Thầy hiệu trưởng “ba trong một”

Thầy hiệu trưởng “ba trong một”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ngoài việc dạy học, thầy Tư còn kiêm giữ trẻ và bảo mẫu.

Khi ông Tư đem dự định xây trường học của mình ra để bàn với vợ, mặc dù bà không ngăn cản nhưng cũng rất hoang mang. Bà Tư sợ ông đã có tuổi, không kham nổi công việc này. Ông Tư cười tươi cho biết: Đối với một người đàn bà bình thường, tiền vào thì dễ nhưng tiền ra khó. Tuy nhiên, vợ tôi thì khác. Vốn liếng có được bao nhiêu, bà dành hết cho chồng mua một cái bè lớn xây nhà làm lớp dạy học. Thế rồi, một mình ông sang Biển Hồ lập trường học. Vợ con ông ở nhà vẫn tiếp tục làm việc và chi viện cho ông.

Xã hội - Thầy hiệu trưởng “ba trong một”

Phóng viên Người đưa tin (người bế đứa trẻ) chụp ảnh cùng thầy trò ông Tư

Khi đã có trường lớp, việc tiếp theo là đến vận động các gia đình cho con đi học. Một mình ông đến hết nhà này tới nhà khác để “năn nỉ” họ cho con đi học. Ông chỉ có một ý nghĩ, cho các cháu đến học để có cái chữ. Nếu có cơ hội về Việt Nam, trẻ còn biết đọc tên đường xá. Hơn nữa, việc cần làm ngay trước mắt là phải cho các cháu ngoan ngoãn, lễ phép. Lúc đó, rất ít người tin vào lòng tốt của ông Tư.

Chính vì thế, ban đầu chỉ có chừng hai, ba chục em được đến lớp. Chúng chỉ mới lên 5- 6 tuổi, chưa đủ sức làm việc để phụ giúp gia đình. Thế là hàng ngày, các gia đình đem con em đến lớp gửi thầy. Nếu biển lặng, đến trưa là tàu về, nếu biển động thì có khi đến 9-10 giờ tối cha mẹ các em mới đến đón. Thế là vô tình ông Tư kiêm luôn cả việc nấu nướng, nuôi dưỡng các em.

Đến lúc này thì vấn đề mới được nảy sinh. Vợ con ông đều cảm thấy lo lắng vì tiền nhà có hạn. Ông không thể nuôi các em hết ngày này qua ngày khác, hoặc một vài bữa rồi lại bỏ dở được. Hết tiền, ông về Việt Nam xin ở các ngôi chùa lớn, đặc biệt là chùa Hoằng Pháp. Rồi ông đi vận động ở những nơi quen biết, hội từ thiện. Người cho bao gạo, người cho tiền, suốt bảy năm qua, học sinh của ông chưa từng phải nhịn ăn một bữa.

Thấy thầy vừa dạy học vừa nuôi cơm, các gia đình cứ thế mang con em đến gửi. Lớp học mỗi ngày một đông. Về sau, chính sự tò mò về lớp học này mà nhiều khách du lịch Biển Hồ ghé thăm. Họ cũng chính là nguồn viện trợ nho nhỏ để duy trì trường học. Cũng có khi thiếu tiền, thầy Tư dẫn theo năm sáu em nhỏ vào rừng bắt ốc đem về cho học sinh ăn với cơm. Hết gạo, ông lại đi mua chịu ở các cơ sở sản xuất, có tiền lại đem đến trả. Quen mặt với ông giáo già, những doanh nghiệp này cũng xuề xòa cho thiếu thường xuyên, thậm chí bán cho giá rẻ để ủng hộ các cháu. Hết khó khăn này đến khó khăn khác, thầy trò đều vượt qua.

Nói chuyện với chúng tôi, bà Tư tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ của bà con cô bác, bạn bè và các ban ngành thì sức vợ chồng tôi không làm được cái trường này đâu”. Đó là sự giúp đỡ của ông Sáu Đầy (ông Võ Văn Đầy- phó chủ tịch hội người Campuchia gốc Việt tỉnh hội Xiêm Reap). Ông Sáu Đầy cùng ông Tư đi vận động các cơ quan, tổ chức để mở rộng trường.

Được sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Xiem Reap, Quân khu 7- (Quân đội nhân dân Việt Nam) đã hỗ trợ và tặng cho trường một nhà nổi mới gồm năm phòng học, một phòng sinh hoạt chung và một nơi làm nhà máy nước chung cho bà con ở Biển Hồ. Đến lúc này, trường học mới có được cơ sở khang trang.

Như vậy, vợ chồng ông Tư vừa phải điều hành lớp học, vừa kiêm luôn giám đốc nhà máy nước trạm trưởng trạm y tế. Công việc cứ nối hết ngày này sang ngày khác, vất vả nhưng bù lại là sự thương mến của bà con. Điều này khiến ông bà cũng có thêm được nghị lực để tiếp tục công việc của mình.

Lôi cả gia đình sang đứng lớp

Khi số lượng học sinh quá đông, trường học cũng được mở rộng thì vấn đề lại là thầy cô giảng dạy. Để tìm được những người tận tâm dạy học khó ngang lên trởi. Bởi nơi đây là một vùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Có những người sang một thời gian không chịu đựng được đành bỏ về. Ông bà Tư quyết định vận động con cháu trong nhà sang giúp mình. Tuy không được đào tạo theo chính ngành sư phạm nhưng họ đều là những người có trình độ đủ để đứng lớp. Hai người con trai và hai cô con dâu hăng hái sang giúp bố mẹ. Sau này, ông bà Tư lại có thêm cô cháu gái tốt nghiệp cao đẳng y tình nguyện sang vừa làm y tá cho bệnh xá, vừa làm giáo viên.

P.V