Trụ trì chùa Một Cột gửi 'tối hậu thư' kêu cứu

Trụ trì chùa Một Cột gửi 'tối hậu thư' kêu cứu

Thứ 6, 17/05/2013 | 16:35
0
Ngày 2/5 vừa qua, trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột gửi bức "tâm thư" đến UBND TP. Hà Nội về việc trùng tu, nâng cấp ngôi chùa này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử công tác trùng tu di tích văn hóa có chuyện lạ đời: Một di tích lịch sử Quốc gia phải lên tiếng kêu cứu.

Đội nón, mặc áo mưa cho... tượng Phật

Được xây dựng cách đây 964 năm, chùa Diên Hựu - Một Cột là ngôi cổ tự, danh lam thắng cảnh và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Một Cột đang dần xuống cấp. Hiện tượng xuống cấp ngày càng trầm trọng, đặc biệt vào những ngày mưa lũ.

Trong "tâm thư" trụ trì Thích Tâm Kiên bày tỏ: "Kể từ hôm nay (ngày 2/5/2013) sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ Chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát trong mùa mưa bão sắp tới”.

Xã hội - Trụ trì chùa Một Cột gửi 'tối hậu thư' kêu cứu

Rất nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp

Đây không phải là lần đầu tiên nhà chùa khẩn thiết yêu cầu cơ quan chức năng chính quyền về việc trùng tu chùa. "Tôi đã trên dưới 10 lần làm đơn đến UBND quận trùng tu, tôn tạo chùa" - Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết. Từ năm 2002, chùa có dấu hiệu xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Nhiều cột, kèo của chùa bị mục, nát; tường có dấu hiệu bong tróc và ngói thì bị sụt và đảo lộn rất nhiều. Đặc biệt, vào những ngày mưa, nước đọng và nhỏ giọt xuống dưới nền nhà khiến nhà chùa phải đội nón, mặc áo mưa cho tượng Phật.

Còn trên bàn thờ Tam Bảo thì ngày mưa luôn thường trực chậu nhựa để hứng mưa, còn ngày nắng thì che nắng dọi thẳng xuống nền nhà. Không những thế, do chùa ở vị trí thấp, địa hình lòng chảo nên mỗi khi trời mưa thường khó thoát nước và trở thành nơi tích tụ của  nhiều bùn, rác.

Được biết, thời gian trước đó, chùa đã nhiều lần được trùng tu. Vào năm 1995, Chánh điện được Nhà nước trùng tu với tổng kinh phí là 500 triệu đồng. Năm 1997, nhân Hội nghị cấp cao của cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, nhà thờ Mẫu được sửa với kinh phí 290 triệu đồng (Nhà nước tài trợ 200 triệu đồng). Năm 2002, nhà chùa thấy mái ngói sụt quá nhiều nên có đơn phản ánh lên phòng văn hóa - thông tin quận Ba Đình nhưng sau 6 năm (20/4/2008) mới có văn bản thông báo UBND quận Ba Đình là sẽ phối hợp cùng với sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội để khảo tra, xem xét trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, sự việc bị chìm vào quên lãng.

Cho đến khi gần sát Lễ kỉ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội, UBND TP. Hà Nội ra văn bản gấp rút chỉnh trang lại khuôn viên chùa Diên Hựu - Một Cột. Giai đoạn 1: Đảo ngói và làm lại đường dạo trong sân chùa, nạo vét hồ, trồng lại cây xanh với kinh phí 1,7 tỷ đồng. Giai đoạn 2: Trùng tu, tôn tạo, tái dựng lại nhà tổ và nhà tăng.

 Đại đức Thích Tâm Kiên cho rằng, việc viết "tâm thư" không có ý thách thức các cơ quan chức năng và nếu cơ quan chức năng không bắt tay tôn tạo lại chùa thì cũng không "dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu" như đã viết trong tờ trình. Song, trụ trì chùa Diên Hựu cũng khẳng định, việc viết tờ trình như hồi chuông kêu cứu của chùa Một Cột đến các cơ quan chức năng.

Còn theo ý kiến của nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền: "Đã là một công dân Việt Nam thì trước hết phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Với đơn thư của Đại đức, tôi cho rằng đó là một hành vi coi thường pháp luật. Nhà sư chỉ là người đến chùa tu hành và tham gia quản lý ở cấp cơ sở. Ngay cả ngành văn hóa muốn tu bổ, tôn tạo cũng phải hết sức thận trọng. Tu bổ di sản văn hóa khác xa tu bổ nhà cửa. Còn với trường hợp chùa Một Cột, theo tôi, các ban ngành chức năng nên đẩy nhanh việc tu bổ".

Xã hội - Trụ trì chùa Một Cột gửi 'tối hậu thư' kêu cứu (Hình 2).

Bức "tâm thư" của trụ trì Thích Tâm Kiên gửi đến UBND TP. Hà Nội

Chính quyền lên tiếng

Trước sự việc trên, chiều 8/5, UBND quận Ba Đình đã họp và bàn về vấn đề trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột. Đánh giá về thực trạng tại chùa Một Cột, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng: Chúng ta đã xuống thực tế tại chùa Một Cột và rõ ràng tình trạng xuống cấp ở đó vẫn chưa đến mức nghiêm trọng. Để có thể trùng tu công trình quan trọng như chùa Một Cột, chúng ta phải cực kỳ thận trọng. Vì khi thực hiện trùng tu dự án vừa có thể bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản và đáp ứng được nhu cầu của phật tử thập phương và nhân dân Thủ đô.

Nói về nội dung đơn của Đại đức Thích Tâm Kiên gửi UBND quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình cho biết thêm: "Chúng tôi nhận được thông tin từ phía các cơ quan báo chí và đơn của trụ trì chùa Một Cột. Với trách nhiệm là chính quyền địa phương, chúng tôi đã chỉ đạo trực tiếp Chủ tịch UBND phường Đội Cấn phải xem xét vụ việc và thực hiện đúng luật Di sản văn hoá. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo phòng Văn hoá - Thông tin xuống tận nơi khảo sát tại chùa khi  trời mưa. Phòng cùng chính quyền phường Đội Cấn xuống tuyên truyền cho nhà chùa, rằng các cấp chính quyền đang tiến hành thực hiện kế hoạch trùng tu, tôn tạo chùa. Tất cả vẫn đang nằm trong lộ trình tu bổ, tôn tạo chùa. Sẽ không có chuyện 30 ngày sau khi gửi đơn, chùa được phép hạ giải tu bổ chùa.

Lý do của phương án trùng tu chưa được hoàn thành bởi di tích chùa Một Cột nằm trong vùng quần thể di tích quốc gia đặc biệt bao gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Ba Đình, Phủ Chủ tịch… nên mọi vấn đề trong việc trùng tu, tôn tạo đều phải thông qua các cơ quan ban ngành và nhất quyết phải được tiến hành cẩn thận.

Ông Bình nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi hy vọng trước khi đăng tải thông tin nào đó các cơ quan báo chí nên đến gặp lãnh đạo quận để có thểá thông tin chính xác và khách quan".

Trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc buổi họp, ông Đỗ Viết Bình khẳng định: "Việc trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột vẫn nằm trong lộ trình của UBND quận Ba Đình. Quận vẫn đang thực hiện để phát huy đúng giá trị văn hóa của di tích cấp Quốc gia, chứ không có việc chuyện nhà chùa tự ý trùng tu di tích như viết trong đơn thư".

Dự kiến, ngày 15/5 tới UBND quận Ba Đình sẽ tổ chức Hội thảo về trùng tu, tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột.                           

Gia Lê

Mùa mưa tới, tượng Phật chùa Một Cột vẫn 'mặc áo mưa, đội nón'

Thứ 5, 16/05/2013 | 14:04
Trước 30/6, UBND quận Ba Đình sẽ trình sở VH-TT và DL Hà Nội, Cục Di sản phương án tu bổ chùa Một Cột – Diên Hựu. Nếu hai đơn vị này đồng ý mới làm.

'Chùa Một Cột phải trở thành viên ngọc thời Lý'

Thứ 5, 16/05/2013 | 08:43
GS Phan Khanh - Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: "Trọng tâm của dự án phải là chùa Một Cột, trong đó phải sửa cột chùa thành cột đá và bậc cầu thang lên chùa".

Clip: Tượng đội nón, mặc áo mưa trong Chùa Một Cột

Thứ 6, 10/05/2013 | 13:58
Như một phản xạ có điều kiện mỗi khi bầu trời có mây đen, là sư thầy và các phật tử lại tấp nập đi mặc áo mưa và đội nón cho các pho tượng trong chùa.

Hà Nội có gần 600 di tích xuống cấp

Thứ 2, 08/04/2013 | 09:04
Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Luật Di sản Văn hoá, hiện dang có gần 600 di tích bị xuống cấp.