Thầy cô bức xúc “tố” tác động của truyện tranh

Thầy cô bức xúc “tố” tác động của truyện tranh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Nhiều cô giáo cho rằng, truyện tranh không chỉ ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt suy nghĩ, phát triển tư duy ngôn từ mà còn làm lệch lạc hành động của trẻ.

Khả năng liên tưởng hạn chế

Cùng với sự phát triển của xã hội, thị trường sách truyện tranh dành cho thiếu nhi ngày càng phong phú. Trong những năm gần đây, truyện tranh trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong tủ sách của học sinh. Cô Nguyễn Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) chia sẻ: “Trẻ con thích đọc truyện tranh một phần vì hình ảnh đẹp, ngộ nghĩnh và không phải suy nghĩ nhiều”.

Xã hội - Thầy cô bức xúc “tố” tác động của truyện tranh

Rô bốt trái cây đang chi phối cuộc sống của trẻ em

Cô Thủy cho rằng, truyện tranh có nhiều quyển khá hữu ích, ví dụ như cuốn Dế mèn phiêu lưu ký. Nếu cuốn truyện này ở dạng văn viết thì những em học sinh nhỏ tuổi sẽ rất nặng nề trong việc tiếp nhận. Nhưng biến nó thành dạng hình ảnh, học sinh sẽ rất hứng thú đọc, dễ dàng tiếp nhận. Cũng như vậy, những câu chuyện lịch sử khô khan được truyền tải dưới dạng những bức tranh sinh động trong các truyện tranh lịch sử làm cho học sinh tiếp thu lịch sử tốt hơn. Dù có những ưu điểm như trên, tuy nhiên, sự tác động của truyện tranh hiện đại đến trẻ vẫn có nhiều điểm tiêu cực.

Nhìn nhận chung nhất về nội dung cũng như hình ảnh của truyện tranh hiện đại, cô Thủy cho rằng: "Nhiều cuốn truyện tranh có nội dung quá nghèo nàn. Những lời thoại của nhân vật không có tính trí tuệ cao mà chỉ đơn thuần là sự trả lời hỏi đáp. Không những vậy, ngôn ngữ được rút ngắn đến mức tối đa có thể.

Ví dụ, để thể hiện sự không đồng tình, giận dữ, người viết truyện tranh chỉ thể hiện bằng đúng một từ "hừm!". Cách thể hiện này trong truyện tranh thì có thể tạm chấp nhận được, nhưng điều đó lại không thể vận dụng vào thực tế cuộc sống. Chính việc dùng kiệm lời này tác động đến việc dùng từ của học sinh. Các em sẽ không biết diễn đạt ý nghĩ của mình, mà chỉ biết bó gọn trong những câu từ thông dụng khiến văn phong khô khan, ít sức truyền cảm”.

Đồng tình với những đánh giá của cô Thủy, cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm khối lớp 4 cho biết: "Truyện tranh ảnh hưởng rất lớn đến cách làm văn của học sinh. Nhiều học sinh viết câu văn rất ngắn, cụt lủn. Câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ. Có khi đủ thành phần câu nhưng đọc lên không gợi cảm xúc. Cũng có cháu đặt câu cụt ý hoặc chưa đủ một ý đã chấm câu. Văn phong của các cháu rất nghèo nàn, khô cứng. Bên cạnh đó, chính việc truyện tranh cung cấp hình ảnh, nên trẻ không cần phải vận dụng khả năng liên tưởng và tưởng tượng. Điều đó làm hạn chế khả năng tư duy, và sáng tạo ngôn ngữ”.

Cô Hương cũng cho biết: Truyện tranh nói chung tốt cho những học sinh ở lớp 1, 2 vì khi ấy các em cần đến tư duy trực quan hình ảnh còn đến những học sinh học lớp 4, 5 thì hình ảnh truyện và lời thoại và nội dung của câu văn cần phong phú hơn. Lớp 4, 5 có thể loại văn kể truyện. Những học sinh nào nghiện truyện tranh sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong thể loại văn này. Thể loại văn kể chuyện cũng có nhân vật và diễn biến của câu chuyện tương đối giống với các nhân vật và diễn biến câu chuyện trong truyện tranh. Yêu cầu của văn kể chuyện là kể lại nội dung câu chuyện theo cách hiểu và cách cảm nhận của học sinh. Thay vì diễn tả lại nội dung như vậy học sinh lại chỉ đi miêu tả hành động của giữa các nhân vật với nhau. Các em quên đi việc khắc họa nội tâm của nhân vật.

“Khác hẳn với những em đọc nhiều truyện tranh, những em đọc sách văn học làm văn khá tốt, ngôn từ và cách liên tưởng khá phong phú”, cô Hương nhận xét.

Nhiều cô giáo dạy văn ở cấp THCS cũng cho biết, bài văn của học sinh bị ảnh hưởng của văn hóa truyện tranh có ngôn ngữ rất khác so với học sinh khác. Trong bài văn của học sinh đó thường sử dụng nhiều từ cảm thán - điều đó không cần thiết cho bài văn nghị luận.

Ảnh hưởng đến cách hành xử của trẻ

Truyện tranh không chỉ khiến ngôn từ của trẻ hạn chế, tư duy ngôn từ nghèo nàn. Các cô giáo cũng nhận thấy, những trẻ nghiện truyện tranh sẽ ảnh hưởng nhiều đến hành động của trẻ. Trong giờ học văn, khi cô giáo Lê Thị Định Trường Năng khiếu Nam Định đang hăng say giảng bài thì ở dưới lớp có tiếng "chíu - bụp". Một học sinh đứng lên ghế vung tay theo dáng tung chưởng. Cô giáo xuống hỏi nguyên nhân hành động lạ như vậy ở trong lớp thì học sinh đó không trả lời. Nhưng nhìn trong ngăn bàn có quyển truyện tranh "Bảy viên ngọc rồng" đang mở ngỏ cô giáo đã hiểu nguyên nhân.

Xã hội - Thầy cô bức xúc “tố” tác động của truyện tranh (Hình 2).

Trong truyện tranh cũng không thiếu những hình ảnh bạo lực

Cô Nguyễn Thu Hương ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) cũng cho biết, truyện tranh ảnh hưởng đến cách hành xử của học sinh khá sâu sắc. Một em bé lớp 2 muốn giúp bạn bị ngã ở sân trường thì không nâng bạn lên luôn mà phải nói "Bùm, rô bốt trái cây xuất hiện" rồi mới đỡ bạn dậy. Cũng có em phải nói "Bùm!. Ta đến cứu ngươi đây" thì mới giúp bạn nhặt một cái bút chì dưới đất lên bàn.

Trong tủ sách của trường có tủ sách văn học và tủ truyện tranh nhưng chỉ có một số ít học sinh tự tìm đọc sách văn học. Trong giờ nghỉ giải lao, rất nhiều em tìm đọc truyện tranh. Đọc xong, nhiều bạn nối bút lại, dùng thước lắp thành hình súng bắn nhau trong lớp. Cô giáo phải tốn khá nhiều công sức mới ổn định trật tự lớp học.

Cô giáo Nguyễn Minh Tâm Trường THCS P.H.C (Hà Nội) cũng cho biết, nhiều học sinh cho rằng cách cư xử như các nhân vật trong truyện mới là cá tính và chuẩn mực. Vì thế chúng đua nhau bắt chước theo. Có khá nhiều hành động cộc cằn và không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ví dụ, trong một truyện tranh có tình huống: Người mẹ mặc váy đi siêu thị cùng cậu con trai 5 tuổi. Thấy mẹ mặc váy ngắn, cậu bé nói "mẹ mặc váy ngắn để chú ý đàn ông à".

Nhiều người cho rằng tranh ảnh và lời thoại trong các truyện tranh nước ngoài có nhiều điều không phù hợp với văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng nhiều đến ngôn ngữ và hành động của trẻ. Lý giải cho những hành động và lời thoại có phần không hợp văn hóa Việt, Nhà xuất bản Kim Đồng phân trần rằng: Khi đã mua bản quyền truyện tranh từ nước ngoài thì phải giữ nguyên không được quyền sửa chữa cho hợp với văn hóa Việt Nam.

Vì thế, bên cạnh những điều được thì độc giả đành phải chấp nhận "ăn cơm có sạn" trong những quyển truyện tranh đương đại. Khá nhiều cô giáo cho rằng, truyện tranh đang ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tư duy ngôn ngữ, cách hành văn của trẻ nhỏ. Càng những năm gần đây, sự ảnh hưởng càng sâu sắc. Đó là một thực trạng đáng báo động.

Cô giáo Nguyễn Thu Hương, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ: "Những học sinh đọc nhiều truyện tranh có vốn ngôn từ hạn chế hơn những em đọc truyện văn học. Khả năng liên tưởng, kết nối ý thường kém hơn rất nhiều. Vì thế, để giúp những em này có thể làm một bài văn hay, các giáo viên phải tốn rất nhiều thời gian hướng dẫn. Sau khi học sinh làm bài xong, giáo viên lại mất rất nhiều thời gian để sửa chữa từng lỗi của học sinh. Tuy nhiên, sửa lỗi sai thì có thể thực hiện được dễ dàng nhưng óc tưởng tượng - một tố chất để làm văn hay của mỗi người thì giáo viên không thể một sớm một chiều có thể bồi đắp".

Thành Huế