Thầy giáo xứ Nghệ gửi 3 kiến nghị đến bộ Giáo dục và Đào tạo

Thầy giáo xứ Nghệ gửi 3 kiến nghị đến bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ 7, 05/08/2017 | 13:00
8
Qua việc đánh giá lại kỳ thi năm 2017, thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu lên những bất cập và nêu 3 kiến nghị với bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài việc điểm chuẩn của một số trường top đầu cao kỷ lục, mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017 còn xuất hiện tình huống khá “lạ” so với trước là có những thí sinh nữ dù đạt điểm tuyệt đối (30 điểm) song vẫn không đỗ vào một số ngành của các trường công an, hay một số thí sinh dù đạt 29,35 điểm vẫn “trượt” vào ngành Bác sĩ đa khoa do “thua” về tiêu chí phụ, điểm làm tròn hoặc điểm ưu tiên khu vực.

Những tình huống trên đã đặt ra nhiều điều phải suy ngẫm về cách thức xây dựng tiêu chí phụ, chính sách cộng điểm ưu tiên và đặc biệt là chuyện đề thi năm nay đã thực sự chuẩn hóa đủ để phân loại thí sinh trong xét tuyển?

Báo Người Đưa Tin đã nhận được bài phân tích khá sâu sắc, theo quan điểm riêng của ông thầy xứ Nghệ Trần Trung Hiếu xung quanh câu chuyện này. Tôn trọng những cách nhìn riêng biệt, báo Người Đưa Tin xin đăng tải bài viết:

Đa chiều - Thầy giáo xứ Nghệ gửi 3 kiến nghị đến bộ Giáo dục và Đào tạo

Thầy giáo Trần Trung Hiếu.

“Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh đạt điểm gần 30 vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học. Có trường phải lấy điểm lên tới trên 30. Đây là điều rất bất thường. Vì sao vậy? Nếu đặt một phép so sánh với Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 thì đó là điều bất thường nhưng dễ hiểu, bởi:

Thứ nhất, trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trong nhiều năm gần đây, việc thí sinh kiếm được điểm 10 cho 1 môn thi, kiếm được điểm tuyệt đối là 30 điểm cho 3 môn thi khối vào đại học là một hiện tượng hiếm hoi.

Thứ hai, trước kỳ thi THPT Quốc gia 2017 diễn ra, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định rằng, kỳ thi năm nay sẽ không còn hiện tượng “mưa” điểm 10 nữa, nhưng thực tế kết quả công bố thì không giống như Thứ trưởng khẳng định. Thậm chí là rơi vào thực trạng “bão” điểm 10 ở nhiều môn thi trắc nghiệm.

Thứ ba, điều không thể nay lại thành có thể. Nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào một số trường đại học của lực lượng vũ trang như Công an, Quân đội hay Y, Dược… dù đã đạt đến mức “đỉnh” là 30 điểm vẫn có thể trượt! Chênh nhau 0,25 điểm cũng có thể đã làm thay đổi cục diện giữa 2 thái cực trượt và đỗ.

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, bộ GD&ĐT cho rằng: “Điểm trúng tuyển cao ở một số ít ngành đào tạo có nguyên nhân chính là do phương thức xét tuyển ĐH năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được lựa chọn ngành học mà các em yêu thích chứ không phải lựa chọn trường, để có thể đỗ ĐH.

Cụ thể, với quy chế tuyển sinh năm 2017 quy định việc xét bình đẳng giữa các nguyện vọng và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất thì việc các thí sinh đổ dồn vào các ngành có tính cạnh tranh cao nhất là điều hết sức dễ hiểu”.

Tôi không tán thành cách giải thích này, hay nói cách khác đó là cách diễn giải không thuyết phục. Xét về mặt logic thì phương thức xét tuyển không bao giờ và chưa bao giờ tạo nên điểm trúng tuyển cao. Xét về góc độ thực tiễn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cũng không nên cắt nghĩa như vậy.

Căn nguyên chủ yếu dẫn đến kết quả cao “đột biến” (so với những kỳ thi quốc gia trước đó) chính là nằm ở chất lượng đề thi của những môn thi với hình thức thi trắc nghiệm. Sẽ là rất bi, hài khi thí sinh đạt 30 điểm tuyệt đối vẫn có thể trượt trường mà các em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Dư luận từng rất quan tâm đến việc năm nay xuất hiện những “cơn mưa điểm 10” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có người cho rằng, đó chỉ là thành tích “ảo”. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, đánh giá như vậy là cảm tính, thiếu công bằng.

Dư luận thế nào cũng nói được, điểm thấp thì kêu thấp, điểm cao thì kêu cao. Điểm cao thực tế phản ánh cả quá trình nỗ lực của thầy và trò trong suốt thời gian dài. Nói rằng, đó là “ảo” thì sẽ gây buồn tủi cho cả thầy và trò.

Tôi không đồng tình với ý kiến này. Trong học tập và thi cử, trí tuệ không phân phát đều cho tất cả mọi người. Năng lực tiếp thu và trình bày kiến thức của mỗi em học sinh là không giống nhau, kỹ năng xử lý và trình bày kiến thức của mỗi em cũng khác nhau. Việc các thí sinh có kết quả cao hay thấp về mặt điểm số cũng là chuyện bình thường.

Còn thấp “bất thường” hay cao “bất thường” chỉ cách nhau 1 năm học qua 1 kỳ thi là điều khác thường. Điều quan trọng là chúng ta phải đi tìm căn nguyên đầy thuyết phục để kiến giải nên các hiện tượng cao hay thấp bất thường đó.

Cũng là một môn học, môn thi, cũng một chương trình, nội dung kiến thức thi nhưng sự thay đổi hình thức thi kèm theo phương thức xét tuyển sẽ tạo nên sự thay đổi kết quả về điểm số. Năm 2016, với hình thức thi tự luận ở các môn Toán, Văn, Sử, Địa… thì việc thí sinh làm được điểm 10 là rất khó.

Năm 2017, với hình thức trắc nghiệm ở tất cả các môn thi (trừ môn Ngữ văn) thì kết quả về điểm số có sự khác biệt, khác thường. Hình thức thi cử nào cũng đều có những ưu - nhược của nó và không có hình thức nào là hoàn toàn tối ưu.

Chỉ cần so sánh kết quả điểm số của các thí sinh qua 2 kỳ thi THPT Quốc gia với 2 hình thức thi tự luận và trắc nghiệm, chúng ta không quá khó để nhận ra sự khác thường đó. Với “bão” điểm 10 năm nay, không phải tất cả những thí sinh đạt điểm 10 lại giỏi hơn những thí sinh đạt 9,75, thậm chí 9,5 điểm.

Tôi xin khẳng định “cơn bão” điểm 10 là có thật và không thể gọi là “ảo”. Vấn đề là có phải vì năm nay nhiều điểm 10 và nhiều em đạt điểm tổng tuyệt đối của 3 môn thi khối 30/30 liệu có đồng nghĩa với chất lượng học sinh năm nay giỏi hơn năm trước không ? Đó có phải là thành quả của chất lượng “thực” không?

Lâu nay, việc thi cử mà đạt điểm cao thì ai cũng mừng, cũng vui. Tuy nhiên với số lượng khá nhiều thí sinh đạt kết quả số điểm từng môn và tổng số điểm 3 môn xét tuyển vào đại học theo từng khối thi đạt ngưỡng tuyệt đối 30 điểm thì nhiều giáo viên phổ thông chúng tôi lại không thấy vui đan xen cả sự lo lắng.

Nếu kết quả điểm số của thí sinh cao như thế, một kỳ thi mà có gần 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp thì tốt nhất là nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà dồn lực cho kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Điều mà có lẽ nhiều người lo lắng nhất là số lượng chưa tương xứng với chất lượng đầu vào đại học của các thí sinh. Điều mà có lẽ cũng rất nhiều người trăn trở là căn bệnh thành tích (không chỉ riêng trong ngành giáo dục) không những bớt đi mà còn tái phát trầm trọng hơn. Và đương nhiên, chất lượng đầu vào của nhiều thí sinh như thế nào có lẽ sau 4 đến 5 năm đào tạo ở bậc đại học mới là câu trả lời chính xác nhất.

Có người hỏi lại tôi rằng: "Ông nhận xét gì về đề thi THPT Quốc gia 2017?". Kết quả điểm số của kỳ thi THPT quốc gia 2017 chính là phần trả lời hay nhất cho câu hỏi này. Còn hệ quả của kết quả đó như thế nào xin giành câu hỏi này cho các trường đại học trong quá trình xét tuyển.

Tôi cho rằng, có thể sẽ có những trường đại học do điều kiện đặc thù, họ sẽ chưa hoàn toàn tin tưởng ở kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia này, mà có thể sẽ tổ chức những cuộc thi mang tính “sát hạch” cho đầu vào của trường mình.

Có thí sinh điểm cao vẫn trượt vào ngành mình yêu thích, vì không được cộng điểm ưu tiên. Trong khi đó, có thí sinh điểm thấp hơn thì trúng tuyển do được cộng điểm.

Điều đó làm dấy lên câu hỏi: "Liệu cách cộng điểm ưu tiên có là sự công bằng đối với các thí sinh?". Điều đó sẽ dẫn tới hệ quả, các thí sinh thành phố lại trúng tuyển trường “top 2” ở quê, trong khi học sinh ở quê lại ra học trường “top đầu” ở phố.

Tôi cho rằng, do sự khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng miền, các địa phương có đặc thủ về điều kiện sống, học tập nên vẫn duy trì điểm ưu tiên, đặc biệt là các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Không nên phân biệt hay ghen tỵ với điều này.

Tôi nghĩ rằng, nếu năm 2018 vẫn là cách thi như thế này, hình thức thi như thế này và cách tuyển sinh cũng như thế này thì không những gây áp lực mà còn tạo nên sự hoang mang, lo lắng cho học sinh, phụ huynh. Bởi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, bộ GD&ĐT sẽ tăng thêm nội dung kiến thức phần lớp 11 trong đề thi. Tôi mong bộ GD&ĐT cần có một sự tổng kết để đánh giá thẳng thắn, trung thực những ưu điểm kèm theo những tồn tại qua kỳ thi THPT Quốc gia 2017 để hoạch định cho năm học 2017-2018 và chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Kiến nghị của tôi với bộ GD&ĐT

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, bộ GD&ĐT đang đối mặt với nhiều thử thách và cũng cần quá nhiều việc phải làm trong bối cảnh hiện nay.

Một thực tế của rất nhiều giáo viên các bậc học phổ thông, phụ huynh học sinh lo ngại là họ không thể bắt kịp trước nhiều sự thay đổi đến chóng mặt theo từng năm học. Đổi mới nhưng cần một sự phát triển trong sự ổn định chứ không nên gây ra sự xáo trộn, thậm chí đảo lộn.

Theo tôi, để đổi mới giáo dục, Bộ không nên quá ôm đồm cùng một lúc vạch ra và thực hiện quá nhiều Chương trình, Dự án, Đề án cải cách thiếu tính khả thi trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước. Tôi kiến nghị 3 điều:

Thứ nhất, khắc phục từng bước hậu quả những “sản phẩm” không thành công của giai đoạn trước. Những Đề án nào đã thất bại (dù có thể Bộ không muốn thừa nhận sự thất bại) mà vẫn tiếp tục triển khai thì dừng càng sớm càng tốt đỡ tốn kém ngân sách quốc gia và gây tâm lý hoài nghi, chán nản trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông.

Thứ hai, nên dồn mọi trí lực, tâm lực và tiềm lực quyết tâm thực hiện 2 việc căn cơ vừa trước mắt, vừa mang tính chiến lược: Chương trình phổ thông tổng thể và Chương trình cụ thể để kịp biên soạn, thẩm định sách giáo khoa mới và ổn định phương án thi cử từ chương trình, nội dung sách giáo khoa mới.

Thứ ba, để từng bước triển khai một cách hiệu quả 2 việc căn cơ đó, tôi thiết nghĩ bộ GD&ĐT cần biết tôn trọng và tiếp thu một cách nghiêm túc những ý kiến góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng của đội ngũ các nhà giáo có tâm, có tầm, luôn nặng lòng với ngành, với sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Mọi sự vội vã, khiên cưỡng trong cách làm, thiếu dân chủ và minh bạch trong góp ý, phản biện và triển khai theo kiểu “trên bảo dưới phải nghe” đều là mầm mống gây ra những hệ lụy không thể cân đong đo đếm. Mọi sự dân chủ, minh bạch về cách làm sẽ tạo nên sự đồng thuận của dư luận xã hội và ngược lại".

Thầy giáo Trần Trung Hiếu

 

 

 

Cùng tác giả

Sợ viễn cảnh độc quyền sách giáo khoa

Thứ 4, 20/07/2022 | 14:26
Độc quyền là nguyên nhân chính dẫn đến giá thành cao và chất lượng thấp của bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào, trong đó có sách giáo khoa.

Tướng Tô Ân Xô nói về việc "vây thầu" trong vụ bắt Chủ tịch Vimedimex

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:19
Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vimedimex, bị khởi tố do sai phạm liên quan tới đấu thầu đất đai.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Tăng thời hạn vắc-xin không ảnh hưởng chất lượng

Thứ 5, 02/12/2021 | 20:05
Ông Trần Văn Thuấn cho biết, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng.

Chuẩn bị cho nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ

Thứ 5, 02/12/2021 | 18:35
Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, tính toán, cân đối để bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

“Một số địa phương lựa chọn SGK không quan tâm đến ý kiến của cơ sở”

Thứ 3, 09/11/2021 | 18:51
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý (Đoàn Đà Nẵng) đã có trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề xã hội hoá SGK.
Cùng chuyên mục

Ai sướng hơn ai?...

Thứ 5, 28/03/2024 | 07:00
Quán cà phê vào sáng chủ nhật khá nhộn nhịp, thường vậy, hai ngày cuối tuần luôn đông hơn các ngày khác trong tuần. Lâu lắm rồi, tôi mới ngồi cà phê với bạn. Có thể do tôi có thói quen ít giao du, nên nhiều khi cả tháng không hề ngồi cà phê.

Hiểm họa… chó

Thứ 2, 25/03/2024 | 07:00
Một tờ báo vừa đưa tin cục trưởng cục Thú y Việt Nam nói: Không nơi nào (trên thế giới) chết vì bệnh dại nhiều như ở Việt Nam.

Trà đá vỉa hè

Thứ 7, 23/03/2024 | 07:00
Định nghĩa văn hóa rất đa dạng và nhiều chiều kích. Với tôi, trà đá vỉa hè là một đặc sản văn hóa của xứ Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Chuyện bay

Thứ 6, 22/03/2024 | 07:00
Hôm nọ tôi có việc bay vào Sài Gòn để nối chuyến đi nước ngoài, vé đã mua xong, yên tâm sắp xếp công việc, và cả đặt khách sạn.

Thấy gì từ các phim chiếu Tết năm 2024?

Thứ 5, 21/03/2024 | 07:00
Phim tư nhân, phim nhà nước, phim Tết “chính danh” và phim Tết không “chính danh”, đủ cả. Thế nhưng kết quả ra rạp của mỗi phim lại mỗi khác.