang, Chủ tịch UBND xã Bạch Long đã trực tiếp đến nhà ông Thanh xin gia đình ông Thanh bỏ qua chuyện ông Cánh cầm tiền của ông Thanh?!! Ông Khang đã yêu cầu ông Cánh trả lại số tiền 15 triệu ông Cánh cầm của ông Thanh trong vòng 5 ngày. Ngày 09/04/2013, ông Cánh đã cầm 15 triệu đồng đến đưa trả ông Thanh.

Được biết, ngoài ông Thanh còn có các ông Hoàng Văn Phúc (nộp 7 triệu đồng cho ông Cánh); Nguyễn Anh Tuấn (nộp cho ông Cánh 12 triệu đồng); Vũ Văn Lợi (nộp cho ông Cánh tổng cộng 10 triệu đồng); Trần Xuân Phưởng; Trần Xuân Chiến (nộp cho ông Cánh 10 triệu + 500 nghìn đồng), Nguyễn Văn Hùng (nộp cho ông Cánh 2 chỉ vàng + 3 triệu đồng), Nguyễn Xuân Đoạt, … (cùng ở xã Bạch Long).

Ông Nguyễn Khánh Toàn, trưởng phòng LĐTB&XH huyện Giao Thủy cho biết: "Chúng tôi đã nhận được đơn của công dân và về xã Bạch Long để xác minh sự việc. Theo xác minh thì đó là bản quyết định photo. Tuy nhiên, do công dân viết đơn gửi lên Sở, sau đó Sở báo cáo UBND tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo cho UBND huyện giải quyết, huyện đã giao cho thanh tra do vậy đến nay phòng cũng chưa biết kết quả như nào".

Về quyết định hưởng trợ cấp của ông Thanh, ông Nguyễn Văn Vinh, giám đốc sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định khẳng định: “Sở đã nhận được đơn thư của công dân phản ánh là Sở có đưa quyết định hưởng chế độ cho một công dân ở xã Bạch Long. Nhưng quyết định đó là quyết định photo. Sau khi nhận được đơn thư, Sở đã xác minh hồ sơ đó không có thực. Tôi là Giám đốc Sở và 4 Phó giám đốc không ai ký quyết định đó cả. Vì vậy, tôi khẳng định đó là quyết định không có thực”.

 Ông Nguyễn Hồng Khang, chủ tịch UBND xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cho biết: "Công an tỉnh đang điều tra việc này, nên phải theo nguyên tắc, khi nào công an làm xong thì đưa ra hướng xử lý. Về phía địa phương thì không ai chỉ đạo ông Lê Thanh Cánh làm việc này. Do ông Cánh và các ông tự làm với nhau. Đến lúc vỡ lẽ ra thì xã mới biết".

Báo Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến độc giả. 

Ông Lê Thanh Cánh, trưởng Ban thương binh xã Bạch Long:

"Vì tôi tin người quá, giờ đâm ra như này. Tôi cũng cố giúp người ta, cũng đưa hồ sơ lên huyện, tỉnh nhưng hồ sơ của một số người không đầy đủ, giờ không được thì mình cũng phải chịu thôi, chứ biết làm thế nào. Tôi cầm tiền của người ta để đi lo công việc, chứ không phải tôi cầm hết của người ta. Tôi biết làm việc này (PV - cầm tiền) là sai rồi. Việc này tôi nghĩ giúp người ta, chứ không có ai chỉ đạo. Quyết định do một ông tôi quen trên tỉnh đưa về. Ông này nói đã làm việc với Sở rồi, nên mới có quyết định. Tôi đưa tiền cho người ta, thì người ta đưa quyết định cho tôi. Giờ tất cả các cơ quan đều xác nhận đó là quyết định giả. Nếu biết đó là những quyết định giả, thì tôi chẳng đưa cho người ta nữa.

Ông  Nguyễn Duy Thanh, phó trưởng phòng Phòng LĐTB&XH huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định:

"Tất cả những người làm hồ sơ để xét duyệt chế độ hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đều không bị mất bất kỳ một khoản lệ phí nào vì đây là chính sách của Nhà nước. Phòng LBTB&XH đã phổ biến và tập huấn quy trình làm cho tất cả cán bộ ở các xã nên việc thu lệ phí như ở xã Bạch Long là vô lý".

Nhóm phóng viên điều tra

Cuộc sống người mẹ có 8 con nhiễm chất độc da cam

Thứ 7, 13/04/2013 | 14:29
Người mẹ ấy là bà Đào Thị Kiều (62 tuổi), ngụ tại xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Chất độc da cam được chôn giấu ở Hàn Quốc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Ngày 27/5, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc từ những binh lính Mỹ từng đóng tại Hàn Quốc rằng quân đội Mỹ đã chôn chất độc da cam gần 1 căn cứ của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Gặp 'em bé da cam' trong bức ảnh nổi tiếng thế giới

Thứ 2, 10/06/2013 | 13:54
Trong một dịp hoàn toàn tình cờ, cô gái khuyết tật với khuôn mặt dị dạng Nguyễn Thị Ly (ở Hà Tĩnh) hội ngộ với nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Ed Kashi.